Một gia đình bán hết gia sản mua Bitcoin, giấu ví ở 4 châu lục
Didi Taihuttu bán toàn bộ đồ đạc, lấy tiền đầu tư vào Bitcoin. Giờ đây, gia đình ông bảo vệ khối tài sản của mình bằng cách giấu ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
Năm 2017, ông Didi Taihuttu, vợ và 3 người con quyết định đầu tư mọi thứ họ có vào Bitcoin. Khi đó, đồng tiền kỹ thuật số này được giao dịch ở mức 900 USD/ đồng. Khối tài sản hiện tăng gấp khoảng 50 lần và được bảo vệ cẩn mật tại nhiều địa điểm khác nhau, trải dài qua 4 châu lục.
Gia đình Taihuttu đã bán tất cả tài sản để đầu tư vào Bitcoin
“Tôi đã giấu các ví phần cứng ở vài quốc gia. Do đó, không cần phải bay quá xa để truy cập chúng một khi muốn rời khỏi thị trường”, Didi Taihuttu, người đứng đầu “gia đình Bitcoin” tiết lộ.
Taihuttu có 2 điểm giấu ví ở châu Âu, 2 chỗ khác ở châu Á, một ở Nam Mỹ và nơi cuối cùng là Australia.
Bảo vệ Bitcoin bằng mọi giá
Họ không chôn ổ cứng chứa Bitcoin xuống đất hoặc để ngoài đảo hoang như giấu kho báu từ xưa, gia đình này tiết lộ cất giữ ví theo nhiều cách khác nhau, tại một số địa điểm gồm căn hộ thuê, nhà của bạn bè và tủ đồ cá nhân.
“Tôi thích sống trong một thế giới phi tập trung, nơi tôi có trách nhiệm bảo vệ vốn của mình”, Taihuttu nói.
Theo CNBC , có nhiều cách để lưu trữ tiền mã hóa. Một số người sẽ chọn các sàn giao dịch trực tuyến như Coinbase và PayPal, trong khi những người cẩn trọng hơn có thể tự giữ trên ví phần cứng cá nhân.
Trên thị trường có các thiết bị nhỏ gọn như Trezor hoặc Ledger, cho phép người dùng cất giữ tiền mã hóa của họ một cách an toàn. Công ty tài chính Square cũng đang xây dựng một ví phần cứng và dịch vụ “giúp việc lưu trữ Bitcoin trở nên phổ biến hơn”.
Những người nắm giữ tiền mã hóa có thể lưu trữ nó trong ví “ nóng”, ví “lạnh” hoặc kết hợp cả hai. Ví nóng được kết nối với Internet, cho phép chủ sở hữu truy cập tương đối dễ dàng để giao dịch và chi tiêu. Đánh đổi sự thuận tiện này là nguy cơ tiếp xúc với các tác nhân xấu.
Video đang HOT
“Ví lạnh thường đề cập đến tiền điện tử lưu trong các phần cứng có khóa riêng – mật khẩu cho phép chuyển coin ra khỏi ví – chứa trên máy tính không kết nối internet. Do đó, tin tặc không thể xâm nhập và đánh cắp”, Philip Gradwell, chuyên gia kinh tế của công ty dữ liệu blockchain Chainalysis, cho biết.
Gradwell cho biết các sàn giao dịch cũng thường sử dụng ví lạnh để bảo vệ tiền mã hóa mà khách hàng của họ gửi vào.
Ví lạnh được xem là biện pháp giữ tiền mã hóa an toàn.
Theo báo cáo gần đây của Chainalysis, hiện có 11,8 triệu Bitcoin nằm trong tay nhà đầu tư dài hạn, 3,7 triệu bị mất, 3,2 triệu khác đang luân chuyển giữa các giao dịch và 2,4 triệu còn lại vẫn chưa được khai thác.
“Chúng tôi có thể đoán ví nào đang được lưu trữ lạnh dựa trên hành vi cụ thể, chẳng hạn như nhận lượng lớn tiền mã hóa từ nguồn duy nhất và không gửi bất kỳ ví nào trong thời gian dài cho đến khi rút ra tất cả trong một lần”, Gradwell cho biết.
