Mở hướng đi mới cho nghề truyền thống
Chị Nga mày mò chế tác những thúng, rổ… có kích thước thu nhỏ gấp nhiều lần so với thúng, rổ thông thường nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần giúp làng nghề vượt qua khó khăn.
Nhờ chuyển sang đan thúng, rổ mini, chị Nga có nguồn thu nhập khấm khá – ẢNH: DUY TÂN
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ đan thúng, rổ truyền thống sang thúng, rổ mini, chị Nguyễn Thị Thúy Nga (31 tuổi, ngụ ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, H.Lai Vung, Đồng Tháp) đã góp phần tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề truyền thống và gia đình có nguồn thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng.
Sinh ra và lớn lên ở làng nghề làm thúng hơn 100 năm tuổi (ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh, H.Lấp Vò, Đồng Tháp) nên từ khi mới lên 10 tuổi, chị Nguyễn Thị Thúy Nga đã được mẹ dạy nghề. Đến lúc trưởng thành và lập gia đình, chị quyết tâm cùng chồng nối nghiệp mẹ, gìn giữ nghề đan truyền thống.
Chị Nga cho biết những năm gần đây, dụng cụ sinh hoạt bằng nhựa xuất hiện ngày càng phổ biến từ thành thị đến nông thôn, mẫu mã lại đa dạng, phong phú… nên đã thay thế dần vật dụng thủ công làm bằng tre, trúc. Từ đó, nghề đan thúng truyền thống ở ấp Vĩnh Lợi gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người thợ ngày càng bấp bênh.
Video đang HOT
Trước thực tế đó, chị Nga mày mò chế tác những thúng, rổ… có kích thước thu nhỏ gấp nhiều lần so với thúng, rổ thông thường nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần giúp làng nghề vượt qua khó khăn.
Theo chị Nga, làm thúng mini phải qua nhiều khâu công phu hơn so với làm thúng to. Từ khâu đốn trúc về cưa, cắt nan, tách nan, chẻ nan; kéo nan; gầy; đan; đát; làm vành, bo vành… đến vô vành, nứt vành để hoàn thành cái thúng đều phải tỉ mỉ.
“Thúng mini rất khó làm, mất nhiều thời gian và cần độ tỉ mỉ cao. Do cọng nan chẻ ra rất nhỏ nên khi đan dễ bị lọt tay. Khi đan còn phải vận dụng nhiều cách như: đan long thúng, đan long ba, đan bỏ góc để lận thúng cho tròn và đẹp… Khâu quan trọng để làm ra sản phẩm đẹp là các cọng nan phải đều và được chuốt thật bóng. Yếu tố quan trọng là người làm có kỹ thuật và phải kỹ tính”, chị Nga cho biết.
Hiện nay, mỗi tháng vợ chồng chị Nga làm ra khoảng 800 cái thúng, rổ… mini, giá dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/cái, còn rổ mini 40.000 đồng/cái. Nhờ đó, chị có nguồn thu nhập trên dưới 30 triệu đồng/tháng. Sản phẩm chủ yếu cung cấp trong tỉnh Đồng Tháp và một số tỉnh miền Tây Nam bộ.
Đồng Tháp: Trồng đu đủ Nhật làm kiểng, nhiều người hỏi có còn bán không!
Nông dân Trần Bá Chuốt ở ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đã trồng thành công giống đu đủ Nhật, và đưa cây đu đủ Nhật lên chậu làm kiểng.
Năm 2019, sau khi tìm hiểu kỹ thuật trồng đu đủ Nhật và cách chăm bón, ông đã mua 100 cây đu đủ giống Nhật ở Bến Tre về trồng.
Theo ông Trần Bá Chuốt, đu đủ Nhật là loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện thời tiết nên từ khi trồng, chăm sóc từ 6 - 7 tháng là đu đủ cho thu hoạch.
Cây đu đủ Nhật được ông Trần Bá Chuốt, trú tại ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đưa lên chậu làm kiểng.
Khi trái đu đủ Nhật chín có màu vàng như đu đủ ta, ruột màu vàng cam, có vị ngọt mặn nhẹ, thơm; lá đu đủ Nhật xanh, cọng lá màu tím.
Để cây đu đủ Nhật cho trái to đều, đạt năng suất cao nên tỉa bớt trái lúc còn nhỏ. Bán trái đu đủ Nhật với giá 10.000 đồng/kg, ông Trần Bá Chuốt thu về 30 triệu đồng.
Tính từ lần đu đủ Nhật ra trái đầu tiên, khoảng sau 2 tháng, ông Bá Chuốt lại thu hoạch những lứa trái tiếp theo.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây đu đủ Nhật mang lại rất khả quan, nên ông Chuốt làm thêm mô hình trồng đu đủ Nhật trong chậu để phục vụ thú chơi kiểng.
Nhờ đu đủ Nhật có mẫu mã đẹp, giá trị dinh dưỡng cao nên được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, đu đủ Nhật ít bị sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, thời gian cho trái kéo dài.
Mô hình trồng đu đủ Nhật này của ông Trần Bá Chuốt ở tỉnh Đồng Tháp đã được nhiều người đến tham quan, tìm hiểu kinh nghiệm và áp dụng trồng.
Với cách làm khoa học, không sử dụng thuốc trừ sâu, trái hoàn toàn chín tự nhiên nên đu đủ Nhật sẽ là nguồn sản phẩm sạch cung cấp ra thị trường, giúp người tiêu dùng an tâm.
Mô hình trồng đu đủ giống Nhật đã và đang thành công của ông Trần Bá Chuốt đã góp phần làm đa dạng cây trồng ở huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), giúp cho bà con nông dân có thêm sự chọn lựa tìm hướng đi thích hợp.
Gắn nghề rèn truyền thống với du lịch, người Mông Yên Bái khấm khá Đã bao đời, đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) vẫn giữ lửa nghề rèn truyền thống. Những năm gần đây, các sản phẩm từ rèn truyền thống ngày càng được biết đến nhiều hơn bởi gắn với du lịch, góp phần tăng thu nhập cho bà con nơi đây. Từ bao đời nay, người Mông luôn...