Một Gắp Tinh Hoa
Dimsum được xem như dòng ẩm thực tinh hoa của các món ăn Trung Quốc. Mỗi miếng Dimsum chỉ vừa tròn một đôi đũa gắp. Một gắp thôi, mà gom cả tinh hoa ẩm thực vào trong miếng ăn nhỏ xinh này
Ảnh minh họa
Nền ẩm thực Trung Hoa vốn có truyền thống vài ngàn năm, lâu đời, phong phú và đa dạng. Vì không chỉ ăn để no, để sống, ẩm thực Trung Hoa còn phải luôn phát triển, luôn sáng tạo để phục vụ tầng lớp triều đình, vua chúa xưa kia. Những món ăn Trung Hoa có khi cầu kỳ đến không tưởng tượng được, từ sơ chế đến tẩm ướp và nấu nướng phải mất tới vài ngày trời. Nhưng nếu hỏi đâu là tinh hoa của ẩm thực Trung Hoa, có lẽ người ta ít nghĩ đến những món ăn vua chúa cầu kỳ đó, mà đáp ngay là Dimsum.
“Mỗi miếng Dimsum chỉ vừa tròn một đôi đũa gắp. Một gắp thôi, mà gom cả tinh hoa ẩm thực vào trong miếng ăn nhỏ xinh này…”
Video đang HOT
Không chỉ là “điểm tâm”
Xuất phát điểm của những món Dimsum thực ra lại rất bình dân. Đó là những món ăn nhẹ, thường dùng vào buổi sáng như bữa điểm tâm. Cái tên Dimsum khi đó còn mang nghĩa rất hẹp, để rồi phát triển thành cả một dòng ẩm thực vẫn mang tên “Dimsum” nhưng không chỉ phục vụ trong bữa “điểm tâm” nữa mà có thể dùng bất cứ lúc nào trong ngày và tại bất cứ nơi nào, từ bình dân đến sang trọng.
Những giỏ Dimsum nóng hổi còn bốc khói nghi ngút, tỏa hương thơm nức được dọn ra trên bàn ăn, thường thì mỗi người chỉ dùng một miếng cho mỗi món, thế mới thưởng thức được nhiều món trong một bữa. Ăn hương ăn hoa như thế mới cảm nhận được hết cái ngon của từng miếng Dimsum.
Thế nên trên bàn ăn Dimsum, các món ăn thường được bày la liệt. Mỗi bữa ăn hàng chục món. Mà có thế thực khách vẫn mới chỉ “làm quen” được một phần rất nhỏ trong vài trăm món của dòng thực phẩm này. Những món cơ bản như há cảo, sủi cảo, bánh bao thì đã quá quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng đâu chỉ có thế, các đầu bếp Dimsum đã dày công tổng hợp và sáng tạo để nâng dòng ẩm thực này lên hàng nghệ thuật. Ngoài những món dùng bột, Dimsum còn rất nhiều món ăn khác như chân gà hấp, xíu mại, và cả những món tráng miệng, món làm từ trái cây… Phổ biến nhất vẫn là các loại bánh làm từ bột. Tôm, cá, thịt, bào ngư, hải sâm, rau củ… tất cả đều có thể trở thành nhân Dimsum. Nhưng nghệ thuật làm Dimsum lại nằm ở phần vỏ bánh. Vỏ bánh phải thật mỏng, đến mức thấy được màu cam hồng của tôm hay màu xanh mướt của rau bên trong, nhưng không được rách. Không bở nhưng cũng không được quá dai, sao cho cắn vào miếng bánh nghe mềm mượt, bột ít, nhân nhiều. Thế mới là một miếng Dimsum ngon.
Lại còn hình dáng của Dimsum. Người đầu bếp Dimsum giỏi là người có thể tạo hình Dimsum một cách khéo léo, những diềm xếp nếp đều như ren, những chiếc bánh bằng chằn chặn như khuôn đúc, hoặc tạo hình con cá, chú nhím tinh nghịch… Nhìn bàn tay người đầu bếp nhào nặn bột thoăn thoắt và cho ra đời những miếng Dimsum đều như máy mới thấy cảm phục sự khéo léo của họ, và mới hiểu tại sao Dimsum được xem là những món ăn tuyệt kỹ trong món Hoa.
