‘Mọi chính sách hướng đến người dân và phải có công dân số’
Nhấn mạnh quan điểm mọi chính sách hướng đến người dân và phải có công dân số, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, cần tạo thói quen cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến thông qua tuyên truyền, hướng dẫn.
Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban vào ngày 8/8.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 3 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số. (Ảnh: Phạm Hải)
Đánh giá cao những kết quả về chuyển đổi số song Thủ tướng nhận định, đây mới là kết quả bước đầu, còn nhiều vướng mắc cần giải quyết, nhiều việc phải làm. Để đạt được các mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết thiệt, thiết thực, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thống nhất một số quan điểm, định hướng khi chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất. Đổi mới công nghệ, đa dạng hóa thị trường, các chuỗi cung ứng, sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để góp phần phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ, càng khó khăn, thách thức càng phải đoàn kết, đây là truyền thống quý báu của dân tộc cũng là quan điểm xuyên suốt. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích, va chạm.
Liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và mỗi cá nhân, tổ chức. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện và hiệu quả hơn. Tạo thói quen cho người dân, doanh nghiệp dùng các dịch vụ trực tuyến thông qua tuyên truyền, hướng dẫn. Mọi chính sách hướng đến người dân và phải có công dân số.
Video đang HOT
Huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
“Việc chuyển đổi số được triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”; dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp và thực hiện một cách thực chất, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu nói đi đôi với làm, “không đánh trống bỏ dùi”, đặc biệt tránh mọi biểu hiện hình thức. Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều nhưng người dân sử dụng ít; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu (CSDL) thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông thấp. Các bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế chia sẻ, dùng chung để khai thác hiệu quả dữ liệu và có nguồn lực để đầu tư tiếp.
Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp.
Xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số thực chất và hiệu quả
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện từ nay đến hết năm 2022 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn nữa, quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai, tạo ra phong trào, bố trí nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong triển khai chuyển đổi số; khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ chuyển đổi số.
Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được phân công tại kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia tại các phiên họp của Ủy ban, đặc biệt là 12 nhiệm vụ chưa hoàn thành và những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tập trung chỉ đạo xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số thực chất, hiệu quả ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực.
Tập trung kết nối với các nền tảng dùng chung; xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành và đẩy mạnh kết nối với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hình thành hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ dựa trên dữ liệu thời gian thực, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, chính xác.
Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng và triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thông tin, CSDL, tránh lộ lọt thông tin.
Đẩy mạnh số hóa, xây dựng CSDL phục vụ quản lý, khai thác, chỉ đạo, điều hành của địa phương và kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cung cấp các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh, thành phố chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022.
Lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022 để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế xã hội. Triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng tích cực hơn để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số.
Các bộ, tỉnh còn được yêu cầu rà soát, đăng ký, phân bổ nguồn lực cho phát triển và triển khai các nền tảng số, đặc biệt là kinh phí cho năm 2023; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước…
Cơ quan nhà nước đã gửi, nhận hơn 12,8 triệu văn bản điện tử
Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng văn bản điện tử được các cơ quan nhà nước gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là hơn 3,7 triệu văn bản, nâng tổng số văn bản được gửi, nhận trên Trục lên hơn 12,8 triệu.
Thông tin về tình hình triển khai các hệ thống phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ cho biết, các nền tảng, hệ thống quan trọng phục vụ Chính phủ điện tử do cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý, vận hành gồm Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia tiếp tục được phát triển.
Nhờ đó, góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, chuyển đối số trong nội khối cơ quan hành chính nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước. 6 tháng đầu năm 2022, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên trục là hơn 3,7 triệu văn bản, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến nay, có hơn 12,8 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng văn bản điện tử được gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là hơn 3,7 triệu văn bản. (Ảnh minh họa)
Thống kê của Văn phòng Chính phủ cho thấy, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ trong nửa đầu năm nay đã phục vụ 11 hội nghị, phiên họp Chính phủ và xử lý 204 phiên lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 71.000 hồ sơ, tài liệu giấy). Lũy kế đến nay, hệ thống đã phục vụ 54 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.208 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 431.000 hồ sơ, tài liệu giấy).
Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được khai trương, đưa vào vận hành chính thức từ 19/8/2020. Đến nay, đã có 15 bộ, cơ quan và 59 địa phương kết nối, liên thông hệ thống thông tin báo cáo, cơ sở dữ liệu có chức năng báo cáo với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ.
Cùng với đó, có 15/151 chế độ báo cáo các bộ, cơ quan báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai, tích hợp với hệ thống; có 152/200 chỉ tiêu kinh tế xã hội theo Quyết định 293 của Thủ tướng Chính phủ và 4/12 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 Quốc hội giao Chính phủ, đã được cung cấp trên hệ thống.
Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành đã xây dựng kho dữ liệu tổng hợp với trên 300 chỉ tiêu kinh tế xã hội và khoảng 250 bảng hiển thị dữ liệu cho các chỉ tiêu; đã kết nối 37 chỉ tiêu thông tin dữ liệu trực tuyến; đồng thời phối hợp với các chuyên gia, các bộ, ngành xây dựng và hiển thị 16 nhóm chỉ tiêu điều hành và thống kê phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục kết nối, tích hợp các thông tin dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin của các bộ, cơ quan, địa phương với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành, cập nhật kho dữ liệu làm cơ sở cho việc phân tích dữ liệu, phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Dự kiến, ngay trong tháng 7 này, Văn phòng Chính phủ sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin báo áo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Cổng dịch vụ công quốc gia, trong 6 tháng đầu năm nay, đã có hơn 167.000 tài khoản đăng ký; hơn 102 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 32 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 1,4 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng; và hơn 531.000 giao dịch thanh toán trực tuyến, với số tiền hơn 1,5 nghìn tỷ đồng.
Kể từ khi khai trương vào tháng 11/2019 đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.680 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký, tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái; đã có hơn 473 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ, tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái; hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021; hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021; hơn 1 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 26 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tencent tiếp tục 'thắt lưng buộc bụng' 'Gã khổng lồ' Tencent sẽ tiếp tục các chính sách cắt giảm chi phí sau khi sa thải 5.500 lao động trong quý II. Tencent vừa báo cáo doanh thu sụt giảm lần đầu tiên kể từ khi trở thành công ty đại chúng. Trong quý II, công ty ghi nhận doanh thu 134 tỷ NDT (19,8 tỷ USD), giảm 3% so với...