“Mỏ vàng” của Google sẽ phải chia năm sẻ bảy?
Nếu Google không chuyển hướng phát triển theo chiều sâu, thì chẳng bao lâu nữa chiến lược tìm kiếm theo chiều rộng của ông lớn này sẽ bị các trang web tìm kiếm chuyên biệt “đánh” cho tơi tả.
Vẫy cờ trắng
Chẳng mấy khi đại gia tìm kiếm chịu vẫy cờ trắng xin thua, song mới tháng trước Google đã phải chịu đầu hàng khi cố gắng thâm nhập thị trường tìm kiếm bất động sản.
Năm 2009, Google bắt đầu bước vào lĩnh vực nhà ở và đưa ra một công cụ tìm kiếm chuyên biệt. Tại các thị trường chính như Mỹ, Anh, và Nhật, gã khổng lồ này sử dụng Google Maps để đặt các quảng cáo rao bán nhà và căn hộ. Tính năng này khiến nhiều người ngạc nhiên thích thú song cũng không ít người nhăn mày khó chịu, đặc biệt khi Google Street View có khả năng đưa ra hình ảnh của những tài sản đang được rao bán ở nhiều góc độ khác nhau.
Ban đầu, động thái này nghe có vẻ hứa hẹn, nhưng rốt cuộc Google cũng chỉ là kẻ đến sau. Trước đó, rất nhiều trang web chuyên về rao bán nhà đã phát triển những công cụ tìm kiếm mạnh để hỗ trợ khách hàng.
Những khách hàng đang tìm kiếm một nơi mới để sống thường có các tiêu chuẩn mua nhà cụ thể và phức tạp. Trong khi đó, Google chẳng cung cấp được gì ngoài một danh sách dài dằng dặc được hỗ trợ bản đồ và hình ảnh. Những trang web chuyên biệt như Realtor.com, Trulia, và Zillow ở Mỹ; RightMove ở Anh đã phát triển các thuật toán tìm kiếm cho phép người dùng truy cập vào kho dữ liệu những ngôi nhà đang được rao bán và truy vấn dựa trên những tiêu chuẩn cụ thể của họ. Rõ ràng điều này có ích hơn nhiều so với một danh sách chung chung với tính năng định vị bản đồ và hình ảnh mà Google có thể đưa ra.
Tuy nhiên, những thất bại như vậy cũng không ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của Google. Năm 2010, ông lớn tìm kiếm vẫn đứng trên đỉnh cao danh vọng. Báo cáo tài chính quí 4 của Google vượt mọi kỳ vọng với doanh thu lên đến 29,3 triệu USD và lợi nhuận cả năm đạt 8,5 triệu USD – tăng 30% so với năm ngoái. Câu hỏi đặt ra là: Thời vàng son này sẽ kéo dài được bao lâu?
96% doanh thu của Google đến từ dịch vụ tìm kiếm. Dẫu rằng gã khổng lồ cũng đã thử vài phương cách khác để đa dạng hóa thu nhập của mình bằng các lĩnh vực như di động (Android), quảng cáo trên video (YouTube), và phần mềm duyệt web (Chrome). Mỗi lĩnh vực có thể giúp giảm sự phụ thuộc quá lớn của Google vào bán quảng cáo trên các truy vấn. Tuy vậy, thực tế mà nói tìm kiếm vẫn là túi tiền để Google chi tiêu vào mọi việc.
Cho đến lúc này, vị trí dẫn đầu của Google vẫn khó có thể bị lay chuyển. Bing của Microsoft ở vị trí thứ 2 vẫn chạy tít đằng sau. Tuy nhiên, cần nhớ là 18 tháng trước đây Bing không hề tồn tại. Trong tháng 12/2010, Google phục vụ 69,4% kết quả tìm kiếm ở Mỹ trong khi Bing phục vụ 24,4%.
“Mỏ vàng” tìm kiếm của Google sẽ sớm bị “chia năm sẻ bảy”?
Video đang HOT
Tìm kiếm chiều rộng đã đến ngày tận số?
Sau cùng thì câu hỏi lớn hơn lại là: liệu tìm kiếm chiều rộng – loại tìm kiếm có thể xuyên suốt toàn bộ hơn 182 triệu trang web trên mạng – có thể mãi là một mô hình kinh doanh hấp dẫn nữa không?
Sự đầu hàng của Google trong lĩnh vực tìm kiếm bất động sản cho thấy mối đe dọa không phải đến từ những gã khổng lồ khác như Microsoft, mà là từ vô số những người tí hon – những cỗ máy tìm kiếm chuyên dụng được thiết kế để thực hiện tìm kiếm theo chiều sâu. Ví dụ như trang web chuyên dụng cho việc đặt chỗ nhà hàng, tìm việc, hay du lịch… Những trang web này không treo biển “tìm kiếm” song đó lại là việc mà chúng đang làm và hơn nữa, chúng còn thực thi các giao dịch.
