“Mỗi người dân Việt Nam hãy xứng đáng là công dân của đất nước Hồ Chí Minh”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta hãy thường xuyên noi gương Bác, tự giác tu dưỡng, rèn luyện,… Mỗi cán bộ, đảng viên hãy cố gắng xứng đáng là công bộc của dân, là học trò, con cháu của Bác Hồ; mỗi người dân Việt Nam xứng đáng là công dân của đất nước Hồ Chí Minh.
Sáng 18/5 tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015). Buổi lễ được truyền hình trực tiếp qua sóng phát thanh, truyền hình để đồng bào, chiến sỹ cả nước cùng theo dõi.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tham dự buổi lễ còn có các đồng chí Nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội; các cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; đại diện Đoàn Ngoại giao; đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An – quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đông đảo đại diện các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Buổi lễ bắt đầu với chương trình nghệ thuật đặc biệt, ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện tìm cảm yêu kính, lòng biết ơn vô hạn của toàn Đảng, toàn quân và dân ta đối với công lao trời biển của Người, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; nguyện tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đọc diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xúc động ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh – một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng, sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam.
Tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ kỷ niệm.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, Hồ Chí Minh đã sớm tiếp thu truyền thống văn hóa của dân tộc mà giá trị tập trung nhất là lòng yêu nước thiết tha, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, tinh thần khoan dung nhân ái, gắn kết cộng đồng… Chính nền văn hóa ấy là một cội nguồn hun đúc nên nhân cách Hồ Chí Minh và là một nguồn gốc hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.
Video đang HOT
Ra đi tìm đường cứu nước khi 21 tuổi, với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước, Người bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Chính cuộc hành trình này đã giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp rõ rệt. Vì thế, Người đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin một cách tự nhiên, như một tất yếu lịch sử và đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của cách mạng tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Nhà nước do dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi bước đầu với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế mà hiện nay nhân dân ta đang tiến hành.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Người đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh; Thời đại Hồ Chí Minh; và Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng thực tiễn vĩ đại, nhà tổ chức kiệt xuất, đồng thời là nhà lý luận, nhà chiến lược thiên tài của cách mạng Việt Nam. Nét đặc sắc ở Hồ Chí Minh là lý luận nhưng không giáo điều, sách vở, trái lại, luôn gắn bó chặt chẽ, nhuần nhuyễn với thực tiễn; lý luận mà không cao xa, cầu kỳ, trái lại, rất mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, thiết thực. Nói cách khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lý luận cách mạng giàu thực tiễn và kinh nghiệm đấu tranh, đồng thời là một nhà thực tiễn giàu lý luận khoa học. Ở Người có sự thực tiễn hóa lý luận và lý luận hóa thực tiễn. Người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin là để tìm kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, tức là từ nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam, cốt nắm lấy cái tinh thần, cái bản chất, vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lênin để tự tìm ra những chủ trương, giải pháp, đối sách phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, từng thời kỳ cụ thể và cả những vấn đề cụ thể của Việt Nam chứ không đi tìm những kết luận có sẵn trong sách vở.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời điểm đất nước ta đã trải qua gần 30 năm đổi mới, trong bầu không khí hào hùng và xúc động của những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, đặc biệt là kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng, 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và chuẩn bị tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta nguyện tuyệt đối trung thành với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh như chính Người đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”; “chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới”; chủ nghĩa Mác – Lênin là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”, là “cái cẩm nang thần kỳ”, là “cái la bàn”, là “trí khôn” của Đảng ta; nó là “vũ khí tinh thần” của giai cấp công nhân, là kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Bác nhiều lần căn dặn: “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân”; “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, gột rửa chủ nghĩa cá nhân, bởi vì “chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”; “là thứ gian giảo, xảo quyệt”, “là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư, nết xấu”, nó “kéo người ta xuống dốc không phanh”,… Thường xuyên gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu. Chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; đồng thời hết sức chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”…
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục đẩy mạnh học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta hãy thường xuyên noi gương Bác, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi, tìm tòi, đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao theo cương vị công tác và chức trách của từng người. Mỗi cán bộ, đảng viên hãy cố gắng xứng đáng là công bộc của dân, là học trò, con cháu của Bác Hồ; mỗi người dân Việt Nam xứng đáng là công dân của đất nước Hồ Chí Minh.
