‘Mồ hôi máu’ – căn bệnh kỳ bí đối với y khoa thế giới
Cứ ngỡ những người đổ mồ hôi máu chỉ có trong những truyện viễn tưởng, thần thoại nhưng hiện tượng này là có thật trong cuộc sống. Tuy nhiên, đây vẫn còn là căn bệnh kỳ bí đối với y khoa thế giới.
Một trường hợp bệnh nhân bị mồ hôi máu – ẢNH CHỤP MÀN HÌNH DAILY MAIL
25 trường hợp trên thế giới được ghi nhận
Theo Medical News Today, những người bị mồ hôi máu có thể rỉ máu từ mắt, mũi và những bộ phận khác trên cơ thể vì họ mắc một hội chứng khá hiếm gọi là hematidrosis (mồ hôi máu).
Hầu hết nghiên cứu cho thấy hội chứng này do căng thẳng quá mức và hệ thần kinh giao cảm gây ra. Vì vậy người bệnh cần điều trị những nguyên nhân trên và sẽ kiểm soát được việc ra mồ hôi máu.
Theo các bác sĩ, chuyên gia quốc tế, hội chứng này vẫn là một hiện tượng kỳ bí vì hiếm khi xảy ra, chỉ gặp một vài trường hợp riêng lẻ. Thế nên họ khó có thể nghiên cứu được nhiều về hội chứng này để hiểu hơn về nguyên nhân, cơ chế bệnh nhằm có thể có cách điều trị tốt hơn.
Các bác sĩ ở Ấn Độ cũng từng thông tin về một trường hợp mắc hội chứng mồ hôi máu mà họ gặp.
Đó là một bệnh nhi (11 tuổi) đã nhập viện điều trị tại bệnh viện Gandhi Hospital (Ấn Độ) vì chảy máu liên tục ở má và thái dương trái suốt 5 tháng. Cứ mỗi sáng thức dậy hay sau khi chơi gắng sức, bệnh nhi lại bị chảy máu và sau khoảng 2-3 phút, hiện tượng này giảm dần. Bệnh nhi không có tiền sử uống bất kỳ thuốc chống đông máu hay các loại thuốc nào khác cả.
Ngoài ra, trong gia đình bệnh nhi cũng không có ai bị hội chứng này. Các xét nghiệm kiểm tra cho thấy sức khỏe của bệnh nhi bình thường. Bệnh nhi cũng không có dấu hiệu của bị thương và da trên mặt cũng không bị trầy xước gì cả.
Theo tờ Journalhub, trong giai đoạn 1996-2016, có tổng cộng 25 trường hợp bị hội chứng mồ hôi máu được ghi nhận trên thế giới, trong đó 21 là nữ và độ tuổi trung bình là 13.
Video đang HOT
Hầu hết bệnh nhân ở châu Á, đa phần ở Ấn Độ. Số lượng bệnh nhân mắc hội chứng này đang tăng trong những năm gần đây.
Ai có thể bị hội chứng này?
Theo WebMD, hội chứng chảy mồ hôi máu có thể là một triệu chứng của các bệnh khác, chẳng hạn như huyết áp cao hay rối loạn đông máu. Nó cũng có thể xảy ra ở phụ nữ trong khi họ đang đến kỳ kinh nguyệt.
Thỉnh thoảng, hội chứng này xảy ra dường như do sợ hãi hay đau đớn quá mức, chẳng hạn như đang đối mặt với cái chết, bị tra tấn, hay đang bị lạm dụng nặng.
Hội chứng mồ hôi máu có thể dẫn đến tử vong?
Chảy mồ hôi máu có thể rất kinh khủng. Đối với một vài người, có thể chảy nhiều đến nỗi kiệt sức, tuy nhiên, hội chứng này cơ bản không nguy hiểm, theo WebMD.
Máu chảy từ những mạch máu nhỏ gần bền mặt da, không phải những tĩnh mạch hay động mạch sâu. Vì vậy, khó có thể chảy máu nhiều cho đến chết được cho dù thậm chí bệnh nhân chảy máu từ nhiều nơi khác nhau trên cơ thể.
Theo thanhnien.vn
Bác sĩ BV Nhi đồng 1 nói gì về một trường hợp 'đổ mồ hôi máu'?
Mồ hôi máu là căn bệnh kỳ bí đối với giới y khoa thế giới và Việt Nam, chưa có trong sách vở, y văn.
Bé H.T Q.N bị ra mồ hôi máu trên mặt - ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Có một trường hợp cực hiếm từng được Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận, điều trị tại Khoa Sốt xuất huyết và Khoa Tâm lý. Hiện bệnh nhân đã được điều trị ngoại trú.
Riêng đối với trường hợp bé H.T Q.N đang điều trị ở Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định), nghi bị chứng mồ hôi máu, phóng viên Báo Thanh Niên đã liên hệ nhiều bác sĩ chuyên khoa liên quan để hỏi thêm thông tin về bệnh lý này. Hầu hết các bác sĩ đều cho biết chưa gặp trường hợp bệnh nhân bị và cũng không thể trả lời về mặt bệnh lý vì bệnh chưa có trong sách vở y khoa.
Bác sĩ cũng... sốc
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết bệnh viện từng tiếp nhận bệnh nhi mắc phải tình trạng mồ hôi máu (không phải bé H.T. Q.N ở Gia Lai - PV).
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đổ mồ hôi có màu như máu. Bình thường, bé vẫn đổ mồ hôi thông thường, chỉ khi lo lắng, hoảng sợ bé mới đổ mồ hôi máu.
"Khi người nhà đưa bé vô khám, bác sĩ nhìn thấy cũng hoang mang vì chưa bao giờ gặp trường hợp bệnh lý như thế. Ban đầu mình cũng nghi ngờ, không biết có phải bệnh thật hay không. Nhưng qua thăm khám và lấy mồ hôi của bệnh nhân xét nghiệm thì phát hiện có hồng cầu người. Đặc biệt, những vị trí tiết dịch mồ hôi nhiều thì có mật độ hồng cầu nhiều hơn", bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Theo bác sĩ Tuấn, trong y văn, các sách vở học thuật không có tài liệu về bệnh lý này. Khi tiếp nhận trường hợp bệnh nhân, qua tra cứu trên mạng, bác sĩ mới thấy báo chí quốc tế cũng đưa một vài trường hợp có triệu chứng mô tả giống vậy.
Chính vì vậy, việc chẩn đoán, điều trị bệnh hiện dựa theo đánh giá của bác sĩ về tình trạng bệnh nhân, chứ không thể biết nguyên nhân, cơ chế bệnh và không thể điều trị khỏi.
Bệnh lành tính nhưng không trị khỏi
Bác sĩ Tuấn nhận định bệnh đổ mồ hôi máu có thể liên quan đến nội tiết, máu, thần kinh và có thể có yếu tố liên quan đến gia đình. Như trường hợp bệnh nhi nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1, nhà có hai chị em đều bị mồ hôi máu.
"Bệnh lành tính, không lây, không ảnh hưởng đến các cơ quan, chức năng khác trong cơ thể", bác sĩ Tuấn đánh giá.
Trường hợp ra mồ hôi máu nhiều có thể có nguy cơ thiếu máu nhưng theo bác sĩ, nguy cơ này không cao vì lượng hồng cầu thoát ra qua dịch tiết mồ hôi rất ít. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn điều trị phòng ngừa thiếu máu cho bệnh nhân bằng thuốc bổ sung sắt và qua thực phẩm.
Bệnh có thể là bẩm sinh nhưng không bộc phát triệu chứng từ đầu mà đến giai đoạn thay đổi nào đó của cơ thể, tâm sinh lý thì mới biểu hiện triệu chứng.
"Việc lo lắng, hoảng sợ có thể ảnh hưởng đến thay đổi hệ tuần hoàn, nội tiết, làm giãn mao mạch, thành mao mạch yếu khiến hồng cầu thoát ra theo mồ hôi", bác sĩ Tuấn nhận định.
Hiện tại, bệnh nhân mồ hôi máu chỉ có thể được điều trị về dịch tiết, máu và tâm lý; dùng thuốc giúp tăng sức bền của thành mạch.
Hoang mang là... đổ mồ hôi máu
Bác sĩ Phạm Minh Triết, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, từng điều trị cho bệnh nhân mồ hôi máu, cho biết bệnh nhân có rối loạn lo âu... Bé cũng có loạn nhịp tim, bị ngất mấy lần.
"Càng căng thẳng thì bé càng ra mồ hôi máu nhiều. Hiện tại cơ chế này được nhiều người công nhận", bác sĩ Triết chia sẻ.
Theo bác sĩ Triết: "Vì bệnh này ít gặp nên cũng không có nhiều thông tin hay kinh nghiệm. Bác sĩ chỉ điều trị thuốc để bé giảm lo âu (nếu lo âu quá mức), dùng thuốc để bé giảm tình trạng chảy máu. Làm việc với gia đình để giảm bớt các vấn đề có thể gây lo lắng cho bệnh nhân, giải thích và nâng đỡ cho người mẹ, điều trị tâm lý cho trẻ".
Dù là bệnh lành tính nhưng theo các bác sĩ, bệnh đổ mồ hôi máu ảnh hưởng lớn nhất là vấn đề tâm lý, đời sống của bệnh nhân. Bởi lẽ, việc ra mồ hôi máu của bệnh nhân dễ khiến bệnh nhân, gia đình và những người xung quanh, chứng kiến tình trạng này hoảng sợ. Bệnh nhân dễ bị kỳ thị, xa lánh.
Vì vậy, việc điều trị tâm lý giúp nâng đỡ tinh thần bệnh nhân, kiểm soát căng thẳng và cũng giúp gia đình hiểu biết vấn đề để giúp đỡ bệnh nhân. Nhà trường, bạn bè và những người xung quanh cần biết có bệnh lý này để tránh phản ứng không hay, kỳ thị với bệnh nhân.
Theo thanhnien.vn
Bé gái 11 tuổi mắc bệnh đổ "mồ hôi máu" hiếm gặp trên thế giới Ngay 27-8, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa ơ phương Ghênh Rang, TP Quy Nhơn (Binh Đinh) cho biêt, lân đâu tiên tiêp nhân va điêu tri ca bênh đô "mô hôi mau" trên măt la trương hơp rât hiêm găp. Bênh nhi la be gai H.T.Q.N (11 tuổi) tru ơ huyên Đăk Đoa (Gia Lai) đươc ngươi thân...