Món ngon từ lá sắn
Củ sắn (củ mì) rất quen thuộc với người dân thành phố, nhưng ít người biết những món ăn dân dã chế biến từ lá sắn như những người đã từng sống ở vùng sắn như chúng tôi.
Đất cằn cỗi, khô hạn nên người dân quê tôi chỉ trồng được sắn. Ngoài những cánh rừng sắn bạt ngàn, sắn còn được trồng làm hàng rào trước ngõ hay sau nhà để lấy lá làm thức ăn trong suốt những tháng ngày nghèo khó ấy.
Tôi vẫn nhớ những buổi sớm mai, mẹ sai tôi đi hái lá sắn non. Lá sắn hái vào sáng sớm, khi còn phấn trắng và sương mai thì ngon và ngọt nhất trong ngày. Vì mọc theo khấc nên lá sắn rất dễ hái, chẳng mấy chốc đã được cả rổ đầy.
Phần lớn lá sắn mẹ dùng để muối ăn dần. Một cách thành thạo, mẹ dùng tay vò thật kỹ rổ rau cho ra hết nhựa, nếu không sẽ bị đắng, sau đó rửa nhiều lần tới khi nào nước không còn đục. Để rau ráo nước, mẹ cho vào chum, vại để muối, giống như muối dưa. Lá sắn muối khoảng 4-5 ngày là chua. Dưa chua rau sắn rất đặc biệt vì có mùi ngai ngái, nồng nồng kèm với vị bùi bùi, chua chua. Mới ăn thấy là lạ, nhưng chỉ sau vài gắp là nghiện.
Video đang HOT
Chỗ lá sắn còn lại, mẹ chế biến các món ăn trong ngày. Đầu tiên là món lá sắn xào tỏi. Đun một nồi nước thật sôi, cho lá sắn vào chần qua rồi vớt ra, cho vào thau nước lạnh. Nếu nước chưa sôi mà cho lá sắn vào thì lá bị vàng, dễ bị nhũn nát. Sau khi chần, thêm muối vào rồi vò và rửa lá sắn như khi làm dưa. Trộn lá sắn với muối, bột ngọt rồi bắc lên bếp, cho dầu hoặc mỡ vào chảo, đun nóng rồi cho rau vào. Phải dùng đũa đảo liên tục đến khi các cánh rau xoăn tít, lá sắn mềm, khô và chuyển sang màu nâu nhạt. Đập dập vài tép tỏi cho vào, trộn đều là xong. Dưa chua rau sắn xào tỏi có phần hấp dẫn hơn bởi vị chua thanh, vị béo, vị thơm của rau và tỏi. Món rau sắn xào tỏi ngon chẳng kém các loại rau khác như rau muống, rau lang, đọt su su… mà còn đặc biệt vì có mùi hơi nồng nồng, ngai ngái mà bao năm rồi tôi vẫn còn nhớ.
Ngoài xào tỏi, mẹ hay nấu canh chua lá sắn với đủ thứ nguyện liệu có được như cá rô, tép đồng, râu tôm… hay có khi chỉ nấu chay với đậu phụng, bột ngọt… Sau khi được ninh nhừ, rau sắn chuyển sang màu nâu xám, ngọn rau mềm, ăn có vị bùi bùi và ngọt. Nước canh rau sắn có vị hơi chua, thơm nồng, ngọt thanh. Những trưa hè, đi học về, đến đầu ngõ, mới ngửi thấy mùi từ bếp lan tỏa, biết hôm nay có canh chua lá sắn, nước miếng đã ứa ra. Húp chén canh lá sắn, bao mệt mỏi đều tan biến.
Thỉnh thoảng, mẹ đổi món, làm nộm lá sắn với đậu phộng rang, nước chanh, muối, đường… cũng rất hấp dẫn.
Cá kho của Mẹ
"Cấn" cá kho nhừ tuy chứa nhiều vị, song không hỗn tạp, mà mộc mạc đơn sơ, mang lại cho ta một cảm xúc mạnh mẽ.
Cuối tuần mình thường về quê. Mẹ biết mình thích ăn món gì nên hay đặt trước với những chị bán hàng ở chợ.
