Món đồ công nghệ này giờ còn khó mua hơn cả khẩu trang ở Trung Quốc
Tăng giá gấp 7 tới 10 lần nhưng vẫn không có mà mua, nhiệt kế hồng ngoại với khả năng đo không tiếp xúc đang trở thành món hàng hiếm được cá nhân lẫn các doanh nghiệp săn lùng.
Trong tình hình dịch bệnh hoành hành, khẩu trang, chất khử trùng và các sản phẩm chống dịch khác ở Trung Quốc đã trở thành một thứ bắt buộc phải có đối với mọi người. Trong thời gian qua, năng lực sản xuất và sản lượng khẩu trang hàng ngày ở quốc gia này đã vượt quá 100 triệu chiếc, giúp làm giảm bớt mâu thuẫn giữa cung và cầu.
Nhưng khi các dấu hiệu bệnh dịch bắt đầu giảm, một số lượng lớn người dân bắt đầu đi làm lại thì có một thứ sản phẩm phòng chống dịch bệnh khác lại trở thành hàng “hot”, khó mua hơn cả khẩu trang trước đây.
Đo thân nhiệt là việc bắt buộc thực hiện mỗi ngày với công dân ở Trung Quốc hiện nay.
Đó chính là súng đo nhiệt độ không tiếp xúc, hay có thể được gọi với tên chính thức là “ nhiệt kế hồng ngoại cầm tay”. Nó là thiết bị đo nhanh nhiệt độ cơ thể bằng nguyên lý bức xạ nhiệt.
Nguyên nhân bởi sốt là một trong những biểu hiện lâm sàng chính của người nhiễm coronavirus, nên việc đo nhiệt là hành động thường thấy ở khắp mọi nơi, từ thành phố lớn tới nông thôn. Bạn muốn đi ra ngoài, trước cổng khu phải bị “bắn một phát”, đi đến văn phòng lại “bắn một phát”, vào siêu thị cũng “bắn một phát”… Việc bị súng đo nhiệt “bắn” gần như đã trở thành chuẩn mực trong cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc thời gian gần đây.
Chỉ số tìm kiếm nhiệt kế hồng ngoại cầm tay tăng vọt ở Trung Quốc theo thời gian.
Đặc biệt với các doanh nghiệp, loại nhiệt kế hồng ngoại này là sản phẩm bắt buộc. Để vượt qua cuộc kiểm tra để nối lại hoạt động, các công ty phải sở hữu số lượng thiết bị y tế hỗ trợ, cụ thể là súng đo nhiệt độ, tới một mức nhất định. Trước đây, trên các nền tảng thương mại điện tử, giá của loại sản phẩm này chỉ khoảng 100 nhân dân tệ (khoảng 330.000 đồng) thì nay đã tăng gấp 6 tới 7 lần mà vẫn không có chỗ để mua. Nhiều doanh nghiệp buộc phải vận động nhân viên mang nhiệt kế điện tử dùng cho trẻ em ở nhà để tới hỗ trợ nhà máy.
Video đang HOT
Vào ngày 18/2, Ủy ban Đoàn Thanh niên Cộng sản tại huyện Đông Khẩu, thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam đã đưa ra một sáng kiến. Đó là lên mạng Internet kêu gọi người dân địa phương tặng nhiệt kế điện tử của nhà mình cho các tổ chức, cơ quan chính phủ. Thông báo nêu rõ lý do: “Các siêu thị và trạm làm nhiệm vụ trong quận cần nhiệt kế điện tử để hoạt động, trong khi thị trường không thể đáp ứng nhu cầu mua hàng với giá thông thường.”
Đo nhiệt kế ở nơi công cộng trên đường phố ở Trung Quốc.