Cũng tại lễ kỷ niệm, Đại tá Trương Vĩnh Thăng, 83 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, nguyên Hiệu trưởng Trường lái xe 255 Cục ô tô máy kéo, Tổng Cục kỹ thuật Bộ Quốc phòng bồi hồi xúc động, chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm không bao giờ quên về những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Ông kể lại: “Tôi và bố tôi đều là bộ đội, cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và rất may mắn là cả hai cha con tôi đã được gặp Bác Hồ… Trong quá trình chiến đấu và công tác, tôi vinh dự hai lần được gặp Bác. Đối với tôi, đó thật sự là niềm hạnh phúc lớn lao và là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời… Những lần được gặp Bác Hồ luôn in sâu trong tâm trí tôi. Sự bao dung, những cử chỉ, lời nói ân cần, giản dị của Người nhưng lại có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với chúng tôi. Hai lần trực tiếp được lái xe phục vụ Bác, tôi đã thấm thía lời dạy của Bác, đó là phải luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công việc được giao và phải biết quan tâm đến người khác. Lời dạy đó của Bác mãi mãi tôi không bao giờ quên và là động lực thôi thúc tôi tiếp tục tu dưỡng, phấn đấu để xứng đáng với truyền thống quân đội, với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”.”
Sinh viên Trần Hoàng Mỹ Linh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để tuổi trẻ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân anh hùng và tri ân lớp lớp các thế hệ đi trước đã chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. H ọc tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ, thế hệ trẻ Việt Nam nguyện phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng, của Đoàn, rèn đức, luyện tài, trở thành chủ nhân đáng tin cậy của đất nước, góp phần đưa đất nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời.
Thay mặt tuổi trẻ cả nước, sinh viên Trần Hoàng Mỹ Linh nguyện phấn đấu hết mình, cống hiến bầu máu nóng và trái tim tình nguyện cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, quyết tâm xây dựng bản lĩnh mang giá trị thời đại, cốt lõi là: “Trung thành, sáng tạo, khát vọng, dấn thân, tôn trọng và trách nhiệm”.
Nguyễn Sự – Nguyễn Thắng
Theo TTXVN
Sự trùng hợp giữa trận Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh
11h30 ngày 30/4/1975, xe tăng mang biển số 390 đã húc đổ cánh cổng sắt lớn, Trung úy Bùi Quang Thận tiến lên cắm lá cờ Cách mạng trên nóc Dinh Độc lập. Đó là thời khắc lịch sử vĩ đại, đánh dấu một mốc son chói lọi: Miền Nam giải phóng, đất nước được thống nhất.
Chiều 27/4, tại hội trường Thống Nhất đã diễn ra buổi họp mặt truyền thống "Anh hùng Lực lượng Vũ trang, cán bộ từ cấp Trung đoàn và tương đương trở lên là những nhân chứng lịch sử tham gia 5 cánh quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh". Chương trình do Thành ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015).
Tham dự buổi họp mặt có đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TPHCM; lãnh đạo chỉ huy các đơn vị quân đội đang tại chức hiện nay thuộc 5 cánh quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, các Tướng lĩnh quân đội, Tướng lĩnh Công an nhân dân, Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hiện nay... Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch HĐND TPHCM...
Lãnh đạo TPHCM thăm hỏi các tướng lĩnh là những nhân chứng lịch sử tham gia 5 cánh quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh
Sự trùng hợp lịch sử từ hai chiến thắng vĩ đại của dân tộc
Tại buổi họp mặt, các Anh hùng lực lượng vũ trang, những nhân chứng lịch sử tham gia 5 cánh quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã ôn lại truyền thống yêu nước hào hùng của dân tộc và ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đây cũng là thông điệp nhắc nhở thế hệ trẻ của đất nước hiểu sâu sắc hơn về những giá trị lịch sử của thời đại, về những thành tựu to lớn về mọi mặt của TPHCM sau 40 năm thống nhất đất nước, qua đó vun đắp tinh thần yêu nước, hun đúc trí tuệ người Việt Nam cùng chung tay góp sức, quyết tâm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên trường quốc tế.
Thiếu tướng Vũ Văn Thược, nguyên Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 5 chiến dịch Hồ Chí Minh, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4 đã không giấu được niềm xúc động và rất đỗi tự hào khi kể lại những tháng ngày lịch sử.
Thiếu tướng Vũ Văn Thược so sánh 2 chiến thắng vĩ đại của dân tộc là chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông khẳng định: "Trên thế giới, trong lịch sử loài người nói chung, chưa có một cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của bất cứ quốc gia nào lại có một sự trùng lặp dấu mốc lịch sử vĩ đại như cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc giành độc lập tự do cho đất nước của dân tộc Việt Nam".
