Mỗi đêm gặp vấn đề này, coi chừng nguy hại
Một vấn đề tưởng chừng chỉ gây đôi chút khó chịu ở nữ giới về đêm, có thể khiến nguy cơ bệnh tim mạch và các biến chứng chết người như đột quỵ, nhồi máu cơ tim tăng đến 70%.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Queensland (Úc), dựa trên dữ liệu của hơn 23.300 phụ nữ với những triệu chứng mà phụ nữ ở mọi lứa tuổi thường hay gặp phải, nhưng phổ biến là ở tuổi sau mãn kinh với chứng bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm.
Theo tác giả của đề tài nghiên cứu – tiến sĩ Dongshan Zhu, một chuyên gia về y tế công cộng, các vấn đề nói trên có thể gọi chung là “ triệu chứng vận mạch”.
Những cơn bốc hỏa, vã mồ hôi khó chịu hàng đêm có thể liên quan tới nguy cơ bệnh tim và các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ (Ảnh minh họa từ Internet)
Kết quả cho thấy nếu bị “triệu chứng vận mạch” sau mãn kinh, nguy cơ mắc bệnh tim của người đó sẽ tăng đến 70%. Nếu bị trước khi mãn kinh, nguy cơ bệnh tim tăng 40%. Các tác giả đối chiếu thêm với dữ liệu từ 25 nghiên cứu khác, với 500.000 tình nguyện viên trên toàn cầu và thu được kết quả tương tự.
Nguy cơ mắc bệnh tim mạch này kéo theo sự gia tăng mạnh các biến chứng chết người như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyên nữ giới không nên xem triệu chứng bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm chỉ là đôi chút khó chịu thông thường. Hãy quan tâm đến sức khỏe tim mạch của mình hơn, thường xuyên khám và tầm soát để kịp thời phát hiện, điều trị những bệnh lý nảy sinh.
Nghiên cứu này vừa công bố trên tạp chí khoa học American Journal of Obstetrics and Gynaecology.
Video đang HOT
BS Phạm Quang Huy: Người "hồi sinh" cho nhiều trái tim
Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất được đánh giá là một trong 4 vệ tinh chuyên về tim mạch thành công nhất của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, nơi đây đã cứu chữa thành công cho hàng chục ngàn bệnh nhân tim mạch, trong đó có rất nhiều ca đột quỵ do nhồi máu cơ tim.
BS CKI Phạm Quang Huy, Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cùng cộng sự thực hiện một ca đặt stent cho bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch vành
Để góp phần cho thành công này phải kể đến sự đóng góp quan trọng của BS CKI Phạm Quang Huy, nguyên Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Dù đã về hưu từ năm 2015 nhưng BS Huy vẫn tiếp tục được Ban giám đốc bệnh viện giữ lại làm việc với vai trò chuyên gia tim mạch can thiệp của Trung tâm Tim mạch can thiệp.
* Trăn trở từ những ca chuyển viện...
BS CKI Phạm Quang Huy nhớ lại, khi còn là Trưởng khoa Tim mạch, qua khảo sát mô hình chuyển viện hằng năm, ông nhận thấy số lượng bệnh nhân bị các bệnh lý tim mạch nặng, đặc biệt là những ca nhồi máu cơ tim liên quan đến mạch vành phải chuyển viện là rất lớn. Trong đó nhiều ca đã tử vong hoặc chịu di chứng nặng nề vì không tận dụng được "thời gian vàng" do phải đưa về các bệnh viện lớn ở TP.HCM chữa trị...
Do đó, BS Huy và Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất luôn trăn trở tìm giải pháp cứu bệnh nhân tại chỗ. BS Huy cho rằng, chỉ còn cách duy nhất là mang kỹ thuật can thiệp tim mạch về điều trị cho bệnh nhân mới có thể tận dụng được "thời gian vàng" cứu người bệnh.