Theo dữ liệu được Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc tiết lộ vào đầu tháng 2, thì trước năm 2019, sản lượng nhiệt kế hồng ngoại cầm tay trong nước là từ 200.000 tới 300.000 chiếc. Quy mô thị trường nói chung không lớn. Nhưng đầu năm 2020, nhu cầu thị trường vào khoảng 550.000 chiếc. Theo cách tính toán đơn giản thì nhu cầu hiện nay đã bằng tổng sản lượng trong hai năm qua.
Do đó, trong bối cảnh thiếu hụt tổng thể, súng đo nhiệt và khẩu trang tự nhiên trở thành “mối làm ăn lớn” trong mắt một số nhà đầu cơ.
Thay vì buôn bán công khai như trước, các sản phẩm này giờ được trao đổi lén lút trong các hội nhóm trên mạng xã hội như QQ, WeChat. Các tay “trung gian” xuất hiện và biến mất liên tục, nhằm tìm kiếm khách hàng và sau đó liên hệ trực tiếp. Một số nhóm còn lén lút che đậy bằng cách cấp quyền nói chuyện cho các thành viên trong nhóm trong nửa giờ và đây là cơ hội chớp nhoáng để tất cả buôn bán với nhau.
Cùng với đó là hiện tượng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng xuất hiện tràn lan. Các công ty có thương hiệu tại Trung Quốc liên tục phải đăng đàn giải thích, thậm chỉ treo biển quảng cáo trước công ty, công khai các địa điểm bán hàng để người tiêu dùng không bị nhầm lẫn.
Theo báo cáo trong ngành công nghiệp thì hiện Trung Quốc có khoảng 70 nhà sản xuất các sản phẩm như máy đo nhiệt độ hồng ngoại. Và chỉ một số công ty lớn trong số đó như Cửu An Medical, Ngư Dược Medical hay Lạc Phổ Medical… là có năng xuất đủ lớn để cung ứng cho thị trường.
Đối mặt với sự bùng nổ của nhu cầu thị trường, các công ty này cũng đã liên tục mở rộng sản xuất và tăng cường năng suất. Các công ty này đều dự tính khối lượng sản xuất năm nay có thể tăng gấp 4-5 lần năm ngoái. Giá cổ phiếu của các công ty này thời gian qua cũng luôn tăng cao ở mức kỷ lục.
Tuy nhiên, tất cả vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, dường như không có giới hạn.
Bởi nhiệt kế điện tử dù không phải là một sản phẩm đòi hỏi nhiều linh kiện như smartphone, nhưng nó là dụng cụ đo đòi hỏi độ chính xác cao. Và dù chỉ cần khoảng hơn 100 loại linh kiện, các công ty cung cấp trong chuỗi cung ứng cũng không đủ năng lực đáp ứng. Mặt khác, các nhà sản xuất lớn về cơ bản đã nhận đơn hàng từ phía chính phủ để cung ứng sản phẩm cho các khu vực nóng, nên nhu cầu đặt hàng từ các kênh thương mại khác tạm thời khó có thể lấp đầy.
Trước nay, do nhu cầu thị trường thấp nên nguồn cung của các linh kiện điện tử chính xác, dành cho nhiệt kế hồng ngoại không nhiều. Vì vậy khi nhu cầu tăng mạnh, chuỗi cung ứng dù muốn cũng chỉ biết bó tay đứng nhìn, kiên nhẫn chờ đợi đến lượt. Không có nguyên liệu đầu vào, dù các công ty y tế có năng lực sản xuất mạnh mẽ tới đâu, cũng đều trở nên vô dụng.
Nhiều công ty đã tìm lối tắt, tự bắt tay với các công ty công nghệ để phát triển các dòng chip, thuật toán và giải pháp ứng dụng mới cho nhiệt kế hồng ngoài. Các nền tảng cũng được nâng cấp để thích ứng với nhiều loại cảm biến hiện có trên thị trường, thay vì bó buộc vào một dòng cảm biến nhiệt như trước. Một số công ty còn sẵn sàng lấy các dòng chip cao cấp để dùng cho chế tạo nhiệt kế, vốn bị coi là dòng sản phẩm “hạ cấp” trước đây. Tuy nhiên, lối đi này cũng cần thời gian để kiểm chứng và sản phẩm cũng cần được các cơ quan y tế xác nhận.