Dimsum thời hiện đại
Ngược dòng lịch sử để về Quảng Đông, tìm đến Dimsum khi còn sơ khởi thì mới thấy bước phát triển của Dimsum ngày nay đáng nể đến mức nào. Từ những món ăn chủ yếu là hấp, chiên đơn giản như bánh bao, há cảo, sủi cảo… bột dày, nhân ít, Dimsum ngày nay đã được cải biến nhiều, ngon và phong phú hơn. Nhiều nguyên liệu và cách làm trước đây được xem là xa lạ với nền ẩm thực phương Đông, nay cũng được dùng để chế biến Dimsum, như trứng cá hồi hay bánh tart trái cây… Và không chỉ bằm nhuyễn nhân ra như trước, nhiều món Dimsum ngày nay để nguyên cả con tôm giòn sừn sựt, hay miếng sò điệp ngọt lừ bên trong.
Nhưng dù thế nào thì Dimsum vẫn giữ cách phục vụ trong chiếc giỏ tre, dọn trực tiếp từ nồi hấp lên bàn khách, để hương thơm dìu dịu của tre tươi được hòa quyện vào mùi thơm của món ăn, thêm phần hấp dẫn cho miếng Dimsum còn nóng hổi.
Nếu như ở Hồng Kông hay Quảng Đông, Dimsum được bán phổ biến từ nhà hàng lớn đến quán ăn nhỏ xíu thì ở Sài Gòn, Dimsum cũng có mặt ở hầu hết các khách sạn 5 sao đến những tiệm mì, tiệm hủ tíu nhỏ khu vực quận 5, quận 6 và rải rác trong thành phố. Càng ở khu vực đông dân cư người Hoa sinh sống, các tiệm Dimsum càng nhiều và đông khách. Người ta có thể ăn Dimsum vào bất cứ giờ nào trong ngày. Tại những khách sạn lớn, Dimsum được tổ chức thành những buổi tiệc buff et với hàng trăm món lạ miệng mà một khi lọt vào, thực khách thấy mình như mê mẩn giữa một mê cung, không biết chọn món nào bỏ món nào, mỗi món một miếng xíu xiu mà mới nếm thử một góc bàn Dimsum đã đủ no mắt no bụng.
Không chỉ là những món ăn cầu kỳ, dòng ẩm thực này còn có loại Dimsum công nghiệp sản xuất hàng loạt, đóng bao bì bán trong siêu thị hay cửa hàng thực phẩm. Nếu không quá kỹ tính, các bà nội trợ vẫn có thể mua loại bánh này về, buổi sáng cho vào xửng tre hấp lại hoặc bỏ lò vi ba quay nóng lên, thế là có được một bữa điểm tâm nhanh. Quây quần bên gia đình trong bữa sáng với giỏ Dimsum nghi ngút khói, thêm một tách trà ngon uống kèm, người ta có thể thấy mình hạnh phúc với món ngon, với niềm vui ấm áp bên gia đình không kém gì thưởng thức Dimsum chính hiệu ở Quảng Đông hay Hồng Kông hoa lệ.
Mỗi miếng Dimsum chỉ vừa tròn một đôi đũa gắp. Một gắp thôi, mà gom cả tinh hoa ẩm thực vào trong miếng ăn nhỏ xinh này.
Theo Amthuc.com.vn
Mayonnaise Tinh Hoa Của Xốt Âu
Mayonnaise là một loại xốt dạng kem đặc mịn, thường có màu trắng hoặc vàng sau khi chế biến. Gắn với loại xốt cơ bản của ẩm thực Pháp này là một câu chuyện bếp núc của hoàng gia Pháp rất thú vị.
Khi Công tước Louis Francois Armand du Plessis trở về từ đảo Mahon cùng một chiến thắng oanh liệt, để chào mừng ông, người đầu bếp chuẩn bị buổi tiệc đặc biệt mừng công với các món ăn có kèm xốt từ trứng và kem. Chẳng may kem dự trữ trong nhà bếp hết nhẵn nên ông nảy ra ý định thay thế bằng dầu ô liu. Và một loại xốt mới mang tên mahonnaise (mayonnaise) ra đời.
