Mới chỉ tìm được 65 thi thể nạn nhân chìm tàu ở Trung Quốc
Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm 39 thi thể trong vụ chìm tàu trên sông Dương Tử, Trung Quốc, nâng tổng số thi thể được tìm thấy lên 65 tính đến sáng 4.6, theo Tân Hoa xã.
Các thành viên gia đình nạn nhân xô đẩy lực lượng an ninh để tiến vào khu vực xảy ra vụ chìm tàu trên sông Dương Tử – Ảnh: Reuters
Lúc 23 giờ đêm qua 3.6, đội cứu hộ đã cắt phần đáy chiếc tàu chìm để thợ lặn vào trong tìm kiếm nạn nhân.
Tính đến sáng 4.6, trong số 79 người đã được tìm thấy, chỉ có 14 người sống sót. Như vậy còn ít nhất 370 nạn nhân vẫn còn mất tích, Tân Hoa xã cho biết. Hãng thông tấn này nhận định cơ hội tìm được người sống sót vẫn còn, dù khá mong manh.
“Con tàu chìm rất nhanh, vì vậy vẫn có thể có không khí trong thân tàu”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Li Qixiu thuộc Đại học Kỹ thuật Hải quân.
Tàu Ngôi Sao Phương Đông chở theo 456 người (trước đó thông tin ban đầu nói 458 người, chủ yếu là người cao tuổi) đã gặp lốc xoáy và bị lật úp tối 1.6. Đây là thảm họa đường thủy tồi tệ nhất của Trung Quốc trong 70 năm qua, theo Reuters.
Một vài tin tức trước đó khẳng định cơ quan chức năng của Trung Quốc đã bưng bít thông tin vụ việc.
Theo cập nhật của hãng tin Reuters, các gia đình của người bị nạn đã bắt đầu có hành động quá khích, yêu cầu cơ quan chức năng có câu trả lời rõ ràng về vụ việc.
Video đang HOT
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Trung Quốc bưng bít thông tin vụ chìm tàu
Chính quyền Trung Quốc được cho đã cố tình bưng bít thông tin về vụ chìm tàu Ngôi Sao Phương Đông trên sông Dương Tử, ngăn chặn phóng viên và người thân hành khách tiếp cận khu vực hiện trường vụ chìm tàu, theo nhận định của tờ The New York Times (Mỹ).
Một thân nhân hành khách không giấu được nước mắt khi đứng đợi thông tin người thân tại một nhánh của sông Dương Tử - Ảnh: Reuters
Để thể hiện sự cởi mở, chính quyền Trung Quốc trong ngày 3.6 đã cho phép phóng viên đến khu vực triển khai công tác cứu hộ. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường còn có mặt tại hiện trường chỉ đạo cứu hộ, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm thông tin thường xuyên và cập nhật tình hình cứu hộ cũng như công tác điều tra.
Thế nhưng, thời gian "minh bạch thông tin" này rất ngắn ngủi. Cảnh sát ngay sau đó đã dựng lên những hàng rào và chốt chặn tại những con đường hướng đến sông Dương Tử, nơi tàu Ngôi Sao Phương Đông chở 458 người chìm vào tối 1.6, và khu vực xung quanh ở huyện Giam Lợi, tỉnh Hồ Bắc, theo The New York Times.
Các khách sạn tại Giam Lợi được chính quyền chỉ đạo không được đón các nhà báo nếu họ không đăng ký trước tại một trung tâm truyền thông. Cảnh sát ngăn không cho phóng viên đến những bệnh viện địa phương.
The New York Times cho biết thậm chí phóng viên báo đài Trung Quốc cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt khi đưa tin về vụ chìm tàu. Chỉ có Tân Hoa xã và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) mới được đưa tin và ảnh theo chỉ đạo chính quyền Trung Quốc.
Lực lượng cứu hộ ntìm kiếm người sống sót trong ngày 3.6 - Ảnh: Reuters
Công tác cứu hộ và thông tin về nạn nhân trong vụ rơi máy bay hãng TransAsia Airways ở Đài Loan hồi tháng 2.2015 và vụ chìm phà Sewol ở Hàn Quốc năm 2014 được phát sóng trực tiếp, đưa tin trực tuyến 24/24. Trong khi đó, video về vụ chìm tàu Ngôi Sao Phương Đông lại được cắt gọt, biên tập kỹ càng trước khi được phát sóng "độc quyền" trên CCTV, theo The New York Times.
Ông Li Datong, cựu biên tập viên một tờ báo ở Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết thông tin về vụ chìm tàu bị kiểm soát nghiêm ngặt, mặc dù nó chẳng ảnh hưởng gì lớn đến chính trị. "Vụ chìm tàu này không có gì nhạy cảm. Đó là một thảm họa. Chỉ trong vài phút, con tàu lật úp và chìm", ông Li nói.
