Mỗi con lợn lãi 5 triệu đồng, lão nông Kinh Bắc có gần 1.000 con lợn thấy “áy náy” với người tiêu dùng
Lãi 4-5 triệu đồng/con lợn, ông Đào Viết Xuê, chủ trại nuôi 70 lợn nái và 800 lợn thương phẩm ở Bắc Ninh cho rằng, với mức giá sát 100.000 đồng/kg thịt lợn hơi là thừa tốt: “Thực sự, bây giờ cầm tiền tôi áy náy với người ăn dù rằng tôi là người đi vay lãi và nợ ngân hàng nhiều nhất ở huyện Quế Võ đến giờ này”.
20 năm trong nghề nuôi lợn, chưa bao giờ ông Đào Viết Xuê, Giám đốc HTX sản xuất VAC Tiến Thịnh thôn Phù Lang, xã Phù Lương (Quế Võ, Bắc Ninh) lại thấy khốn khó như lúc trại lợn cả nghìn con bị “dính” dịch tả lợn châu Phi. Trang trại lợn của gia đình ông gần như là hộ cuối cùng bị dịch tả lợn châu Phi dù đã tìm đủ cách chống đỡ.
Vượt qua “bão” dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Đào Viết Xuê đã giữ, duy trì và tái đàn với 70 nái sinh sản và 800 lợn thương phẩm.
Ngay cả khi lợn bị chết vì dịch tả lợn châu Phi, ông vẫn không hề nao núng khi quyết tâm bỏ tiền đầu tư để phòng trừ, bảo vệ đàn lợn đến cuối cùng. Ông mua thuốc về sát trùng chuồng trại, đầu tư xây bể nước sạch, rồi quây lưới ngăn côn trùng xâm nhập vào trại…
Đặc biệt, trong lúc đang thua lỗ, rồi ảnh hưởng của dịch bệnh, ông vẫn quyết đầu tư 500-600 triệu đồng để mua máy phát điện. “Lúc đó đang thua lỗ, lợn đang bị bệnh, phải tiêu hủy nhưng vẫn phải bỏ tiền ra mua máy vì sợ mở cửa, bỏ lưới ra côn trùng sẽ vào” – ông Xuê nói.
Nhưng điều măn mắn hơn với gia đình ông là sự thay đổi trong cách thức phòng trừ dịch tả lợn châu Phi. Thay vì phải tiêu hủy cả đàn lợn, chỉ những con lợn bị bệnh ông mới tiêu hủy, nhờ đó ông đã giữ được đàn nái và có cơ hội tái đàn khi dịch bệnh lắng xuống.
Theo ông Xuê, năm 2017, giá thịt lợn giảm sâu. Năm 2018 phục hồi được một thời gian, đến 2019 lại bị dịch tả lợn châu Phi. Gia đình ông thiệt hại 100 tấn vừa lợn nái, lợn thịt và lợn con, tương đương 2/3 tổng đàn; còn giữ lại được 1/3. “Qua quá trình giữ lại, gia đình đã tái đàn thêm được 20 lợn nái, bắt đầu sinh sản. Đến thời điểm này, gia đình có 70 nái sinh sản và 800 lợn thương phẩm”.
Video đang HOT
Mô hình chăn nuôi của gia đình ông Xuê được khép kín từ nuôi lợn nái sinh sản, lợn thương phẩm tới giết mổ, bán ra thị trường.
Mỗi tháng, ông Xuê xuất bán từ vài chục đến hơn 100 đầu lợn
Khi nguồn cung lợn thiếu, giá được đẩy lên cao nên gia đình ông đã gỡ được ít vốn liếng để tái đàn, gia tăng sản xuất. Nói về chi phí sản xuất, ông Xuê cho rằng, giá thành 1kg lợn hơi trước khi dịch xảy ra vào khoảng 45.000-46.000 nghìn đồng, nay giá giống cao thì giá thành vào khoảng 60.000 đồng/kg. “Nếu nuôi theo chuỗi khép kín từ con lợn nái đến nuôi thương phẩm như của gia đình thì giá thành ở mức 50.000 đồng/kg” – ông Xuê nói.
