Món ngon ngõ nhỏ, vỉa hè đất Hà Thành
Vỉa hè là quán ăn, chỉ cần một vài chiếc bàn con, một vài chiếc ghế con là người ta có thể xì xụp, thích thú thưởng thức đủ loại món ăn.
Những người bạn Sài Gòn của tôi rất ngạc nhiên khi tôi dẫn họ đi ăn ở những quán vỉa hè ven đường hoặc quán lụp sụp. Nhưng tôi bảo muốn ăn ngon và ăn lạ thì phải ngồi những quán như thế. Một vài bữa, họ nghiện luôn những kiểu quán như thế…
Giữa bụi bặm đường phố, lê la vài con ngõ, thưởng thức chút hương vị Hà Thành. Đó là cái thú ẩm thực của người Hà Nội. Những quán kể dưới không mới, nó quá quen thuộc với rất nhiều người, từ già tới trẻ, từ người đi xa hay vài lần ghé thăm Hà Nội.
Buổi tối những ngày đầu hè, tiết trời mát mẻ, Hà Nội trong lành, mời bạn dạo quanh những cửa hàng vỉa hè, ngõ nhỏ thưởng thức những món bình dị của người Hà Thành.
1. Nem chua – Ngõ Tạm Thương, Hàng Bông
Ngõ Tạm Thương, ngõ phố nhỏ xíu nằm trên đường hàng Bông, cái ngõ phố rất đặc trưng cho kiểu ngõ phố cổ Hà Nội, đường vào bé tý bé tẹo, hai cái xe lách qua nhau cũng khó khăn. Cả ngõ phố không có lấy một cái mặt tiền ngôi nhà nào trông hiện đại, mới mẻ, tất cả đều nho nhỏ, cũ cũ.
Cứ chiều tối, ngay đầu ngõ có hàng chục thanh niên tay vẫy, miệng ơi ới:” Nem chua rán đi anh chị ơi…”. Đầu ngõ chật ních những xe là xe. Không giống với kiểu vẫy gọi nài ép như ở phố lẩu Phùng Hưng và Cao Bá Quát, các chàng thanh niên ở phố nem rán này rất lịch sự. Hỏi ăn của nhà ai, chỉ nhà nào là người giữ xe của nhà ấy chạy ra dắt xe, không ai lô xô vào mà mời mọc, giành giật lấy khách về nhà mình.
Nem rán ở đây ăn khá ngon. Nem được rán lên vừa phải, không bị ngậy mỡ ăn lại giòn chứ không bị dính dính như các nơi khác. Ăn nem rán chấm tương ớt, cùng món xoài xanh, củ đậu hay dưa chuột. Có quán còn phục vụ cả khoai tây chiên bơ tỏi chấm với xì dầu.
Mỗi quán trong ngõ, quán nào quán ấy đều nhỏ xíu, ghế ngồi là những chiếc ghế nhựa con con xếp thành hàng dọc, hơi chật chội khó ngồi nhưng có như thế mới “nếm ” hết cái vị của kiểu ăn quà vặt.
2. Bánh gối – Lý Quốc Sư
Quán Gốc Đa nằm trên đường Lý Quốc Sư dễ đến ngoài hai mươi năm. Quán có tên là Gốc Đa có lẽ do quán nằm “tựa lưng” bên một gốc đa cổ thụ. Món truyền thống của quán là món bánh gối nhưng mấy món như bánh rán, bánh bao, nem cua bể… giờ cũng được quán thêm vào thực đơn để chiều lòng những thực khách hay quà Hà Nội.
Nét hấp dẫn của bánh gối ở đây chính là lớp vỏ bánh mỏng, nhiều nhân ăn thấy giòn lại thơm chứ không bị ỉu. Chiếc bánh đã cắt nhỏ ăn kèm với nước chấm chua ngọt bỏ thêm chút tương ớt cay cay, gắp miếng đu đủ thêm vài cọng rau thơm là đủ vị. Ăn xong thực khách có thể gọi thêm cả cốc trà Bát Bảo tráng miệng, giá đắt hơn vỉa hè một nghìn đồng nhưng vị lạ lại rất ngon.
Quán có phong cách khá độc đáo. Vì đông khách nên phục vụ ở đây dường như cũng được chuyên môn hóa từng công đoạn. Mỗi người của quán cứ theo nhiệm vụ mà làm, người chuyên rán, chuyên vớt, chuyên cắt bánh, chuyên bưng bê phục vụ. Còn với khách, ăn xong cứ theo bảng giá mà tính tiền, mặc dù ra cửa sẽ có người tính lại.