Gần đây, Google lại tiếp tục đầu tư mạnh bạo hơn nhằm thống lĩnh một lĩnh vực tìm kiếm chuyên biệt. Từ giữa năm 2010, đại gia này bắt đầu để ý một cách nghiêm túc đến dịch vụ du lịch trực tuyến. Dựa trên thực tế là hơn một nửa doanh số bán hàng du lịch được thực hiện trên mạng, Google đã vung tiền mua ngay công ty ITA Software với giá 700 triệu USD mà không bỏ phí chút thời gian nào.
ITA Software được thành lập năm 1996 bởi các nhà khoa học tại Đại học MIT nhằm cung cấp dịch vụ tìm kiếm cho các nhà điều hành du lịch đường không và các phương tiện khác. Nếu như thương vụ này thành công thì đây có thể coi là một đòn đánh chí mạng vào một số công ty du lịch trực tuyến đang hái ra tiền hiện tại.
Những cuộc đột kích của Google vào lĩnh vực nhà đất và du lịch là dấu hiệu cho một sự thay đổi quan trọng trong chiến lược của ngành tìm kiếm.
Tìm kiếm chiều sâu (hay tìm kiếm chuyên biệt) giành về thị phần và đem lại lợi nhuận cao. Trong khi đó, tìm kiếm rộng bảo vệ thị phần nhưng đem lại lợi nhuận thấp hơn. Tất nhiên, 90% người dùng Internet vẫn đang hài lòng với các kết quả tìm kiếm của họ và chung thủy với tình yêu dành cho Google. Song vấn đề không nằm ở sự hài lòng của người dùng, vấn đề là khả năng tồn tại của một mô hình kinh doanh.
Khi ai đó dùng Google để truy vấn một mẩu tin, một đoạn video, hay định nghĩa của một từ khó hiểu; tìm kiếm chiều rộng tỏ ra vô cùng lợi hại và hữu ích. Tuy nhiên, những truy vấn như vậy hoàn toàn không có chủ đích mua bán gì. Lợi nhuận đích thực chỉ nằm ở những truy vấn khi người dùng muốn mua một thứ gì đó, và đây mới là lúc kiếm ra tiền.
Tìm kiếm trọng tâm và tìm kiếm sâu
Đã có một thời thương mại điện tử còn là một lĩnh vực non trẻ và manh mún. Bằng cách tìm kiếm và phân loại hàng triệu lựa chọn khác nhau, các dịch vụ truy vấn chiều rộng đã tạo ra những giá trị nhất định.
Ngày nay, Amazon và những người anh em khác đã từng bước củng cố và cải thiện thương mại điện tử. Ngành bán lẻ trên mạng càng phát triển thì giá trị của Google đối với ngành bán lẻ càng giảm. Trên trang web của mình, Amazon cung cấp các công thức tìm kiếm dọc rất hiệu quả: một truy vấn đơn giản có thể dẫn dắt người dùng đến những kết quả rất gần với mối quan tâm của họ, kèm theo đánh giá của người dùng, thông tin từ bên thứ ba, và các chức năng thương mại điện tử. Thư rác được hạn chế tối đa vì Amazon thực hiện một chế độ giám sát bán lẻ rất sát sao. Nói cách khác, tại sao lại phải dùng Google trong khi chúng ta có thể đến thẳng Amazon để có được một giải pháp hoàn chỉnh – bao gồm cả tìm kiếm và thương mại điện tử?
Trong khi người dùng trực tuyến ngày càng trở nên phức tạp, thiếu kiên nhẫn và đòi hỏi cao thì tìm kiếm rộng có thể sẽ dần trở nên kém hấp dẫn hơn là tìm kiếm sâu – ít nhất trong những truy vấn mà các nhà quảng cáo quan tâm hay những truy vấn kết thúc bằng việc bán hàng. Nếu đúng như vậy, để bảo vệ ngai vàng, Google sẽ phải nhanh chân chuyên biệt hóa những lĩnh vực tìm kiếm lớn trước khi mỏ tìm kiếm bị những người tí hon xâu xé, hoặc là nhanh chóng mở rộng những mảng kinh doanh kiếm tiền khác như Android và YouTube.
Theo Tuần Việt Nam
Tìm kiếm kiểu mới, từ "huýt sáo" đến chọn theo gam màu
Đã bao giờ bạn thử tìm kiếm thông tin bằng cách huýt sáo, lựa theo màu sắc hay dựa vào hình ảnh?
