Mối làm ăn một thời giữa VN Pharma và Pharbaco…
Sự lớn mạnh của VN Pharma trong các thương vụ đấu thầu thuốc khiến công ty này nhanh chóng trở thành đối tác “ruột” của nhiều công ty sản xuất thuốc, trong đó có CTCP Dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco).
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Về sự xuất hiện của doanh nhân Ngô Nhật Phương tại phiên tòa VN Pharma…
Trước năm 2014, CTCP VN Pharma (VN Pharma) sẽ vẫn là một cái tên xa lạ đối với những người ngoại đạo, không hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm. Không có nhiều thông tin về VN Pharma cho đến khi nguyên Chủ tịch Nguyễn Minh Hùng của công ty này bị bắt giữ để phục vụ điều tra với tội danh làm giả hồ sơ nhập khẩu thuốc H-Capita chữa ung thư.
Được thành lập từ năm 2011, CTCP VN Pharma (VN Pharma) chỉ mất vài năm để khẳng định chỗ đứng trên thị trường đấu thầu thuốc bệnh viện, với việc trúng thầu hàng loạt hợp đồng có giá trị lớn.
Nhưng theo báo cáo của một công ty phân tích, VN Pharma không phải là một nhà sản xuất dược phẩm mà chỉ là đơn vị nhập khẩu, phân phối và tham gia đấu thầu thuốc bằng một danh mục thuốc do các đơn vị khác sản xuất, trong đó có CTCP Dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco).
Theo tìm hiểu của VietTimes, doanh thu của Pharbaco sụt giảm mạnh và tạo đáy vào năm 2015, cùng thời điểm xảy ra những biến cố với VN Pharma. Trong giai đoạn sau đó, doanh thu của công ty có hướng hồi phục trở lại và đạt mức 1.215,25 tỷ đồng vào năm 2018 nhờ những đóng góp của các cổ đông tư nhân.
Kết quả kinh doanh của Pharbaco giai đoạn 2014 – 6T/2019
Đánh giá về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2015, ban giám đốc Pharbaco cho rằng tiềm lực kinh tế tài chính của công ty còn hạn chế dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh chưa tốt. Tuy nhiên, lãnh đạo Pharbaco cũng tiết lộ một lý do rất đáng chú ý.
“Đặc biệt cuối năm 2014, đối tác phân phối các sản phẩm đặc biệt có giá trị lớn và hiệu quả điều trị cao gặp rủi ro về mặt cá nhân lãnh đạo, do đó ảnh hưởng rất lớn đến Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco 04 tháng cuối năm 2014 và cả năm 2015.
Để đảm bảo an toàn tài chính, Công ty đã quyết định dừng không cung cấp hàng cho đối tác này và chấp nhận ảnh hưởng đến Doanh thu, lợi nhuận và việc làm của Công ty trong 08 tháng đầu năm 2015. Trong thời gian này, Công ty đã cố gắng nỗ lực cao nhất để chuyển đổi sở hữu sản phẩm, thanh lý tất cả các hợp đồng với đối tác phân phối cũ, lựa chọn, hợp tác với các đối tác phân phối mới và đã chuyển đổi thành công quyền sở hữu sản phầm, 04 tháng cuối năm 2015 việc sản xuất kinh doanh của công ty mới trở lại bình thường” – báo cáo đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 của ban tổng giám đốc Pharbaco cho biết.
Đi cùng những sự chuyển biến này, số dư tại một số khoản mục trên báo cáo tài chính của Pharbaco – phần nào thể hiện những giao dịch giữa Pharbaco và VN Pharma – cũng sụt giảm rõ rệt.
Trích BCTC hợp nhất năm 2015 của Pharbaco.
“Cuộc chơi lớn” của ông Ngô Nhật Phương trong ngành dược
Tại thời điểm đầu năm 2015, Pharbaco ghi nhận hơn 30,54 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, chiếm tới 34,74% tổng giá trị của khoản mục này, với VN Pharma.
Ở chiều hướng ngược lại, VN Pharma cũng sắm vai “người mua” khi trả trước cho Pharbaco hơn 1,52 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty con của VN Pharma là Công ty TNHH MTV Dược Nam Anh (nay đổi tên thành Công ty TNHH MTV Dược Đồng Trí) cũng trả trước cho Pharbaco gần 863,5 triệu đồng.
Tới cuối năm 2015, Pharbaco không ghi nhận số dư với các công ty này.
Giai đoạn 2016 – nay, số dư với VN Pharma và các công ty liên quan không còn chiếm tỷ trọng lớn trong khoản mục phải trả hoặc phải thu trên báo cáo tài chính của Pharbaco. Thay vào đó là những cái tên mới như: CTCP Appollo (Appollo), Công ty TNHH Dược phẩm Huy Cường (Dược phẩm Huy Cường), Công ty CP Sài Gòn Pharma (Sài Gòn Pharma).
Việc ông chủ Appollo và cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đương nhiệm của Pharbaco Ngô Nhật Phương bất ngờ xuất hiện trong phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án mua bán thuốc ung thư giả tại Công ty VN Pharma như một “nhân chứng” đang gây sự chú ý lớn của truyền thông và dư luận. (Ảnh: Internet)
Trong đó, Appollo là đối tác chiến lược của Pharbaco và chính thức nắm giữ cổ phần của công ty này kể từ năm 2016. Đây cũng là doanh nghiệp hạt nhân trong hệ sinh thái của vị doanh nhân kín tiếng Ngô Nhật Phương.
Dược phẩm Huy Cường và Sài Gòn Pharma chính thức trở thành cổ đông của Pharbaco từ năm 2017 sau khi tham gia vào đợt phát hành thêm 22 triệu cổ phần của công ty này nhằm nâng mức vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng.
Các cổ đông tư nhân này ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng tại Pharbaco mà thể hiện rõ nét nhất là việc ông Ngô Nhật Phương được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Pharbaco kể từ ngày 16/5/2018./.
Phạm Duy
Theo viettimes.vn
Xử vụ VN Pharma : Vì sao doanh nhân Ngô Nhật Phương nói H-Capita là thuốc thật?
Ông Ngô Nhật Phương cho biết kinh doanh dược, có đầy tủ tài liệu xác định thuốc H-Capita là thuốc chữa ung thư thật, sản xuất tại Ấn Độ.
Theo VNE: Tham gia phiên xử Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch VN Pharma) với tư người có quyền, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, ngày 26/9 ông Ngô Nhật Phương hai lần được luật sư của Võ Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C, người cung cấp thuốc cho VN Pharma) mời thẩm vấn.
Ông Ngô Nhật Phương tại toà. Nguồn: VNE
Ông Phương cho biết các tài liệu ông cung cấp cho tòa trước đó thể hiện thuốc H-Capita Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch VN Pharma) nhập về là thuốc thật, sản xuất tại Ấn Độ đạt tiêu chuẩn của WHO (Tổ chức Y tế thế giới). Những tài liệu này đã được hợp pháp hóa lãnh sự.
Theo ông Phương, H-Capita là thuốc thật thể hiện ở nhà máy, GMP (thực hành tốt sản xuất), quy trình sản xuất, tài liệu của các cơ quan chức năng Ấn Độ và Đại sứ quán Việt Nam. Hồ sơ chất lượng của lô hàng này, theo quy định của WHO, phải ghi rõ được kiểm nghiệm ngay sau khi xuất xưởng. Hồ sơ sản xuất lô hàng bao gồm: Hoạt chất sản xuất, tá dược, mẫu mã bao bì, đặc tính, dược tính...
Năm 2017, khi vụ án VN Pharma đưa ra xét xử lần đầu, ông Phương đang kinh doanh dược tại Campuchia thì được người của Hiệp hội Dược Ấn Độ tìm, nhờ đưa cho cơ quan tố tụng Việt Nam các tài liệu thể hiện lô thuốc H-Capita do nhà sản xuất Ấn Độ sản xuất và là thuốc thật. Ông Phương sau đó đã nộp cho tòa các tài liệu về thuốc H-Capita được nhà chức trách Ấn Độ cung cấp. Quá trình vụ án điều tra bổ sung, ông Phương nhiều lần được mời lên làm việc.
Khi chuyển về Việt Nam thì Viện kiểm nghiệm kết luận đạt tiêu chuẩn. Sau 13 tháng, khi vụ án bị khởi tố thuốc mới trưng cầu giám định của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Do đó, ông Phương cho rằng điều này không khách quan bởi theo dược điển thì hoạt chất có thể giảm dần theo thời gian, tạp chất nó thể tăng lên trong phạm vi giới hạn.
Ông Phương khẳng định lô thuốc H-Capita "thật về chất lượng, giả về xuất xứ". Các bị cáo đã biến hàng Ấn Độ thành Canada để kiếm lợi từ bảo hiểm vì hàng Canada thuộc nhóm 1 (trong đấu thầu) giá cao hơn gấp 5 lần của Ấn Độ. "Trong quá trình điều tra các bị cáo khai không thành khẩn, dẫn đến cơ quan điều tra mất nhiều công sức, dư luận hiểu lầm dẫn đến hoang mang dư luận", ông Phương nói.
Cũng tại toà ngày 26/9, một số tài liệu của Bộ Y tế đã được giải mật thể hiện nội dung nguồn gốc, chất lượng lô thuốc H-Capita.
Theo đó, tháng 10/2017, quá trình TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm vụ án VN Pharma, Bộ Y tế nhận được thông tin lô thuốc VN Pharma nhập về là do nhà máy ở Ấn Độ sản xuất. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo đoàn công tác đến bang Himachal làm việc trực tiếp với nhà máy sản xuất thuốc H-Capita và cơ quan quản lý dược bang này để xác minh.
Đoàn công tác của Bộ Y tế đã yêu cầu nhà máy của Ấn Độ cung cấp các tài liệu, hồ sơ thể hiện nhà máy này có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản suất thuốc, phiếu kiểm nghiệm thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng... Các tài liệu cho thấy thuốc H-Capita 500mg do VN Pharma nhập khẩu vào Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng của WHO.