Trong lúc thân nhân hành khách "khát" thông tin về người thân của họ, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại tô vẽ hình ảnh "anh hùng" cứu người của một thợ lặn. Báo đài Trung Quốc ồ ạt đưa tin chi tiết, ca ngợi thợ lặn tên Guan Dong đã có công cứu sống một thủy thủ 21 tuổi. Dong đã nhường bình oxy và kính lặn cho người này.
"Trung Quốc luôn có kiểu thông tin về những anh hùng. Đó là mô hình tuyên truyền", ông Li nói.
Chính quyền Trung Quốc không những kiểm soát chặt chẽ khu vực quanh hiện trường vụ chìm tàu hay báo chí, mà còn kiểm soát cả thân nhân hành khách, theo AFP. Nhiều thân nhân bức xúc vì thiếu thông tin đã yêu cầu được tiếp cận hiện trường vụ chìm tàu và đã đụng độ với các quan chức, cảnh sát ở huyện Giam Lợi. Hàng chục thân nhân biểu tình phản đối, phá hàng rào cảnh sát để tiến đến hiện trường vụ chìm tàu và đề nghị được cung cấp thông tin về người thân mất tích của họ, theo ghi nhận của Reuters.
Các quan tài được chuẩn bị cho những nạn nhân thiệt mạng trong vụ chìm tàu - Ảnh: Reuters
Thứ trưởng Giao thông Trung Quốc He Jianzhong nói với các phóng viên tại khu vực tìm kiếm cứu hộ chính rằng hoạt động cứu hộ sẽ chuyển hướng sang nâng thân tàu khỏi sông, nhưng việc này cần 5 cần cẩu lớn. Một cần cẩu đã được điều động trong ngày 3.6. Tính đến chiều 3.6, có 14 người được cứu sống và 26 người được xác nhận thiệt mạng, CCTV cho hay.
"Miễn là còn tia hy vọng, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc. Chúng tôi sẽ sử dụng mọi phương tiện và nỗ lực hết sức hoàn tất công tác tìm kiếm cứu hộ", ông Xu Chengguang, phát ngôn viên Bộ Giao thông Trung Quốc cho hay trong buổi họp báo ngày 3.6.
Ông Wu Cuihong, một nhà khí tượng học địa phương, xác nhận có một cơn lốc xoáy kéo dài khoảng 15 - 20 phút tại khu vực xảy vụ chìm tàu. Trong khi đó, ông Zhong Shoudao, Chủ tịch Viện Thiết kế Tàu Trùng Khánh, cho biết tàu Ngôi Sao Phương Đông được thiết kế chạy trên sông, nên không có khả năng chống chọi những đợt sóng to và gió lớn như tàu đi biển. "Trong tình huống bất thường như một cơn lốc xoáy gây áp lực lớn lên một phía của tàu, vượt quá giới hạn chịu đựng của con tàu, nó sẽ lật và chìm", ông Zhong nói.
Website của Cơ quan an toàn hàng hải thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) cho biết tàu Ngôi Sao Phương Đông từng bị bắt giữ vào năm 2013 vì vi phạm một số quy định về an toàn.
Thuyền trưởng và kỹ sư trưởng của tàu đang bị tạm giữ để thẩm vấn, nhưng chính quyền Trung Quốc không hề công bố thông tin về việc liệu họ có được cảnh báo về thời tiết xấu, hay họ thoát khỏi con tàu lật úp và chìm chỉ trong vòng 1-2 phút như thế nào, và liệu họ có liên lạc với đất liền để thông báo tàu gặp nạn hay ra lệnh cho hành khách sơ tán hay không.
Một số chứng cứ cho thấy thuyền trưởng Zhang Shuwen có thể đã điều khiển con tàu đi vào khu vực nguy hiểm mặc dù những tàu khác đã được cảnh báo về thời tiết. Cơ quan dự báo thời tiết địa phương đã đưa ra cảnh báo về thời tiết xấu và ít nhất hai tàu khác dừng lại, theo dữ liệu vệ tinh của chính quyền Trung Quốc.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Trận lốc xoáy 'hiếm thấy' gây ra thảm họa chìm tàu ở Trung Quốc? Tàu Ngôi Sao Phương Đông chở theo 458 người bị lật trên sông Dương Tử (Trung Quốc) có thể là do một trận lốc xoáy "hiếm thấy", báo South China Morning Post (Hồng Kông) đưa tin ngày 3.6. Một người đàn ông sống sót trong vụ lật tàu ở sông Dương Tử đang được các nhân viên cứu hộ kéo lên khỏi mặt...