Một đời cho con
Buổi chiều cơm nước xong, anh bắc ghế ra ngồi trước nhà. Mặt trăng lên sớm, đã ló dạng sau ngọn cây dừa. Trong nhà, dọn dẹp đâu đó xong, chị bước đến bên cái cát – xét cũ kỹ, nhấn nút, có tiếng nói phát ra.
Đó là tiếng học bài của thằng con lớn. Hồi còn ở nhà, thằng bé thường thu bài học vào băng, rồi mở ra nghe như một cách học bài. Giờ cả hai đứa con đều ở xa, mỗi khi buồn, nhớ con, anh chị lại mở ra nghe.
Anh làm bảo vệ cơ quan ban ngày, tánh anh chịu thương, chịu khó, chẳng bao giờ anh làm mích lòng ai. Suốt ngày anh quét tước, dọn dẹp, nhặt nhạnh những thứ phế thải: từ vỏ thùng carton, giấy vụn, đến những bao bì gỗ tạp về làm chất đốt, cơ quan ai cũng thương tánh anh hiền lành, chăm chỉ, tiết kiệm. Chị đi bán vé số, số tiền nhỏ nhoi kiếm được anh chị dồn hết cho hai con đi học. Được cái, thằng con lớn của anh chị học rất giỏi, chăm chỉ, biết phận con nhà nghèo, thằng bé chẳng bao giờ xin đi học thêm, suốt ngày cắm cúi hết giải bài tập ở sách toán này, đến bài tập ở sách toán khác, muốn tìm hiểu gì thêm là vào thư viện.
Tốt nghiệp phổ thông, thằng bé đậu vào Đại học Bách khoa với điểm số rất cao. Những năm tháng con học đại học, để có tiền lo cho con, anh chị lao vào nuôi heo. Chiều về, anh tranh thủ đi chở nước cơm cho chị nấu cháo heo. Một đời tiết kiệm dành dụm nuôi con, anh chị chẳng từ nan việc gì: cơ quan hay nhà ai cần giúp việc gì, anh đều đến làm để nhận những khoản bồi dưỡng nhỏ nhoi. Thậm chí, trên sân thượng cơ quan có một luống đất trồng hoa, từ lâu chẳng ai buồn để ý, cũng được anh đánh luống trồng hẹ, trồng hành… Nói chung, để có tiền cho con ăn học, anh chị chẳng nề hà một việc gì, dù khó khăn, cực nhọc đến đâu. Đứa con gái thứ hai của anh chị cũng học giỏi không kém anh, anh chị càng gắng sức hơn để nó có thể vào đại học giống như anh nó.
Thằng anh học đến năm thứ tư là lúc con em đậu tiếp vào Đại học Kinh tế. Năm năm học đại học của thằng anh rồi cũng trôi qua, với biết bao sự hy sinh của anh chị. Chị không hề biết một tấm áo mới, anh không dám hút một điếu thuốc, hay khề khà ngồi quán với ai. Thằng con đầu tốt nghiệp với tấm bằng đỏ, được nhận ngay vào làm ở một công ty lớn, đã có thể tự nuôi thân. Trong năm đầu anh chị còn phải chu cấp cho đứa con gái, đến năm thứ hai ổn định hơn, hai anh em đã có thể tự lo liệu cho nhau.
Giờ thì cuộc sống của anh chị đã thảnh thơi nhiều, những lo lắng về tiền bạc đã giảm đi, tuy vẫn còn khó khăn, nhưng không như những ngày phải nuôi cả hai con đi học ở thành phố. Nhưng, căn nhà giờ lại trống trải quá, heo cúi không nuôi nữa, lương anh cộng với tiền bán vé số hàng ngày của chị không nhiều gì nhưng cũng đủ cho anh chị chi tiêu. Những lúc thảnh thơi thế này, anh chị lại thấy nhớ con da diết. Mỗi khi nhớ con, chị lại mở những cuộn băng cát – xét ngày trước chúng học bài thu vào đó. Niềm vui duy nhất của anh chị giờ là nhận được thư của hai con, nghe hai con kể chuyện đi làm, chuyện học hành ở thành phố.
