Món hời khổng lồ từ truyền hình thực tế thiếu nhi
Phía sau mục đích tạo sân chơi cho con trẻ trên truyền hình, các show thực tế cho trẻ em còn là chiếc bánh quá ngon mà các đài truyền hình và nhà sản xuất khó bỏ qua.
Trong dịp Tết Ất Mùi 2015, cậu bé tóc xù Hoàng Anh xuất hiện “trên mọi mặt trận” quảng cáo. Từ những thùng mỳ tôm tới chai nước ngọt, từ những tấm pa nô quảng cáo lớn tới thân xe buýt và tất nhiên là những slot quảng cáo trên truyền hình. Có lẽ không cần con số nào cũng có thể hiểu được rằng sự “phủ sóng” của Hoàng Anh đã chứng minh một cách rõ ràng giá trị của các show truyền hình thực tế hướng tới đối tượng trẻ em.
Hoàng Anh chỉ là á quân của The Voice Kids mùa đầu tiên, nhưng sau cuộc thi, em không tham gia nhiều các show ca nhạc. Ngược lại, cậu bé rất đắt show quảng cáo. Lợi thế của Hoàng Anh là vẻ ngoài dễ thương, nụ cười tươi, phong thái hồn nhiên, vui vẻ cùng khả năng ca hát, nhảy và tất nhiên là diễn tốt trước ống kính. Vậy là dù bước ra từ một cuộc thi ca hát, Hoàng Anh… không cần hát cũng vẫn nổi tiếng và thành công. Nói một cách khác, cậu bé “thắng lớn” về các hợp đồng quảng cáo.
“Chiến thắng” của Hoàng Anh không chỉ của riêng gia đình cậu. Đó cũng là chiến thắng của một xu hướng kinh doanh giải trí thành công. Hay chiến thắng của sự chuyển hướng hợp lý của các nhà sản xuất và đài truyền hình. Khi truyền hình thực tế cho người lớn bão hòa, truyền hình thực tế cho trẻ em là sự tiếp nối cần thiết.
Chỉ là á quân Giọng hát Việt nhí nhưng Hoàng Anh lại “thắng lớn” với các hợp đồng quảng cáo sau cuộc thi.
Các phiên bản nhí lên ngôi
Theo nguồn dữ liệu mà Zing.vn có được, so sánh con số rating của một số chương trình truyền hình thực tế nổi bật trong năm 2015 sẽ thấy sự thay đổi mạnh mẽ về xu hướng giải trí của khán giả truyền hình. Chương trình Bước nhảy hoàn vũ phát sóng trên kênh VTV3 vào giờ vàng đạt con số rating toàn quốc là 4.7% thì con số này của phiên bản Bước nhảy hoàn vũ nhí cũng phát trên cùng kênh, cùng khung giờ là 6.5%. Hay với chương trình Giọng hát Việt mùa 3 cũng năm 2015, phát trên VTV3 khung giờ vàng, đạt rating 4.5% trong khi Giọng hát Việt nhí là 5.4%.
Truyền hình thực tế hướng tới trẻ em đang thu hút người xem.
Khi người xem quan tâm nhiều hơn thì đó đã trở thành xu hướng và tất nhiên, các nhà sản xuất và đài truyền hình không thể đứng ngoài xu hướng với lý do đơn giản: Khán giả thích gì phải phục vụ thứ đó.
Nhưng ngược lại, xu hướng mà khán giả thích cũng chính là cơ hội thu lợi nhuận tốt hơn. Theo báo giá quảng cáo của Trung tâm Quảng cáo & Truyền hình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (TVAD), mùa đầu tiên của Giọng hát Việt nhí đã có giá quảng cáo lên tới 320 triệu đồng cho 30 giây trong một số lên sóng. Con số này ngang bằng phiên bản cho người lớn mùa thứ ba lên sóng cùng thời gian. Nguồn tin riêng của Zing.vn cho biết, lợi nhuận một tập của mùa đầu Giọng hát Việt nhí có lúc đạt tới 9 tỷ đồng, mức doanh thu không hề nhỏ so với bất cứ chương trình truyền hình thực tế nào tại Việt Nam.
Chỉ số rating các chương trình thực tế ‘hot’ của kênh VTV3
Nhìn nhận vấn đề qua lăng kính thương mại, có thể thấy truyền hình thực tế dành cho trẻ em có rất nhiều lợi ích khai thác. Các chương trình này không chỉ thu hút trẻ em mà cả người lớn – phụ huynh. Nếu để ý sẽ thấy, sau khi xuất hiện quảng cáo tại các chương trình trẻ em, lượng hàng bán ra của một số hãng tăng mạnh. Đây không phải là các nhãn hàng cao cấp, mà chủ yếu hướng đến khách hàng bình dân, chính là những khán giả trung thành của các chương trình này. Do vậy, chi phí quảng cáo đổ vào các chương trình này càng tăng mạnh.
Video đang HOT
Nhãn hàng đổ tiền vào quảng cáo có nghĩa nhà đài và nhà sản xuất thu lợi. Ngược lại, các nhãn hàng cũng tiêu thụ sản phẩm tốt. Chẳng ai thua mà thực tế là đều thắng về kinh doanh!
Từ bài toán đầu tư giải trí tới cuộc đầu tư gia đình
Đã có không ít câu chuyện được kể về sự nhọc nhằn của các bậc phụ huynh khi đưa con đi thi Đồ Rê Mí hay Giọng hát Việt nhí. Cha mẹ nào cũng thương con và luôn muốn tạo mọi điều kiện để năng khiếu và sự yêu thích của con trẻ được thỏa mãn. Nhưng không thể phủ nhận, với nhiều người việc đưa con đi thi là một cuộc đầu tư mang quy mô gia đình.
Phía sau câu chuyện về những lùm xùm của gia đình cậu bé Mai Chí Công và ca sĩ Thái Thùy Linh xảy ra cách đây 2 năm, có thể thấy tham vọng của nhiều bậc phụ huynh là không hề nhỏ. Sự bùng nổ của các cuộc thi truyền hình cho trẻ em đang tác động đô mi nô tới sự phát triển của các lò đào tạo trẻ em trước khi tham gia thi thố. Không khó nhận ra trong mấy mùa Đồ Rê Mí gần đây, thí sinh đều khá chững chạc vì đã có một quá trình được “cọ sát” trong các nhà văn hóa, trung tâm nghệ thuật.
Phía sau giọt nước mắt của con trẻ trên sân khấu khi bị loại cũng có cả giọt nước mắt thất vọng của các bậc phụ huynh.
Chị Mai Châu (43 tuổi), phụ huynh có con thi tuyển chương trình Thần tượng Việt Nam nhí chuẩn bị lên sóng vào ngày 24/4 tới đây chia sẻ với phóng viên: “Chị cho cháu đi sinh hoạt ở nhà văn hóa ban đầu cho vui thôi. Nhưng thấy cháu có năng khiếu hát lại thích lên sân khấu, chị hỏi ý kiến cô giáo có nên cho cháu tham dự thử một vài cuộc thi. Cô tham vấn ngay rằng có thể và cô sẽ lên một giáo án riêng cho cháu nếu gia đình thực sự quyết tâm.”
Người mẹ làm công việc văn phòng cho biết sự quyết tâm của gia đình là một khoản học phí hàng tháng riêng cho môn thanh nhạc của con gái cũng như kế hoạch đưa đón con, chăm sóc chế độ dinh dưỡng theo yêu cầu của cô giáo, Nhưng cuối cùng, con gái chị vẫn bị… loại từ vòng gửi xe! Thực tế là cô bé đã bị ngợp khi tham dự cuộc thi lần đầu tiên nên không thể có được chiếc vé vào sâu trong chương trình.
Khi thông tin Trung Quốc siết chặt các chương trình truyền hình thực tế có yếu tố trẻ em lan sang Việt Nam trong bối cảnh ở nước ta các chương trình này đang nở rộ, người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi khi nào xu hướng này sẽ kết thúc?
Doanh thu mùa thứ hai của Giọng hát Việt nhí đã giảm so với mùa đầu chương trình lên sóng. Nhưng nhà sản xuất chương trình chưa hề có ý định ngừng triển khai cuộc thi. Sức hấp dẫn của mảng chương trình này chắc chắn vẫn còn rất lớn. Vietnam Idol nhí chuẩn bị lên sóng nay mai, rồi mùa Đồ Rê Mí mới, cũng như thông tin về một số chương trình phiên bản nhí đang được xúc tiến mua bản quyền để lên sóng cho thấy xu hướng này sẽ còn chiếm sóng truyền hình trong một thời gian nữa. Khi chiếc bánh vẫn còn hấp dẫn, hẳn những người khai thác không thể gạt nó khỏi bàn tiệc giải trí.
Theo Zing
Phụ huynh kể chuyện nhọc nhằn đưa con đi thi game show
Có gia đình ở xa phải vượt quãng đường dài hàng chục cây số chỉ với 1 triệu đồng trong tay, có gia đình khá giả đầu tư cho con từ nhỏ nhưng cũng không kém phần vất vả.
Có mặt tại buổi tuyển sinh của các chương trình truyền hình thực tế, dễ dàng nhận ra những phụ huynh đến từ các tỉnh xa thông qua cách ăn mặc, trên tay mang nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh. Và trên hết, ở họ toát lên sự lo lắng, căng thẳng xen lẫn mệt mỏi sao những ngày dài đồng hành cùng con.
Vượt khó đưa con đi thi
Đưa cô con gái út Bảo Châu (12 tuổi) đi thi The Voice Kids, vợ chồng chị Nga đến từ ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Nhuận (An Giang, Long Xuyên) phải dậy từ 2h30 sáng chuẩn bị hành trang. Để tiết kiệm, 3 thành viên cùng đèo nhau trên chiếc xemáy cũ kỹ để lên thành phố kịp giờ ghi danh. Xe cũ, cộng với tay lái yếu nên mất gần 8 tiếng, gia đình mới đến được địa điểm tuyển sinh. Chuyến đi này, vợ chồng chị dành dụm 1 triệu đồng - món tiền không hề nhỏ so với cuộc sống tại quê làm lộ phí. Công việc đồng áng và cửa hàng cơm nhỏ cũng phải tạm nghỉ 2 hôm.
Chị tâm sự trong hai ngày lưu tại TP HCM, mọi thứ từ chuyện ăn uống đến sinh hoạt đều xuề xòa. Ban ngày, cả gia đình nghỉ lại địa điểm thi, tối về ngủ trong căn phòng nhỏ thuê với giá 200.000 đồng, đói thì ăn cơm bụi. Khi con gái một mình vào phòng thử giọng, cũng là lúc hai vợ chồng đứng thấp thỏm không yên phía bên ngoài, cùng chờ đợi và hy vọng.
"Con tôi có đam mê và được nhiều người khen hát hay. Nhưng vì nhà ở vùng hẻo lánh, lại không có điều kiện nên mãi đến năm ngoái, gia đình mới sắm được TV để xem. Lúc đó, bé mới biết đến chương trình Giọng hát Việt nhí và xin gia đình cho thử sức. Muốn con vui nên vợ chồng tôi tranh thủ sắp xếp công việc để lên thành phố".
Vợ chồng chị Nga vượt quãng đường xa với lộ phí 1 triệu đồng để đưa con gái đi thi. Ảnh: Phương Giang
Hỏi về ước mơ được thay đổi cuộc sống, chị Nga không giấu kỳ vọng vào cô con gái út. Tuy nhiên, gia đình không đặt nặng quá nhiều áp lực mà chỉ xem đây là một cuộc vui.
Đến đây cũng vừa kịp lúc Bảo Châu hoàn thành phần thử giọng trước nhạc sĩ Hồ Hoài Anh. Chạy ùa ra gặp bố mẹ với gương mặt hân hoan, em khoe mình có phần thi tốt. Cô bé gây ấn tượng bởi nước da ngăm đen nhưng ánh mắt rất sáng và lanh lợi, nhất là khi chia sẻ mình muốn được lo cho ba mẹ đỡ vất vả, có cuộc sống ổn định hơn trước.
Để kịp về đến nhà trước khi trời sập tối, cả gia đình hỏi kỹ thông tin rồi vội vàng ra lấy xe. Sau 2 ngày mệt mỏi đưa con đi thi, nhưng chắc chắc chuyến hành trình kéo dài 7 tiếng sắp tới về lại An Giang sẽ đầy ắp tiếng cười và những kỷ niệm khó quên.
Không riêng gì chị Nga, nhiều gia đình cũng không quản ngại vất vả để một lần thỏa mãn ước mơ của con. Câu chuyện của quán quân The Voice Kids 2014 Nguyễn Thiện Nhân đến nay vẫn khiến khán giả nhớ như in.
Do bố mẹ bận rộn với công việc đồng áng nên anh trai là người đồng hành cùng cô bé đu đủ trong những ngày đầu từ Bình Định lên TP HCM. Không có điều kiện, hai anh em đi tàu hỏa hết 12 tiếng để đi thử giọng.
Càng đi sâu vào vòng trong, niềm vui tăng dần nhưng cũng đồng nghĩa với khó khăn chồng chất. Nhớ lại kỷ niệm chở nhau trên chiếc xe máy từ bến xe An Sương (quận Tân Bình) sang địa điểm tập luyện, ghi hình ở khu vực trung tâm, hai anh em trải qua không biết bao nhiêu cơn mưa và những ngày nắng đổ lửa.
Thay đổi môi trường sống cũng ảnh hưởng khá nhiều từ cách sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, áp lực cộng với tâm lý nhớ gia đình khiến những ngày tham gia The Voice Kids của Thiện Nhân vừa có niềm vui nhưng cũng lắm vất vả và cả nước mắt.
Hành trình của những ông bố
Đi thi, hầu hết các em nhỏ đều được bố mẹ đi cùng ủng hộ. Nếu không đủ cả hai, mẹ vẫn là "lựa chọn" ưu tiên, do đó hình ảnh những ông bố một mình đưa con đi thi cũng mang nhiều câu chuyện thú vị.
Thiên Phúc được khán giả biết khi tham gia The Voice Kids mùa 3. Dừng chân tại vòng Đối đầu, cậu bé tiếp tục tham gia Người hùng tí hon và gây ấn tượng với giọng hát khỏe khoắn, máu lửa. Ít ai biết rằng, để có những lần khuấy động sân khấu, cậu bé 13 tuổi và ba của mình phải cùng nhau vượt quãng đường hàng chục cây số từ Mỹ Tho lên TP HCM kể cả ngày thi lẫn những buổi tập.
Anh Vũ Luân, ba của Phúc kể đưa con đi thi là những ngày đối diện với những với mưa, nắng, gió, bụi đường, những bữa cơm bụi vội vàng, những giờ phút tập luyện không hề nhẹ để sau đó phải nằm bẹp sau hậu trường. Kết thúc mỗi buổi thi, thấy con trai mệt mỏi thiếp đi trên tay lái xe máy, anh chỉ biết hôn nhẹ lên tóc và siết chặt đôi bàn tay con như một lời động viên.
Hành trình đưa con trai Thiên Phúc đi thi vất vả nhưng đong đầy niềm vui. Ảnh: Cắt từ clip
"Những ngày tháng hạnh phúc vì bố con được song hành... Kinh tế gia đình khó khăn nhưng với niềm đam mê âm nhạc, tất cả đã lướt qua để con có những giây phút thăng hoa cùng đam mê", ba Thiên phúc chia sẻ.
Tại buổi tuyển sinh The Voice Kids vừa qua, hình ảnh ông bố chọn một góc nhỏ để tranh thủ... chợp mắt nghỉ ngơi khi chờ đến lượt thi của con khiến nhiều người thông cảm...
Hỏi han vị phụ huynh này, anh chia sẻ mình hiện làm công việc tự do nên không bị giới hạn giờ giấc. Do đó, anh nhận trách nhiệm đưa hai con Huệ Mẫn (13 tuổi) và Gia Phú (10 tuổi) đi thi, còn bà xã ở nhà để lo trông nom nhà cửa.
Anh Cơ tranh thủ chợp mắt trong giờ nghĩ trưa. Ảnh: Phương Giang
Nói về hai con nhỏ, anh Huỳnh Văn Cơ cho biết nhà không có điều kiện cho con đi học bài bản, tuy nhiên thấy cả hai có năng khiếu và đam mê nên quyết định ghi danh thử sức. Không tạo áp lực hay đặt nặng chuyện thành tích, lý do duy nhất anh ủng hộ con đi thi là "để không phải suốt ngày dán mắt vào máy tính". Anh cho biết thêm, nhiều phụ huynh biết con thi không tốt liền tỏ thái độ không vui hay thậm chí là phản ứng với ban tổ chức, khiến không khí trở nên rất căng thẳng.
Ngược lại, nhiều phụ huynh khi đưa con đi thi cũng đặt khá nhiều hy vọng. Cô bé Hà Mi (8 tuổi) vừa xuất hiện đã nhận được nhiều sự chú ý bởi ngoại hình xinh xắn, tính cách dạn dĩ. Em có kinh nghiệm tham gia nghệ thuật từ nhỏ, từng tham gia đóng phim lẫn quảng cáo từ khi 3 tuổi. Cũng từ thời điểm đó, bố em - anh Dũng đồng hành cùng con gái trên mọi nẻo đường. Xác định con gái sẽ theo đuổi con đường nghệ thuật, gia đình Hà Mi đầu tư cho em đi sinh hoạt tại nhà văn hóa từ nhỏ. Sắp tới, em cũng sẽ được đến học bài bản hơn tại một trường đào tạo dành cho thiếu nhi có tiếng để vừa phát huy năng khiếu, vừa được dạy dỗ về tâm lý.
Cùng con tham gia các cuộc thi, cũng là lúc các bậc phụ huynh phải bỏ dở mọi công việc để đồng hành trên mọi nẻo đường. Với những người ở tỉnh xa, nhiệm vụ càng nặng nề. Kể từ khi lên TP HCM, bố của Hoàng Anh tóc xù của The Voice Kid mùa 2 cũng lần đầu tự đi chợ, nấu ăn để tiết kiệm chi tiêu cũng như giữ sức khỏe cho con. Hai bố con sống cùng nhau, nên anh cũng kiêm luôn vai trò của một người mẹ, người bạn, tâm sự, bảo ban, chỉ dạy con từng chút một.
Trên mọi chặng đường của Hoàng Anh đều có sự đồng hành của bố. Ảnh: Thiên Hương
Anh nói: "Nếu nói tôi không xót thì không phải. Nhiều buổi tối, tôi nằm nghĩ về thằng bé rồi chảy nước mắt vì thương con. Nhưng biết làm sao được khi cơ hội chỉ có một lần, có thể là bước ngoặt của cả cuộc đời'.
Câu chuyện đưa con đi thi như một bức tranh sôi động, với nhiều mảng màu, cảm xúc khác nhau. Có người chỉ kịp may vội cho con bộ trang phục mới để mặc cho bằng bạn bằng bè. Khá giả hơn, họ đầu tư cho con em từ nhỏ. Nhưng sau tất cả, họ đều chung một mục đích vì tương lai của con nên chưa một lần than thở.
Theo Zing