Mình cưới nhau để làm gì?
Mình cưới nhau để làm gì? Mình còn chưa kịp yêu đương, hẹn hò đúng nghĩa nữa, em có thấy vậy không? Em nghĩ chúng ta cưới vì điều gì?
Đến một độ tuổi nào đó, người ta sẽ nghĩ đến một cái đám cưới coi như bến bờ hạnh phúc cho cuộc đời mình. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi mình cưới để làm gì? Vì đã yêu đủ lâu? Vì mình đã đến tuổi? Vì gia đình muốn bạn cưới? Bạn có thật sự hỏi xem bản thân mình cần điều gì không? Yêu xa là một thử thách cực kỳ lớn với bất cứ ai, nhưng cưới nhau mà vẫn không được ở chung một mái nhà thì còn cô đơn hơn gấp nghìn lần. Trong chương trình của tuần này, mời bạn lắng nghe:
Truyện ngắn: Mình yêu lại từ đầu thôi em (Lạc Nhiên)
Cô ý thức được rằng mình đang khóc. Những giọt nước mắt mặn chát, từng giọt, từng giọt nối đuôi nhau lăn đều trên má. Bất giác, cô chạnh lòng khi nhận thấy đến nước mắt chảy cũng có đôi dòng, còn cô bây giờ mới đơn độc làm sao. Căn phòng trọ bé xíu xiu của cô chỉ có một ô cửa sổ nhỏ nhìn ra ngoài trời, Hokkaido đang vào đông, tuyết bắt đầu phủ khắp mọi con đường, lạnh thấu xương.
Những cái cây co ro, trân mình hứng lấy từng khối tuyết nặng nề, giá buốt. Mặt đường trắng xóa, vắng tanh. Cô bỗng kéo nhẹ chiếc cửa sổ ra một tí. Gió thổi, luồn vào khe cửa nhỏ lạnh đến mức nước mắt rơi ra tưởng như có thể ngay lập tức đóng băng lại thành những viên đá có vị mặn đặc trưng.
Đầu óc cô vẫn đang lẩn quẩn với những câu hỏi. Vì sao cô cưới? Có phải cô đang ân hận điều gì? Bởi sau tất cả, sau những tưng bừng, rộn ràng của một lễ cưới, sau những lời chúc tụng kia cô vẫn đang phải chống chọi với tất cả. Một mình.
Cô cưới vì tình yêu? Vì ba mẹ? Vì bản thân cô?
Cô có lí do để cưới chứ.
Vì cô và anh đã quen nhau đủ lâu.
Vì ba mẹ cô lớn tuổi, nhà có ba cô con gái mà hai chị kiên quyết không lập gia đình. Nỗi lo lắng, tủi phận và buồn phiền của mẹ khiến cô không chịu đựng được.
Vì cô tin rằng mình đã quyết định đúng đắn.
Cô đã ở Nhật một thân một mình từ những tháng ngày rất trẻ. Hai mươi hai tuổi, một mình sang đây đi làm. Một chút vốn liếng tiếng Nhật và kinh nghiệm dịch thuật, cô được nhận vào công ty hỗ trợ cộng đồng người Việt xuất khẩu lao động.
Nhật Bản có đẹp không? Quá đẹp đi chứ. Trái tim thanh xuân của cô đập hân hoan theo từng khoảnh khắc trở mùa. Mùa nào cũng đẹp và say đắm lòng người, có lẽ đó là cách mà thiên nhiên chuộc lỗi, bù đắp cho dải đất chịu nhiều tổn thương này. Cô thích môi trường trong lành và con người nơi đây. Những văn hóa và nếp sống, tự trọng và ý thức khiến người ta ngưỡng mộ và muốn hòa nhập.
Nhưng sau ba năm ròng rã với công việc, cô chợt nhận một điều, ở chốn quê người này, cô không có nhiều bạn bè. Tất cả chỉ là mối quan xã giao, những quan tâm, thăm hỏi rất đỗi sáo rỗng để rồi lại quên ngay khi lướt qua nhau. Họ vẫn cư xử rất văn minh, lịch thiệp nhưng đầy khách khí nên khó có thể thân thiết và chân thật được với nhau.
Trong một lần đi tình nguyện ở viện dưỡng lão về, cô quyết định nghỉ việc để đi học điều dưỡng. Cô chọn lớp chăm sóc những người già, xoa dịu những nỗi cô đơn của họ khi con cái túi bụi vào công việc và những nỗi buồn tủi của những người già neo đơn. Cô thích trò chuyện với họ, nghe những câu chuyện kể về thời son trẻ, những nhắc nhở chân tình của họ về công việc, đời sống, những kinh nghiệm quý báu và quan trọng nhất là những nụ cười của những người già đều rất thật, rất người. Bởi họ chẳng còn phải đua ganh với người, với đời, với cuộc sống cuống cuồng ngoài kia.
Học phí và tiền sinh hoạt ở Nhật thuộc hàng cao nhất thế giới. Cô làm thêm mỗi ngày hơn mười hai tiếng nhưng cũng chỉ đủ dành dụm đóng học phí. Một trong những giai đoạn khó khăn nhất, khi công việc làm thêm bị giành giật, không tiền, cô phải lang thang ngủ lang bạc ngoài ga tàu, bất đắc dĩ thành người vô gia cư để tiết kiệm khoản tiền thuê trọ. Nhiều đêm nằm ngoài nhà ga lạnh lẽo, cô tự hỏi từ bao giờ cô trở nên liều lĩnh và bất chấp như thế? Nỗi sợ hãi tưởng đã mất dần đi theo từng đêm rong ruổi thế này.
Thế nhưng có những lần nhìn quanh quất ga tàu, cảnh những người vô gia cư khác, xì xụp trong tô mỳ vừa nóng đó đã vội nguội đi rồi mê man giấc ngủ mệt nhoài, bỗng dưng cô tủi thân vô cùng. Dù cô không hề hối hận về quyết định của mình nhưng cô không ngăn được nỗi ấm ức để lòng bật lên câu hỏi anh ở đâu lúc này? Nhưng rõ ràng cô không trách anh được vì anh đã từng khuyên cô suy nghĩ thật kĩ, nếu cô ở lại Nhật thì anh chẳng thể ở bên cạnh cô được. Cho nên khi gặp khó khăn, với lòng tự ái cao độ của mình, cô đã chẳng bao giờ nói cho anh nghe về những ngày lang thang ở ga tàu. Cô chỉ dám len lén kể cho đêm nghe những nỗi vất vả của mình bằng những dòng nước mắt tiết kiệm nhất có thể.
Anh và cô học cùng trường cấp ba, anh hơn cô hai tuổi. Họ quen nhau và gia đình cả hai đều nghèo. Nhà anh còn vất vả hơn cả cô. Họ yêu nhau mà chẳng ai hay biết, vì họ giống như hai người bạn bình thường. Mỗi năm họ gặp nhau vỏn vẹn đôi ba lần. Trong suốt gần mười năm yêu nhau, điều lãng mạn hay mơ mộng của một cô gái đang yêu, có lẽ cô cũng chưa từng thực sự trải qua vì nỗi lo cơm áo mỗi ngày của cả hai đứa. Rồi cô sang Nhật, không một lời hẹn hứa, anh cũng bị cuốn vào công việc, sự nghiệp, gia đình. Giữa họ không rõ có bao giờ tồn tại món tình cảm gọi là tình yêu hay chưa.
Vậy mà cô tuyên bố kết hôn khiến bạn bè ngỡ ngàng. Chú rể tất nhiên không ai khác ngoài anh. Đám cưới diễn ra mà việc cầu hôn nếu kể ra cũng khiến người ta khó tin. Một ngày bình thường như mọi ngày, cô nhắn cho anh:
- Anh, nếu anh thấy ổn, chúng ta cưới nhau nhé.
- Ừ, em sắp xếp đi, tháng sau anh về.
