Mỗi ngày có hơn 10.000 tấn sắt thép phế liệu vào Việt Nam
Trong số hơn 16,6 triệu tấn sắt thép các loại được nhập về trong 9 tháng, số sắt thép phế liệu là 2,7 triệu tấn (chiếm hơn 16% về lượng) và gần 10% về giá trị kim ngạch. Đáng chú ý, sắt thép phế liệu của Nhật Bản cung ứng nhiều nhất cho Việt Nam với 1,6 triệu tấn (chiếm gần 60% về lượng).
Tổng cục Hải quan ( Bộ Tài chính) vừa công bố báo cáo tình hình nhập khẩu một số mặt hàng trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm. Đáng chú ý, trong số này, sắt thép là mặt hàng có tốc độ nhập khẩu tăng khá nhanh, đạt gần 25%, tổng lượng sắt thép các loại ước đạt hơn 16,6 triệu tấn, tăng hơn 3,1 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, số lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu gia tăng mạnh, trong 9 tháng năm 2015 mặt hàng này nhập về Việt Nam chưa đầy 2 triệu tấn, nhưng 9 tháng cùng kỳ năm 2016 đã đạt hơn 2,7 triệu tấn. Ước tính bình quân, mỗi tháng nhập hơn 300.000 tấn sắt thép phế liệu, đạt hơn 67 triệu USD (1.474 tỷ đồng).
Sắt thép phế liệu nhập khẩu ngày một tăng, nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường ngày càng lớn do các nhà máy sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu.
Trong 9 tháng, Việt Nam nhập hơn 3,7 triệu tấn sắt thép các loại từ Nhật. Đây là thị trường đứng thứ hai về cung cấp thép nhập cho Việt Nam sau Trung Quốc (8,2 triệu tấn). Tuy nhiên, về sắt thép phế liệu, Nhật Bản cung cấp nhiều nhất với 1,6 triệu tấn (chiếm hơn 60%), đạt kim ngạch hơn 339 triệu USD, trung bình, mỗi tháng Việt Nam nhập gần 180.000 tấn với gần 38 triệu USD (830.000 tỷ đồng).
Hiện, nhập khẩu sắt thép phế liệu vẫn chiếm khối lượng lớn nguyên liệu đầu vào của một số nhà máy thép trong nước bởi chi phí rẻ hơn so với mua phôi để luyện thép. Vì lý do môi trường, mặt hàng này thuộc diện kiểm soát ngặt nghèo với nhiều quy định về bảo vệ môi trường và thuộc danh mục hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu.
Về quản lý hoạt động nhập khẩu theo Thông tư 41 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường quy định bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, có áp dụng cho mặt hằng sắt thép phế liệu có hiệu lực từ tháng 10/2015, các DN phải ký quỹ với số tiền tương đối lớn để đảm bảo mặt hàng nhập khẩu nếu xảy ra tác động đến môi trường sẽ lấy kinh phí xử lý và ứng phó.
Trường hợp DN nhập 5.000 tấn thép phế liệu/năm trở nên phải được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường và nộp đủ tiền ký quỹ như trên.
Về mức thuế nhập khẩu, thép phế liệu có hai chủng loại được bỏ thuế nhập khẩu, áp thuế bằng 0% là phế liệu và mảnh vụn của thép hợp kim bằng thép không gỉ; phế liệu và mảnh vụn của thép hợp kim bằng thép loại khác (trừ thép không gỉ). Còn các mặt hàng phế liệu và mảnh vụn trừ của gang, thép hợp kim, thép tráng thiếc… sẽ có thuế suất thấp với mức thuế thấp khác nhau.
Video đang HOT
Trong tháng 7/2016, vụ việc liên quan đến nhập khẩu thép phế liệu nổi cộm là hơn 10.000 tấn sắt thép phế liệu các loại của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) chưa khai đủ các hồ sơ môi trường và các giấy tờ liên quan nên không được thông quan tại cảng Hải Phòng.
Sau sự cố này, TISCO đã có văn bản cầu cứu Tổng cục Hải quan, Tổng cục Môi trường và Cục Hải quan Hải Phòng đề nghị tháo gỡ khó khăn trong việc nhập khẩu thép phế liệu. Công ty này cho biết, do chưa được cấp đầy đủ giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu do đó việc lưu tàu và hàng tại cảng Hải Phòng sẽ thiệt hại mỗi ngày của DN hơn 4.500 – 5.000 USD.
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri
Khó xử việc "mang ô nhiễm từ đồng bằng lên miền núi"
Sau khi tỉnh Quảng Nam có chủ trương di dời nhà máy thép Việt Pháp từ thị xã Điện Bàn lên huyện miền núi Nam Giang, có nhiều ý kiến phản đối cho rằng việc di dời nhà máy thép này sẽ mang ô nhiễm từ đồng bằng lên miền núi, nơi đầu nguồn sông Vu Gia, làm ảnh hưởng đến nguồn nước...
Nhà máy thép xin hỗ trợ trăm tỉ để di dời?
Ngày 3/10 vừa qua, ông Trần Úc - Chủ tịch thị xã Điện Bàn - đã có báo cáo về tình hình hoạt động của nhà máy thép Việt Pháp (thuộc Công ty TNHH thép Việt Pháp) tại cụm công nghiệp (CCN) Thương Tín 1 (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Người dân dựng lều trước cổng nhà máy thép ở phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn) phản đối nhà máy gây ô nhiễm
Theo báo cáo này, nhà máy thép Việt Pháp hoạt động từ năm 2012 đến nay với công nghệ lò cảm ứng trung tần, nguyên liệu để sản xuất ra phôi thép 100% là thép phế liệu cộng với phụ gia, công suất 48.000 tấn/năm.
