Mô hình “tàu mẹ – tàu con” giúp ngư dân yên tâm bám biển
Mô hình đội “tàu mẹ – tàu con”, với “tàu mẹ” bằng thép, công suất lớn làm dịch vụ hậu cần phục vụ đội “tàu con” bằng gỗ, composite… sẽ giúp ngư dân bám biển, tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Nếu có “tàu mẹ” thu mua hải sản ngay trên biển và cung cấp nhiên liệu thì ngư dân sẽ tiết kiệm chi phí từ 50-70%.
Ngày 10/10, ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về về một số chính sách phát triển thủy sản, địa phương đang thí điểm triển khai đóng mới đội “tàu mẹ – tàu con” bằng nhiều vật liệu mới.
Theo đó, đối với “tàu mẹ”, hiện đã có doanh nghiệp đăng ký đóng mới 2 tàu vỏ sắt làm dịch vụ hậu cần (công suất trên 800CV), còn “tàu con” thì ngư dân đăng ký đóng mới 4 tàu vỏ sắt, 25 tàu vỏ composite và 26 tàu gỗ chủ yếu làm nghề câu cá ngừ đại dương, lưới vây, chụp mực…
Theo ông Én, “tàu mẹ” có chức năng vừa thu mua hải sản trên biển, đồng thời cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho đội “tàu con”. “Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa chưa có chiếc nào có công suất lớn để thực hiện chức năng của tàu mẹ”, ông Én nói và cho biết thêm: Việc đóng mới tàu mẹ hiện đang gặp một số vướng mắc vì đối tượng phải là doanh nghiệp thu mua hải sản, đảm bảo năng lực tài chính để đối ứng một phần bên cạnh nguồn vốn cho vay theo Nghị định 67.
Video đang HOT
Theo tìm hiểu, tỉnh Khánh Hòa là địa phương đang có nhiều thuận lợi trong việc triển khai mô hình đội “tàu mẹ – tàu con”. Hiện Khánh Hòa đang có Công ty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh chuyên thiết kế và đóng các loại tàu vỏ thép. Trong khi đó, tàu cá vật liệu mới composite đã được Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (UNINSHIP , thuộc Trường Đại học Nha Trang) đã đóng thành công từ nhiều năm qua. Mới đây nhất, UNINSHIP và Công ty Yanmar (Nhật Bản ) đã cho hạ thủy tàu câu cá ngừđại dương vỏ composite với công suất 350CV nằm trong dự án “Nâng cao thu nhập cho ngư dân và phát triển ngành khai thác cá ngừ Việt Nam bền vững”.
Theo ngư dân, nhờ cơ chế hết sức ưu đãi của Nghị định 67, việc đóng tàu vỏ thép, composite có công suất lớn sẽ giúp ngư dân yên tâm bám biển dài ngày, cùng với sự “giúp sức” của đội “tàu mẹ” khi thu mua hải sản ngay trên biển sẽ tiết kiệm chi phí từ 50-70%, nâng cao hiệu quả đánh bắt, góp phần không nhỏ vào việc giữ vững chủ quyền biển đảo.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, việc ban hành Nghị định 67 là thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước để tạo ra một bước đột phá nhằm thúc đẩy ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững. Phó Thủ tướng lưu ý cần triển khai đồng bộ các nội dung của Nghị định nhưng không làm ồ ạt theo phong trào, không để lợi dụng chính sách, không để xảy ra tiêu cực khi thực hiện. Thông qua đó nhằm tạo điều kiện để ngư dân tham gia bám biển, đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, quyết tâm thực hiện không để thất bại.
Viết Hảo
Theo Dantri
Đóng tàu cá vỏ thép, composite là góp phần bảo vệ chủ quyền
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển bền vững nghề cá hiện nay cần có cơ chế phát triển mạnh đội tàu cá vỏ composite, vỏ thép nhằm loại bỏ dần tàu vỏ gỗ đánh bắt ven bờ; giúp bảo vệ nguồn lợi, góp phần bảo vệ chủ quyền.