Với mức giá lợn hơi 100.000 đồng/kg, mỗi con lợn 1 tạ xuất bán gia đình ông thu lời từ 4,5-5 triệu đồng. Ông Xuê bày tỏ: “Giá lợn bây giờ thừa tốt, quá cao rồi. Thực sự bây giờ tôi cầm tiền tôi áy náy với người ăn dù rằng tôi là người đi vay lãi. Tôi là người chăn nuôi lợn nợ ngân hàng nhiều nhất huyện này. Ngân hàng tin mình, nhưng tôi lại được một lòng tin lớn là cả nội, cả ngoại ngồi chật xe 16 chỗ, ra ngân hàng cắm sổ đỏ vay vốn”.
Trước nhu cầu của thị trường, mới đây, HTX sản xuất VAC Tiến Thịnh đã phát triển thêm một cơ sở giết mổ trị giá hơn 400 triệu đồng, với trang thiết bị hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của khách hàng và người tiêu dùng xa gần.
Theo tính toán của ông Xuê, với việc đầu tư cơ sở giết mổ, khép kín từ chuỗi nuôi lợn nái, thương phẩm đến giết mổ, đưa sản phẩm ra thị trường thì trang trại của ông chủ động hoàn toàn. Do không phải qua cầu trung gian, nên chi phí giảm tới mức tối đa. “Người chăn nuôi bình thường hòa thì gia đình vẫn có lãi. Gia đình tôi mà hòa thì chắc chắn không ai chăn nuôi được nữa” – ông Xuê khẳng định.
Nói về câu chuyện tái đàn và hỗ trợ người chăn nuôi, ông Xuê kiến nghị, chỉ những hộ đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì mới cho tái đàn, chứ không nên tái đàn tran lan, sau đến lúc cung vượt cầu giá thịt về mười mấy hai mươi ngàn đồng một cân lại rủ nhau ăn đụng thịt lợn.
“Để chăn nuôi bình ổn, đề nghị các cấp chính quyền, các hộ chăn nuôi phải đăng ký để kiểm soát đầu con; thứ hai, người chăn nuôi lợn có lãi từ 1-1,2 triệu đồng/con thì người tiêu dùng được hưởng lợi đầu tiên. Với mức đó, giá không bao giờ bị cao, người chăn nuôi không bao giờ bị lỗ” – ông Xuê khẳng định.
Hiện nay, giá lợn giống đắt nhưng chất lượng lại không tốt và nếu không kiểm soát tốt nguy cơ tái bùng phát dịch rất cao. Vì thế, dù có nhu cầu tăng thêm đàn nái, nhưng ông vẫn chờ đặt mua 70-80 nái hậu bị ở những cơ sở có uy tín như tại trại nuôi của Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương và của Công ty TNHH De Heus.
Liên minh bảo vệ chó châu Á đề nghị Việt Nam cấm giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo
Mới đây, Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) đã gửi bản kiến nghị tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 bày tỏ mối quan tâm về tình trạng buôn bán thịt chó, mèo tại Việt Nam, cũng như mối đe dọa mà hoạt động này gây ra cho sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra.
Ảnh minh họa
Theo ACPA, việc buôn bán thịt chó, mèo thường có liên hệ chặt chẽ với buôn bán động vật hoang dã và không có gì đảm bảo an toàn cho con người. Tiến sĩ Katherine Polak, bác sĩ thú y và người đứng đầu chiến dịch Chăm sóc động vật đi lạc của tổ chức bảo vệ động vật toàn cầu FOUR PAWS ở Đông Nam Á cũng bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi tin rằng đây chỉ là vấn đề thời gian trước khi bùng phát tiếp một đợt dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người".
Do đó, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối tháng 12 năm 2019, các nhà chức trách Trung Quốc đã cấm việc buôn bán tiêu thụ động vật hoang dã trên cả nước; thêm vào đó, trong tháng 4, TP Thâm Quyến và Chu Hải đã ban hành lệnh cấm tiêu thụ thịt chó, mèo, trong khi Chính phủ Trung Quốc cũng công khai tuyên bố rằng chó được coi là động vật đồng hành, không phải là gia súc và cần được loại bỏ khỏi danh sách động vật được sử dụng làm "thức ăn".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nêu rõ rằng việc buôn bán chó để giết thịt là một yếu tố góp phần cho việc lây lan bệnh dại và 70% mầm gây bệnh trên toàn cầu trong suốt 50 năm qua bắt nguồn từ động vật. Hoạt động buôn bán chó, mèo cũng trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực tới chiến lược kiểm soát bệnh dại của Việt Nam và phá vỡ mọi nỗ lực tăng khả năng miễn dịch của đàn thông qua các chương trình tiêm phòng cho chó.
