Mộc mạc bánh ít dừa xứ Quảng
Không biết từ bao giờ, các loại bánh dân dã lại trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống ẩm thực của người dân xứ Quảng. Những chiếc bánh ít dừa mộc mạc, chỉ cần thoáng nghe hương vị ấy là một khoảng trời thương nhớ lại ùa về.
Ngày trước, bánh ít dừa chủ yếu để ăn trong những ngày lễ, Tết, hoặc để biếu người thân, bạn bè. Do đó, khi làm bánh phải chú trọng cả chất lượng và hình thức, bánh không chỉ ngon mà còn đẹp. Bởi vậy, người thưởng thức có cảm giác nhẹ nhàng, tao nhã từ trong hương vị đến tên gọi của nó.
Những chiếc bánh ít dừa mộc mạc từ kiểu dáng đến hương vị.Muốn làm một chiếc bánh ít dừa ngon thì khâu quan trọng là chọn mua nguyên liệu. Thành phần chính của bánh là nhân và bột lọc. Nhân bánh được làm từ đậu xanh và dừa. Đậu xanh ngâm cho mềm, đãi sạch vỏ rồi hấp chín. Sau đó tán nhuyễn đậu xanh, cho đường vào rồi bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ đến khi hỗn hợp đặc quánh lại không dính tay là được. Dừa được nạo thành sợi, trụng qua nước sôi đã nấu với chút muối. Làm như thế sợi dừa sẽ dai và bánh giữ được lâu hơn.
Video đang HOT
Công đoạn quan trọng nhất là cháo bột hay nấu bột. Bột được hòa với nước theo một tỷ lệ nhất định, cho đường vào, rồi khuấy tan. Kế tiếp cho dừa đã trụng vào rồi bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ, khuấy đều tay cho đến khi bột sánh lại, có thể chảy thành dòng chứ không đặc là được.
Khâu tạo hình và gói bánh cũng khá quan trọng. Lá chuối lau rửa sạch sẽ, xé thành từng miếng. Múc từng khối nhỏ bột lọc đặt vào giữa lá chuối, dùng tay dàn mỏng, trải dài bột lọc trên lá, đặt nhân bánh vào giữa. Tiếp tục đắp một lớp bột trên nhân và gói lại, buộc hai dây chuối để giữ lá khỏi bung. Nhẹ nhàng xếp những chiếc bánh vào nồi hấp cách thủy, chừng hai mươi phút là bánh chín.
Còn nhớ, hồi xưa nhà nội tôi có hẳn một cái nồi lớn dùng để hấp bánh ít dừa. Bà tôi hay làm bánh để ông và các cô ăn lót dạ mỗi khi làm đồng. Riêng bọn con nít chúng tôi hay bỏ bánh vào cặp mang đến trường để ăn trong giờ ra chơi. Tôi cứ nhớ hoài chiếc bánh dẻo bùi, ngon ngọt nóng hổi, vừa thổi, vừa xuýt xoa. Chị em chúng tôi vừa ăn vừa nghe ông kể chuyện.
Ngày nay, bánh ít dừa được các cô, các bà làm rồi mang đi bán. Với giá bán 2.000 đồng/cái, bánh ít dừa đã trở thành món quà quê bình dân mà lại ngon. Khách ngoài tỉnh cũng hay đặt bánh với số lượng lớn vừa để dành ăn, vừa làm quà cho bạn bè… nên có nhiều gia đình vẫn giữ nghề làm bánh ít dừa truyền thống này.
Hủ tiếu Sa Đéc - món ngon đậm hương vị quê nhà
Tô hủ tiếu gồm thịt, bao tử, tim, gan, phèo, chan nước lèo từ xương hầm nghi ngút khói khiến bất cứ ai từng ăn sẽ khó lòng quên được.
Hủ tiếu là món ăn phổ biến đối với nhiều người miền nam. Tuy nhiên, món hấp dẫn nhiều thực khách, mang đậm hương vị miền quê phải nhắc đến hủ tiếu Sa Đéc.
Bánh hủ tiếu được làm từ bột gạo, có màu trắng sữa, cọng to, sợi mềm, độ dai vừa phải và không bị bở. Khi nuốt, nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy cọng hủ tiếu có vị ngọt dịu.
Để ăn món hủ tiếu Sa Đéc, thực khách có thể gọi loại thịt, xương hay khô tùy thích. Thịt và xương được chế biến trong món này giữ được độ mềm, ngon. Nước lèo không sử dụng các loại gia vị có sẵn như bột ngọt, đường, muối... mà được hầm từ xương heo.
Tô hủ tiếu Sa Đéc thơm dai, mùi thơm phảng phất. Nhiều thực khách khi bụng đói còn có thể ăn liền hai tô. Ảnh: Khánh Bằng
Tô hủ tiếu nghi ngút khói được bưng ra, cũng là lúc thực khách hít một hơi thật sâu để cảm nhận mùi vị món ăn hòa trong không khí. Trong tô hủ tiếu, ngoài thịt còn có bao tử, tim, gan, phèo... Để món ăn vừa miệng, nhiều người có thể bỏ thêm nước mắm, nước tương, hoặc chút giấm, ớt cùng với giá sống.
Đối với hủ tiếu khô, phải kể đến món nước sốt đặc trưng đi kèm. Sợi hủ tiếu được trụng (chần) dai dai, cho vài lát thịt, gan, tôm, cật, giá hẹ bên trên rồi rưới nước sốt chua ngọt lên. Cuối cùng không thể thiếu là salad xắt nhỏ, hành phi. Khi mang hủ tiếu khô ra, thực khách còn được cho thêm một chén nước lèo kế bên để vừa ăn vừa húp.
Đến Sa Đéc, bạn nhất định không nên bỏ qua món ăn này. Mỗi quán hủ tiếu ở Sa Đéc lại có cách nấu bí truyền riêng nên hương vị sẽ có một chút khác biệt. Một tô hủ tiếu ở Sa Đéc thường có giá từ 6.000 đến 12.000 đồng.
Bánh canh cua Cần Thơ Bánh canh vốn là món ăn dân dã được yêu thích của người dân Nam Bộ. Tại Cần Thơ, món ăn lại mang bản sắc riêng bởi sự kỳ công trong cách chế biến, mang đậm hương vị quê nhà. Sợi bánh canh thường được làm thủ công. Có người dùng bột gạo, bột năn pha với nhau, có người dùng bún cán...