Bởi so với các thiết bị y tế khác, việc sản xuất và phát triển nhiệt kế hồng ngoại đòi hỏi các nhà máy phải có cơ sở hạ tầng đặc biệt, chẳng hạn như thiết bị hiệu chuẩn và phòng thử nghiệm. Các sản phẩm trước khi được đưa ra thị trường cần phải trải qua nhiều đợt kiểm tra cấu trúc nghiêm ngặt, thiết kế mạch điện tử và phần mềm, chưa kể nhóm nghiên cứu và phát triển phải có một lượng lớn dữ liệu từ phòng thí nghiệm và dữ liệu sử dụng lâm sàng…
Bên trong một xưởng sản xuất nhiệt kế hồng ngoại ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, một vấn đề khác vẫn nảy sinh trong quá trình sử dụng thiết bị đo nhiệt độ không tiếp xúc này. Đó là sự không chính xác. Một số công ty phản ánh súng đo nhiệt chất lượng cao vẫn cho ra các kết quả khác nhau trong các lần đo. Và khi thiết bị gặp trục trặc, cả hàng dài người sẽ phải chờ đợi.
Vương Ninh, nhà phân tích cao cấp về lĩnh vực y tế của CCID Consulting – công ty nghiên cứu, tư vấn và dịch vụ gia công CNTT lớn nhất Trung Quốc – cho biết “ánh sáng xung quanh mạnh hay yếu, nhiệt độ cao hay thấp và ngay cả những người có tông màu da khác nhau hay việc một cô gái có sử dụng kem nền trên mặt không… đều có thể ảnh hưởng đến năng lượng bức xạ hồng ngoại của cơ thể, khiến kết quả đo bị sai lệch.”
Chưa kể, nhiều thiết bị không được vận hành theo đúng hướng dẫn, không được đo đúng cách, không được bảo trì và khử trùng chính xác… đều có thể gặp vấn đề.
“ Trong 17 năm qua, từ sau dịch bệnh SARS năm 2003, đã có nhiều đột phá trong công nghệ sản xuất nhiệt kế hồng ngoại ở nội địa. Nhưng do vấn đề nhu cầu thị trường, quy mô đã nhỏ lại“, ông Vương Ninh cho biết thêm.
Trước khi dịch bệnh do coronavirus bùng phát, nhiệt kế hồng ngoại là một ngành công nghiệp nhỏ với một thị trường nhỏ. Khi dịch bệnh xuất hiện, ngành công nghiệp này bỗng nhận được sự quan tâm chưa từng có. Nhưng nó cũng khiến nó trở thành một “đống hỗn loạn” chưa từng thấy. Cùng với sự xuất hiện của những kẻ đầu cơ, muốn khuấy cho vũng bùn thêm đục để trục lợi rồi êm ái “vỗ mông rời đi”, ai sẽ là người cuối cùng phải trả giá cho những hỗn loạn này?
Hy vọng không phải là người tiêu dùng, càng hy vọng không phải là toàn bộ ngành công nghiệp.
Theo VN Review
Tiết kiệm hàng tỷ đồng/năm nhờ đổi mới công nghệ
Nhờ mạnh dạn đầu tư và đổi mới công nghệ, Công ty nhựa Tân Phú đã tiết kiệm được 6,8 tỷ đồng chi phí năng lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Công ty nhựa Tân Phú (TPP) là một đơn vị hàng đầu trong việc cung ứng các sản phẩm nhựa như thiết bị máy móc ngành công - nông nghiệp, xây dựng, sản phẩm bao bì, chai nhiều lớp và chai PET phục vụ ngành thực phẩm, y tế,... Nhà máy của TPP có tổng công suất lên tới 2.000 tấn/tháng, nằm trong Top 5 về thị phần nhựa công nghiệp tại Việt Nam. Sản phẩm của Công ty hiện đang được phân phối trên thị trường miền Bắc, miền Trung, miền Nam và xuất khẩu sang nước ngoài.