Người sử dụng từ trước tới nay đã quen với phong cách tìm kiếm "gõ bàn phím". Nhưng trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, chúng ta dần chứng kiến sự xuất hiện hàng loạt những cách tìm kiếm độc đáo hơn, mang lại hiệu quả cao, đem đến người dùng cái nhìn sâu về vấn đề mà họ cần tìm hiểu.
Tìm kiếm bằng âm thanh
Nếu phải thường xuyên phải tra cứu thông tin bằng điện thoại, chắc hẳn bạn không lạ gì tính năng Voice Search, công cụ tìm kiếm trực tuyến cực kì hữu dụng do Google cung cấp. Cụ thể hơn, người sử dụng sẽ đọc cho công cụ nghe thứ mình cần biết; sau đó, chúng sẽ tự động chuyển âm thanh về dạng kí tự để bắt đầu tìm kiếm.
Thời gian gần đây, Google đã mở rộng phạm vi của Voice Search từ di động lên máy tính, và đang chạy thử trên Google, Wikipedia, Youtube, Bing, Yahoo, DuckDuckGo. Hơn nữa, một số website sử dụng nền tảng HTML5 cũng đã được hỗ trợ. Người dùng hãy sử dụng Google Chrome để đạt được hiệu suất cao nhất. Truy cập http://tinyurl.com/29oc93k bằng Chrome để bắt đầu sử dụng Voice Search.
Tìm kiếm hình ảnh bằng màu sắc
Bằng cách sử dụng hai dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm là MultiColr và PicItUp, người dùng có thể thoải mái tìm kiếm hình ảnh theo màu sắc ưa thích của mình.
PicItUp giúp người sử dụng có thể kết hợp giữa tra cứu bằng từ ngữ và màu sắc. Bạn cần gõ nội dung vào thanh tìm kiếm, sau đó chọn màu sắc cần tìm. Chẳng hạn khi người dùng gõ "mùa hè" và chọn màu vàng, ứng dụng sẽ trả về cho người xem một trang kết quả toàn những hình ảnh liên quan tới mùa hè với sắc vàng chủ đạo.
Tính năng MultiColr của Flickr lại đem đến cho bạn phong cách mới lạ khi mọi người có thể thay đổi kết quả hình ảnh ngay lập tức khi ấn vào một màu mới. Người dùng có thể "ngắm" thế giới biến đổi một cách sinh động qua từng gam màu nóng, lạnh khác nhau.
Tìm kiếm nhạc qua "tiếng huýt sáo"
Chỉ cần huýt sáo, hoặc hát khe khẽ một giai điệu của bản nhạc vào micro là người dùng có thể tìm ra chính xác bài hát đó mà không đòi hỏi phải nhớ tên tác giả, ca sĩ hay bất cứ một ca từ nào. Với trang web độc đáo http://www.midomi.com/ , ngoài cách tìm kiếm thông thường, bạn có thể tìm kiếm bản nhạc bằng chính những gì bạn hát.
Click "Start voice search" để bắt đầu quá trình ghi âm, sau đó người dùng chỉ việc làm bất cứ cách nào để tạo ra giai điệu (huýt sáo, đánh đàn, hát "là lá la...") sau đó bấm "Done". Trang web sẽ trả về những kết quả gần giống nhất so với giai điệu mà bạn vừa hát. Sau khi biết được thông tin chi tiết về bản nhạc, công việc cuối cùng của người dùng là thưởng thức thôi.
"Chụp ảnh" để biết thêm thông tin
Google Goggles, phần mềm tìm kiếm đặc biệt dựa theo ảnh chụp do Google cung cấp cho những chiếc điện thoại sử dụng nền tảng Android của mình. Cụ thể hơn, người dùng cần tìm hiểu về một vật thể nào đó sẽ phải chụp lại tên, mã vạch, tên hãng... sau đó Google Goggles sẽ ngay lập tức tìm cho bạn đầy đủ nguồn gốc, trọng lượng, thông số kĩ thuật, trọng lượng... của sản phẩm đó.
Người dùng không cần phải nghi ngờ về khả năng nhận dạng của ứng dụng này, bởi lẽ qua hàng ngàn bức ảnh đã được người dùng chụp lại, Google Goggles chưa hề khiến bạn phải thất vọng. Xem thêm video về cách thức Google Goggles hoạt động tại đây.
Theo PLXH
Bing cho kết quả chính xác hơn Google Google vẫn tỏ ra lấn lướt so với các công cụ tìm kiếm khác nhưng Bing cũng không kém cạnh khi cho kết quả tìm kiếm trả về chính xác hơn. Theo bản báo cáo trong tuần này của Experian Hitwise, một công ty chuyên về giám sát Internet, công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft và cả công cụ tìm kiếm Yahoo...