Nhà máy thép này gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam từ năm 2014, UBND huyện Điện Bàn lúc bấy giờ (nay là thị xã Điện Bàn) đã ngồi lại cùng với công ty và cơ quan chức năng để tìm giải pháp.
Địa điểm cụm công nghiệp Đại Nghĩa 2 (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) được chọn để lập kế hoạch di dời. Tuy nhiên, sau này, doanh nghiệp lại chọn vị trí là thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) để đặt nhà máy.
Trong văn bản báo cáo do ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - ký có nêu: Theo kế hoạch di dời nhà máy do Công ty TNHH thép Việt Pháp đưa ra có đề nghị Nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí 123,85 tỉ đồng mới có điều kiện tổ chức thực hiện. Với số tiền đề nghị hỗ trợ nêu trên thì thị xã Điện Bàn không có khả năng về ngân sách để bồi thường, hỗ trợ nhà máy thép.
Vị trí dự định sẽ đặt nhà máy thép tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang
Về việc này, ông Trần Úc dẫn Khoản 2, Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định đối với cơ sở ngoài công lập, tổ chức và doanh nghiệp không có vốn nhà nước phải di dời, việc tạo nguồn vốn, quản lý và sử dụng nguồn thu được từ vị trí cũ thì được bồi thường, hỗ trợ theo quy định, trong khi đó đất vị trí cũ tại CCN Thương Tín (phường Điện Nam Đông) chuyển nhượng hoặc cho thuê trả tiền hằng năm hoặc giao đất thu tiền 1 lần cũng không đủ số tiền hỗ trợ cho Công ty TNHH thép Việt Pháp thực hiện di dời như đề nghị của công ty.
Mới chỉ là "chủ trương" để khảo sát vị trí?
Tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang), nơi dự kiến sẽ được đặt nhà máy thép, nhiều người dân phản đối vì lo sợ sẽ ô nhiễm. Ông Nông Văn Quảng, từ tỉnh Cao Bằng vào đây lập nghiệp từ năm 1991 cho biết, nhà máy thép hoạt động sẽ làm đảo lộn cuộc sống bà con. Ông cho rằng, khí thải ra của nhà máy thép bay xa 5-6 km chắc chắn dân sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ 2, theo ông nếu nhà máy này xử lý chất thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường theo khe xuống sông thì dân ở dưới Đại Lộc cũng bị chứ không riêng ở đây. Nếu mình chỉ nhìn vào góc độ kinh tế mà không nhìn về môi trường thì tai hại rất lớn.
Vừa qua, chính quyền thị trấn Thạnh Mỹ cũng đã tổ chức họp với 17 hộ dân tại thôn Hoa để thông báo những thông tin liên quan đến dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp. Tại cuộc họp này, đa số người dân đều lên tiếng phản đối.
Ông Kaphu Tân (Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) cho biết, kể từ cuộc họp đó đến nay ông không có thêm thông tin về dự án này. Ông nói không hiểu lý do tại sao UBND tỉnh ký công văn cho phép khảo sát tại thôn Hoa. Đối với chính quyền địa phương sẽ làm công văn đề nghị UBND huyện và Công ty lấy ý kiến của toàn nhân dân thôn Hoa.
Về vấn đề ô nhiễm của nhà máy thép, trao đổi với PV Dân trí, ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho hay, trước đây ông cũng đã đến nhà máy khảo sát, thực chất nhà máy này chỉ có mùi hôi trong quá trình nấu thép phế thải và tiếng ồn, còn nước thải không đáng kể vì nhà máy này không phải luyện phôi từ quặng.
Ông Toàn cũng cho hay, vị trí tại thôn Hoa cũng chỉ là do doanh nghiệp đề xuất. Các ngành chức năng còn phải khảo sát, đánh giá và quan trọng nhất là lấy ý kiến của người dân. Nếu người dân đồng thuận thì làm, không thì sẽ tìm giải pháp khác.
Chiều ngày 6/10, trao đổi với PV Dân trí về việc di dời nhà máy thép từ thị xã Điện Bàn lên huyện Nam Giang đang nóng lên về vấn đề ô nhiễm, ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng tỉnh Quảng Nam - cho hay, nhà máy này chỉ ô nhiễm tiếng ồn và bụi chứ không phát sinh nước thải.
Ông Quang khẳng định, tỉnh cương quyết chủ trương không đánh đổi môi trường, không phải vì dự án mà bất chấp tất cả. Trước đây khi đặt nhà máy tại Điện Bàn cũng có đánh giá tác động môi trường nhưng thực tế cũng có ảnh hưởng đến môi trường, dân cũng phản ảnh.
Ông nói: "Tỉnh ngoài việc thu hút đầu tư thì luôn đồng hành với doanh nghiệp, nếu như trong quá trình sản xuất có vấn đề gì thì tỉnh sẽ cùng với doanh nghiệp khắc phục sự cố. Bây giờ có phương án nào tốt hơn thì tỉnh sẽ nghiên cứu phương án đó chứ đây không phải là một dự án mới hoàn toàn".
"Trước đây, tỉnh đã thống nhất đặt nhà máy tại huyện Đại Lộc nhưng sau này vị trí tại huyện Nam Giang. Trước mắt phải có khảo sát để có thỏa thuận địa điểm mới đánh giá các vấn đề liên quan như đánh giá tác động môi trường...", ông Nguyễn Hồng Quang cho hay.
Công Bính
Theo Dantri
Quảng Nam quyết dời nhà máy thép lên núi Chính quyền tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo nhà máy thép đưa ra nhiều thông tin trấn an dư luận và mong được đồng thuận để xây nhà máy thép ở thượng du. Chiều 13-10, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin về dự án đầu tư Nhà máy Thép Việt Pháp của Công...