Mô hình xét nghiệm ‘đôi bên cùng có lợi’
“Drive-thru” hay “Drive-though” là cụm từ trước nay được biết đến là một trong những hình thức mua đồ ăn nhanh, nhưng biện pháp này lại đang được áp dụng rộng rãi vào công tác xét nghiệm COVID-19 ở nhiều nơi trên thế giới, góp phần phát hiện sớm và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh một cách hiệu quả.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/11/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Mô hình trạm xét nghiệm ngoài trời kiểu “Drive-thru” này giúp người đến xét nghiệm theo một chu trình khép kín mà không cần phải rời khỏi xe ô tô cá nhân, bằng cách lái xe vào khu vực lấy mẫu thử rồi mới mở cửa kính xe để được nhân viên y tế tiến hành công việc, sau đó tiếp tục hành trình của mình. Với quy trình khép kín này, người đến xét nghiệm không chỉ có thể giảm thiểu thời gian xét nghiệm kéo dài hàng giờ đồng hồ theo phương thức truyền thống xuống chỉ còn 10 phút, mà còn được bảo vệ vì không phải đến cơ sở y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn. Thay vì phải xếp hàng ở các phòng khám trong không gian kín, vốn đông đúc và quá tải vì dịch bệnh, hình thức xét nghiệm này còn biến phương tiện cá nhân thành một nơi cách ly riêng biệt, hạn chế tiếp xúc tối đa giữa người với người – một biện pháp giãn cách xã hội cần thiết trước dịch bệnh có khả năng lây nhiễm cao như COVID-19.
Ý tưởng trạm xét nghiệm nhanh nói trên được cho là bắt nguồn từ Hàn Quốc, đất nước từng có thời điểm chịu tác động bởi dịch bệnh tồi tệ thứ hai thế giới sau Trung Quốc, nơi COVID-19 bùng phát đầu tiên. Mô hình này được Hàn Quốc áp dụng từ cuối tháng 2/2020 và nhanh chóng được mở rộng trên cả nước, giúp “công suất” xét nghiệm của nước này tăng lên 15.000-20.000 xét nghiệm mỗi ngày. Nếu tính theo bình quân đầu người, tỷ lệ người được xét nghiệm tại Hàn Quốc vào thời điểm đó cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Bên cạnh đó, biện pháp này không chỉ giúp tăng cường khả năng xét nghiệm mà còn giúp giảm thiểu những rủi ro từ quá trình khám bệnh 1:1 như hiện tại, đồng thời giúp tiết kiệm đồ bảo hộ cũng như các thiết bị bảo vệ khác cho nhân viên y tế, theo như đánh giá của Tỉnh trưởng tỉnh Gyeonggi (miền Tây Hàn Quốc) Lee Jae Myeong.
Hình thức xét nghiệm trên đã được chứng minh hiệu quả qua các nghiên cứu cụ thể. Nghiên cứu của Đại học Georgia công bố trên tạp chí y khoa JAMA của Mỹ cho thấy 1 bệnh nhân có thể truyền bệnh cho hàng chục người khác đi cùng một chuyến xe buýt, trong khi lây truyền cho ít người hơn ở không gian ngoài trời. Tương tự như vậy, người đến xét nghiệm có thể lây nhiễm cho người khác hoặc bị lây bệnh khi đến khám tại các cơ sở y tế trong không gian kín như bệnh viện hay phòng khám trong khi chờ đợi hàng giờ để xét nghiệm. Còn đối với xét nghiệm kiểu “drive-through”, mọi người được cách ly ngay trong xe của họ và quy trình xét nghiệm được thực hiện trong môi trường thông thoáng, giúp giảm thiểu và ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh chết người COVID-19.
