Món bánh dân dã miền Tây
Cách làm đã đặc biệt, nguyên liệu cũng đặc biệt không kém nên bánh sau khi hoàn thành có mùi thơm vô cùng đặc trưng và hấp dẫn.
Miền Tây từ xưa đến nay vốn rất nổi tiếng về các loại bánh ăn chơi, bánh quà vặt cho trẻ nhỏ. Đặc biệt, nếu bạn là con người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này thì có lẽ đều không thể không biết đến món bánh lá được xem là một trong những đặc sản nơi đây. Bánh lá rau mơ hay còn gọi là bánh lá mít, bánh nắn lá, bánh lá… là món bánh ăn vặt mà hầu như đều ghi dấu trong ký ức mỗi người, thậm chí nhiều năm về sau khi đã trưởng thành thì người ta vẫn còn thích nhâm nhi món bánh này không chỉ để thỏa cơn thèm mà như để ôn lại chút kỷ niệm ngày xưa.
Gọi là bánh lá rau mơ vì loại bánh này có sử dụng nguyên liệu là lá rau mơ. Tuy nhiên, ở miền Tây có đến 2 loại lá rau mơ. Loại thứ nhất là lá rau mơ rừng có thân lá thuôn dài, mỏng, màu xanh nhạt. Loại thứ hai là lá mơ lông, loại này có nhiều ở miền Bắc, thân lá tròn, dày, một mặt lá màu xanh, mặt sau màu tim tím, trên thân lá có đầy lông tơ.
Và để làm bánh lá rau mơ thì người miền Tây sử dụng loại lá rau mơ rừng là phổ biến. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do lá rau mơ rừng ngày càng ít đi nên đôi khi người ta cũng dùng lá rau mơ lông làm bánh. Và hai loại lá này tuy khác nhau về hình dáng bên ngoài nhưng có mùi hương tương tự nhau nên bánh làm ra cũng không khác nhau mấy.
Bánh lá rau mơ làm không khó. Nguyên liệu chính làm bánh là lá rau mơ, bột gạo, nước cốt dừa. Lá rau mơ hái về thì rửa sạch rồi cắt nhỏ xay nhuyễn lấy nước. Sau đó cho nước lá rau mơ, một ít nước cốt dừa, đường, muối và bột gạo để tạo ra hỗn hợp bột sền sệt. Còn nếu muốn bánh ngon hơn nữa thì người ta tự xay gạo chứ không dùng loại bột gạo bán sẵn ngoài tiệm. Gạo ngâm nhiều giờ liền cho mềm rồi cho vào cối xay chung với lá rau mơ đã cắt nhuyễn cũng cho ra hỗn hợp bột tương tự.
Bánh lá rau mơ không chỉ sử dụng lá làm nguyên liệu mà còn sử dụng lá làm khuôn bánh. Loại lá được sử dụng phổ biến nhất chính là lá dừa nước. Bởi lý do đơn giản là vì dừa nước là loại cây rất dễ tìm hơn miền Tây, thân lá cứng dày có thể tái sử dụng nhiều lần. Và ngoài lá dừa nước thì đôi khi người dân còn dùng lá mít, lá chuối để làm khuôn bánh. Do đó, có nơi gọi là bánh lá rau mơ nhưng có nơi gọi là bánh lá mít.
Tùy vào loại lá dùng làm khuôn bánh mà cách quấy bột, cho bánh lên khuôn cũng khác nhau một chút. Lá dừa nước do có độ cứng, có lòng lá sâu nên phần bột sẽ loãng hơn và dùng vá múc bột đổ lên mặt lá là được. Còn đối với lá mít hay lá chuối do có thân lá mỏng, bằng phẳng nên bột cần đặc hơn và dùng tay trực tiếp nắn bột lên bánh. Tuy nhiên, nếu muốn bánh có độ dày dặn, người làm bánh có thời gian tỉ mỉ thì nắn bánh lên lá dừa nước vẫn được. Đó là lý do vì sao có nơi gọi đây lá món bánh nắn lá là vì vậy.
Video đang HOT
Nếu dùng lá mít hoặc lá chuối làm khuôn thì sau khi nắn bột lên lá, người ta sẽ cuốn lá lại theo cuộn tròn trước khi cho vào nồi hấp chín. Còn đối với lá dừa nước thì cứ để nguyên lá thế xếp chồng chéo lên nhau rồi cho vào nồi là được. Đó là lý do vì sao lá dừa nước thông dụng hơn khi dùng làm khuôn bánh lá rau mơ, vừa không mất thời gian nắn bánh, không cần cuộn lá lại và sau khi bánh chín thì việc gỡ bánh ra khỏi lá cũng nhanh hơn.
