Món ăn vặt “thần thánh” ở Hà Nội ai ăn cũng thích mê
Những chiếc xe đạp chở bán món ăn này thường rong ruổi trên khắp con phố ở Hà Nội, chính vì vậy không phải lúc nào du khách cũng có cơ hội thưởng thức nó.
Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người con Hà Thành, bánh đa kê là một phần vô cùng đẹp, là hương vị mà mỗi khi được nếm lại là cả bầu trời ký ức như ùa về. Là một món ăn dân dã, đơn giản, bánh đa kê được nhiều người yêu thích. Chỉ là một miếng bánh đa giòn tan kết hợp vớ kê, đậu xanh, đường kính mà tạo nên món đặc sản ngon tuyệt vời.
Hạt kê được nấu chín vàng, kết cấu dẻo và sánh. Người ta phết kê lên miếng bánh đa nướng, rải thêm một lớp đường kính lên trên, rồi gập đôi miếng bánh lại. Cắn một miếng bạn sẽ cảm nhận được cái giòn tan của bánh đa, mùi thơm phức của vừng, sau đó là đến vị ngậy của kê quyện với cái bùi bùi của đậu xanh, hòa cùng vị ngọt của đường kính. Bánh đa kê phải được ăn ngay hoặc càng sớm càng tốt bởi nếu để lâu quá 10 phút, bánh đa sẽ bị ỉu xìu và dai nhách.
Dù chỉ là món ăn dân dã, rẻ tiền, nhưng muốn có được một chiếc bánh đa kê ngon thì đòi hỏi người làm phải có sự khéo léo và kinh nghiệm. Trước hết bánh đa phải giòn, đây là một yếu tố quan trọng không thể bỏ sót vì nếu bánh đa ỉu thì khi ăn sẽ dai và không cảm nhận rõ được vị. Bánh đa kê chuẩn vị Hà Nội phải là bánh đa vừng giòn và thơm mùi vừng.
Hạt kê phải là loại hạt kê nếp nguyên vẹn, không pha tạp. Hạt kê nếp ngâm nước vôi trong rất loãng trong 3 tiếng, quấy liên tục trên bếp nhỏ lửa. Kê phết bánh thành phẩm đúng kiểu xưa phải có màu vàng ươm đặc trưng, dẻo và nhìn rõ hình hài từng hạt nhỏ quyện trong lớp nền đặc quánh. Nếu bạn không nhìn rõ hạt kê thì có lẽ người bán hàng đã độn thêm bột ngô, bột khoai vào.
Cuối cùng khi đã phết kê, đậu xanh và đường lên thì người bán phải khéo léo gập đôi miếng bánh lại. Nếu làm không đúng cách sẽ khiến bánh bị vỡ hoặc nhân bị rơi ra ngoài. Thường người bán sẽ dùng một con dao nhỏ chặt đôi miếng bánh và gập lại.
Với những thế hệ trước như 7x, 8x hay 9x đời đầu thì bánh đa kê là món quà vặt quen thuộc. Tuy nhiên những năm gần đây, bánh đa kê ngày càng vắng bóng. Những chiếc xe bán bánh đa kê ngày càng hiếm hoi trên đường phố Hà Nội. Để tìm được một nơi bán món đặc sản này thực sự rất khó.
Hiếm hoi lắm chúng ta mới có thể bắt gặp một chiếc xe bánh đa kê rong ruổi trên đường. Cũng bởi bán hàng rong vất vả, bán bánh đa kê lại càng vất vả hơn vì kê và đậu là hai thứ dễ hỏng. Trong khi đó bánh đa kê phải ăn liền ngay lúc nóng nên chẳng thể làm sẵn trước vì bánh không được giòn thì kén người ăn. Giá kê cũng cao lên do ít người trồng nên vị bánh đa kê không còn được nguyên vẹn như xưa.
Video đang HOT
Bởi vậy, du khách nơi khách tới Hà Nội muốn nếm thử bánh đa kê thì còn cần tới cái “duyên”. Dù cho món ăn này chỉ có giá 10.000 đồng/cái nhưng chẳng phải cứ có tiền là có thể ăn được.