Video đang HOT
Lấy cảm hứng từ sự thành công của “Drive-thru” vốn chỉ dành cho người đi ô tô, Hàn Quốc tiếp tục triển khai trạm xét nghiệm “Walking-thru” hướng tới đối tượng là người đi bộ và người cao tuổi. Với bề ngoài như một cây ATM hay bốt điện thoại công cộng, trạm xét nghiệm này được thiết kế như phòng áp lực âm để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo nếu có người mắc bệnh tới xét nghiệm. Bước vào trạm xét nghiệm này, người đến xét nghiệm được các nhân viên y tế ở phòng sát vách đưa tay qua ô tròn có gắn sẵn găng tay để lấy mẫu bệnh phẩm. Như vậy, bác sĩ và người đến xét nghiệm không chỉ không tiếp xúc trực tiếp, mà toàn bộ quá trình lấy mẫu xét nghiệm được rút ngắn xuống còn 1-2 phút vì không mất thời gian sát khuẩn và thông khí như khi thực hiện ở các cơ sở y tế. Bệnh viện Yangi H tại Seoul cho rằng các trạm “Walking-thru” cũng thực sự cho thấy hiệu quả khi có thể tiến hành xét nghiệm cho 70 người mỗi ngày, gấp khoảng 7 lần so với khi thực hiện ở phòng khám thông thường trong cùng khoảng thời gian.
Những mẫu bệnh phẩm sẽ nhanh chóng được đưa đến phòng xét nghiệm hoạt động suốt ngày đêm để có kết quả sớm nhất có thể. Người đến xét nghiệm sẽ nhận được kết quả qua tin nhắn văn bản, thư điện tử hoặc qua cổng thông tin trực tuyến, những hình thức gửi kết quả “không chạm” nhằm giảm thiểu khả năng tiếp xúc gián tiếp.
Nhờ biện pháp xét nghiệm “thần tốc” và hiệu quả này, Hàn Quốc được đánh giá là kiểm soát dịch bệnh thành công. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng 4/2020 cho thấy tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc vào thời điểm đó ở mức 1,7%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ khoảng 5% trên toàn cầu. Với tính hiệu quả đã được chứng minh ở Hàn Quốc, mô hình xét nghiệm “Drive-thru” cũng như “Walking-thru” đã nhanh chóng được nhiều nước trên thế giới học tập và triển khai phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia.
Mỹ đã thiết lập trạm xét nghiệm “Drive-thru” đầu tiên hồi tháng 3/2020 tại bãi đỗ xe của Đại học Washington, địa điểm vừa đảm bảo thông khí tốt vừa có thể tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Sau đó, Mỹ đã nhân rộng mô hình này ra những khu vực khác trên cả nước cũng chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, trong đó có New York và vùng Vịnh Mexico. Tiến sĩ Megan Mahoney thuộc Khoa Y của Đại học Stanford cho rằng đây là biện pháp xét nghiệm “đôi bên cùng có lợi”, chỉ diễn ra trong vòng 4 phút, nên vừa giảm thiểu thời gian tiếp xúc lại vừa giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở y tế đang phải oằn mình đáp ứng lượng bệnh nhân quá lớn.
Ở châu Âu, các bệnh viện tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ireland và xứ Wales (Anh) cũng đã thiết lập các trung tâm xét nghiệm “drive-though”. Ireland đã biến sân vận động lớn nhất nước này gồm 80.000 chỗ ngồi thành một trung tâm xét nghiệm lớn vào thời điểm sân vận động phải đóng cửa vì tất cả các sự kiện thể thao đã bị đình chỉ nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Với công suất hoạt động tối đa, trung tâm này có thể xử lý trung bình 8 ô tô trong vòng 15 phút. Trong khi đó, ở Trung Đông, Israel, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đã triển khai mô hình này. Ý tưởng các trạm xét nghiệm kiểu Hàn Quốc còn được ứng dụng ở nhiều nước khác như Nam Phi và Nigeria.