Do bánh lá rau mơ rất mỏng nên việc hấp bánh cực nhanh chín. Khoảng 5 phút là đã có thể cho ra lò một mẻ bánh chín thơm nồng. Điểm đặc biệt của loại bánh này là khi ở dạng bột thì bánh có màu xanh của lá mơ nhưng sau khi hấp chín thì bánh đổi màu xanh đen sậm. Thứ 2, do lấy lá làm khuôn nên bánh làm ra cũng có hình dạng của lá với đầy đủ gân lá in hằn lên. Và tất nhiên, tùy bạn lấy lá nào làm khuôn thì bánh sẽ có hình dạng của loại lá đó.
Ngoài ra, do được làm từ lá rau mơ nên bánh chắc chắn có mùi thơm rất đặc trưng. Có thể nói hương vị của bánh có khả năng gây nghiện rất cao. Bởi chỉ cần thưởng thức qua là thấy lạ miệng và bị cuốn hút ngay. Và chắc chắn rằng, mùi thơm đặc trưng của bánh lá rau mơ rất khó tìm được ở các loại bánh khác.
Bánh lá rau mơ này nếu ăn không thì rất nhạt và không đúng kiểu. Bánh phải được ăn với nước cốt dừa thắng sền sệt, thêm chút muối, chút đường, đậu phộng giã nhỏ hoặc mè rang và hành lá cắt nhỏ là đúng bài nhất. Bánh vừa mới ra lò còn nóng hổi thơm lừng chấm với nước cốt dừa beo béo đưa lên miệng ăn là bảo đảm nghiện ngay.
Từ ngày xa xưa, bánh lá rau mơ được xem là món quà vặt rất được ưa thích của trẻ nhỏ. Ngày nay, món bánh này vẫn được nhiều người lớn yêu thích không chỉ vì độ ngon hấp dẫn mà còn vì món bánh này như một vật trung gian đưa kỷ niệm tuổi thơ ùa về. Ngày nay, nếu có dịp đến miền Tây thì việc thưởng thức món bánh này không hề khó vì hầu như món bánh lá rau mơ vẫn còn được “hâm mộ” ở mọi nơi. Từ các chợ lớn ở từng vùng hay các chợ nhỏ thôn quê thì vẫn không khó để tìm mua món bánh này. Nếu chưa từng được thưởng thức qua thì khi có dịp đến thăm miền Tây, bạn nhớ đừng bỏ qua món bánh lá rau mơ đặc biệt này nhé!
Làm bánh dày đỗ - món bánh dẻo thơm dân dã
Bánh dày đỗ dẻo mềm, bên trong thơm bùi vị đậu xanh, là món bánh ngon có thể dễ dàng thực hiện tại nhà.
Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để làm bánh dày đỗ:
- 200g bột gạo nếp
- 50g bột gạo tẻ
- 50g đường trắng
- 200g đậu xanh bóc vỏ
- Ít vừng, vani.
Cách làm:
- Bột gạo nếp, gạo tẻ cho thêm vài hạt muối rồi nhào kĩ bằng nước ấm, sau đó để bột nghỉ 15-20'. Khi nhào bột nhớ cho thêm xíu dầu ăn cho bột không bị dính tay.
- Đậu xanh đãi sạch vỏ, ngâm 5-6h rồi hấp chín.
- Chia đậu xanh làm 2 phần: 1 phần xay nhuyễn trộn thêm đường và dừa nạo để sên làm nhân bánh. Phần đậu xanh làm nhân bánh cho vào chảo thêm xíu dầu ăn rồi sên cho chín dẻo, thêm dừa sợi và 1 ống vani. Nặn nhân thành hình dài hoặc tròn tùy ý.
- 1 phần đậu xanh để nguội hẳn rồi xay cho bông hoặc bóp nhừ làm vỏ bánh bên ngoài.
- Phần bột gạo cán dẹt rồi cho nhân vào giữa cuộn lại.
- Bắc nồi lên bếp, đun sôi nước, đặt 1 miếng lá chuối lên xửng hấp rồi đặt bánh vào hấp chín trong khoảng 20'.
Khi thấy bánh chín trong, mềm thì tắt bếp. Để bánh hơi nguội thì tẩm vừng rang lên bánh rồi lăn bánh qua bột đậu xanh.
Cắt bánh thành khoanh tròn và thưởng thức!
Thành phẩm:
Bánh dày đỗ rất dễ ăn không ngán, dẻo mềm ngon miệng dù để lâu cũng không bị cứng lại. Món bánh này ngọt mát, rất hợp ăn sáng vào mùa hè đấy!
Chúc bạn thành công và làm được món bánh dày đỗ thật ngon nhé!
5 món bánh miền Tây làm ấm lòng du khách Thưởng thức những chiếc bánh ngọt nóng ấm, thơm ngon như bánh cam, bánh tai yến cũng là cái thú mà nhiều du khách không muốn bỏ lỡ khi về miền Tây. Những món ăn dân dã của miền Tây Nam Bộ đã chinh phục trái tim của nhiều nhiều du khách khi đặt chân tới. BÁNH CAM Bánh cam thoạt nhìn khá...