Những năm qua, Công ty đã mạnh dạn đầu tư thay thế các thiết bị chiếu sáng cũ bằng bóng đèn hiệu suất cao; đầu tư mới và thay thế dây chuyền máy móc thiết bị cũ bằng dây chuyền máy móc thiết bị thế hệ mới; nâng cấp và cải tiến các máy cũ bằng việc lắp biến tần cho các động cơ có phụ tải thay đổi. Dự án này đã giúp công ty tiết kiệm được hơn 1,2 tỷ đồng tiền điện/năm.
Bên cạnh đó, Công ty đầu tư 1 máy ép đùn, 1 máy cắt nắp có công suất tiêu thụ điện thấp hơn máy thế hệ cũ. Kết quả đã tiết kiệm hàng năm hơn 250 triệu đồng tiền điện và 170 triệu đồng từ việc tái sử dụng phế liệu; giảm phát thải 121,2 tấn CO2/năm, giảm chất thải rắn 56,52 tấn/năm.
Ngoài ra, công ty cũng đã đầu tư 3 máy ép 700T, 800T và 1.000T thủy lực dùng servo tiết kiệm điện 40% so với thế hệ máy ép thủy lực cũ. Lợi ích từ việc tiết kiệm điện của dự án này là hơn 700 triệu đồng/năm, đồng thời dự án cũng giúp tiết kiệm được hơn 3,3 tỷ đồng/năm từ việc tái sử dụng phế liệu. Nhờ lắp biến tần cho các mô tơ chính, bọc bảo ôn cho các điện trở nhiệt, các trục vít, máy ép nhựa, máy ép phôi, máy đùn thổi nhựa đã giúp công ty tiết kiệm từ 15-25% năng lượng tiêu thụ. Ngoài ra, giải pháp này cũng giúp giảm bức xạ nhiệt, giảm nhiệt độ môi trường làm việc, tạo sự thoải mái cho người lao động.
Theo bà Thượng Thị Ngọc Tuyết, Phó giám đốc Công ty nhựa Tân Phú cho biết: "Hành động hưởng ứng TKNL đã giúp Nhựa Tân Phú giảm phát thải 326,88 tấn CO2/năm, giảm lượng chất thải rắn ra môi trường 340,8 tấn/năm. Trong 1 năm, công ty đã tiết kiệm được 6,8 tỷ đồng chi phí năng lượng". Kết quả này đã giúp công ty giảm chi phí giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhựa Tân Phú cho biết, hiệu quả đầu tư thực hiện TKNL đã giúp Nhựa Tân Phú không những giảm chi phí năng lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh doanh của công ty mà còn giúp cải thiện môi trường làm việc sạch hơn, ít ô nhiễm cho người lao động. Vì vậy, Nhựa Tân Phú sẽ tiếp tục từng bước đầu tư thay thế các dây chuyền thiết bị cũ bằng các dây chuyền công nghệ mới với mức tiêu hao năng lượng trên đơn vị sản phẩm thấp hơn, năng suất cao hơn để doanh nghiệp sử dụng năng lượng TK&HQ, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Theo VietQ
Amazon kiếm bộn tiền giữa tâm bão dịch Corona Giới kinh doanh bán khẩu trang trên trang thương mại Amazon đang đếm tiền mệt nghỉ vì nỗi sợ dịch Corona lan truyền và bùng phát của người tiêu dùng. Trang Jungle Scout, chuyên nghiên cứu dữ liệu bán hàng trên các trang thương mại, vừa phát hiện thấy một sự gia tăng mạnh mẽ từ việc tìm kiếm cho đến mua các...