Ngày nay, mayonnaise trở thành loại xốt được dùng rộng rãi ở cả năm châu lục. Từ sản phẩm ban đầu được chế biến từ dầu ăn (hay dầu ô liu), nước, lòng đỏ trứng, nước chanh hoặc dấm... ngày nay mayonnaise còn được gia giảm thêm nhiều gia vị khác để cho ra những loại xốt khác nhau. Tartar sauce là mayonnaise được cho thêm hành tây, dưa chuột, nụ bạch hoa và ngò tây. Russian dressing (người châu Âu còn gọi là xốt Marie Rose) là mayonnaise thêm cà chua, hành tây băm, củ cải và trứng cá tầm. Thousand Island dressing tương tự Russian dressing nhưng có thêm ớt và trứng luộc băm nhuyễn. Nếu thay trứng bằng kem thì lại được xốt Louis. Tuna sauce chế biến cầu kỳ hơn vì có thêm cá ngừ, nụ bạch hoa, dưa chuột, cá trồng (anchovies)...
Mayonnaise còn có thể kết hợp cùng sữa chua, pho mát xanh, dứa, xoài, tỏi băm... để cho ra nhiều loại xốt hảo hạng như Blue cheese, Cocktail sauce, Pineapple jam mayo, Aioli... Ở Nhật, mayonnaise được làm từ dấm gạo, hương vị có phần khác so với các loại mayonnaise làm từ dấm chưng cất của châu Âu, lại có thêm wasabi nên khá lạ miệng.
Tại châu Âu, mayonnaise là loại xốt không thể thiếu trong những món nướng kiểu Pháp hay chỉ đơn thuần là phết lên bánh mì để ăn như bơ. Vốn là loại xốt lạnh, mayonnaise không cần đun nấu. Khi làm mayonnaise, cần chọn trứng thật tươi (để tránh sinh khuẩn salmonella). Mayonnaise tự làm chỉ có thể bảo quản được từ 3 đến 4 ngày trong tủ lạnh và thường có chất lượng không đều. Tốt nhất là mua mayonnaise đã chế biến sẵn theo phương pháp công nghiệp, có độ an toàn cao, chất lượng ổn định và bảo quản lạnh được trong 6 tháng.
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại mayonnaise mang mùi vị khác nhau như tỏi, ớt, trái cây... nhưng được ưa chuộng nhất là French dreesing và Thousand Island Dressing vì chúng có hương vị béo, bùi pha chút chua ngọt, rất dễ ăn và cũng dễ chế biến. Thông thường người ta hay dùng mayonnaise để trộn các loại rau củ xứ lạnh. Cách trộn khá đa dạng: trộn "chay" cùng rau, xúc xích, jambon, trứng luộc hay các loại củ như khoai tây, cà rốt, củ dền, ớt Đà Lạt... đã được trụng sơ hoặc trộn "pha" thêm một chút yaourt, mật ong, rượu vang, dấm... (trộn trước khi ăn 30 - 40 phút cho hỗn hợp thấm đều hay chỉ rưới sơ lên món salad để tạo độ bùi béo và làm tăng hương thơm).
Ngoài món trộn, mayonnaise cũng là loại nước chấm rất "bắt" khi thưởng thức các món bò như beefsteak, ragout và hải sản dùng sống hay chiên, nướng. Muốn cho món ăn đậm đà, có thể trộn thêm vào đó chút muối tiêu, chanh, và tỏi băm. Người Nhật còn kết hợp mayonnaise với wasabi để cho ra xốt Wasabi Mayo, người Thái thêm vào mayonnaise gia vị tom yam để tạo nên Thai Tom yam Mayo Dressing đầy màu sắc.
Riêng ở Việt Nam, mayonnaise được sử dụng trong món Việt chưa nhiều, có lẽ do mayonnaise khá kỵ với sa tế, nước tương, nước mắm, các loại rau thơm. Tuy vậy, mayonnaise kết hợp với muối tiêu, muối ớt để làm món chấm lạ miệng cho các món cá nướng cũng là một nét biến tấu đầy thú vị.
Theo Amthuc.com.vn
Sử dụng mật ong trong ngày đèn đỏ Phụ nữ trong thời kỳ "đèn đỏ" ăn mật ong sẽ không chỉ giúp giảm các triệu chứng do "đèn đỏ" gây ra mà còn giúp tăng cường sức khỏe. Dưới đây là các tác dụng chính của mật ong trong giai đoạn này: Giảm đau bụng Mặc dù đa phần nữ giới bị đau bụng kinh là do hiện tượng sinh lý...