Video đang HOT
Đến giờ anh chị vẫn còn chở nhau trên chiếc xe đạp, buổi sáng anh đưa chị đến nơi lấy vé số, rồi mỗi người mỗi ngả. Trưa chị tạt qua cơ quan ăn cơm với anh, chiều anh lại đến đại lý vé số chở chị về nhà. Mọi người khen anh chị có phước, dù vẫn còn trong cảnh nghèo, nhưng nghĩ cho cùng, so với nhiều gia đình khác thì mấy ai được như anh chị? Con cái là vốn liếng to tát nhất của cha mẹ. Tài sản quý báu nhất của anh chị giờ là kiến thức của hai con, phải chăng đó cũng là một cách làm giàu của người chịu thương chịu khó: gầy dựng cho con cái nên người.
Chuyện gia đình anh bảo vệ ở cơ quan tôi là một câu chuyện có thật, hiếm thấy trong thời buổi này. Bao nhiêu người giàu có ngồi trên đống tiền chắc gì đã có được hạnh phúc như vợ chồng anh?
Theo Dantri
Đàn ông ngoại tình - bí mật chẳng bao giờ ra ánh sáng
Tôi kết hôn năm 29 tuổi và không trông chờ mình sẽ có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nhưng sau 11 năm chung sống với vợ, tôi có thể nói chưa thấy cặp vợ chồng nào sống vui được như chúng tôi thế này.
Lý do trước đó tôi không tin mình có thể có hôn nhân hạnh phúc một phần vì cuộc sống của tôi gần như bất hạnh. Mẹ tôi bị bệnh tâm lý, lớn lên bên mẹ chỉ để lại trong tôi những sợ hãi, xấu hổ và lo lắng. Tôi vẫn nhớ có lần ở giữa một đám cưới của bà con, mẹ đánh tôi thậm tệ. Khi tay mẹ tát vào tai, vào mũi, vào mồm tôi, tôi có thể nhận biết được ánh mắt của tất cả mọi người đang dán vào hai mẹ con, và tôi bối rối thay cho bà, thương cả cái thân tôi!
Sinh trưởng trong một gia đình như thế dễ khiến người ta mất đi niềm hy vọng. Bạn sẽ không thể nghĩ có điều tốt đẹp nào lại đến được với mình. Tôi cầu hôn vợ chỉ vì nghĩ cô ấy muốn tôi làm thế. Lúc ấy tôi đi công tác, còn cô ấy nói muốn một chiếc nhẫn...
Vài năm sau khi đã kết hôn, vợ mới nói rằng tôi đã hiểu nhầm ý nàng. Thực ra là cái thành phố mà hồi ấy tôi đến nổi tiếng về trang sức ngọc trai, và nàng muốn có một chiếc nhẫn ngọc trai làm quà. Tôi lại tiếp nhận thông tin của nàng như một tối hậu thư, rồi tặc lưỡi "Ừ, thì cưới!".
Với một cuộc hôn nhân bắt đầu như thế, và với tính cách của tôi, chắc chắn việc chung sống sẽ có vấn đề. Vài năm đầu hôn nhân, tôi thường xuyên cảm thấy mình khác vợ. Có lần tôi còn bảo nàng: "Đôi khi anh nghĩ rằng anh không yêu em". Lúc đó chúng tôi ngồi bên bàn ăn, nàng nhìn tôi qua gọng kính mắt, sau giây phút nàng bảo: "Em biết là anh có yêu".
- "Làm sao mà em biết được?", tôi vặn vẹo.
- "Em thấy ánh mắt anh sáng lên khi em bước vào phòng". Chỉ đến khi nàng bảo thế, tôi mới biết tôi vẫn cười mỗi khi trông thấy nàng.
Trong khoảng thời gian này, có anh bạn của tôi thú nhận là đang ngoại tình với một cô đã đính hôn và kém tuổi. Tôi hỏi chính xác là họ làm tình ở đâu. Anh ấy bảo cô kia làm việc trong ngành khách sạn nên... có phòng.
Vài tuần sau đó, cứ lúc nào gặp Tom, tên anh bạn, là chúng tôi lại nói về cô gái kia. Tôi bắt đầu tự huyễn hoặc về cô gái đó, xây dựng hình ảnh cô ấy như một ngôi sao màn bạc. Tôi tìm kiếm trên mạng, cố lục một tấm ảnh của cô ấy. Càng tưởng tượng về người đàn bà này, tôi càng thấy vợ mình kém hấp dẫn. Vợ tôi có lông chân rất sáng, cô ấy thường chỉ cạo từ đầu gối xuống. Tự dưng tôi thấy bực mình, tại sao cô ấy không cạo tất tật lên đến cả đùi đi!
