Món ngon sùng đất cuối mùa mưa
Hằng năm, khi những cơn mưa cuối mùa và những trận lụt đã dứt, thì người dân miền Trung quê tôi lại rủ nhau ra dọc các triền sông để đào tìm sùng đất.
Sùng đất thuộc dạng ấu trùng sống dưới những gốc cây sắn, ngô, lau sậy của bãi bồi, vùng đất pha cát ẩm thấp. Lúc đầu mùa, sùng đất còn non màu trắng như sữa, mỗi con to bằng đầu đũa ăn cơm sau đó lớn hơn, già đi và chuyển sang thể kén bao nhộng con. Người ta chưa xác định được sau lần lột xác cuối cùng sùng đất thành con gì, chỉ biết theo dân gian lưu truyền lại là món ăn ngon, bổ dưỡng.
Sùng đất rang.
Thông thường để phát hiện sùng đất sinh sống chỉ cần nhìn những cây bắp, lau lách dọc triền sông bị héo úa hoặc chết là biết con này đã ở đó và cắn đứt rễ. Thường sau khi đào được sùng đất thì người dân nhanh chóng dùng tay phải nắm đầu, tay trái dùng móng tay xé khúc cuối da đuôi ra và dùng tay phải vẩy mạnh, phần ruột đen sẽ văng ra ngoài, phần còn lại trong lớp vỏ mềm là chất dịch như sữa đặc, tương tự chất dịch trong con nhộng…
Người địa phương cho sùng đất là côn trùng sạch, bởi chúng sinh sôi ở những vùng đất phù sa thiên nhiên, xa khu dân cư và ăn rễ các loại cây không độc hại. Nơi nào phun nhiều thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ thì hầu như không tìm được con sùng.
Video đang HOT
Sùng đất đào được đem về rửa sạch đất cát, luộc qua cho chín vừa, sau đó ướp gia vị hành, tiêu, ớt, tỏi, củ sả tươi, mắm muối như ướp thịt, càng nhiều sả càng thơm, và cần một khoảng thời gian ngắn cho gia vị ngấm đều rồi mới làm các món ăn. Từ công đoạn này sùng đất được chế biến thành những món ngon như sùng đất rang, chiên giòn, nướng…
Hấp dẫn với món sùng đất chiên.
Rang sùng đất không cần dầu ăn, chỉ cần bắc xoong lên bếp cho nóng, cho sùng đất đã rửa sạch để ráo vào khuấy đều, mỡ từ thân nó tươm ra, đủ để chín… Còn món chiên giòn, bằng cách cho sùng đất vào dầu sôi để chín phải cẩn thận để không bị sém cháy, có thể phít bột, chiên xù như chiên xù cá rô đồng, mực,… Với món nướng, bằng cách cho số sùng đất đã thấm gia vị lên vỉ rồi đặt trên bếp than rực đỏ. Trở vỉ nhiều lần và xem thấy chín đều, bay mùi thơm ngon là dùng được.
Có lẽ không gì hấp dẫn hơn vào ngày đông rét mướt, hương thơm sùng đất lan tỏa bên bếp lửa hồng ấm áp, mọi người cùng quây quần thưởng thức. Những món trên, tùy sở thích có thể ăn cuộn với lá lốt non, lá mơ, rau díp, xà lách, bánh tráng mỏng rau sống,… Hương vị của chúng khá lạ, vừa béo vừa thơm ngọt hơn nữa theo kinh nghiệm dân gian ăn sùng đất không những bổ dưỡng cơ thể, tăng sinh lực, mà còn có tác dụng chữa được nhiều bệnh.
Theo Lao Động
Quả sung chữa bệnh trĩ
Trong dân gian lưu truyền kinh nghiệm dùng trái sung để chữa trị bệnh trĩ - cả trĩ nội và trĩ ngoại
Tôi bị bệnh trĩ đã nhiều năm; chữa nhiều nơi, dùng nhiều thuốc, tốn nhiều tiền mà chưa khỏi. Gần đây, có người mách môn thuốc rẻ tiền, nói là rất hay: Chỉ cần dùng trái sung nấu canh ăn, có thể khỏi bệnh. Xin cho biết, có thể dùng trái sung chữa trị được không? Cách dùng cụ thể? (Lê Văn Bình, Đầm Hà, Quảng Ninh)
Trả lời:
Trái sung các cụ thời xưa gọi là "vô hoa quả" (quả không hoa), vì cây không thấy ra hoa mà đã có ngay quả. Nay ta biết, quả sung thực ra là một quả giả, do đế hoa tự tạo thành. Cây sung rất sai quả, quả từ gốc đến ngọn, chi chít trên cành, thành từng chùm trên thân cây và những cành to không mang lá, khi chín màu đỏ nâu.
Quả sung không những có thể dùng để ăn, mà còn có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Theo Đông y, quả sung có vị ngọt, tính bình, vào 2 kinh Túc thái âm tỳ và Túc dương minh đại tràng. Có tác dụng kiện tỳ thanh tràng (tăng cường tiêu hóa và làm sạch ruột), tiêu thũng, giải độc. Dùng chữa tiêu hóa bất lương (tiêu hóa kém), viêm ruột, kiết lỵ, đại tiện bí kết, trĩ sang (trĩ lở loét), thoái giang (lòi rom, sa trực tràng)...
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong quả sung có nhiều chất dinh dưỡng quý, nhiều loại đường và nhiều acid hữu cơ. Đặc biệt là, trong quả sung còn xanh còn chiết xuất được những thành phần có tác dụng chống ung thư.
Quả sung không những có thể dùng để ăn, mà còn có thể dùng làm thuốc chữa bệnh (nguồn ảnh: internet)
Đúng là, từ xưa trong dân gian có lưu truyền kinh nghiệm dùng trái sung để chữa trị bệnh trĩ - cả trĩ nội và trĩ ngoại. Kinh nghiệm dùng trái sung, vỏ cây và lá sung để chữa trĩ, cũng thấy được đề cập trong một số sách thuốc Đông y. Cụ thể, bạn có thể sử dụng như sau:
- Dùng trái sung xanh (quả chưa chín đỏ). Trái tươi hay hái khô đều được, nhưng đến mùa quả, nên hái lấy vài cân, đem phơi khô, cất đi dùng dần. Hàng ngày dùng 15 - 20 quả, lòng lợn 1 đoạn, nấu canh ăn. Món canh này có tác dụng dự phòng và điều trị khá tốt trĩ nội và trĩ ngoại. Có thể ăn liên tục đến khi khỏi bệnh. Đối với trường hợp sa trực tràng do táo bón, hàng ngày có thể dùng 5 - 10 quả, sắc lấy nước uống.
- Dùng 10 quả sung; nếu không có quả có thể dùng 1 miếng vỏ cây (cỡ 2 bàn tay, đẽo bỏ vỏ ngoài) hoặc một nắm to lá sung, nấu với 1,5 - 2 lít nước. Tối trước khi đi ngủ khoảng 30 phút nấu nước xông giang môn, khi nước đỡ nóng (nhiệt độ còn 370C - 380C) thì lấy nước rửa. Mỗi ngày rửa một lần, liên tục 8 - 10 ngày (1 liệu trình), cũng có tác dụng trị liệu tốt. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, một số trường hợp chỉ xông - rửa như vậy mà bệnh cũng khỏi.
(Theo Tri thức trẻ)