Trước khi áp dụng để xét nghiệm virus SARS-CoV-2, Hàn Quốc đã từng triển khai mô hình xét nghiệm trên trong đợt bùng phát Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) hồi năm 2015. Đến nay, với hiệu quả được chứng minh trong đại dịch COVID-19 không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, biện pháp xét nghiệm mang tên “K-Quarantine drive-through” đang được các tổ chức và chuyên gia thế giới xem xét để công nhận là một trong những hình thức xét nghiệm tiêu chuẩn toàn cầu. Biện pháp này đã vượt qua giai đoạn đầu tiên của các thủ tục xin cấp phép là một tiêu chuẩn quốc tế mới sau khi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế, đã bỏ phiếu ủng hộ vào tháng 8/2020. Tuy nhiên, để chính thức trở thành biện pháp xét nghiệm tiêu chuẩn quốc tế, “K-Quarantine drive-through” còn cần phải vượt qua nhiều cuộc bỏ phiếu và đánh giá kéo dài vài năm nữa.
Tiến sĩ Dena Grayson, một bác sĩ và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm làm việc trong lĩnh vực tư nhân tại Mỹ, đã nhận định rằng để ngăn chặn một đại dịch do một loại virus nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao như SARS-CoV-2 gây ra, cần phải nhanh chóng xác định được đối tượng bị nhiễm, truy vết tiếp xúc của bệnh nhân và cách ly họ. Trong đó, bước xác định đối tượng F0 được cho là quan trọng nhất và để làm được điều này chỉ có thể bằng cách tiến hành xét nghiệm nhanh nhất và nhiều nhất có thể. Đây cũng là lời kêu gọi của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu lan rộng ra toàn cầu vào trung tuần tháng 3/2020: “Tôi có một thông điệp đơn giản gửi đến tất cả các quốc gia: Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm”.
Hàn Quốc cân nhắc tiêm vaccine cho nhân viên công ty lớn
Chính phủ Hàn Quốc ngày 10/6 cho biết nước này đang cân nhắc kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVD-19 cho nhân viên tại các công ty quan trọng, trong đó có các công ty điện tử và chip, nhằm giảm thiểu tình trạng đứt quãng hoạt động sản xuất trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực tăng nguồn cung chip máy tính.
Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca tại một điểm tiêm chủng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Lao động đã gửi thư tới các công ty như Samsung Electronics Co Ltd, SK Hynix Inc và LG Electronics Inc, đề nghị cung cấp thông tin về nhu cầu vaccine của họ. Bộ trên và Cơ quan Phòng và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã thảo luận mọi khả năng cùng với các cơ quan chính phủ về việc này, song chưa đi đến quyết định cuối cùng.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh thị trường chip điện tử toàn cầu đang khan hiếm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các nhà máy trên khắp thế giới, đặc biệt là các công ty sản xuất ô tô. Samsung và SK Hynix là hai công ty sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới.
Trong một nỗ lực khác, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch thúc đẩy các cuộc đàm phán với các nước khác về khả năng mở "bong bóng du lịch". Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết Hàn Quốc muốn nối lại hoạt động đi lại với các nước Singapore, Thái Lan và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Guam (Mỹ), để cho phép mọi người đi du lịch mà không phải mất thời gian cách ly.
Phát biểu tại một cuộc họp nội các, ông Kim Boo-kyum cho biết: "Nối lại hoạt động đi lại quốc tế sẽ đánh dấu sự khởi đầu của cuộc sống bình thường trở lại". Các Bộ Văn hóa và Bộ Giao thông Hàn Quốc cho biết trong giai đoạn đầu của "bong bóng du lịch" sẽ chỉ cho phép các nhóm tour gồm những người đã tiêm phòng đủ liều.
Hiện Hàn Quốc đã tiêm phòng cho khoảng 10 triệu người, tức 19,6% dân số, và có kế hoạch tiêm cho 70% dân số trong quý III.
Hàn Quốc ghi nhận trên 600 ca mắc mới COVID-19 ngày thứ tư liên tiếp Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 2/5 cho biết nước này chứng kiến ngày thứ tư liên tiếp có số ca mắc mới theo ngày trên mức 600, trong bối cảnh một số ổ dịch bùng phát gây khó khăn cho công tác khống chế. Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn...