Món quê tép trấu thành …. hảo hạng nhà hàng
Vốn xuất hiện trong các mâm cơm đạm bạc, nhưng gần đây tép trấu lại lên đời, bước vô các nhà hàng, từ món rim, canh tập tàng cho đến bánh xèo, mắm tép… món nào cũng hảo hạng, ăn mà ghiền.
Tép trấu rang với nước cốt dừa
Mấy hôm trước, tôi được bạn rủ đi ăn món tép trấu lăn bột chiên giòn. Chị chủ quán, người vừa đoạt giải nhì cuộc thi Chiếc thìa vàng 2016, niềm nở giới thiệu đây là món ăn dân dã, toàn hương đồng cỏ nội nhưng ngon không thua kém bất cứ loại tép nào.
Tép trấu xưa chỉ dành cho các bếp nghèo nhưng nay đã trở thành đặc sản của miền Tây bởi đây là loài tép sống ngoài thiên nhiên, không những ngon, ngọt mà còn là thực phẩm sạch nên được nhiều người ưa thích. Đặc biệt là tài chế biến của các đầu bếp đã biến món ăn dân dã thành đặc sản nổi tiếng.
Gắp một đũa tép vàng ruộm cho vào miệng, luồng ký ức từ đâu lại hiện như một cuốn phim quay chậm.
Video đang HOT
Thời còn học cấp I, tôi thường trốn học rủ bạn bè xách rổ ra vườn nhảy xuống mương xúc tép. Tép hồi đó nhiều lắm, mỗi lần dùng rổ đảo qua đảo lại vài vòng, dỡ rổ lên là tép nhảy tanh tách, lựa bắt một hồi cả rổ.
Tôi còn nhớ mỗi lần xúc tép về mẹ tôi thường luộc, rang hoặc nấu canh với bông so đũa, có khi rau cải trời… , những món ăn dân dã trong bữa cơm thường ngày của những gia đình nghèo.
Năm tháng trôi qua mau, nhưng tôi không thể nào quên được những bữa ăn sáng trước khi đến trường với ơ cá hủng hỉnh và tép trấu kho quéo, tuy đơn sơ, giản dị nhưng thơm ngon một cách lạ lùng.
Giờ đây con tép trấu đã trở thành mặt hàng giá trị đối với các bà nội trợ, nhưng muốn có được những con tép trấu tươi xanh cũng không dễ tìm vì đa phần đều ướp đá lạnh.
Tép trấu có người gọi là tép riu, tép rong, tép mòng, tép đồng, một loài tép nhỏ con có màu xanh hoặc trắng, trong suốt. Chúng sống trên sông rạch, nhiều nhất là ao, mương, hồ và trên đồng ruộng miền Tây vào mùa nước nổi.
Người dân khai thác tép trấu bằng cách đóng đáy, đặt lú, lọp, chài, xúc… Trước đây tép trấu là món ăn của người nghèo nên giá trị kinh tế không cao.
Gần đây tép trấu lại lên đời, ai cũng muốn thưởng thức, từ món kho, món rim, món canh tập tàng, làm nhưn bánh xèo cho đến món mắm tép… món nào cũng hảo hạng.
Nhưng bắt mắt và hấp dẫn nhất là món tép lăn bột chiên giòn, món gỏi đu đủ tép và món tép rang nước cốt dừa vừa béo vừa thơm ngon.
Muốn có một đĩa tép trấu chiên giòn, trước hết phải chọn cho được một mớ tép tươi đem về rửa sạch, loại bỏ tạp chất, dùng kéo cắt bỏ đầu, đuôi, rửa sạch, để ráo. Tiếp theo, dùng bột chiên pha nước, khuấy đều rồi trộn chung với tép, ướp thêm gia vị, bột ngọt, bột nêm, hành lá, nước mắm…
Sau cùng, bắc chảo dầu lên nấu sôi rồi từ từ cho hổn hợp bột, cá vào chiên cho đến khi cá bốc mùi thơm phức là chín.
Món tép trấu lăn bột chiên giòn ngon nhất là ăn kèm với cải bẹ xanh, sà lách, dưa leo, cải trời, chấm nước mắm chua cay.