Một thời gian sau khi biết chuyện Tom ngoại tình tôi có gặp vợ cậu ấy, Lauren. Lauren có nước da nhợt nhạt tới nỗi trông cô ấy còn trắng bệch hơn sau khi trang điểm. Lauren, Tom, vợ tôi - Christine, và tôi cùng ngồi ăn trong nhà hàng. Suốt bữa ăn Lauren luôn tỏ ra không hài lòng, cô ấy càm ràm Tom cả chuyện anh ấy vào nhà tắm quá nhiều. Mặt Lauren lúc nào cũng nhăn nhó, khó chịu.
Lần đầu tiên, từ buổi ăn tối hôm đó, tôi nhìn vợ mình trong thứ ánh sáng khác, nom cô ấy như người lạ. Thấy thật may cô ấy không giống Lauren. Mỗi khi tôi làm gì khiến Christine buồn, cô ấy sẽ khóc, nhưng rồi ánh mắt cô ấy sẽ thay đổi. Cô ấy hiếm khi càm ràm tôi. Tôi nhận ra vợ mình cũng là người biết đau, biết mong muốn hạnh phúc. Và tôi biết hóa ra mình có yêu vợ.
Một trong những điều phụ nữ không nhận ra chính là hầu hết đàn ông đã kết hôn đều có "văn hóa ngoại tình". Thật đấy, chúng tôi nhìn thấy chuyện ngoại tình xảy ra xung quanh mình, chúng tôi có cả đám bạn đang lừa dối vợ, chúng tôi đã đi qua những chuyến công tác trong đó bọn đàn ông rủ nhau đi bar, đi club xem nhảy thoát y, có thằng sau đó còn làm tí "tàu nhanh" hoặc hơn thế nữa. Tất cả chẳng bao giờ nói với vợ, tất nhiên, có những điều là bí mật giữa đàn ông với nhau không bao giờ bị đưa ra ánh sáng. Một phần đó là đặc điểm tính cách đàn ông hình thành từ khi còn bé: Không mách lẻo. Phần còn lại vì, nếu nói cho các bà vợ biết, ông nào ông nấy sẽ bị quản lý chặt hơn, trong khi ông nào cũng mang trong đầu ý nghĩ "chưa biết chừng ngày nào đó tôi cũng ngoại tình". Kể hết "mánh" cho vợ thì tuyệt đường rồi còn gì nữa.
Song bạn có thể tin rằng chồng, cha, hay bạn trai của mình không suy nghĩ theo cách đó. Bởi nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một trong những dự đoán mạnh mẽ nhất về việc đàn ông ngoại tình hay không ngoại tình nằm ở hai chữ "cơ hội".
Một người đàn ông cho dù muốn duy trì lòng chung thủy, anh ta vẫn có thể bị ảnh hưởng khi những người xung quanh ngoại tình. Trong đầu anh ta, ngoại tình trở thành một trang bí mật của hôn nhân, một cuộc phiêu lưu, một cuộc sống anh ta chưa được sống. Khi có cãi cọ với vợ, viễn cảnh ngoại tình có thể đến trong đầu đàn ông. Khi đời sống phòng the với vợ gặp trục trặc, trong khi bản thân biết rõ còn ối người có quan hệ thể xác ngoài hôn nhân, thì đàn ông còn muốn "sổ lồng" hơn nữa. Cãi nhau với vợ, đàn ông hẳn nhiên là không vui, và thế là anh ta nghĩ đến một lựa chọn mà mình chưa bao giờ thử... Và họ đổ lỗi cho vợ, cô ấy là lý do khiến hai người cãi cọ, cũng là lý do ngăn cản họ trước giờ không thể... thử ngoại tình...
Cho nên giờ tôi sẽ nói, người đàn ông không ngoại tình không chỉ yêu vợ lắm, mà còn rất bản lĩnh. Bản lĩnh để chống lại những cám dỗ xung quanh, bản lĩnh để trở thành người khác biệt giữa vô số đàn ông ngoại tình, bản lĩnh để không yếu lòng mỗi khi trục trặc với vợ trong cuộc sống.
Theo Dantri
Chia tay không phải là hết yêu Mong rằng em sẽ cảm nhận được tình yêu của anh và tin rằng đối với anh em là tất cả. Từng ngày, từng tháng cứ thế qua đi không hề có liên lạc của em, anh tự hỏi lúc này em thế nào? Ngốc yêu của anh vậy là đã 6 tháng trôi qua rồi. Anh không biết phải bắt đầu từ...