Món ngon miền sông nước
Nam Bộ – vùng đất của những dòng sông và kênh rạch chằng chịt. Thiên nhiên ban tặng cho con người nhiều sản vật và từ đó người dân cũng sáng tạo ra những món ăn hết sức độc đáo, mang đậm hương vị sông nước.
Đó là món cháo rắn, cháo dơi, cá lóc nướng trui, những chiếc bánh xèo, các loại lẩu rất phong phú…
Cá lóc nướng trui
Từ lâu, ẩm thực Nam Bộ đã nổi tiếng cả nước. Sau này, khi du lịch phát triển, khách nước ngoài đến nhiều và ngay lập tức đã bị những món ăn bình dân của xứ này quyến rũ. Từ đó, “danh tiếng” ẩm thực Nam Bộ càng bay xa.
Trước tiên phải kể đến món cá lóc nướng trui. Cá lóc được coi là loài phổ biến nhưng cũng đặc biệt ngon của vùng sông nước Cửu Long. Từ những dòng kênh nhỏ cho đến những con sông lớn, đều có cá lóc. Không ít con sống lâu, ngâm mình trong bùn, da đen bóng, thịt rắn chắc. Người ta có thể chế biến cá lóc thành nhiều món, nhưng nướng trui là món khoái khẩu nhất. Cá nướng đúng cách là phải để trên gạch và nướng bằng rơm. Trước và trong khi nướng, người ta xoa hành thái nhỏ trộn trong dầu lên mình cá, khiến da nó cháy nhưng thịt bên trong không bị khô và chín rất đều. Cá chín, người ta dùng dao xẻ đôi nó dọc theo lưng. Quan trọng là bát nước chấm: lòng cá được dầm trong nước mắm, có me chua, tỏi, ớt, tạo nên mùi vị rất thơm ngon.
Ăn cùng với cá lóc nướng trui là nhiều loại rau sống, trong đó không thể thiếu húng quế, diếp cá, bông điên điển (hoặc bông súng), dưa leo (dưa chuột), chuối chát, khế chua.
Video đang HOT
Từ lâu, món lẩu Nam Bộ đã rất nổi tiếng, nhưng phổ biến nhất và cũng hấp dẫn nhất là lẩu mắm rau đắng. Nước dùng của nó là nước xương. Người ta thường dùng xương ống của heo để nấu lấy nước, vừa ngọt lại vừa trong. Lẩu mắm không chỉ có cá mà còn có thịt heo ba chỉ, tôm, mực tươi. Còn về rau, không thể thiếu rau đắng, rau nhút, đậu rồng… Rau đắng nhiều nơi có, nhưng khi được ăn chung với lẩu mắm lại tạo ra hương vị đặc biệt.
Cũng lại là một thứ rau rất bình thường nhưng với tài nghệ chế biến độc đáo lại trở thành món ăn ngon, đó là rau ngổ. Bà con vùng Tây Nam Bộ thường dùng rau ngổ để om lươn. Cách chế biến này tạo ra một món ăn bình dân nhưng hợp khẩu vị của nhiều người.
Người Nam Bộ rất thích ăn cháo, nhất là với cánh đàn ông sau khi nhậu ngà ngà cần chút “hồ” để lót dạ. Trong các món cháo, đặc biệt nhất là cháo ong vò vẽ, cháo dơi và cháo rắn hổ đất.
Cháo ong vò vẽ không phải ai cũng làm được do nọc của chúng rất độc. Cũng không phải là thả con ong vào tô cháo, mà người ta tách từng tầng tổ ong ra để gỡ lấy nhộng non. Những con nhộng đó được trụng nước sôi chừng dăm phút cho phần sữa trong thân nhộng săn lại, sau đó ngắt bỏ phần ruột đen ở thân dưới. Lúc đó đem xào với hành, tỏi. Khi cháo chín, mới bỏ nhộng ong đã xào vào, cùng với tiêu và hành lá thái nhỏ. Bát cháo ngọt, béo, giàu chất dinh dưỡng, rất được ưa chuộng.
