Một buổi trưa ở khu chợ nổi tiếng nhất Qatar
Đó là một buổi trưa không bình thường ở souq (chợ) Wagif, khu chợ kiểu Arab nổi tiếng nhất của Qatar.
Trong khi ở nhà nguyện Hồi giáo nằm trong trung tâm chợ, người ta cầu nguyện, thì ngay ở phía ngoài, cách đó chừng vài chục mét, các cổ động viên Brazil đang hò hét chụp ảnh, còn các cổ động viên Xứ Wales đang hát ca.
Các xe buýt phục vụ World Cup 2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Người đàn ông thân thiện mỉm cười với tôi và nói bằng một thứ tiếng Anh rất dễ chịu: “Cậu cứ vào trong đó mà chụp ảnh, chỉ cần tháo giày ra thôi”. Ông là người quản lý của nhà nguyện trong chợ Wagif và việc cho phép một nhà báo vào nơi linh thiêng của đạo Hồi ở 1 trong 5 buổi cầu nguyện hàng ngày ở đó hoàn toàn là một việc thú vị. “Cậu sẽ thấy chúng tôi cầu nguyện thế nào”, ông nói.
Bên trong nhà nguyện với những hàng cột trắng và được trải kín thảm trên sàn, những người đàn ông đang quỳ xuống cầu nguyện. Những người cầu nguyện đến đây mỗi lúc một đông, dép và giày bỏ phía ngoài. Họ là người bán hàng, nhân viên bốc dỡ, bảo vệ, những người lao động bình thường, và giờ là lúc họ đến với Thánh Allah, cung kính quỳ lạy về phía Thánh địa Mecca (hướng Đông Bắc) trong tiếng cầu kinh đang phát trên loa.
Cái nhà nguyện nhỏ ấy đã là trái tim tôn giáo của chợ Wagif từ nhiều năm qua. Trong nhiều thế kỷ, những “souq” hay “souk” như thế này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, kinh tế và xã hội của các nước Arab, trong đó có Qatar. Đấy không chỉ là những cái chợ, nơi người ta buôn bán và trao đổi, cầu nguyện và hành lễ trong các nhà nguyện, “souq” là nơi mà cuộc sống chảy trôi theo những cung bậc của nó, khi đóng vai trò là một không gian để trò chuyện, đối thoại.
Họ trao đổi cho nhau không chỉ hàng hóa mà còn tin tức, quan điểm. Họ gặp gỡ và chia tay. Họ đến và đi. Nhưng những cái chợ vẫn ở đó, sầm uất hơn, trải dài hơn trong thế giới Arab, từ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Bắc Phi và bán đảo Arab, với những nét kiến trúc đậm chất Hồi giáo hơn, và những tiếng cầu kinh không bao giờ mất đi mỗi ngày.
Chợ Wagif đã tồn tại gần 3 thế kỷ nay ở một khu đất cổ và vào ngày tôi đến đây, dưới cái nắng chang chang đến khó chịu của một ngày mùa Đông, tôi nhận ra sự đặc biệt của khu chợ trong cảnh quan Doha. Chợ Wagif vẫn còn những nét cổ kính của một khu chợ cổ lớn bậc nhất ngày ấy và vẻ xưa cũ của nó hoàn toàn tương phản với những cao ốc lộng lẫy và hiện đại in trên nền trời phía sau. Trong cái thế giới nho nhỏ nhưng nhộn nhịp ấy, người ta bán hầu như tất cả những gì có thể được.
Những người bán hàng trùm đầu kiểu Arab đang ngồi bên những sạp bán thảm, ngay cạnh những người Arab khác mặc kiểu Âu đang chào mời mua hàng vải của họ, những gian hàng nhỏ bán đồ thủ công, trang sức và đồ lưu niệm đứng ngay cạnh những cửa kính bày biện cơ man nào là kiếm và súng cổ, những cửa hàng bán đồ chế tác từ vàng, bạc và đồng kiêu hãnh đứng hiên ngang bên những lối đi, trong khi bỗng nhiên ta có thể ngây người khi ngửi thấy mùi thơm dậy lên từ một nhà hàng ngay trong chợ.
Cách đó không xa là những quầy hàng đặc trưng của vùng đất, những quầy bán gia vị. Người Arab thích gia vị. Họ đã là những chuyên gia trong việc mua bán và chuyên chở gia vị trong quá khứ. Khu chợ trở nên sặc sỡ bởi rất nhiều màu sắc và sinh động bởi biết bao thứ mùi.
Ở một con hẻm vắng vẻ trong khu chợ, nơi vang lên những tiếng nhạc vui vẻ, một người vận chuyển đang đẩy một chiếc xe cút kít chứa hàng đến một tiệm nhỏ. Những chiếc xe cút kít khác chưa được sử dụng được dựng lên dựa vào những tường. Những chú chim bồ câu đang đậu ở đó, không biết đến những ầm ĩ ngoài kia.