Video đang HOT
3. Nem Tai – Hàng Thùng
Ở Hàng Thùng có quán nem tai Bà Hồng đã trở thành địa chỉ thường xuyên của không ít người Hà Nội. Bạn bè gặp mặt thường rủ nhau đi thưởng thức món nem Bà Hồng, những đôi trai gái yêu nhau cũng lui tới quán này như một chỗ để ăn vui.
Món nem tai được ăn theo dạng cuốn. Một ít lá sung, lá đinh lăng, dải lên bánh đa nem, cho nem tai vào, kèm với một vài miếng sung muối chua, cộng với một lát giò lụa hoặc nem chua. Sau đó cuốn tròn rồi chấm vào nước mắm dấm cay nhẹ.
Độ dai của bánh đa nem, độ giòn, mềm, thơm ngậy của nem tai, cộng với một chút vị chan chát, xin xít của rau kèm và vị chua chua, ngòn ngọt, cay dịu của nước chấm sẽ làm khách đến thưởng thức nhớ mãi. Trong món ăn này, rau ăn kèm là một phần không thể thiếu. Đĩa rau kèm của quán bà Hồng có trên chục loại nào lá sung, lá đinh lăng, kinh giới, xà lách, lá mơ… khách thích dùng loại rau kèm nào cũng có.
Tưởng chỉ riêng người Hà Nội mới thích mấy món ăn bốc chấm nước mắm này ấy thế mà cả người Tây cũng ham. Có vị lầm tưởng bàn ăn ở đây sạch như bàn ăn ở nước họ nên cứ hồn nhiên dải bánh nem lên bàn cuốn cuốn gói gói, trông đến ngộ. Lại có có người tận Sài Gòn, ra Hà Nội chơi còn cố qua cửa hàng mua một chút nem tai để làm quà cho người nhà.
4. Hoa quả dầm – Tô Tịch
Phố Tô Tịch dài khoảng một trăm mét, nằm hơi khuất trên đường Hàng Gai. Từ đầu phố đến cuối phố có đến gần chục cửa hàng hoa quả dầm nằm san sát nhau. Mới dừng chân ở đầu phố, người đi đường dễ dàng bị quyến rũ ngay bởi sắc màu và hương thơm hấp dẫn của những loại quả này.
Quán nào cũng có hàng chục loại quả bày ngay trên mặt quầy. Quả được cắt thành những miếng nhỏ vừa miệng rồi cho vào cốc. Khách ăn có thể đếm được trên chục loại quả trong cốc của mình nào dưa hấu, xoài, mẵng cầu, bơ, dưa vàng, mít, nhãn, trân châu đen… được xếp theo trình tự màu sắc xanh, đỏ, vàng rất hấp dẫn và bắt mắt.
Khi có người đến ăn, chủ quán mới bỏ ra và rưới lên trên cốc quả một ít sữa đặc và nước cốt dừa. Sữa và nước dừa sẽ ngấm vào từng miếng hoa quả đã cắt nhỏ làm tăng thêm hương vị ngọt và thơm ngậy, cuối cùng là cho một ít đá xay mịn lên trên. Sự đặc biệt của loại đồ uống này là không dùng đường mà chỉ cho sữa vào để làm tăng vị ngọt nên có vị ngọt mát và thơm ngậy
Đến phố Tô Tịch, khách hàng có thể yêu cầu chủ quán xay sinh tố những loại quả mình thích. Phong cách phục vụ tại những quán này cũng rất cơ động, khách có thể ăn ngay tại quán hoặc nếu thích mang về, chủ quán sẽ cho vào một cốc nhựa, có kèm cả thìa và ống mút…
Giá cả cũng rất phải chăng, dao động từ 10.000 – 20.000đ/1cốc, khách hàng đến đây phần đông là thanh niên, học sinh, sinh viên.
5. Caramen – Hàng Than
Với người Hà Nội thì Caramen chẳng đâu ngon như ở Hàng Than. Caremen hàng Than ngon bởi vị nước hàng, mùi ca phê, kem ăn ngọt ngậy hay từ vị đăng đắng của thứ nước đen sánh trên mối đĩa caramen.