Bông điên điển được dùng như một loại rau trong nhiều món ăn Nam Bộ
Món cháo thứ hai là cháo dơi. Ở những vùng có nhiều dơi, người ta dùng vợt để bắt, sau đó cắt tiết pha với rượu, lột bỏ da, moi hết ruột. Đặc biệt, khi làm thịt dơi, không được rửa trong nước. Người ta cũng không sử dụng đầu và cánh dơi, còn các phần khác thì băm nhuyễn. Gạo dùng để nấu cháo dơi phải rang vàng, rồi ninh với đậu xanh. Thịt dơi sau khi băm nhuyễn sẽ sẽ xào với một số gia vị. Trong tô cháo dơi cũng không thể thiếu gừng xắt chỉ và nước chanh tươi.
Với cháo rắn hổ đất, cũng không hề dễ làm. Đây là loài rắn cực độc nhưng thịt lại rất ngon. Người ta hơ con rắn trên lửa cho lớp vảy tróc ra rồi cạo sạch. Sau đó lấy mật và bộ đồ lòng của nó ra. Trong khi ninh cháo, người ta chặt khúc phần thịt rắn, chừng từ 5 đến 7cm/miếng, rồi cho vào nồi cháo. Khi thịt rắn đã mềm, người ta vớt ra, xé nhỏ trộn với hành củ thái mỏng ngâm giấm đường, tiêu, ớt… sau đó mới cho vào tô cháo.
Lẩu mắm rau đắng
Ai có dịp về Cà Mau, hẳn rất thú vị với khung cảnh thiên nhiên nơi trời nước bao la, những vạt đước, tràm ngút tầm mắt và những con kênh như bất ngờ hiện ra ở những cửa rừng. Nhưng, cũng thật thú vị khi được thưởng thức ẩm thực của vùng đất tận cùng Tổ quốc này.
Cà Mau nổi tiếng với con ba khía, nó sống nhiều ở vùng Rạch Gốc. Món ba khía có quanh năm, nhưng người sành ăn cho rằng chỉ vào tháng 7, tháng 8 thì món này mới tuyệt ngon. Do thời điểm đó ba khía có nhiều nhất và cũng mỡ màng nhất.
Người ta không ăn ba khía tươi, mà đem ngâm chúng vào những chiếc chum, rắc muối đều, để từ 5 đến 7 ngày, sau đó mới chế biến. Ba khía thuộc họ nhà còng, với tám chân, hai càng, bò ngang, tập trung ở vùng nước lợ ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Người ta bắt nó như bắt cua, vì thế khi mùa ba khía nhiều, lũ trẻ rất thích thú đem giỏ đi bắt ba khía về để cha mẹ chúng chế biến. Sau khi lấy từ chum ra, ba khía được trộn với tỏi, ớt giã nhuyễn, vắt thêm chút nước chanh tươi. Thịt ba khía mỏng, nhưng nước của nó lại rất đặc biệt, ăn một lần nhớ mãi.
Cuối cùng phải nói đến món chuột đồng. Cà Mau đồng ruộng mênh mông. Mùa gặt cũng là mùa đi bắt chuột đồng. Những con chuột mũm mĩm. Phổ biến nhất là món chuột đồng chiên xả ớt và nướng muối ớt. Sau khi làm thịt, chuột đồng được đem ướp với sả ớt bằm nhuyễn, thêm muối và bột nêm. Cách pha chế nước chấm không quá cầu kỳ, chỉ là nước mắm ngon cho thêm chút đường để dịu bớt, cùng đó là ớt xắt lát. Như vậy, món thịt chuột đồng không bị mất hương vị riêng vốn có.
Nhớ nồi mít non kho của nội
Có lẽ với những người con sinh trưởng tại vùng sông nước Cửu Long, khi nhắc về món ăn quê hương, họ sẽ nghĩ ngay đến lẩu cá linh bông điên điển, cháo cá lóc rau đắng... Còn với tôi thì đó là nồi mít non kho của bà nội.