Hôm nay mẹ luộc thịt nạc má, nước luộc thì mẹ dùng để sốt cà chua ăn với rau diếp, rau diếp đầu mùa tươi ngon và ngậy. Thịt má lợn có vị ngọt thanh khiết, mềm, mịn và thơm, chấm nước mắm chắt. Thỉnh thoảng đệm một gắp rau sống nhúng ngập nước sốt cà chua. Ngon cái miệng lắm! Thằng bé ăn liền một chập không nghỉ.
Mẹ không gắp món ngon mà cứ bới bới gắp gắp ăn cái gì đó trong một cái đĩa nhỏ bằng bàn tay, ẩn phía sau rổ rau sống, mình kéo rổ rau qua một bên, trong đĩa là những miếng lụn vụn nâu nâu, vài miếng bằng đầu ngón tay, quánh đặc, dính vào nhau, mình đoán ngay là cấn cá kho.
Mẹ bảo: "Con cứ ăn đi, mẹ thích ăn cá diếc kho!".
"Này mà mẹ bảo là cá kho sao? Mẹ ăn uống đầy đủ chứ, mẹ ăn như vậy sao mà khoẻ được! Để con ăn thử miếng xem thế nào!".
Công bằng mà nói, món mà mẹ đang ăn gây tốn cơm vô cùng. Nhớ hồi bé, một mẩu "cấn" cá thôi cũng tải được 1 bát cơm, còn cái nồi dù đã được cạo sạch đến xước cả đáy mà vẫn còn trộn được thêm một bát nữa. Mẹ bảo: "Tinh hoa đấy, bao nhiêu cái ngon của cá là đọng hết xuống đáy".
Đáng lẽ phải gọi nó là "cao cá", chứ gọi là "cấn" thì ta lại tầm thường hoá nó mất. Vì ở tận dưới đáy nên được quyện vào nó là đủ cả các thứ: Vị ngọt bùi của cá diếc, vị ngậy của thịt lợn ba chỉ được thêm vào, vị mặn của mắm muối, hơi có vị chát của trà xanh, vị ngọt thơm nhằng nhặng của kẹo đắng trưng non... "Cấn" cá kho nhừ tuy chứa nhiều vị, song không hỗn tạp, mà mộc mạc đơn sơ, mang lại cho ta một cảm xúc mạnh mẽ. Ai mà hồi bé từng lùa vài bát cơm một bữa với món ăn "nhà nghèo đơn sơ" này thì sẽ thấy nó như chất keo đã thấm dính mãi vào ký ức tuổi thơ.
Trong cuộc sống, chỉ khi đã nhiều thăng trầm, ta mới muốn sống đơn sơ nhỏ bé, muốn ẩn dưới "đáy", và khi ấy ta mới có thể sống có ý nghĩa cho ta và cho người. Hồi trẻ, ta muốn ở đỉnh cao vinh quang, thế rồi ta thấy nó mang lại sự bất an chứ đâu phải niềm vui. Ta lăn lộn để kiếm được nhiều của cải, nhưng mặc dù có được hay không thì hẳn là ta có một cuộc đời đầy lo toan.
Khi ta mất ăn mất ngủ vì thèm khát vẻ đẹp của một mỹ nhân, nhưng sau đó ta phát hiện ra nhan sắc chỉ là một lời hứa hẹn hạnh phúc; Cũng vậy, khiêm hạ không phải là thấp hèn mà là nguồn gốc của bình yên. Bình yên là mẹ của hạnh phúc!
Thấy thằng con trai xới thêm bát cơm nữa để ăn với "cấn" cá, mẹ chuyển sang ăn món "ngon" kia. Mẹ lại nhường! Mẹ của ai cũng vậy cả! Mình thấy nhỏ bé trước tấm lòng của mẹ, và thấy bình yên!
Có Xiêm Lo không lo ớn ngán Món canh thanh đạm này thường lọt vào mắt xanh của các quý bà/cô cần giữ eo; lẫn "mắt đục" của không ít dân biết "đưa cay" ở miền tây. Còn lạ đời ở chỗ, người ta dùng phần đầu và xương cá khô cỡ lớn, nặng tầm 1-7kg/con, làm đạm chủ lực cho món canh cộng cư này. Mặc dù miền tây...