Nhiều người đã đi qua các khu chợ Hồi giáo ở Istanbul, Marrakech hay Cairo nói rằng Wagif không lớn, không còn sầm uất như những nơi ấy. Hamad, một anh chàng bán nước hoa quả người Syria, người đã sống ở Doha được 10 năm, thì nói rằng Wagif khiến anh hoài nhớ đến Al-Hamidiyah nổi tiếng ở Damascus quê anh. Nhưng những người Qatar tự hào thì khẳng định rằng Wagif của họ là nhất, và trong một thế giới đang biến đổi, nó cũng đang chuyển mình thành một khu chợ cũ mới kết hợp.
Video đang HOT
Cách khu nhà nguyện Hồi giáo đang hành lễ vài bước chân là một biểu tượng World Cup được cách điệu để cổ động viên các nước chụp ảnh hoặc nhảy múa. Những gian hàng bán đồ lưu niệm World Cup, với áo các đội bóng và cờ các nước xen lẫn với những quầy hàng bán cơ man nào là ấm chén, chai lọ và đèn cầy. Ở một góc chợ, bỗng nhiên ùa ra sau những hàng cột là rất nhiều bình shisha trong một quán ăn do người Thổ Nhĩ Kỳ làm chủ (người Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu rất nhiều nhà hàng ở Doha).
Chúng được dựng bên bờ tường, không phải để dùng ban ngày, mà là để phục vụ khách vào buổi tối, nhưng những thực khách, đa phần là người hâm mộ bóng đá đang ngồi chờ phục vụ mang đồ ăn đến bàn, có vẻ không quan tâm lắm. Họ lim dim ngồi nghe nhạc và tán gẫu dưới nắng, thưởng thức một góc World Cup không World Cup. Điều duy nhất còn thiếu ở Wagif để làm cho cuộc sống này thêm ầm ĩ có lẽ là bia.
Souq Wagif chính là nơi mà tất cả các sách du lịch về Doha khuyên du khách viếng thăm. Không ngạc nhiên khi những ngày World Cup này, màu áo của các đội tuyển sặc sỡ trên những con đường của khu chợ. Cổ động viên Anh và xứ Wales tán gẫu khi gặp nhau, cổ động viên Brazil trêu ghẹo cổ động viên Argentina, trong khi cổ động viên Nhật, vốn chẳng bao giờ ầm ĩ, bình thản chụp ảnh selfie với những người bán hàng. Trên sân bóng, họ là đối thủ của nhau, nhưng ở nơi này, họ là bạn. Khu chợ bỗng trở thành một cây cầu kết nối giữa muôn người.
Buổi cầu kinh đã kết thúc, tiếng cầu kinh trên loa cũng dứt, mọi người trở về với cuộc sống thường nhật. Người quản lý nhà nguyện lại nhìn tôi mỉm cười mãn nguyện, như thể ông vừa giác ngộ được một người gia nhập đạo Hồi…
Cảnh tượng khác lạ ở thành phố Qatar xây dựng riêng phục vụ chung kết World Cup
Còn 3 tuần nữa là đến ngày tổ chức trận chung kết World Cup, thành phố Lusail do Qatar xây mới hoàn toàn vẫn còn tương đối vắng vẻ.
Một chú mèo đi bộ trên đường phố Lusail, thành phố được Qatar xây mới hoàn toàn phục vụ World Cup và tầm nhìn dài hạn.
Những con phố vắng bóng người qua lại, những gian hàng trống trải, các công trình xây dựng vẫn còn ngổn ngang. Đó là những gì thường thấy ở thành phố Lusail, cách thủ đô Doha, Qatar khoảng 20km về phía bắc, trong thời gian này.
Elias Garcia, 50 tuổi, một chủ doanh nghiệp đến từ San Francisco, đến thành phố Lusail từ Doha cùng một người bạn, trong ngày mà không có trận thi đấu World Cup nào diễn ra ở sân vận động dát vàng cùng tên.
"Chúng tôi đến đây chơi, xem thành phố này ra sao nhưng có vẻ chưa có gì nhiều ở đây", ông Garcia nói, theo AP.
Ngoài sân vận động Lusail, thành phố cũng nổi bật với nhiều công trình xây dựng, bao gồm tòa nhà chọc trời hình lưỡi liềm, được thiết kế giống như những thanh kiếm cong trên quốc huy của Qatar.
Bên kia đường, một công trường xây dựng được che khuất bởi một tường rào và được minh họa bằng cảnh sa mạc. "Nhiều cơ sở hạ tầng ở đây vẫn đang trong giai đoạn xây dựng", ông Garcia nói.
Lái xe về phía bắc từ Doha, du khách khó có thể bỏ lỡ đường chân trời lấp lánh và bến du thuyền của thành phố Lusail.
Tòa nhà chọc trời hình lưỡi liềm, được thiết kế giống như những thanh kiếm cong trên quốc huy của Qatar.
