Món ngon dọc đường miền Tây Nam Bộ
Cháo cá lóc rau đắng, lẩu mắm, bánh xèo, bánh pía… đều là những món ngon của vùng Nam Bộ quyến rũ du khách khắp mọi miền.
1. Bánh xèo chảo
Bánh xèo chảo là món ăn có nguồn gốc từ miền Tây Nam Bộ. Món ăn có thành phần như chiếc bánh xèo miền Trung với tôm, thịt, giá đỗ và bột… Sở dĩ có tên gọi là bánh xèo chảo vì khuôn bánh được làm bằng những chiếc chảo lớn. Nguyên liệu quan trọng nhất để làm bánh xèo chính là bột gạo. Bột được pha với các thành phần khác như bia, nước cốt dừa, muối, bột nghệ… theo một tỉ lệ nhất định.
Chiếc chảo được làm nóng, tôm thịt cho vào xào sơ rồi rưới đều bột vào chảo, tráng nhẹ để bột dàn trải đều ra. Khi phần bột vừa chín đến thì cho giá đỗ vào. Bánh xèo chảo được ăn kèm với nước chấm có vị chua ngọt được làm từ nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường… cùng một đĩa rau xà lách, cải bẹ xanh, húng quế, húng thơm..
2. Cháo cá lóc
Cháo cá lóc ở miền Tây thường được chia làm hai loại là cháo cá lóc rau đắng hoặc cháo cá lóc rau mồng tơi. Nguyên liệu chính của món này là cá lóc đồng. Cá lóc đồng sau khi làm sạch, đem luộc chín, lột da và lấy hết xương, thịt cá trắng tinh được xếp gọn gàng trên đĩa. Tùy sở thích mà người ta có thể ăn kèm món này với nấm rơm, thêm rau đắng hoặc rau mồng tơi, cải xanh. Trong những ngày nắng nóng, cháo cá lóc không chỉ là món ăn ngon miệng mà còn có tác dụng giải nhiệt rất tốt.
3. Cơm tấm miền Tây
Không chỉ có món cơm tấm sườn bì như ở Sài Gòn. Nếu có dịp đến An Giang, du khách sẽ được nếm thử món cơm tấm Long Xuyên vừa ngon vừa lạ miệng. Không giữ nguyên miếng sườn to bản, sườn ở đây được thái thành từng lát mỏng, nhỏ vừa miệng.
Ngoài thịt, đĩa cơm tấm ở đây còn có trứng kho thái thành từng lát mỏng giúp người ăn không bị ngấy. Ngoài ra, còn có bì, một ít mỡ hành, dưa chua thường làm bằng rau muống, cải, dưa leo… Ăn kèm là nước mắm pha hơi sánh (nước mắm nấu với đường theo một tỷ lệ nhất định cho đến khi đường tan hết là được) có vị cay nhẹ, đậm đà, ngon miệng.
Nếu đến Bạc Liêu, du khách sẽ được thưởng thức món cơm tấm phá lấu rất lạ miệng ở đây. Tuy không có gì đặc biệt, chỉ với một đĩa cơm tấm, bên trên là phá lấu được thái lát vừa ăn, thêm một ít đồ chua, mỡ hành và chén nước chấm, chỉ đơn giản như vậy thôi nhưng khi thưởng thức bạn mới cảm nhận được hết cái ngon của nó. Cái giòn giòn và hơi dai của phá lấu kết hợp với vị chua ngọt của đồ chua, thêm cái béo của mỡ hành tổng hòa vào nhau khiến thực khách mê mẩn khi thưởng thức.
4. Các món hủ tiếu
Video đang HOT
Như món phở của người miền Bắc hay bún bò của người miền Trung, hủ tiếu là niềm tự hào trong ẩm thực của người dân miền Tây. Món ăn có nguồn gốc của người Hoa, du nhập vào miền Tây Nam bộ. Trải qua thời gian, sự pha trộn, chế biến giữa các nguyên liệu đã hình thành nên ba thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng ở miền Nam: Hủ tiếu Mỹ Tho, Nam Vang và Sa Đéc.
Mỗi loại hủ tiếu mang đến cho bạn những hương vị khác nhau khi thưởng thức, tuy nhiên cả ba thương hiệu trên đều nổi tiếng và là món ăn quen thuộc với nhiều người.