Trên thế giới, các quốc gia đang hợp tác cùng nhau đấu tranh để chống lại đại dịch Covid-19. Các Tổ chức Phi Chính phủ trên toàn cầu đang thúc giục chính phủ nhiều quốc gia cần hành động ngay lập tức đóng cửa vĩnh viễn các thị trường động vật hoang dã với nghi ngại đây sẽ là nguồn lây lan Covid-19 và cũng có thể thấy rõ rằng Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng và đi đầu trong nỗ lực này.
Theo ACPA, năm 2018, UBND TP Hà Nội đã ban bố cam kết chấm dứt buôn bán thịt chó, trong đó nêu rõ việc buôn bán tàn ác và mất vệ sinh này có thể làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của thành phố là một "thủ đô văn minh, hiện đại". Đó là một điều rất đúng đắn và thực sự đã có quy định cấm buôn bán thịt chó, mèo ở khắp châu Á như Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan và Singapore.
Tuy nhiên, trong thời điểm này, ACPA mong muốn chính phủ cần phải ban hành và thực thi nghiêm ngặt lệnh cấm toàn diện và trên toàn quốc với các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp như sau: Ngay lập tức ban hành lệnh cấm vĩnh viễn việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ chó, mèo để làm thịt tại Việt Nam. Đồng thời, ban hành tuyên bố công khai về các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng liên quan tới việc giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo.
Theo điều tra của FOUR PAWS, hoạt động buôn bán chó, mèo để giết thịt đang là vấn nạn tại Việt Nam, khi mỗi năm ước tính có khoảng 5 triệu cá thể chó và 1 triệu cá thể mèo bị giết mổ để lấy thịt.
Việc buôn bán thịt chó cũng tạo điều kiện lây lan các dịch bệnh nguy hiểm gây chết người như bệnh dại và được coi là hoạt động bất hợp pháp trong khi chưa có quy định trong luật hiện hành nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phúc lợi động vật và ngăn ngừa dịch bệnh. Tình trạng buôn bán thịt chó, mèo tại Việt Nam đang tiếp tục diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ các chính phủ, các chuyên gia sức khỏe con người và động vật cùng các bên liên quan đang tìm cách giải quyết vấn đề này.
Để chấm dứt hoàn toàn nạn buôn bán thịt chó mèo tàn bạo ở Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, FOUR PAWS đã phát động một chiến dịch ở cấp độ quốc tế và quốc gia. "Thông qua việc giáo dục và hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm, cộng đồng địa phương và ngành du lịch, mục tiêu là hợp tác với các chính phủ ở Đông Nam Á để đưa ra luật bảo vệ động vật, chấm dứt việc bắt giữ, giết mổ và tiêu thụ chó mèo" - Tiến sĩ Karanvir Kukreja - Giám đốc Dự án "Chiến dịch chấm dứt nạn buôn bán thịt chó mèo" của FOUR PAWS cho hay.
Được biết, ACPA có vai trò là đại diện cho các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn và bảo vệ phúc lợi động vật trên toàn cầu, bao gồm các tổ chức thành viên có trụ sở tại Việt Nam, các tổ chức có hợp tác với Chính phủ và chính quyền địa phương ở Việt Nam. Hiện tại, ACPA có hàng triệu thành viên cùng nhất trí với các nội dung kiến nghị trên.
Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H5N6 từ giết mổ không được kiểm soát Mặc dù trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N6 tại 5 xã song việc giết mổ gia cầm tại các chợ vẫn không được kiểm soát. Đây là một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lớn làm bùng phát dịch cúm gia cầm nguy hiểm này. Quỳnh Lưu là địa phương đầu tiên ở Nghệ An...