Một lần xem người Lự cúng vía trâu, cầu cho nhà nhà no ấm
Cúng vía trâu là một trong những phong tục độc đáo của đồng bào dân tộc Lự (còn có tên gọi khác là người Phù Lừ, Nhuồn, Duồn), được giữ gìn, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Với ý nghĩa tỏ lòng biết ơn với trâu, loài vật luôn gần gũi với con người, đã giúp cho gia chủ cày bừa được nhiều nương, nhiều ruộng, chở được nhiều thóc lúa.
Cầu mong cho trâu luôn khỏe mạnh, béo tốt, tiếp tục giúp sức cho gia đình gia chủ có được mùa màng tươi tốt bội thu, bắp ngô to, bông lúa chắc hạt, nhà nhà no ấm.
Tận mắt chứng kiến lễ cúng vía trâu do 2 nghệ nhân Tao Văn Phòng và Tao Văn Pầu, người dân tộc Lự ở bản Hon ( xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Lự, trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc diễn ra tại Sơn La.
Lễ cúng vía trâu của dân tộc Lự.
Hai nghệ nhân đã đem đến cho ngày hội những màn trình diễn cùng những lễ vật hết sức ấn tượng. Trò truyện với chúng tôi nghệ nhân Tao Văn Phòng cho biết: Tục cúng vía trâu của người Lự có từ rất lâu, do đời ông đời bà truyền lại cho con cháu đến ngày nay. Vào tháng 6 hàng năm, sau khi lo xong mùa cày cấy, gia đình có trâu đều phải tổ chức lễ cúng vía cho trâu.
Nghệ nhân Tao Văn Phòng và Tao Văn Pầu đang thực hiện lễ cúng vía trâu.
Người Lự quan niệm rằng, do cuộc sống của đồng bào Lự gắn liền với nông nghiệp, canh tác nương rẫy trồng ngô, trồng lúa nên mỗi gia đình đều phải có 1 – 2 con trâu để cày bừa, làm thay những công việc mà sức người không thể làm được. Trâu cùng con người lao động vất vả, không kể mưa nắng sớm tối, thậm chí trâu còn bị la mắng, quạt roi vào mông khi không làm vừa lòng gia chủ, đã là ảnh hưởng tổn thương đến hồn vía của trâu.
Nhưng đến khi có thành quả lao động trâu chỉ khiêm nhường ăn cỏ, rơm rạ còn gia chủ thì có thóc lúa đầy bồ, ngô đầy kho, quanh năm không bị đói. Muốn trâu luôn khỏe mạnh, béo tốt giúp cho gia chủ cày được nhiều nương, bừa được nhiều ruộng phải cúng vía giải hạn cho trâu.
Video đang HOT
Các lễ vật cúng vía trâu gồm có gà luộc, thịt lợn luộc, xôi, rượu, gạo, thóc…
Ông Phòng chia sẻ: Đối với dân tộc Lự, trâu là tài sản quý giá trong gia đình, là nguồn sức lao động quan trọng không thể thiếu. Cũng như nhiều dân tộc khác, con trâu giúp người Lự cày nương, bừa ruộng, chở thóc lúa, chở ngô… giúp cho mọi nhà có được cái ăn, cái mặc êm ấm. Qua đó nhắc con cháu rằng, có được mùa màng tốt tươi bội thu là sự góp sức không hề nhỏ của trâu nên phải biết ơn, không được bạc đãi trâu của mình.
Mâm lễ phải được làm đúng thủ tục.
“Lễ cúng phải được làm trang trọng đủ lễ vật như: 1 con gà luộc chín đặt giữa mâm và 3 sợi chỉ màu trắng đặt lên trên, 1 miếng thịt lợn luộc, 1 đĩa xôi đặt 1 quả trứng bóc vỏ lên trên, 1 trai rượu và 5 cái chõ làm bằng thân tre (2 chõ nhỏ đựng rượu, 3 chõ còn lại lớn đựng thóc, gạo và nước lã). Một thứ không thể thiếu trong mâm lễ là 1 nắm cỏ tươi và 1 – 2 cái mõ đeo vào cổ trâu. Mỗi một lễ vật có ý nghĩa riêng nhưng tựu chung lại cầu mong cho trâu luôn khỏe mạnh, béo tốt, không bị ốm, nghe lời và giúp gia chủ làm ra nhiều thóc lúa, của cải”- Nghệ nhân Tao Văn Phòng chia sẻ thêm.
Phía trên con gà cúng được đặt 3 sợi chỉ màu trắng.