5. Các món bún
Có thể nói, bún là một món ăn phong phú nhất ở miền Tây, có thể kể ra đây các món bún như: bún mắm, bún nước lèo, bún cá, bún gỏi già, bún tiêu giò, bún bò cay Bạc Liêu… Mỗi món bún có một hương vị khác nhau, vị đậm đà của bún mắm, vị cay của bún bò cay hay vị cay nồng đặc trưng của tiêu trong món bún tiêu giò, thoang thoảng vị mắm của bún nước lèo… mang đến hương vị phong phú cho người ăn.
6. Các món bánh canh
Danh sách của món ăn này khá phong phú với nhiều loại như: Bánh canh giò heo, bò viên, cua, ghẹ, tôm nước cốt dừa… Chính nhờ sự phong phú đó mà món ăn này trở nên quen thuộc đời sống ẩm thực của người miền Tây.
Sợi bánh canh thường được làm từ bột gạo hoặc bột mì. Nước dùng của món ăn này thường nấu sánh, hơi sền sệt có vị đậm đà. Bánh canh là món rất dễ ăn nên người dân miền Tây có thể ăn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.
7. Lẩu cua đồng
Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay thì món lẩu cua đồng thích hợp nhất cho du khách trên bước đường khám phá miền Tây của mình. Món ăn là sự kết hợp giữa vị nồng của cua đồng, vị thơm của hành hoa chưng gạch cua, nước dùng có màu nâu đậm được điểm xuyết thêm màu đỏ của cà chua, xanh non của hành lá, thoang thoảng hương thơm của ngò rí.
Tùy vào từng địa phương mà món lẩu được kết hợp với các nguyên liệu khác như tôm, ghẹ, mực, cá bống mú, chả cá… các loại rau vườn như đọt nhãn lồng, rau trai, bông bí, rau mồng tơi, nấm… Ăn kèm với lẩu có thể là bún tươi hoặc mì đều thích hợp.
8. Lẩu mắm
Lẩu mắm là món ăn rất nổi tiếng ở Cần Thơ cũng như các tỉnh lân cận. Từ các loại cá đồng, cá sông cùng nhiều loại rau có sẵn trong vườn nhà, người dân xứ miệt vườn đã làm nên món lẩu mắm độc đáo được nhiều người ưa thích. Cái tên gọi đã nói lên thành phần của món ăn, trong đó mắm là hương vị chính, ngoài ra còn có các nguyên liệu khác như: thịt heo, tôm, mực, các loại cá như: cá lóc, cá kèo, cá bông lau…cùng các loại rau vùng miệt vườn như: bông súng, kèo nèo, bắp chuối, cải xanh, rau đắng, cà tím, rau nhút, bông bí…
9. Lẩu cá linh bông điên điển
Đây là món ăn phổ biến vào mùa nước nổi (khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm). Để làm món ăn này, người ta chọn những con cá linh còn tươi rói, béo tròn, làm sạch mang, móc bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo. Bông điên điển chọn loại còn tươi, chưa bung cánh, khi ăn vừa giòn vừa có hương thơm nhẹ.
Tùy theo từng vùng mà nước dùng của món lẩu này được nấu bằng nhiều cách khác nhau. Có người ninh xương heo, xương cá để lấy vị ngọt, nhưng cũng có nơi nấu bằng nước dừa tươi để nước lẩu vừa trong vừa có vị ngọt thanh dễ chịu. Là món ăn hương đồng gió nội nhưng lẩu cá linh bông điên điển chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng, bên cạnh đó là thịt cá béo ngọt ăn kèm nước mắm nguyên chất, càng làm cho món lẩu này trở nên đậm đà.
10. Các món bánh
Các loại bánh ở miền Tây đươc chia làm hai loại là bánh ngọt và bánh mặn. Về bánh mặn, có cách loại như bánh tằm bì, bánh củ cải, bánh tét lá cẩm, bánh cóng, bánh hỏi, bánh xếp…
Riêng các loại bánh ngọt, nổi tiếng nhất là bánh pía, ngoài ra còn có bánh ống lá dứa, bánh ít, bánh chuối, bánh tai yến… Bên cạnh các món bánh, các món chè của miền Tây cũng rất phong phú như chè bà ba, chè bưởi, chè chuối nước cốt dừa…
Theo PNO
Sa Đéc miền đất hoa níu chân du khách
Thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp), địa danh mang nhiều nét đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Cảnh sắc, con người nơi đây quyến luyến du khách như một người tình.