Trong trường hợp của “gia đình Bitcoin”, 26% tiền điện mã hóa của họ cất trong ví nóng. Didi nói rằng ông dùng nó cho các giao dịch hàng ngày và đặt cược vào những khoản đầu tư mạo hiểm, chẳng hạn mua bán Dogecoin.
74% còn lại được cất giữ trong ví lạnh. Bên cạnh Bitcoin, họ lưu trữ cả Ethereum và một ít Litecoin nhưng từ chối tiết lộ con số cụ thể. Trong vòng 3 tuần qua, các coin này đều tăng giá trên 50%.
Chuyển việc lưu trữ Bitcoin sang ví lạnh không phải là một ý tưởng mới. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi nhiều bước hơn. “Trữ lạnh cần nhiều quyền để truy cập, cho dù nó nằm trong kho tiền ngân hàng hay được chôn trong dãy núi Andes”, Van Phu, một kỹ sư phần mềm của Floating Point Group cho biết.
Khâu nạp tiền vào các ví lạnh hiện nay rất dễ dàng, nhưng việc truy xuất chúng là một câu chuyện khác. Với Didi Taihuttu, mỗi lần muốn truy cập vào ví, ông lại phải bay đến địa điểm cất giấu chúng.
“Ngân hàng Thụy Sĩ” dành cho tiền mã hóa
Trên dãy núi Alps của Thụy Sĩ, người ta đã biến căn hầm bên trong boongke quân sự cũ thành nơi chứa tiền mã hóa. Khu vực này bị ngắt kết nối Internet, được bảo vệ bởi một đội an ninh tại chỗ, bầu trời có vệ tinh giám sát.
Hầm an toàn lưu trữ ví lạnh của Xapo.
Coinbase đã mua lại Xapo – ngân hàng kỹ thuật số sở hữu tầm tiền mã hóa này – vào năm 2019. Là một sàn giao dịch coin trực tuyến, nhưng 98% tài sản khách gửi tại Coinbase được lưu trữ trong các kho lạnh. Đây được xem là một biện pháp bảo mật quan trọng chống lại hành vi trộm cắp hoặc mất mát.
Theo chuyên gia tài chính Nic Carter, việc lưu trữ tiền mã hóa trong ví lạnh, đặt tại các hầm an toàn như vậy tương tự chôn vàng thỏi dưới nền nhà. Nó không bị kiểm soát bởi bất kỳ bên nào.
Đó cũng là lý do Didi Taihuttu không sử dụng ngân hàng hoặc bưu điện. “Tôi thấy nó quá rủi ro,” ông nói. “Điều gì sẽ xảy ra khi một trong những công ty này phá sản? Bitcoin của tôi ở đâu? Tôi sẽ có quyền truy cập? Tại sao bạn lại đặt niềm tin của mình vào tay một tổ chức tập trung”.
Ngoài ra, một số công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ ví lạnh còn cho phép khách hàng quyết định cách xử lý tài sản khi xảy ra rủi ro. “Họ có quy trình chặt chẽ đối với vấn đề thừa kế. Khi bạn qua đời, các công ty này cũng đứng ra giải quyết. Tôi thực sự tin rằng họ làm rất tốt”, Didi Taihuttu cho biết.
Mua bán Bitcoin ở Việt Nam có vi phạm luật không?
Việc sử dụng Bitcoin như một phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật, còn đầu tư Bitcoin hiện vẫn chưa có quy định điều chỉnh tại Việt Nam.
Bitcoin - đại diện cho tiền ảo (hay tiền kỹ thuật số) từ lâu được giới đầu cơ coi là loại tài sản giá trị dùng để đầu tư và "để dành", bảo vệ mọi người khỏi những bất ổn chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, điều đáng nói là đồng tiền ảo này có rất nhiều vấn đề khiến nó trở thành một loại hình đầu tư kém minh bạch.