Sau đó, người cao tuổi nhất trong mỗi gia đình sẽ đọc các bài khấn xin thổ địa, thần linh về thụ lễ, gia chủ sẽ báo cáo với các thần linh về mùa vụ vừa qua, công sức của trâu giúp gia chủ làm được những việc gì. Rồi cầu xin các thánh thần xua đuổi những cái xấu, cái không may mắn, cái ốm đau và đem lại những điều tốt lành, sức khỏe cho trâu. Cúng xong mời trâu ăn cỏ, uống nước sạch để tỏ lòng biết ơn trâu đã giúp gia chủ làm lụng vất vả và vụ tới mùa màng sẽ tốt tươi bội thu.
Cúng xong, trâu được thả ra đồng ăn cỏ, còn gia chủ mời anh em họ hàng, làng xóm láng giềng cùng chúc mừng ăn uống, mừng cho trâu khẻo mạnh, không bị ốm, bệnh tật.
Nghệ nhân Tao Văn Phòng.
Lễ cúng vía trâu của đồng bào dân tộc Lự mang đậm dấu ấn văn hóa của một nền văn minh lúa nước, đậm đà bản sắc dân tộc. Phong tục này không chỉ thể hiện sự coi trọng công sức của trâu đã vất vả nhọc nhằn giúp người có được thực phẩm quý hơn cả vàng ngọc, mà còn có ý nghĩa tôn vinh công sức lao động nói chung, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
Theo Danviet
Độc đáo: Bản hòa nhạc chỉ nghe tiếng cồng cộc của người Mường Phú Thọ
Những chiếc chày gỗ chắc nịch từ đôi tay rắn khỏe của người phụ nữ Mường giơ lên, giã xuống chiếc cối gỗ ( gọi là đâm đuống) nhịp nhàng, phát ra âm thanh kêu cồng cộc, cồng cộc... nghe như một bản hòa nhạc, góp phần mang đến không khí vui tươi, rộn ràng cho Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc Tây Bắc diễn ra tại tỉnh Sơn La.
Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc Tây Bắc tổ chức tại Sơn La đã thu hút đông đảo người dân các dân tộc và du khách thập phương đến thăm quan, trải nghiệm. Mỗi dân tộc đem đến cho ngày hội những nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng riêng lôi cuốn người xem, trải nghiệm, khám phá. Trong đó, phải kể đến là tục đâm đuống của người Mường Phú Thọ.
Tục đâm đuống của người Mường Phú Thọ.
Được biết, tục đâm đuống là một nét văn hóa đặc sắc của người Mường sinh sống ở Phú Thọ, Hòa Bình được lưu truyền qua nhiều thế hệ, được hình thành từ điều kiện sống lao động sản xuất của người Mường. Là cách những người phụ nữ xứ Mường dùng chày giã gạo bằng cối gỗ hình chiếc thuyền độc mộc để tách những hạt lúa ra khỏi bông.
Tục đâm đuống chủ yếu chỉ có phụ nữ tham gia.
Tục đâm đuống thường được người Mường tổ chức vào dịp tết, hội mùa, cưới xin hay dựng nhà mới, với ước muốn cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu, người dân gặp nhiều may mắn quanh năm.
Âm thanh đuống càng vang xa thì năm đó sẽ càng mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu, người người gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Tục đâm đuống rất đặc biệt bởi người tham gia chỉ có phụ nữ. Tùy theo chiều dài chiếc đuống mà các đôi chia từng cặp đứng đối diện nhau dọc theo đuống, thường thì 3 cặp trở lên, thường thì người lớn tuổi đứng trước. Mỗi người có một chiếc chày gỗ dài vừa tầm tay, giã xuống thân đuống theo nhịp, phát ra những âm thanh thú vị như một bản hòa nhạc vang khắp bản mường.
Những đôi tay khéo léo của người phụ nữ Mường tiến hành nghi thức đâm đuống.
Chị Hà Thị Vân đến từ xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) người thường tham gia trong các hội đâm đuống, phấn khởi chia sẻ: Đâm đuống là một nét văn hóa đặc sắc mang nhiều ý nghĩa của người Mường chúng tôi, nó thể hiện sự trân trọng thành quả lao động, ước muốn về cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc.
Đâm đuống luôn tạo không khí vui tươi, rộn rã, lôi cuốn nhiều người tham gia.
Còn chị Đặng Thị Bích Hậu, cho hay: Đâm đuống nhìn thì đơn gian nhưng để thực hiện rất khó, người phụ nữ phải có đôi tay khỏe vì đâm đuống có thể kéo dài cả giờ đồng hồ. Đặc biệt là phải làm đồng nhịp với người cùng tham gia.
Các chị em phụ nữ Mường tham gia đâm đuống.
Theo Danviet
Ngày hội văn hóa Tây Bắc: "Khảo cổ" những hiện vật xa xưa Những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc từ trang phục, ẩm thực, điệu múa, tiếng hát...mang đến một bức tranh đa sắc màu, lôi cuốn hàng ngàn du khách thập phương đến thăm quan, chiêm ngưỡng. Đặc biệt, đối với những ai có sở thích sưu tầm, ngắm những vật dụng ở nông thôn...