Dấu ấn di sản
Chùa Kiến An Cung
Đặt chân đến Sa Đéc, du khách không thể không tới viếng chùa Kiến An Cung- ngôi chùa cổ của người Hoa được xây dựng cách đây gần 100 năm, đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Chùa quay mặt ra rạch Cái Sơn, được xây theo kiểu chữ "Công" uy nghi, bề thế, gồm 3 gian, trong đó gian giữa rộng nhất là điện thờ. Mái chùa lợp ngói dợn sóng rồng, trải nền cho những ngọn sóng cong vút lên cao, tạo mái ngói theo chữ "ngũ hành".
Một công trình kiến trúc khác của Sa Đéc cũng nổi tiếng không kém là nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - ngôi nhà của một bá hộ ở Sa Đéc xưa. Nằm bên bờ sông Tiền, nét đặc biệt của ngôi nhà cổ này là sự giao thoa kiến trúc Việt-Pháp-Hoa cùng câu chuyện tình lãng mạn giữa nữ văn hào Pháp Marguerite Duras với công tử họ Huỳnh.
Mối tình không thành của một chàng công tử miền Tây với thiếu nữ Pháp xinh đẹp đã được Marguerite Duras đưa vào cuốn tiểu thuyết "Người tình" (L'Amant), một tác phẩm nổi tiếng đã được dựng thành phim.
Năm 2009, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Anh Lê Kiệt Thành - một hướng dẫn viên du lịch cho biết: "Hai di tích lịch sử là chùa Kiến An Cung và nhà cổ Huỳnh Thủy Lê chính là kho báu của Sa Đéc nhằm thu hút khách du lịch. Bất cứ ai đến đây cũng muốn đi thăm hai di tích này, rất may mắn là cả hai công trình đều đang được bảo tồn rất tốt".
Miền đất của hoa
Sa Đéc miền đất của hoa
Tiếp tục tham quan làng hoa kiểng Tân Quy Đông (hay còn gọi là làng hoa Sa Đéc) - một trong những làng hoa lớn nhất Việt Nam, có diện tích trên 250ha với gần 2.000 hộ làm nghề. Ở đây có tới 1.000 chủng loại hoa, nhờ sự khéo léo của người trồng hoa, chăm hoa; nhờ khí hậu thích hợp, hoa Sa Đéc đẹp có tiếng. Hoa Sa Đéc được xuất đi các tỉnh thành và cả sang Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Có thể đi dạo quanh làng hoa bằng một chiếc xe máy, bạn sẽ choáng ngợp trước những cánh đồng hoa vạn thọ vàng rực, trên 50 giống hoa hồng đủ loại màu sắc, hoa thược dược, hoa cẩm chướng... Nếu thích, bạn hoàn toàn có thể xuống vườn xin phép được chụp ảnh cùng hoa mà các chủ vườn hết sức vui vẻ, không thu tiền phí.
Bạn có thể trò chuyện với các gia đình có nghề trồng hoa truyền thống ở đây, học hỏi họ các bí quyết trồng hoa và giữ hoa tươi lâu. Trong làng hoa có những vườn hoa hết sức độc đáo khi hoa được trồng trên giàn, bên dưới là hệ thống tưới nước sạch và người trồng hoa đi lại giữa các giàn hoa bằng thuyền. Một không gian thơm ngát, rực rỡ sắc màu là ấn tượng bạn không thể quên khi đến với làng hoa.
Đến với Sa Đéc không thể bỏ qua việc thưởng thức các đặc sản miền Tây nổi tiếng như hủ tiếu Sa Đéc, bún cá, nem Lai Vung, lẩu gà nòi, bánh tráng sữa, phở bò Sa Đéc... Đêm về, bạn còn được thưởng thức chương trình ca nhạc tài tử Nam Bộ, đắm mình trong những câu ca về tình đất, tình người miền Tây.
Theo 24h
Sức quyến rũ của mùa nước nổi Hằng năm, cứ vào tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, ở miền Tây Nam bộ, đặc biệt là khu vực tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười lại bước vào mùa nước nổi. Đây cũng là thời gian thích hợp để du khách đổ về miền Tây tham quan Tràm Chim, rừng tràm Trà Sư, ghé thăm vườn hoa Sa Đéc,...