Tuy người ta có thể bán bánh đa kê quanh năm nhưng thời gian thích hợp nhất có lẽ vẫn là khi tiết trời chuyển sang thu. Thời tiết mát mẻ này mà được thưởng thức một miếng bánh đa kê, thêm cốc nước trà nhâm nhi thì quả là không gì bằng!
Ăn sáng ở Hà Nội
Dù chỉ là một nghề giản dị như bán xôi sớm này đây, nhưng cái cách gói xôi mùa nào lá ấy, bằng lá tươi, mới thấy trong ấy là tâm hồn, là sự khác biệt không lời giữa kinh kỳ với các nơi.
Món xôi được gói bằng lá tươi, mùa nào lá ấy là sự khác biệt giữa kinh kỳ với các miền quê khác
Ăn sáng Hà Nội, chỗ ngon, phần lớn là quán vỉa hè.
Những chỗ sang như Lục Thủy Bờ Hồ, ngồi ngắm chứ ăn chả mấy. Gần Nhà hát Lớn có chỗ cũng được, lịch sự, nhưng phàm thứ gì cũng có thì không thể đặc sắc như chỗ chuyên một thứ.
Hôm nay hãy nói về xôi trước. Thứ đồ ăn phổ biến của người Việt.
Riêng xôi đã có hàng chục loại: trắng, xéo, ngô, lạc, vừng dừa, đậu đen, đậu xanh, xôi vò, xôi gấc... chưa kể các loại xôi cách tân như xôi gà, xôi chả giò, xôi kho trứng... Người ta đủ cách để biến báo các loại hình xôi. Phổ biến nhất là tăng lượng chất đạm.
Người ta rủ nhau đi ăn xôi Yến ở Nguyễn Hữu Huân. Tôi đến. Ăn. Được 1/3 suất thì bỏ. Cái thứ xôi ăn trong bát loe to hoặc ăn từ hộp xốp, đắp ụ những giò chả trứng thịt... hành khô giòn thấm nước thịt vào thành dai dai nhớt nhớt, ăn kèm gỏi dưa chuột. Khó ăn.
Tại cái khẩu vị sư sãi của mình nó khiến mình thành hư đi như vậy. Chứ khách cũng nhiều người khen lắm. Họ ăn khỏe nữa. Có người hai bát hết bay.
Được cái họ bán suốt ngày đêm. Khách ăn giờ nào cũng có.
Ông bà chủ giàu nứt. Hàng xôi bé xíu trước giờ bành trướng thành mấy căn nhà phố, nhân viên dắt xe, xếp xe rất nghề. Các cô bé bán hàng thu tiền thì rặt loại côm cốm. Còn có cả "chi nhánh" Xôi Yến ở đâu đấy nữa thì phải.
Hàng xôi góc Hàng Bài - Lý Thường Kiệt thì chỉ lấy vỉa hè làm quầy, cực ngon, chỉ bán từ 7h đến ngót 9h sáng là dọn hàng. Chuyên xôi xéo, ngô hoặc xéo ngô, thi thoảng có xôi lạc. Gia vị chỉ kèm hành mỡ và ruốc nhà làm thật thà, giã rối, ngọt, đậm.
Chị bán hàng chừng 40 hay hơn, hay chả đến. Nói chung là khó đoán tuổi vì dung nhan của chị không xấu, nhưng không hẳn ưa nhìn - thứ dung nhan dưới trung bình. Nhìn lâu thì thấy khuôn mặt chị giống bức tượng qua đêm sương. Bởi nước da nhợt. Mái tóc mỏng dính bết quanh trán và xòa trên má. Mùa đông, chị này gói xôi mà mồ hôi cứ túa ra từng giọt to tướng. Lâu lâu nghiêng vai quệt má cho ráo mồ hôi rồi lại mải miết đơm.
Bạn có đến thì cũng chả quan tâm nhan sắc, tôi chắc thế. Tay đơm xôi thoăn thoắt, miệng báo khách nhanh nhảu: "Xéo ngô ít mỡ đây em!", "Anh ngô nhiều đậu nhiều mỡ à?", "Cháu xéo ít mỡ nhiều hành gói riêng đây"...