Theo Bộ Y tế, chỉ tiêu tại thời điểm xuất xưởng của lô thuốc đạt yêu cầu nhưng khi kiểm tra tại Hội đồng giám định ngày 17/12/2014 lại không đạt tiêu chuẩn so với yêu cầu. "Điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì có thể quá trình vận chuyển từ Ấn Độ đến Singapore về Việt Nam và quá trình niêm phong cho đến khi cơ quan kiểm nghiệm kiểm tra lại đã kéo dài 13 tháng, không tuân thủ đúng điều kiện bảo quản của nhà sản xuất", công văn trả lời của Bộ Y tế nêu.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng trong phiên tòa sáng 26/9. Nguồn: Infonet
Theo đại diện Cục Quản lý dược, việc xác định thuốc này là thật hay giả thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Khái niệm thuốc kém chất lượng, thuốc giả, hàng giả là 3 khái niệm khác nhau. Kết luận của Hội đồng giám định Bộ Y tế về lô thuốc H-Capita nêu trên là thuốc kém chất lượng, không được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người. Còn việc gọi thuốc H-Capita là thuốc giả, hàng giả hay không thì phải xem xét từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
Chiều 26/9, sau ba ngày xét xử, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng có đủ căn cứ xác định Hùng và các đồng phạm đã thực hiện nhiều hành vi sai phạm nhập thuốc giả cả về chất lượng và xuất xứ. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Hùng 18-19 năm tù, Cường 20 năm tù, 10 bị cáo khác 3-13 năm tù về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Cựu Tổng giám đốc VN Pharma thất thần khi hầu tòa. Nguồn: Zing
Như Dân Việt đã thông tin: Theo cáo trạng, năm 2013, Hùng đặt mua thuốc H-Capita 500mg (thuốc trị ung thư) của Cường (đại diện Công ty Helix Canada). Vì thuốc này chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, theo quy định phải có giấy phép nhập khẩu do Cục quản lý dược cấp. Hồ sơ đề nghị cấp phép phải có: Giấy chứng nhận lưu hành tự do; Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc; Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm tra chất lượng thuốc...
Do đối tác không cung cấp được các giấy tờ theo yêu cầu nên Hùng đã chỉ đạo cấp dưới thuê dược sĩ viết hồ sơ kỹ thuật thuốc với giá 2.000 USD. Đồng thời, lập hợp đồng mua bán khống với nhà cung cấp là công ty Austin Hong Kong, xin Cục Quản lý dược cấp phép nhập 200.000 hộp thuốc H - Capita 500mg do Công ty Helix Canada sản xuất.
Khi VN Pharma nhập trót lọt 9.300 hộp thuốc H - Capita lưu tại kho thì Cục Quản lý dược nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nên đã kiểm tra và niêm phong không cho bán ra thị trường. Nhà chức trách xác định, số thuốc này đều giả về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và "không sử dụng để chữa bệnh cho người".
Cơ quan điều tra xác định, lô thuốc trị giá 251.000 USD (hơn 5,3 tỷ đồng), song Hùng chỉ đạo cấp dưới nâng khống lên gần 572.000 USD (hơn 12 tỷ đồng). Số tiền chênh lệch (hơn 6,8 tỷ đồng) này đã bị Ngô Anh Quốc (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên dược Nam Anh - công ty do Hùng Thành lập và điều hành) chỉ đạo kế toán để ngoài sổ sách sử dụng vào việc bán hàng...
Hùng và Cường bị bắt giam ngày 19/9/2014. Hai năm rưỡi sau, ngày 17/3/2017 họ được tại ngoại. Khi TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần đầu, Hùng và Cường nhận mức án 12 năm tù về tội Buôn lậu; 7 bị cáo khác nhận từ 2 năm tù (cho hưởng án treo) tới 5 năm tù về tội Buôn lậu, hoặc Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.
Chiều 23/10/2017, trong quá trình xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM ra lệnh bắt tạm giam Hùng và Cường trở lại. Một tuần sau đó, toà huỷ án sơ thẩm. Quá trình điều tra bổ sung, 3 người nguyên là lãnh đạo, nhân viên của VN Pharma bị khởi tố. Hùng và các đồng phạm bị chuyển sang tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Liên quan đến trách nhiệm của Cục Quản lý dược trong việc cấp phép cho VN Pharma nhập thuốc giả, hôm 18/9, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tiếp tục điều tra sai phạm của các cá nhân liên quan.
Theo danviet
Vì sao chồng ca sĩ Trang Nhung xuất hiện ở phiên tòa VN Pharma? Ông Phương nói quen với Hiệp hội Dược Ấn Độ, thông tin H-Capita là thuốc giả khiến họ lo ngại ảnh hưởng đến thị trường và nhờ ông tìm giúp người dịch tài liệu nộp cơ quan điều tra. Sáng 26/9, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử Nguyễn Minh Hùng (cựu Tổng giám đốc VN Pharma) cùng 11 đồng phạm trong vụ án...