Mở đường phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh – Bài 1: Tăng tốc các dự án trọng điểm
Đầu năm 2022, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội Thành phố giai đoạn 2022 – 2025.
Để phục hồi kinh tế – xã hội như mục tiêu đề ra, cần đặt TP Hồ Chí Minh trong tổng thể quy hoạch vùng, liên kết với các địa phương lân cận. Thực hiện mục tiêu này, Thành phố đã và đang chủ động tìm kiếm các nguồn vốn để đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới.
Thông xe Dự án Sửa chữa và nâng cấp đường Tỉnh lộ 9. Ảnh: Thành Chung/TTXVN
Bài 1: Tăng tốc các dự án trọng điểm
Dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến hoạt động kinh tế – xã hội tại TP Hồ Chí Minh bị tác động nặng nề. Giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều dự án phải dừng thi công hoặc thi công cầm chừng, khiến tiến độ hoàn thành dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngay khi “mở cửa” trở lại, các công trình, dự án được chủ đầu tư, nhà thầu khôi phục và tăng tốc, nhằm khắc phục thời gian bị đình trệ. Nhiều dự án kết nối liên vùng cũng đang gấp rút được triển khai.
Những công trình “nối bờ vui”
Nhiều dự án giao thông trọng điểm đang được TP Hồ Chí Minh tăng tốc triển khai, hoàn thành đưa vào khai thác. Nhiều công trình được đưa vào giúp cải thiện tình hình giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế như cầu Thủ Thiêm 2, đường Đặng Thúc Vịnh, cải tạo kênh Nước Đen, đường song hành Võ Văn Kiệt…
Cuối tháng 4/2022, Thành phố đã thông xe dự án sửa chữa, nâng cấp đường Tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh), là 1 trong 5 công trình, gói thầu được đưa vào khai thác, phục vụ người dân TP Hồ Chí Minh dịp 30/4. Đây là trục đường kết nối tỉnh Bình Dương với huyện Củ Chi, Hóc Môn (Tp. Hồ Chí Minh) và tỉnh Long An, xây dựng mới 5,2 km đường giao thông theo tiêu chuẩn đường đô thị.
Ở khu vực trung tâm, cầu Thủ Thiêm 2 với tổng mức đầu tư 3.900 tỷ đồng cũng đưa vào sử dụng, từng bước hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh liên kết khu vực phía Đông với trung tâm thành phố hiện hữu ở bờ Tây sông Sài Gòn. Dự án tạo điều kiện thúc đẩy phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm và các khu dân cư phía Đông, tạo tiền đề quan trọng trong kêu gọi thu hút đầu tư tại thành phố Thủ Đức nói riêng và TP Hồ Chí Minh nói chung.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ, việc hoàn thành cầu Thủ Thiêm 2 có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong bối cảnh Thành phố đang nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau tác động của dịch COVID-19. Đây là niềm động viên, tạo động lực to lớn cho thành phố từng bước khắc phục khó khăn, đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội, hoàn thành các mục tiêu của Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Một điểm tích cực nữa là dự án metro Bến Thành – Suối Tiên đã đạt được 90,31% tổng khối lượng. Hai đoàn tàu cuối cùng trong tổng số 17 đoàn tàu của dự án metro Bến Thành – Suối Tiên cũng sẽ cập cảng trong nửa đầu tháng 5/2022. Đây là một sự kiện quan trọng khi toàn bộ 17 đoàn tàu được đưa về depot Long Bình, đánh dấu bước chuyển sang giai đoạn chuẩn bị chạy thử nghiệm.
Hiện Thành phố đang nỗ lực khép kín Vành đai 2, khởi công hệ thống đường Vành đai 3 và Vành đai 4, metro số 2, cầu Cát Lái để kết nối giao thông thông suốt trong nội đô, cũng như giữa Thành phố và các địa phương lân cận. Thành phố đang ưu tiên triển khai Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2030; Đề án phát triển ngành Logistics trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp sở, ngành có liên quan đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống giao thống kết nối vùng, trong đó nâng tỷ lệ đất dành giao thông đô thị phải đặt quy hoạch giao thông trong quy hoạch tổng thể, nhất là các đường vành đai, cầu Cát Lái; nghiên cứu xây dựng quỹ đầu tư hạ tầng giao thông vùng; đề xuất khai thác giá trị các lô đất dọc hành lang các tuyến cao tốc.
Video đang HOT
Kết nối phục hồi vùng
Triển khai thi công dự án metro Bến Thành – Suối Tiên, ngày 10/2/2022. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN
Là trung tâm kinh tế – xã hội của khu vực phía Nam, TP Hồ Chí Minh có sự kết nối với các địa phương trong khu vực để phát triển. Các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội Thành phố gắn kết vai trò, vị trí của thành phố với liên kết vùng, đặt trong tổng thể chung của cả nước, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường đầu tư các công trình giao thông trọng điểm có tính chất liên kết vùng nhằm từng bước giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn; tăng cường khả năng kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và các tỉnh lân cận.
Hiện TP Hồ Chí Minh cùng các địa phương đang triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc; mở rộng tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50, tuyến đường kết nối các tỉnh… nhằm kết nối hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai đang tích cực triển khai thủ tục thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), dự án Vành đai 3 đặt cách tiếp cận không phải chỉ cho TP Hồ Chí Minh mà cho 4 tỉnh, cho cả vùng Đông Nam bộ. Cả vùng này tốc độ tăng trưởng giảm, chậm là vì giao thông. Do vậy, phải đẩy nhanh tiến độ và tập trung ưu tiên những tuyến liền mạch với nhau; chú ý đến hiệu ứng, tạo không gian phát triển đô thị cho cả vùng, tối ưu hóa phát triển.
Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch (Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) cho rằng, việc triển khai dự án Vành đai 3 là cơ hội để phát triển vùng này đúng tầm, giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất về phát triển kinh tế vùng khi hạ tầng giao thông được kết nối. Việc tắc nghẽn giao thông đã làm ảnh hưởng rất lớn trên tất cả lĩnh vực, doanh nghiệp trên địa bàn chịu chi phí logistics rất lớn. Do vậy, đầu tư dự án cũng là bước đột phá giúp các doanh nghiệp tăng cạnh tranh.
Các địa phương lân cận Tp. Hồ Chí Minh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai cũng đang triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng để kết nối tới thành phố. Tại tỉnh Bình Dương, cuối tháng 4 vừa qua, địa phương này đã động thổ dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, sẽ mở rộng từ 6 làn xe lên 8 làn xe với chiều dài 12,7 km, kinh phí đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Đây là trục giao thông xương sống kết nối tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên với TP Hồ Chí Minh.
Tại buổi khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 vừa qua, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chú trọng đối với TP Hồ Chí Minh, khu vực Đông Nam Bộ. Đó là ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài… trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Những dự án, công trình giao thông hoàn thành đưa vào sử dụng đã tiếp thêm động lực để TP Hồ Chí Minh phục hồi sau đại dịch. Dù vậy, Thành phố vẫn cần nguồn lực lớn để đầu tư phát triển giao thông, không chỉ cho TP Hồ Chí Minh mà cho cả vùng để cùng phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Kinh tế TP Hồ Chí Minh trở lại quỹ đạo tăng trưởng - Bài 1: Chuyển mình phục hồi
Vượt qua "cơn bạo bệnh" một thời gian dài trong năm 2021, Tp. Hồ Chí Minh đã từng bước trở lại quỹ đạo tăng trưởng với những kết quả khả quan, đáng khích lệ và nhanh hơn kỳ vọng.
Ngay trong quý đầu tiên của năm 2022, các chỉ số phục hồi tích cực trong hoạt động kinh tế đã tạo dựng những bước đi vững chắc cho kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Tp. Hồ Chí Minh trong năm nay và những năm tiếp theo. Đây không chỉ là tín hiệu vui với Tp. Hồ Chí Minh mà của cả nước ngay sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đánh dấu sự trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Công nhân lao động Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Bài 1: Chuyển mình phục hồi
Trong một thời gian ngắn, Tp. Hồ Chí Minh đã sớm vượt qua cơn khó khăn và đang "chuyển mình bật dậy" một cách mạnh mẽ với những giải pháp đồng bộ, vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế, thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Thích ứng an toàn, linh hoạt
Thành phố từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, thành phố tập trung khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối tiêu dùng; cùng đó, đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu, giao thông thuận lợi, nhanh chóng, an toàn cho người dân, người lao động, hạn chế tối đa những đứt gãy chuỗi cung ứng không đáng có; đồng thời ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, động lực tăng trưởng kinh tế từ đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tăng tốc trở lại.
Thực hiện nhất quán phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", ngày 9/12/2021, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có quyết định phê duyệt Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn với 6 nhóm giải pháp trọng tâm; gắn với các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, lâu dài và bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch.
Hệ thống y tế cơ sở được quan tâm củng cố, gắn với nâng cao chất lượng khám sức khỏe ban đầu cho người dân, nhất là trong việc tầm soát, phát hiện, hướng dẫn, tư vấn, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Thành phố đã xây dựng lộ trình tái cấu trúc các bệnh viện trong tình hình mới nhằm thực hiện song song 2 chức năng vừa khám chữa bệnh thông thường, vừa thu dung, điều trị COVID-19.
Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, những tháng đầu năm 2022, kinh tế Thành phố đã ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi khá tích cực. Trên 98% các cơ sở sản xuất trên địa bàn đã mở cửa nhà máy, phân xưởng sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, không bị đứt gãy. Các cấp chính quyền chú trọng đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi một cách cơ bản, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng.
Ngay khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Tp. Hồ Chí Minh đã tập trung tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước bằng các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; rà soát chính sách phù hợp để thu hút nhanh, hiệu quả các doanh nghiệp lớn ở trong nước và nước ngoài đầu tư có trọng tâm, chọn lọc; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặt khác, thành phố tăng cường chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp FDI, tập đoàn tư nhân lớn dẫn dắt trong chuỗi giá trị.