Thời gian gần đây, Bitcoin đã tăng mạnh trở lại, và ngày càng thu hút các nhà đầu tư muốn dựa vào đồng tiền này để "kiếm lời". Với việc Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự không được pháp luật công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp, liệu các hoạt động liên quan tới tiền ảo có bị cấm tại Việt Nam?
Mua bán tiền ảo trên mạng có vi phạm pháp luật không?
Trao đổi với Dân trí , luật sư Lê Minh Trường - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Khuê, cho biết hiện Pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào điều chỉnh về vấn đề coi đồng tiền ảo và Bitcoin như một loại hàng hóa, một đối tượng để trao đổi mua bán.
Điều này có nghĩa là Nhà nước chưa công nhận giao dịch bằng tiền ảo trên mạng Internet nên khi có tranh chấp thì có thể xem đây là giao dịch vô hiệu. Nói cách khác tại Việt Nam, việc kinh doanh tiền ảo đang ở mức "không cấm cũng không cho". Việc sử dụng bitcoin như một phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật, còn đầu tư bitcoin thì vẫn chưa có quy định điều chỉnh.
Về cơ bản, tiền ảo có khả năng chuyển đổi có thể phân thành 2 loại tiền là tiền ảo tập trung và tiền ảo phi tập trung. Trong đó tiền ảo tập trung là đồng tiền có một tổ chức kiểm soát, quản lý duy nhất, tức là có bên thứ ba kiểm soát hệ thống tiền ảo đó. Tổ chức này phát hành tiền ảo, thiết lập các quy định sử dụng tiền ảo, duy trì một sổ cái ghi chép giao dịch trung tâm và có quyền thu hồi lại tiền ảo.
Trong khi đó, tiền ảo phi tập trung với điển hình là Bitcoin do không có tổ chức nào đứng ra chịu trách nhiệm và quản lý, nên có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp...
Dẫu vậy, Luật sư Trường cho biết hình thức kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam chưa được định danh rõ đó là tội rửa tiền hay không, bởi chưa thể xác định nguồn tiền mà người ta dùng để mua tiền ảo có phải là tiền bất hợp pháp hay không.
Do đó, các cơ quan điều tra tội phạm chỉ có thể khởi tố những đối tượng này về tội kinh doanh trái phép mà chưa thể khép vào tội có mức độ nặng hơn là rửa tiền.
Cấm phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo tại Việt Nam
Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền ảo là sự thể hiện giá trị dưới dạng điện tử mà giá trị này có thể giao dịch, mua bán, trao đổi bằng phương thức điện tử và có chức năng trung gian trao đổi, thước đo giá trị và tích lũy giá trị nhưng không được công nhận là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp tại bất kỳ quốc gia nào.
Tại Việt Nam, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không được pháp luật công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp, kể từ ngày 1/1/2018. Do đó, việc phát hành, cung ứng và sử dụng Bitcoin cũng như các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Ngoài ra, kinh doanh tiền ảo cũng bị coi là kinh doanh trái phép và đồng nghĩa với việc không thể được cấp giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực này.
Nếu vẫn duy trì thực hiện việc kinh doanh tiền ảo, người dân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 159 Bộ Luật hình sự năm 1999 (Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Theo Khoản 6,7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt về thanh toán không dùng tiền mặt, Bitcoin và các loại tiền ảo khác sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp.
Quy định tại Khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50 - 100 triệu đồng.
Bitcoin có thể phá cản 40.000 USD trong hôm nay? Vùng kháng cự 40.000 USD có thể bị phá vỡ khi quyền chọn mua Bitcoin hết hạn vào hôm thứ sáu (30/7). Theo dữ liệu từ Bybt.com, vào hôm nay (30/7), tổng cộng 42.850 Bitcoin hợp đồng quyền chọn trị giá 1,7 tỷ USD sẽ đáo hạn. Đây là lần đầu tiên kể từ tuần cuối tháng 5 khi hợp đồng quyền chọn...