Đem nỗi niềm đề xuất với TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, BS Huy được ủng hộ ngay. Bởi, từ lâu TS-BS Dũng cũng ấp ủ mong muốn thành lập Trung tâm Tim mạch can thiệp nhằm đưa kỹ thuật cao về kịp thời cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân tim mạch, cũng như giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; đồng thời tạo bước ngoặt quan trọng đưa bệnh viện lên một tầm cao mới.
BS CKI Phạm Quang Huy, Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chia sẻ: "Hơn 10 năm về trước, mỗi năm có từ 400-500 ca bệnh lý tim mạch phải chuyển viện, chiếm 47,4% trong tổng số ca phải chuyển viện lên tuyến trên. Giờ đây bệnh nhân tim mạch hiếm khi phải chuyển viện. Điều này, với tôi là rất ngoạn mục".
TS-BS Dũng kể lại: "Khi đem ý tưởng này bàn với các thành viên trong Ban giám đốc và các trưởng khoa, tôi nhận được nhiều ý kiến trái chiều, ủng hộ có, can gián có. Điều lo ngại của mọi người cũng đúng. Vì để thành lập và duy trì hoạt động của Trung tâm Tim mạch can thiệp, bệnh viện phải hội đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực và đặc biệt là phải làm chủ được kỹ thuật cao. Đã có lúc tôi nản chí muốn bỏ, nhưng thấy BS Huy quá tha thiết vì bệnh nhân, tôi lại cố gắng đeo đuổi vì tôi tin vào năng lực của BS Huy".
BS Huy tâm sự, một trong những may mắn giúp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trở thành một trong những bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch là do thời điểm đó Bộ Y tế có chủ trương thành lập chuỗi bệnh viện vệ tinh trong cả nước. Bệnh viện Chợ Rẫy đã quyết định chọn Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất làm bệnh viện vệ tinh thứ tư chuyên về tim mạch. 2 "nút thắt" khó nhất là đào tạo chuyên môn và kinh phí thành lập trung tâm giờ đây đã có... "bà đỡ" nên quá trình xúc tiến để thành lập Trung tâm Tim mạch can thiệp cũng tương đối thuận lợi.
Tháng 3-2015, Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã chính thức đi vào hoạt động với nỗ lực của cả tập thể bệnh viện, trong đó có vai trò quan trọng là BS Huy.
Chỉ sau 2 tháng trung tâm thành lập, BS Huy đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Ban giám đốc bệnh viện xác định Trung tâm Tim mạch can thiệp không thể thiếu BS Huy, vì thế, ông vẫn được mời lại làm việc cho đến nay với tư cách là chuyên gia và là người giữ vai trò chính của trung tâm.
* Cứu sống nhiều người bị nhồi máu cơ tim
Hiện nay, Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là một trong những trung tâm can thiệp các bệnh lý tim mạch có tiếng trong cả nước với những khu giải phẫu tim, phòng can thiệp tim mạch đạt tiêu chuẩn quốc tế về thiết bị và hiện đại không kém gì trung tâm tim mạch can thiệp của những bệnh viện tuyến trung ương.
Hơn 5 năm qua, các bác sĩ của trung tâm đã cấp cứu, điều trị, can thiệp cho hơn 70 ngàn ca bệnh lý tim mạch, trong đó kỹ thuật "bắc cầu" (đặt stent) do BS Huy cùng ê-kíp thực hiện có mức độ thành công đến 98%, giúp cứu sống rất nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim qua cơn "thập tử nhất sinh".
Điển hình như trường hợp của ông Trần Trọng Trạch (63 tuổi, ngụ xã Phước Thái, H.Long Thành) bị xơ vữa động mạch khá nặng. Tháng 5-2019, trong một lần đến TP.Biên Hòa dự đám cưới, ông Trạch bỗng nhiên bị đau tức ngực dữ dội, choáng váng và ngã ra đường. Ông được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cấp cứu.