Thì, ai cũng chỉ dòm chăm chú vào tay chị, đợi đến lượt đôi tay ấy đơm xôi-vạt đỗ-rải hành khô đúng ý. Mỗi gói xôi thế chỉ nửa phút - lá dong xanh đã gọn ghẽ với thìa với túi rồi.
Khách yêu cầu gì chị chiều thế. Không gắt gỏng. Không quên. Không lẫn. Cái việc đơm xôi là số một, như anh thợ may yêu nghề chả ngẩng mặt lên nhìn ai.
Mà mát tính. Có bà khách khó tính ngứa mồm, tóc xoăn tít, bảo: "Này, đừng có lấy miệng giữ dây nịt buộc xôi thế nhé, mất vệ sinh lắm!".
Chị cũng "Vâng" rất hiền lành. Tay vẫn mải miết vạt đỗ.
Mình đứng xếp hàng đấy, nghĩ bụng: "Chả phải mình, mua thì mua không mua thì biến. Ối khách. Vội bỏ xừ lên ấy lại còn hạch sách".
Khách nhiều thật. Xúm xít vòng trong vòng ngoài. Ăn tại đấy thì có dăm ghế nhựa thôi, hoặc, ngồi yên xe mà ăn thôi.
Chủ yếu khách mang đi. Người ta xếp hàng, kiên nhẫn đợi đến lượt. Hàng chục cặp mắt chăm chăm vào đôi tay thoăn thoắt xới xôi từ cái thúng to, hơi ngun ngút trên hè phố. Đợi đến lượt. Xòe tiền. Hớn hở đi.
Tôi láu cá, phát hiện ra: cô bé con chuyên phụ buộc xôi, thả thìa vào túi và thu tiền ấy, nếu đưa trước 20K ra là cô ấy sẽ gói cho 2 gói trước. Được xôi là rút nhanh để cho người khác còn chèn vào đấy, không người ta mắng cho.
Có hôm mưa lạnh. Thèm gói xôi xéo ruốc đậm đà gói lá dong xanh. Dừng xe ở đấy mua rồi mang đến quán cafe, hạch phục vụ mang riêng cho cái đĩa sứ trắng, vừa ăn vừa dòm người đi đường phía dưới. Hạt xôi dẻo, tươm mỡ, đỗ mịn thái lát mỏng nhuyễn, thơm tan trong miệng.
Mùa sen, được lá sen gói xôi, ăn thẳng trên mảnh lá gói, vị xôi hôm ấy sẽ đặc biệt.
Hương lá sen thơm vương...
Hà Nội.
Dù chỉ là một nghề giản dị như bán xôi sớm này đây, nhưng cái cách gói xôi mùa nào lá ấy, bằng lá tươi, mới thấy trong ấy là tâm hồn, là sự khác biệt không lời giữa kinh kì với các nơi.
Ăn một miếng xôi ngon, chưa cần cảm ơn trời đất mùa màng, có khi chỉ thầm cảm ơn người đồ xôi cắt lá gói đã đủ đầy rồi.
Bởi vì gạo ngon đâu cũng có. Nhưng giữ gìn phong vị quê hương xưa cũ từ hạt gạo, giữa thời công nghệ nhộn nhịp náo động này, biết tìm đâu?
Mỗi khi xe qua góc phố ấy, nếu gặp ngày mưa gió, hàng xôi vắng, thì thấy chống chếnh mắt nhìn. Không phải vì thèm xôi. Mà vì thiếu một hình ảnh quen thuộc xúm xít lặng lẽ sớm mai... Ấm áp và rất Đời.
Cách làm kẹo đường Bbopkki Hàn Quốc ngọt ngào hấp dẫn Bạn đã từng xem những bộ phim Hàn chắc rằng bạn từng thấy cách làm kẹo đường rồi đúng không? Để cho các bé túm tụm lại ăn vặt và chơi trò chơi bẻ kẹo để được các mẫu hình xinh xắn rồi nhỉ. Hãy cùng làm và tìm hiểu về món quà vặt của tuổi thơ trẻ em Hàn Quốc xem có...