Mít non kho nên hâm lại ba đến bốn lần để đậm vị ngọt bùi DIỄM THƯ
Ngày xưa, nhà tôi có cây mít sau hè. Không rõ nó được trồng từ bao giờ, nhưng trong trí nhớ của tôi thì cây mít ấy đã lớn lên với tôi và tặng gia đình tôi biết bao nhiêu là quả ngọt cùng những bữa cơm ấm đầy. Hồi đó món ăn thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm gia đình tôi là mít non kho tộ của bà nội. Vài năm trước, bà tôi mất thì cây mít cũng chết khô theo. Khi ấy, tôi ngỡ như đã đánh mất sợi dây tình cảm gắn kết mình với thuở còn thơ. Nỗi nhớ bà nguôi ngoai dần, nhưng mỗi khi có dịp về thăm quê, tôi lại cảm thấy phảng phất đâu đó mùi thơm của nồi mít non kho của bà.
Ngày đó, mỗi lần mít ra trái là ba mẹ tôi mừng lắm, bởi lẽ bán được vài quả mít chín ngoài chợ huyện cũng giúp cho gia đình tăng thêm thu nhập. Thế nhưng, con bé mới 10 tuổi hồi ấy thì chỉ mong cho mít non bị sâu ăn. Bởi chỉ có như vậy, hôm sau tôi lại được ăn cơm hoặc ăn bún với mít kho. Món này nói dễ làm thì cũng đúng, nhưng để có được một nồi mít kho ngọt bùi và hương thơm ngây ngất thì đó là một thách thức đối với người nội trợ.
Mít non khi hái từ trên cây xuống phải phơi ngoài trời từ một đến hai ngày để loại trừ mủ. Nên gọt bỏ phần vỏ ngoài của mít dưới vòi nước đang chảy nhằm lợi dụng sức nước để tiếp tục loại trừ mủ. Nhiều người sẽ bỏ luôn phần cùi, và đó là sai lầm căn bản làm cho nồi mít kho giảm mất ba mươi phần trăm chất lượng. Cùi của quả mít chín dĩ nhiên là không thể ăn được, nhưng cùi mít non khi được nấu chín lại vừa bùi vừa ngọt.
Một nồi mít kho đạt chuẩn là phần thịt mít ngả sang màu nâu, mùi hương dịu nhẹ. Khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt cùng xơ mít hòa lẫn với vị bùi bùi của phần cùi và hạt mít
Sau khi đã loại bỏ phần vỏ xanh, bà nội cắt mít thành từng khoanh có độ dày cỡ chừng 2 cm và đem chiên cho vàng. Bà tôi dạy phải chiên mít trước khi kho để mít không bị bở khi kho tới kho lui nhiều lần. Sắp những khoanh mít vào nồi và đổ nước dừa xâm xấp với mít cùng gia vị như xì dầu hoặc muối. Chỉnh lửa riu liu đến khi nước trong nồi mít kho rút cạn thì nêm nếm lại cho vừa ăn là được. Bên cạnh đó, cứ mỗi 15 phút thì nhớ trở mít để các khoanh mít thấm đều gia vị và có màu sắc bắt mắt. Một nồi mít kho đạt chuẩn là phần thịt mít ngả sang màu nâu, mùi hương dịu nhẹ. Khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt cùng xơ mít hòa lẫn với vị bùi bùi của phần cùi và hạt mít.
Theo bà nội thì món này không ăn vội được: "Phải hâm đi hâm lại từ ba đến bốn lần mới đậm vị ngọt bùi". Nhưng nói thiệt là hồi còn nhỏ tôi gần như không chú ý đến lời bà. Nồi mít kho vừa chín là tôi đã vội vàng giành ăn ngay vì sợ mất phần. Món này ăn cùng cơm trắng hoặc bún tươi là... hao lắm! Đôi khi chẳng cần phải thịt thà hay cao lương mỹ vị, mà chỉ giản đơn một trái mít non kho cũng khiến người ta nhung nhớ mãi khôn nguôi.
Đặc sản miền Tây - Món ăn dân dã vùng sông nước Đến với Tây Nam Bộ bạn nhất định phải thưởng thức qua những món ăn ngon, đặc sản vùng miền nơi đây. Ẩm thực miền Tây sông nước dù dân dã nhưng luôn đem lại hương vị đặc biệt, một khi đã ăn thử thì sẽ nhớ mãi. Canh chua cá linh bông điên điển Vị chua chua ngọt ngọt của nồi canh...