Tàu câu cá ngừ đại dương vỏ composite nằm trong dự án "Nâng cao thu nhập cho ngư dân và phát triển ngành khai thác cá ngừ Việt Nam bền vững" của Công ty Yanmar (Nhật Bản) và Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thuỷ thuộc Trường Đại học Nha Trang (UNINSHIP) phối hợp triển khai - Ảnh: Viết Hảo
Đó là một trong những nội dung tại "Hội nghị Khoa học vì sự phát triển bền vững nghề cá" do Trường Đại học Nha Trang tổ chức ngày 29/9. Tham dự Hội nghị có bà Ragnhild Dybdahl, Phó Đại sứ Na Uy cùng đại diện các tỉnh ven biển miền Trung như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...
Tại Hội nghị, các chuyên gia cho biết, hiện nay đội tàu cá Việt Nam hiện có khoảng 120.000 tàu, hầu hết là tàu nhỏ, trang bị đơn giản, thiếu đồng bộ, trong đó, tàu cá vỏ gỗ chiếm hơn 90%... Bên cạnh đó, quy mô nghề cá Việt Nam hiện nay nhỏ lẻ, tồn tại nhiều vấn đề bất cập như đội tàu khai thác còn yếu kém, kỹ thuật đánh bắt và công nghệ bảo quản lạc hậu, cơ chế và chính sách hỗ trợ nghề cá chưa hiệu quả...
Theo PGS.TS Trần Gia Thái, Trường Đại học Nha Trang để phát triển bền vững nghề cá, đội tàu đánh cá hiện nay cần có cơ chế, chính sách để phát triển mạnh đội tàu cá vỏ composite và tàu vỏ thép nhằm tiến tới loại bỏ dần nhóm tàu vỏ gỗ công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, bảo vệ nguồn lợi. Cần quan tâm tối ưu hóa mô hình đội "tàu mẹ" - "tàu con" phục vụ hiệu quả nghề cá của các địa phương - với tàu mẹ bằng thép, có kích thước lớn để làm dịch vụ hậu cần phục vụ đội tàu con bằng gỗ, composite.
Tuy nhiên, cần phát triển đội tàu cá vỏ thép theo lộ trình phù hợp về quy mô, chính sách quản lý, cơ sở hạ tầng và phải quan tâm việc đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ để phục vụ việc giám sát thiết kế, đóng mới, sửa chữa tàu cá vỏ thép, tàu composite. "Chủ trương của Nhà nước là hiện đại hóa và phát triển đội tàu cá xa bờ cỡ lớn là bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo trong bối cảnhhiện nay", PGS.TS Trần Gia Thái nói.
Với ưu điểm vượt trội của tàu composite như: kín nước, chi phí nhiên liệu thấp, phù hợp với ngư trường, bảo quản sản phẩm tốt... các chuyên gia cho rằng cần tập trung phát triển nhà máy đóng tàu đánh cá vỏ composite ở các địa phương ven biển; phát triển mô hình công ty cổ phần như của Yanmar (Nhật) trong đó các ngư dân góp vốn theo tỷ lệ 50/50 để hình thành các tổ đội khai thác do Nhật chuyển giao mẫu tàu, công nghệ đánh bắt và bao tiêu sản phẩm.
Cũng tại Hội nghị, Trường Đại học Nha Trang và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác một số lĩnh vực như: triển khai thiết kế các tàu đánh cá, tàu hậu cần nghề cá vỏ thép cho ngư dân các tỉnh khu vực Trung Bộ và Nam Bộ; hợp tác về hoạt động kỹ thuật; đào tạo nhân lực; trao đổi thông tin khoa học - công nghệ...
Ngày 25/8, "Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản" chính thức có hiệu lực. Theo nghị định này, Bộ NN&PTNT quyết định số lượng tàu đánh bắt xa bờ được đóng mới là 2.079 chiếc, số lượng tàu dịch vụ hậu cần gồm 205 tàu. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện đã có 5 ngân hàng thương mại sẽ dành khoảng 14.000 tỷ đồng cho vay đối với các tổ chức, cá nhân để đầu tư đóng mới, cải hoán tàu... theo tinh thần Nghị định. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết việc ban hành Nghị định 67 là thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước để tạo ra một bước đột phá nhằm thúc đẩy ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững. Thông qua đó tạo điều kiện để ngư dân tham gia bám biển, đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời không để thất bại.
Viết Hảo
Theo Dantri
Việt Nam muốn được hỗ trợ kỹ thuật trong thực thi TPP Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với Hoa Kỳ và các nước để thúc đẩy việc sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuy nhiên, Việt Nam cần một giai đoạn chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chí của Hiệp định. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi với Chủ tịch Ủy...