Quán ở đây đã tồn tại rất lâu đời nhưng đúng chất vỉa hè. Ghế nhựa nhỏ, cốc nhựa, thìa nhôm đơn giản. Bàn cũng là ghế, nhưng chủ yếu ghế là để ngồi. Những lúc đông khách mỗi người ngồi một chiếc ghế tay cầm đĩa caramen và thìa ăn mới đủ chỗ.
Nếu nói là chen chúc cũng đúng vì trên mỗi đoạn vỉa hè nhỏ xíu, mà lúc nào ghế cũng xếp chật ních. Người sát người, tay bê đĩa, bê cốc, tay cầm thìa… thế mà lại thành ngon nên vào mùa hè, quán chẳng bao giờ ngớt khách thậm chí cả mùa đông cũng vẫn đắt hàng.
Ở đây có nhiều loại Caramen lắm: caramen chân châu, caramen dừa, caramen hoa quả… rồi cả món caramen thập cẩm nữa. Có khoảng 10 món cho bạn lựa chọn. Nhưng nếu đã thành dân nghiền món này thì người ta chỉ gọi một món “caramen mộc” – tức là món caramen trứng truyền thống.
6. Nộm thịt bò – phố Hồ Hoàn Kiếm
Thật ra, trước kia ở phố Hồ Hoàn Kiếm này mới chỉ có một vài nhà bán nộm bò khô, nhưng dần dần thấy lượng khách ngày một đông, nhiều nhà cũng chuyển sang bán theo. Đến bây giờ con phố nhỏ dài vẻn vẹn không đến 300 m mà có tới gần chục quán hàng bán thịt bò khô với hàng lô dãy bàn ghế để san sát trên vỉa hè.
Cũng là đĩa nộm bò khô với những nguyên liệu như đu đủ xanh nạo, thịt bò, rau thơm, lạc rang, nước sốt nhưng khi ăn ở những quán này, bạn sẽ cảm nhận rất rõ được vị giòn của đu đủ xanh nạo, vị thơm ngon hơi dai của những miếng thịt bò rán khô được tẩm ướp gia vị kỹ lưỡng, vị béo ngậy của lá lách, vị sừn sựt của gân, sách, vó bò và đặc biệt là vị chua cay mặn ngọt pha rất vừa phải của nước sốt.
Ngoài nộm bò khô, còn có thêm chim sẻ, chim câu quay để chiều lòng thực khách có nhu cầu thay đổi khẩu vị. Các quán nộm bò khô này mở hàng bắt đầu từ 5 giờ chiều và kéo dài đến tận 11-12 giờ đêm.
7. Cơm rang bò – Mã Mây
Trên đường Mã Mây hình thành một phố cơm rang bò thu hút rất đông người đến ăn. Các hàng cơm rang bán tập trung vào buổi chiều tối, vì lúc này mới là lúc được bày các loại bàn ghế ra vỉa hè. Cơm rang ở đây không giống như các loại cơm rang thập cẩm có đủ các thứ đậu quả, xúc xích, lạp xườn xanh xanh đỏ đỏ mà các nhà hàng ăn uống khác hay làm.
Cơm rang ở đây trắng, gạo rất ngon nên ăn không với nước chấm đã ngon rồi, thịt bò và dưa xào để riêng ra một đĩa. Nước chấm pha tương ớt chua chua, cay cay ăn với món cơm rang mằn mặn này quả là không chê vào đâu được. Cả một đoạn phố này đêm nào cũng tưng bừng nhờ các hàng cơm rang và phố cơm rang này khá nổi tiếng với người dân Hà Nội.
8. Ngao, sò, ốc… nướng Cầu Gỗ
Ai mê mấy hàng đồ biển nướng, hấp thì đến khu phố Cầu Gỗ gần chợ Hàng Bè. Đêm nào ở đây cũng nhộn nhịp như đi hội, các bà hàng ngồi quạt than nướng sò, mực…khói bay mù mịt cùng mùi thơm tỏa ra khiến ai đi qua cũng thèm.
Người ăn ngồi tràn lan trên vỉa hè để thưởng thức. Giá cả ở đây rẻ hơn nhiều lần ở các nhà hàng mà lại được ngồi trong không khí vừa nấu, vừa nướng, vừa hấp… có khác nào mấy cái nơi gọi là làng Nướng gì đó giá cắt cổ mà chưa chắc đã tươi bằng ở phố vỉa hè này.