Những tòa tháp màu nhạt trông giống như những chiếc thùng mọc lên từ sa mạc và xếp chồng lên nhau.
Những con đường rộng thênh thang dẫn tới những tòa nhà cao tầng, những mái vòm bằng kính và những cụm khối nhà tân cổ điển.
Hầu hết các công trình được ưu tiên xây dựng trước ở Lusail để phục vụ World Cup gồm khách sạn hạng sang, căn hộ chung cư hoặc tòa nhà văn phòng.
Qatar có kế hoạch xây dựng thành phố Lusail từ năm 2005, nhưng dự án chỉ thực sự được bắt đầu sau khi quốc gia vùng Vịnh giành quyền đăng cai World Cup sau đó 5 năm (năm 2010).
Qatar là một trong những quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Khí đốt giúp Qatar tạo ra lợi nhuận khổng lồ. Số tiền thu được từ bán khí đốt được hoàng gia Qatar đưa vào quỹ tài sản có chủ quyền. Tính đến năm 2022, số tiền của quỹ này đã lên tới 450 tỷ USD.
Trung tâm thương mại Place Vendome ở Lusail, Qatar.
Theo Bloomberg, 45 tỷ USD được hoàng gia Qatar trích từ quỹ để xây dựng thành phố Lusail và là dự án lớn nhất phục vụ World Cup. Thành phố được thiết kế hiện đại và thân thiện với người đi bộ, đồng thời được kết nối bằng hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt mới của Doha.
Fahad Al Jahamri, người quản lý các dự án tại Qatari Diar - công ty bất động sản ở thành phố, nói Lusail là một "phần mở rộng của Doha".
Theo giới chức Qatar, thành phố Lusail phục vụ tầm nhìn dài hạn, trong đó Qatar muốn đẩy mạnh nguồn thu cho đất nước từ bộ phận lao động có trình độ cao. Những người làm việc văn phòng, làm việc trong lĩnh vực công nghệ được chào đón ở Lusail về lâu dài.
Nhưng Qatar cần thời gian để lấp đầy thành phố có sức chứa 400.000 người, bởi Qatar có số dân khiêm tốn. Quốc gia này thực tế chỉ có 300.000 người mang quốc tịch Qatar và 2,6 triệu người khác là người nhập cư, sinh sống lâu dài. Bộ phận người nhập cư này không phải ai cũng có tiền để mua biệt thự, căn hộ chung cư đắt tiền ở Lusail.
Thành phố Lusail chưa có nhiều người chuyển tới sinh sống.
Theo quan sát của phóng viên AP, trong giai đoạn diễn ra World Cup, Lusail vẫn tương đối yên ắng hơn so với Doha. Tại trung tâm thương mại Place Vendome, nhiều gian hàng vẫn chưa được bày bán.
Một số ít du khách tới trung tâm thương mại để ngắm cảnh và chụp ảnh. Tại các nhà tòa chính quyền ở Lusail, một nhân viên bảo vệ nói mọi người đã về nhà từ lúc 11 giờ trưa, theo AP.
"Ở nhà ga tàu điện ngầm, nếu đến đây vào thời điểm không có trận đấu, chỉ có 5-10 người đi tàu điện", ông Garcia nói.
Một điểm nhấn khác ở Lusail là hòn đảo nhân tạo Al Maha. Đám đông người hâm mộ World Cup và người dân địa phương nằm tận hưởng ánh nắng tại một câu lạc bộ cao cấp trải dài theo bãi biển trên đảo, theo AP.
Hai tòa tháp Lusail plaza.
Timothe Burt-Riley, giám đốc một phòng trưng bày nghệ thuật ở Al Maha, nói hòn đảo là nơi người dân địa phương hay lui tới. Trên đảo có công viên giải trí, cửa hàng bán đồ xa xỉ, nhà hàng cao cấp và những nơi nghỉ ngơi thư giãn khác.
"Đây là hòn đảo nhân tạo hoàn toàn. Thật điên rồ khi nghĩ về những gì Qatar có thể xây dựng", Burt-Riley nói.
Al Maha là hòn đảo nhân tạo, tọa lạc ở thành phố Lusail, Qatar.
Burt-Riley nói rằng, Qatar sẽ tìm ra cách để lấp đầy thành phố Lusail, cũng như các thành phố vệ tinh khác được xây dựng để phục vụ World Cup. "Vấn đề chỉ là thời gian", Burt-Riley nói.
Người hâm mộ trải nghiệm cắm trại giữa sa mạc xem World Cup 2022 Nước chủ nhà Qatar hy vọng người hâm mộ khắp thế giới sẽ có những trải nghiệm thú vị trong thời gian diễn ra World Cup 2022. Trải nghiệm cắm trại xem World Cup World Cup đang diễn ra và hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới đã đến Doha, tương đương với khoảng 37% dân số cả nước . Ảnh...