Ngay trong những tháng đầu năm 2022, Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn thu hút đầu tư, thu hút sáng kiến của giới doanh nghiệp, chuyên gia; đặc biệt, đã tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế Tp.Hồ Chí Minh năm 2022 với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai".
Diễn đàn là cơ hội để lãnh đạo thành phố trao đổi, thảo luận với chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước về chuyển đổi số, kinh tế số nhằm mục đích thống nhất, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số. Đồng thời, tìm kiếm giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số, giúp doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận nhiều mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả. Bên cạnh đó, tạo cơ hội để cá nhân và tổ chức đề xuất kiến nghị về khuôn khổ chính sách khuyến khích, quản lý phát triển kinh tế số; phát huy vai trò các bên liên quan trong hệ sinh thái kỹ thuật, kinh tế số; xây dựng Tp. Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh.
UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn, Củ Chi, thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào khu vực này. Với sự chủ trì và chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tại hội nghị, Thành phố đã trao 10 giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư và trao 31 bản ghi nhớ đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi với tổng trị giá khoảng hơn 16 tỷ USD.
"Các dự án mới sẽ tạo thêm nguồn lực cho đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, đóng góp ngân sách, phát triển địa phương", lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Nhiều điểm sáng
Công nhân Công ty cổ phẩn Thủy hải sản Sài Gòn thi đua lao động, sản xuất ngày từ những ngày đầu năm mới 2022. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Trong quý I và tháng 4/2022, nhiều lĩnh vực kinh tế Tp. Hồ Chí Minh đều có mức tăng trưởng khá, cho thấy các giải pháp chỉ đạo, điều hành đã đem lại kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I tăng 1,88% so với cùng kỳ. Từ mức giảm sâu ở quý III và quý IV/2021 lần lượt là âm 24,97% và âm 11,64%, đến nay, kinh tế Thành phố đã đạt mức tăng trưởng dương. Tín hiệu này cho thấy thành phố đang phục hồi nhanh, sớm hơn kỳ vọng sau thời gian "bạo bệnh chưa có tiền lệ". Sự khởi sắc cho thấy dư địa, tiềm lực và sức sống của doanh nghiệp đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Mặc dù xuất khẩu chịu tác động của đại dịch COVID-19, biến động địa chính trị tại một số thị trường nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu quý I và tháng 4/2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước 4 tháng đầu năm ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 4 tháng ước đạt 36,4 tỷ USD, tăng 122,6% so với cùng kỳ.
"Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu là một dấu hiệu tích cực đối với sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, chuẩn bị sản xuất cho đơn hàng xuất khẩu những tháng tiếp theo", bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh nhận định.
Trong 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 360.002 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ. Mức giảm lũy kế qua các tháng đang hẹp dần và tiến đến mức kỳ vọng tăng trưởng dương khi tình hình dịch trong nước cũng như thành phố đã ổn định. Chính sách mở cửa sau dịch, bình ổn giá phát huy được hiệu quả.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 4 tháng qua nếu tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước thì thành phố đạt 1,28 tỷ USD, tăng 12,18% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Ngoài ra, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 168.177,017 tỷ đồng, đạt 43,51% dự toán năm và tăng 13,87% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 1,04%. Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao đạt 5,147 tỷ USD, tăng 2,26%. Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 5,39%. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 3.182 tỷ đồng, tăng 1,24% so với cuối năm 2021.
Nhìn chung, dù còn nhiều khó khăn, thách thức về quá trình phục hồi sản xuất sau dịch, nhiều doanh nghiệp đã tự tin, linh hoạt, nhanh nhạy tìm cách để duy trì sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng thông suốt trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn còn có xu hướng phức tạp. Nhiều đơn vị thực hiện đảm bảo chuỗi hoạt động sản xuất ngay từ đầu năm trong trạng thái "bình thường mới" với sự tích cực, góp phần đóng góp vào tăng trưởng chung của thành phố.
Để có các kết quả trên, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhìn nhận, trước hết là sự điều hành quyết liệt, đồng bộ của UBND Tp. Hồ Chí Minh, các sở ngành và hệ thống chính trị; triển khai kịp thời Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và Chương trình hành động của các bộ, ngành. Cùng đó là sự chủ động, năng động, sức bật, tinh thần tiến thủ lớn của người dân, cộng đồng doanh nghiệp tạo nội lực giúp kinh tế Tp. Hồ Chí Minh phục hồi và phát triển.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, thành phố đã trở lại nhanh hơn là mong muốn. Kết quả này là do thành phố luôn thể hiện sự quyết tâm, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã phát huy truyền thống trung dũng kiên cường, năng động sáng tạo, chung thủy nghĩa tình; qua đó thấy sức mạnh nội sinh của thành phố rất mạnh. Thành phố đã chủ động quyết liệt dám nghĩ, dám làm, kết quả này tạo tiền đề rất tốt cho những năm tiếp theo.
Tận dụng cơ hội từ Chương trình phục hồi kinh tế Để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn sau 2 năm chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19 và không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai...