Món đuông sành điệu miền Tây
Nói đến thú ăn uống, người miền Tây Nam bộ có đến hàng trăm món ăn đậm đà phong vị thời khẩn hoang, nhưng với tôi ít món nào tuyệt diệu bằng món đuông chiên hoặc đuông nướng
Đuông có ba loại phổ biến là đuông dừa, đuông đủng đỉnh và đuông chà là. Cả ba loại đều hút tinh chất từ cổ hũ của cây dừa, cây đủng đỉnh và cây chà là để trưởng thành nên thịt rất quý hiếm, không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng nên người có tuổi ai cũng ưa thích, nhất là dân nhậu.
Người xưa rất tinh tế và lịch lãm trong việc lựa chọn các món ăn vừa ngon vừa bổ, đặc biệt là các loài côn trùng hoặc động vật đang trong quá trình chuyển hóa âm dương, tức ở trạng thái non tơ như bồ câu ra ràng, nhộng ve, ong non, dế non… Trong đó đuông là loại ấu trùng giàu dinh dưỡng nhất bởi nó ăn toàn chất bổ béo, mầm non ngon nhất của đọt các loài cây dừa, chà là, đủng đỉnh.
Qua trải nghiệm, ông cha đã để lại cho đời sau một kho tàng quý báu về nghệ thuật ăn uống và dưỡng sinh. Chỉ riêng con đuông cũng có nhiều cách chế biến độc đáo.
Đuông dừa ngon nhất là nướng, đuông đủng đỉnh thì nấu cháo với nước cốt dừa, còn đuông chà là tuyệt nhất là lăn bột chiên, nhưng cả ba loại đuông đều có thể đem hấp xôi, một món ngon tuyệt hảo. Tương truyền vua Gia Long và Minh Mạng xưa kia đều thích món xôi này (*).
Đuông chà là nằm trong đọt non của cây chà là
Đuông dừa nuôi tại các nhà hàng
Video đang HOT
Cách chế biến con đuông tuy đơn giản nhưng không kém phần tinh tế. Phổ biến nhất là sau khi bắt đuông ra khỏi đọt non của cây, chỉ cần rửa sạch bằng nước muối pha loãng rồi đem chiên (chỉ chiên hoặc nướng cho vừa chín, thịt phơn phớt vàng là được) hoặc nướng trên bếp than hồng.
Cầu kỳ hơn chút thì đem ngâm trong nước mắm hòn hoặc lăn bột trước khi chiên. Ngày nay, nhiều nhà hàng, quán ăn còn biến tấu thêm món đuông xào củ hành, đưa vào miệng nghe thấy beo béo, bùi bùi, mùi vị thật đặc trưng.
Nhiều tay sành điệu cho biết ăn đuông không cần tiêu, ớt vì vị cay chua sẽ phá tan mùi vị đặc trưng của loài ấu trùng nầy. Ngay cả rượu cũng không nên uống liền tù tì sẽ làm mất đi mùi vị tinh túy của con đuông mà chỉ cần nhấm nháp một vài ly để gây men là đủ.
Nhà văn Vũ Bằng cũng khuyên khi thưởng thức món đuông không cần kèm thêm rau củ vì đuông là “anh hùng độc lập”, có thêm các thứ đó sẽ làm mất cái hay, cái tuyệt của nó.
Đuông dừa vừa bắt ra khỏi cổ hũ dừa
Thịt đuông ai gắp đũa đầu tiên đều cảm thấy ngầy ngậy, ơn ớn, nhưng đến con thứ 2, thứ 3 thì buộc miệng “ngon đấy!” và sau vài lần thì cảm thấy ghiền.
Người phát hiện con đuông làm món ăn đã là một người sành điệu, người chế biến con đuông thành nhiều món ngon là một trải nghiệm lâu dài. Đúng như các chuyên gia ẩm thực từng nói “ăn uống là sáng tạo”, một sự sáng tạo văn hóa ẩm thực mà con người đang tiếp tục khám phá để ngày càng hoàn thiện.
Mắm cá kho hủng hỉnh - món ngon nhà nghèo miền Tây
Ca dao Nam bộ có câu: "Rô, trê, sặt bướm, dầy dầy/Ròng ròng, hủng hỉnh lộn bầy lia thia",bởi thế nghe tới "lẩu mắm cá hủng hỉnh" nhiều người đã tò mò muốn tìm thưởng thức một lần cho biết.
Nhắc đến cá hủng hỉnh (hoặc hủn hỉn), người ta nghĩ ngay đến tầng lớp lao động nghèo vì xưa chỉ người nghèo mới ăn cá này. Theo từ điển Từ ngữ Nam bộ của TS Huỳnh Công Tín thì "cá hủng hỉnh là loài cá nhỏ ở mương, rạch, có dạng như cá lia thia nhưng không chọi được".
Cá hủng hỉnh và các phụ liệu chuẩn bị nấu lẩu
Còn các lão nông miền Tây thì cho rằng hủng hỉnh không phải tên riêng của một loài cá mà là tên gọi chung của một số cá tạp, cá nhỏ, cá vụn, rẻ tiền như bã trầu, thia thia, lòng tong, cá rằm, cá thiểu, cá sặt non, cá rô non...
Xưa kia, sông nước miền Tây cá tôm hào sảng nên đa số người dân đều chọn cá lóc, cá trê, ca rô, cá cốc, cá ba sa... ít ai ăn các loài cá tạp, cá rẻ tiền.
Hiện nay tuy cá tôm đầy ắp, nơi nào cũng có sơn hào hải vị nhưng nhiều người vẫn nhớ về cội nguồn, muốn tìm lại cá xưa, cá sạch, hoàn toàn chưa nhiễm mùi vị thức ăn công nghiệp.
Do đó các loại cá hũng hỉnh, đặc biệt là cá lia thia, cá bã trầu, cá cơm, cá thiểu đã nghiễm nhiên lên đời và biến thành đặc sản quý hiếm, giá có khi cao gấp ba, bốn lần các loại cá khác.
Chợ đêm bán đủ loại cá, trong đó có cá hủng hỉnh
Lựa cá hủng hỉnh sau khi dỡ chà
Hồi nào nhắc đến cá hủng hỉnh, nhiều người nghe thấy xa lạ. Còn bây giờ nghe tới "lẩu mắm cá hủng hỉnh" nhiều du khách thấy vị giác như bị đánh thức, muốn tìm để khám phá và thưởng thức một lần cho biết. Từ ngày lẩu mắm trở thành đặc sản Nam bộ, nhiều nhà hàng quán ăn đã biến tấu thành nhiều món lẩu hảo hạng với nhiều nguyên liệu từ dân dã đến cung đình. Nhưng gần đây nhà hàng Vàm Xáng ở Phong Điền, TP Cần Thơ còn giới thiệu với thực khách món ăn dân dã, quê mùa, toàn hương đồng cỏ nội, đó là món lẩu mắm nấu cá hủng hỉnh.
Cá hủng hỉnh có quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa và mùa nước nổi nhưng xưa kia ít ai đánh bắt. Ngày nay, muốn có một vài ký cá hủng hỉnh người ta phải dùng lưới dày để kéo hoặc rổ lớn để xúc. Cũng có thể chọn mua từ cá dỡ chà, cá tát mương, đặt dớn nhưng rất hiếm.
Xưa kia, một số gia đình miệt đồng thường bắt cá bã trầu (có người gọi là hủng hỉnh) về làm mắm, một món ăn "danh bất hư truyền". Đáng tiếc nay món mắm này đã trở thành cổ tích.
Mắm kho cá hủng hỉnh, cách nấu cũng giống như những nồi mắm bình thường, chỉ khác nhau ở chỗ nguyên liệu chính là cá hủng hỉnh. Ai thích kiểu cách có thể cho thêm nấm rơm và ít thịt ba rọi vào để điểm xuyết thêm phần duyên dáng.
Đặc biệt các loại rau củ dùng kèm với cá hủng hỉnh điệu nghệ nhất là rau vườn như càng cua, rau nhút, cải trời, mò om, rau cần, quế đất... cộng thêm chuối chát, dưa leo, cà, đậu bắp, khế chua.
Mắm kho cá hủng hỉnh ăn với rau, củ, quả
Xu hướng chung của người tiêu thụ nông sản và hải sản hiện nay là thích những loại rau - củ - trái trong lành, không nhiễm hóa chất và những loài tôm cá sống ngoài tự nhiên, không nuôi bằng thức ăn công nghiệp.
Hiện tại chỉ hủng hỉnh mới là cá sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khó tính. Vả lại hủng hỉnh thịt ngọt, thơm ngon, xương mềm, có thể cắn nguyên con mà vẫn thấy thú vị.
Hướng dẫn cách làm mắm tép thịt luộc miền Tây Mắm tép thịt luộc - món ăn hao cơm của người miền Tây, dù đi đâu cũng khiến bạn luôn nhớ về nó. Hướng dẫn cách làm mắm tép thịt luộc miền Tây Món mắm tép thịt luộc thường hiện diện trên mâm cơm hàng ngày hay trong các dịp lễ, tết, giỗ chạp của người miền Tây. Ở vùng đất kênh rạch...