Các món gỏi đu đủ tép và món tép chiên giòn vừa là món khai vị vừa là món ăn chủ lực trong bữa ăn, không chỉ phục vụ cho các thưc khách ở các quán nhậu bình dân mà còn có mặt ở nhiều nhà hàng sang trọng.
Theo Tuoitre.vn
"Hém ngùa" - món ăn dân dã của người Tày
"Hém ngùa" - mắm tép của người Tày ở Cao Bằng được làm từ những con tép sống trong môi trường tự nhiên và được trộn với rượu nếp ngọt tạo nên thứ mắm dân dã, đậm đà mà chất chứa hồn quê.
Món "hém ngùa" người Tày được làm từ những con tép sông, suối nên thịt chắc và thơm, vị ngon đậm đà.
Các nguyên liệu để làm "hém ngùa", gồm: tép, muối, rượu nếp ngọt. Con tép sông, suối của Cao Bằng rất nhỏ, có màu xanh rêu nhạt, trong suốt. Tép riu sống hoàn toàn trong môi trường tự nhiên, chúng tự sinh sôi nảy nở, không ai nuôi thả. Những nơi nào có nhiều rong thì tép nhiều và ngon. Món "hém ngùa" của người Tày có thể làm quanh năm nhưng ngon nhất là vào mùa đông. Bởi vào mùa này, con tép đã già đến độ, thân tròn chắc, béo mập, màu xanh đậm hơn và yếu tố thời tiết mùa đông cũng tạo nên vị mắm ngon đậm đà hơn.
Tép để làm "hém" phải được nhặt, đãi thật sạch, để ráo không được lẫn cá hay ốc nhỏ. Sau đó, tép được giã chung với muối hạt, giã thật nhẹ để con tép giập ra mà không nát. Rượu nếp đợi đến khi thật ngọt thì cho muối vào vừa đủ độ mặn, cho tép đã ráo nước vào rượu nếp đã hãm muối, đảo đều bỏ vào chum, đậy kín lại, để gần bếp. Sau khoảng 3 - 4 tuần trở lên "hém" đã "chín" có mùi thơm đậm đà, nồng ấm. "Hém ngùa" nguyên chất màu đỏ ngả nâu tươi, sánh đặc. Vị "hém" đậm đà, thơm ngọt, không nặng mùi như mắm tôm, mắm cá.
Cách thức làm mắm tép các bước khá đơn giản là vậy nhưng không phải ai cũng làm được hũ mắm tép thật ngon. Bởi cũng nguyên liệu như nhau mà có hũ mắm màu không đẹp, kém thơm hay mặn gắt, thậm chí bị hư thối. "Hém ngùa" là món ăn chất chứa hồn quê của người Tày, bởi trong ký ức tuổi thơ món mắm tép thơm lừng trực tiếp rưới lên cơm nguội khi buổi chiều tan học về hay rưới lên bát cơm nóng trong bữa cơm mùa đông lạnh, trở thành món ăn dân dã không bao giờ có thể quên.
Ngoài cách rưới "hém ngùa" lên cơm ăn trực tiếp thì có rất nhiều cách ăn khác và đều tạo nên hương vị thơm ngon khi đi kèm với các món ăn khác như: thêm gia vị rồi đun nóng lên dùng làm nước chấm cho món thịt luộc, rau luộc; "hém ngùa" có thể chưng với thịt băm, chưng với đậu phụ, thịt ba chỉ rang khô...
Mỗi mùa đông về, người Tày ở Cao Bằng vẫn lặn lội bắt tép, chắt chiu cần mẫn làm nên thứ "hém ngùa" mặn mòi dân dã mà ngọt thơm đậm đà.
Theo Caobang
Đặc sản không thể bỏ qua khi tới Ninh Bình Nếu có dịp về với cố đô, hãy thưởng thức tất cả đặc sản để bạn có một cuộc hành trình ấn tượng, trọn vẹn. 1. Cơm cháy ruốc Đây là đặc sản nổi tiếng nhất, luôn luôn được nhắc tới đầu tiên của ẩm thực Ninh Bình. Cơm cháy là phần cơm dính thành tảng ở đáy nồi, sau khi được phơi...