BS Huy cho biết, qua chụp mạch máu của bệnh nhân cho thấy có 1 cục máu đông từ tim trôi lên não trong bệnh cảnh rối loạn nhịp tim (rung nhĩ), gây tắc động mạch não giữa khiến bệnh nhân đột quỵ. Sau khi hội chẩn khẩn cấp, can thiệp xử lý cục máu đông và xử lý thông tắc nhanh một số mạch máu để tưới máu cho tim, cho não..., các bác sĩ đã cứu sống ông Trạch. 3 ngày sau bệnh nhân hồi tỉnh và qua cơn nguy kịch. Nếu bệnh nhân chỉ cần vào bệnh viện trễ 1 giờ hoặc xử lý chậm nửa giờ là bệnh nhân có thể không qua khỏi hoặc sống đời thực vật.
Chia sẻ niềm vui khi có ngày càng nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch can thiệp cứu sống, BS Huy nói: "Tôi rất mừng vì giờ đây, người bệnh đã có thể thụ hưởng kỹ thuật cao tại chỗ. Chúng tôi đã có thể tận dụng được "thời gian vàng" để kịp thời cứu sống người bệnh, giữ được tính mạng cho bệnh nhân là một điều quý giá nhất của những y, bác sĩ trong ngành Y".
Hiện Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã triển khai rất nhiều kỹ thuật cao liên quan đến bệnh lý tim mạch. Tại đây có thể chẩn đoán, cấp cứu và điều trị nội - ngoại trú bệnh nhân tim mạch can thiệp; bệnh tim mạch can thiệp qua da như: bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên; tăng huyết áp do hẹp động mạch thận; hẹp van 2 lá, một số bệnh tim bẩm sinh... Trung tâm cũng thực hiện kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, máy tạo nhịp tim 1 buồng hoặc 2 buồng vĩnh viễn và liệu pháp tái đồng bộ tim; ứng dụng siêu âm nội mạch để điều trị nghẽn mạch vành tim và xác định mảng xơ vữa.
Ngoài ra, các bác sĩ của trung tâm, trong đó BS Huy là "nhạc trưởng" cũng thực hiện được các kỹ thuật đặc biệt khó trong điều trị bệnh tim mạch như: đặt lưới lọc vào tĩnh mạch chủ dưới để ngăn ngừa tắc động mạch phổi; kỹ thuật cắt đốt điện sinh lý tim để điều trị cho bệnh nhân có nhịp tim nhanh...
Là người từng trực tiếp đào tạo chuyên môn can thiệp tim mạch cho đội ngũ bác sĩ của Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, PGS-TS-BS Võ Thành Nhân, nguyên Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá cao chất lượng hoạt động của trung tâm và tay nghề của BS Huy.
PGS Nhân cho biết: "Trong số 4 bệnh viện vệ tinh chuyên khoa tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy từng hỗ trợ, thì Trung tâm Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất được xem là thực hiện bài bản nhất, đội ngũ chuyên môn chuẩn bị kỹ nhất. Trong đó, BS Phạm Quang Huy còn là "đàn anh" của tôi, là "bậc thầy" về tim mạch của nhiều thế hệ bác sĩ trẻ và là tấm gương về sự tận tụy với nghề".
Gần 10 năm xây dựng ý tưởng, 7 năm bắt tay khởi động dự án và hơn 5 năm đi vào hoạt động, cùng với tâm huyết, tay nghề của đội ngũ những thầy thuốc tận tâm của Trung tâm Tim mạch can thiệp đã giúp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất lại một lần nữa khẳng định thương hiệu của mình trong hệ thống y tế của cả nước nói chung và ngành Y tế của tỉnh nói riêng.
Để tạo lên thương hiệu của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cũng phải kể đến có sự đóng góp quan trọng của BS CKI Phạm Quang Huy với vai trò là một trong những người đầu tiên thành lập và phát triển Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Mối liên quan giữa ăn thừa muối và bệnh tăng huyết áp Có nhiều nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp như thừa cân, ăn mặn, hút thuốc lá, ăn nhiều chất béo... Trong đó, ăn thừa muối không chỉ làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp mà còn có thể gây ra nhiều bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Vì vậy kiểm soát lượng muối ăn hàng ngày cũng là cách tốt để...