Hà Nội nhiều phố, mỗi con phố lại khó nhớ tên. Nhiều khi người ta thuộc tên phố, tên ngõ chỉ vì ở đó có những món hàng ăn ngon, độc đáo khiến người ta muốn quay trở lại luôn luôn. Một góc nhỏ như vậy thôi cũng đủ làm những người đi xa Hà Nội hay tạm xa Hà Nội nhớ nhung và thèm quay trở lại.
Theo GiaDinh.net.vn
Chỉ điểm quán bánh rán nóng hổi vừa thổi vừa măm
Quán bánh rán vô danh mà đông nghịt khách, bởi ngon lắm í mà giá chỉ 4k/chiếc thui. ^^
Nằm ngay đầu ngõ 242 Lạc Long Quân, Hà Nội, quán bánh rán "vô danh" từ lâu đã trở thành điểm dừng chân của nhiều người Hà Nội mỗi khi chiều về. Mặc dù chị chủ quán chẳng đặt cho nó một cái tên, nhưng khách hàng ghé qua vẫn quen gọi nó với cái tên &'quán bánh rán mặn' hay &'bánh rán Lạc Long Quân'.
Chỉ là một quán ăn vỉa hè, lại nằm trong ngõ nhưng quán vẫn rất đông khách, thậm chí, chúng mình còn phải đợi bánh theo số nữa đấy! Sau khi đến quán, bạn sẽ được đưa cho một cái vé ghi số (lúc đầu mình thoạt nghĩ là vé xe cơ. Sau khi chỉ chủ quán gọi đến số của bạn thì bạn mới được gọi món và măm măm. Trước đây, quán không cần dùng đến vé thế này đâu, nhưng do đã từng xảy ra những vụ "tranh chấp" ác liệt, thế là chị chủ quán đành phải làm ra mấy cái vé mà teen thường hay đùa là "mua hàng bằng tem phiếu". Teen nhớ nhé! Đến quán là phải lấy vé ngay, cứ ngồi gọi, rồi đợi sẽ chẳng biết bao giờ đến lượt mình đâu! Không ít bạn đã rơi vào tình trạng này rồi đó, đến đầu lại hóa sau cùng! :((
Quán bánh rán Lạc Long Quân có bán hai loại: bánh rán mặn và bánh rán ngọt. Giá cực rẻ luôn: chỉ 4k một chiếc. Bánh được nặn ngay tại chỗ, dài dài, tròn tròn, nhìn rất đẹp mắt. Làm đến đâu là họ thả ngay vào chảo mỡ đang sôi sùng sục, xèo, lăn tăn, lăn tăn, các chiếc bánh chuyển sang màu vàng ươm đẹp mắt. Cắt nhỏ vào bát, bỏ vào đó chút đu đủ, nêm nước xốt đo đỏ. Ôi! Vừa thơm, vừa ngon. Bê nhanh lên măm mới được.
Trộn đều, nước xốt ngấm đều các miếng bánh! Ngoàm! Giòn tan! Thơm thơm, lạ lạ! Trong lúc thưởng thức, tớ phát hiện ra rằng, ở đây gói nhân toàn bằng thịt lạc thôi nhá, bên cạnh đó còn có miến, mộc nhĩ,... Vậy là không phải nơm nớp với thịt mỡ hay tóp mỡ nhỉ! :D
Chiều nào quán cũng tấp nập, tíu tít. "Chị ơi! Cho em một bát hai, một bát ba". (nghĩa là một bát hai cái, một bát ba cái). "Chị ơi! Cho em bát nữa!". Bánh làm đến đâu, bán hết đến đó! Khỏi lo bánh ế, bánh tủ lạnh nữa nha!
Thái độ phục vụ ở đây cũng miễn chê! Luôn công bằng (nhờ bán hàng bằng hệ thống &'tem phiếu' mà :D), chị chủ quán thì hiền lành và thoải mái cực! Không tin à? Đến thử coi! ;;)
Theo IONE.net
Đi loanh quanh cùng nước mắm Có biển ắt có cá. Có cá ắt có mắm. Cá có nhiều loại thì mắm ắt cũng phải có nhiều thứ. Cá cơm làm thành mắm nhĩ, mắm cái. Cá nục sẽ ra mắm đục, mắm trong. Cá ngừ phần bụng làm mắm ruột. Cá thu làm mắm ở phần thân... Cách làm từng loại mắm, ngó chừng, rất tỉ mỉ và...