Ở chiến dịch Điện Biên Phủ có "56 ngày đêm khoét núi , ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn". Quân đội ta đã làm nên một Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Rồi từ đấy, ngày 10/10/1954, 5 binh đoàn chủ lực, 5 cánh quân tiến về giải phóng Thủ đô.
Đúng 21 năm sau, chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ngày 4/3/1975, quân đội ta bắt đầu tấn công TP Buôn Ma Thuột, mở màn cho chiến dịch. Sau 56 ngày đêm, cũng 5 cánh quân (Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Quân đoàn 232) chấp hành mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Quyết chiến, quyết thắng".
Hợp vây tiến về giải phóng Sài Gòn, với 5 mục tiêu chiến lược là sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Tổng Nha Cảnh sát ngụy, Biệt khu Thủ đô ngụy và Dinh Độc lập. Đúng 11h30 ngày 30/4/1975, mũi thọc sâu của Quân đoàn 2, xe tăng mang biển số 390 đã húc đổ cánh cổng sắt lớn trước cửa Dinh Độc lập. Trung úy Bùi Quang Thận đã tiến lên cắm lá cờ Cách mạng trên nóc Dinh Độc lập. Đây là thời khắc lịch sử vĩ đại, đánh dấu một mốc son chói lọi: Miền Nam giải phóng, đất nước được thống nhất.
Ở thời bình, Thiếu tướng Vũ Văn Thược cũng không quên căn dặn: "Đất nước còn nhiều khó khăn, các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ mưu đồ nham hiểm với đất nước ta. Nhân dân Việt Nam, Cựu chiến binh Việt Nam hơn ai hết rất tha thiết với hòa bình để toàn dân yên tâm xây dựng đất nước, tha thiết và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà các thế hệ cha ông chúng ta từ bao đời nay đã dày công xây dựng bằng máu xương, mồ hôi và công sức".
TS Huỳnh Thị Hồng Gấm tự hào khi nói với bạn bè quốc tế: "Tôi là người Việt Nam"
"Tôi là người Việt Nam"
Đại diện cho thế hệ trẻ của thành phố, TS Huỳnh Thị Hồng Gấm, công tác tại khoa Dược - Bệnh viện Từ Dũ đã bồi hồi kể lại về những tháng ngày mình đi du học và tự hào khi nói với bạn bè quốc tế rằng: "Tôi là người Việt Nam".
TS Gấm cho rằng, tuy không được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất TPHCM nhưng cái nôi của quê hương Đồng Khởi, Bến Tre và truyền thống gia đình đã hun đúc trong chị tình cảm cách mạng và ý chí phấn đấu vươn lên. Vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, chị đã nỗ lực học tập và được tuyển thẳng vào Đại học Y Dược TPHCM. Sau đó, Gấm tiếp tục nhận học bổng học tập tại Nga và tốt nghiệp tiến sĩ Dược học vào tháng 10/2010.
"Quãng thời gian học tập tại Nga, điều cháu thấy hãnh diện và vinh hạnh nhất là khi cháu nói là người Việt Nam thì bạn bè các nước đều ngưỡng mộ và dành nhiều tình cảm, chia sẻ với cháu", Gấm tự hào nói.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho biết, Đảng bộ và nhân dân TPHCM mãi khắc ghi sự hy sinh to lớn của các anh hùng, chiến sĩ cho quê hương, tổ quốc. "Trong mỗi chiến công đều có máu xương, trí tuệ của các bật tiền hiền tiên liệt. TPHCM đời đời ghi tâm khắc cốt công lao trời biển của các thế hệ cách mạng tiền bối đi trước, sự hy sinh vô bờ bến của các Mẹ Việt Nam anh hùng... TPHCM luôn tự hào về Đại thắng mùa Xuân 1975 và luôn lấy đó là thước đo giá trị, động lực để vươn lên, xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại", ông Lê Thanh Hải nói.
Công Quang - Phạm Nguyễn
Theo Dantri
Khánh thành Tượng đài Bác Hồ ở trung tâm thành phố mang tên Bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự buổi lễ khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thành uỷ TPHCM tổ chức. Đúng 7h45 sáng nay (17/5), Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ khánh thành và báo cáo với nhân dân, Đảng bộ TP việc hoàn thành xây dựng Tượng đài Chủ...