Vậy rồi hơn một tháng sau, họ cưới. Bố mẹ cô và anh đều đã rất vui. Sức khỏe của mẹ cô chuyển biến tốt hơn sau đám cưới. Vì đó hẳn là một đám cưới hơn cả mong đợi của mẹ cô. Chú rể đẹp trai, có một công việc ổn định ở một đất nước nhiều người mơ ước, tự lực vươn lên từ những ngày khó khăn. Họ hàng đều khen họ đẹp đôi khiến ba mẹ cô vô cùng tự hào.
Nhưng đám cưới kết thúc cũng là lúc hai người trong cuộc bắt đầu chuỗi ngày xa nhau mới. Hai vợ chồng, người làm ở Mỹ, kẻ học ở Nhật. Thêm một điều khó tin hơn nữa, đó là họ vẫn chưa có một đêm tân hôn đúng nghĩa. Anh chỉ có vừa vặn năm ngày phép ở Việt Nam. Một ngày tất bật chuẩn bị, đăng kí kết hôn, hai ngày bận rộn tiệc tùng hai bên gia đình. Họ có đúng một ngày một đêm để du lịch trăng mật. Nhưng cuối cùng cả hai đều đã mệt nhoài sau chuyến đi dài. Ngay sáng sớm hôm sau anh phải bay sang Mỹ. Họ thức dậy muộn và cuống cuồng ra sân bay. Anh vội vội vàng vàng qua cửa an ninh đến cả nụ hôn cũng chưa kịp gửi lại cho cô, cô chỉ kịp giơ tay vẫy vẫy rồi nhìn anh khuất đi trong dòng người. Anh và cô vẫn thực sự là vợ chồng.
Rồi một mình cô quay trở lại Nhật học tiếp cho xong chương trình. Tay đeo chiếc nhẫn cưới, đôi lúc cô nhìn nó bần thần và mông lung suy nghĩ. Có người buột miệng hỏi cô cưới để làm gì, điều ấy khiến cô hoang mang và xót xa vô cùng. Cô thậm chí còn tủi hờn hơn cả lúc sang Nhật một mình.
Sự lạnh lẽo trong một cuộc hôn nhân lâu dần sẽ biến thành lưỡi dao sắc lạnh, cứa lấy trái tim mỗi ngày một chút. Trái múi giờ, khác thời gian công việc, họ gần như chỉ có khoảng một tiếng mỗi tuần để thấy nhau qua chiếc màn hình điện thoại. Guồng quay cuộc sống khiến họ cứ như trôi xa về hai phía.
Xa cách khiến nỗi cô đơn cứ vây bọc cô. Phụ nữ mà, dù có mạnh mẽ đến bao nhiêu thì nước mắt vẫn dư thừa trong đôi mắt họ. Cô khóc nhiều. Có lẽ bây giờ cô đang rất hối hận, cô không hối hận khi cưới anh mà hối hận vì không cùng anh sang Mỹ dù anh đã hết lời phân tích. Cô đã kiên quyết làm việc thêm một thời gian ở Nhât sau khi học xong mà không nghĩ đến cảm xúc của anh. Cái tôi lớn lao, sự hiếu thắng, lòng quyết tâm trong cô vẫn hệt như những ngày cô dò dẫm từng bước chân đầu tiên của mình ở đất Sài Gòn và cả ở Nhật.
Có những thứ khi còn độc thân người ta suy nghĩ rất đơn giản và người ta nghĩ rằng mình sẽ vượt qua rất dễ dàng. Nhưng sau khi cưới, một bữa cơm chiều mà nếu phải ngồi ăn một mình cũng sẽ thấy chạnh lòng, xót xa lắm. Khao khát mái ấm gia đình thực sự cứ thế trỗi dậy ngày một nhiều trong lòng cô.
Một năm rưỡi trôi qua rất nhanh kể từ lúc cưới, anh và cô vẫn như hai chuyến tàu ngược hướng. Cô biết mình sai, nhưng cái tôi to lớn của cô vẫn chưa cho phép cô nhận mình sai.
***
Sau khi cãi nhau một trận to, một đêm đông, cô nhắn cho anh: “Em sẽ về Việt Nam vào tháng sau, anh có về với em được không?”.
Anh nhận tin nhắn và không trả lời.
Sau một đêm say bí tỉ, cô nuốt nước mắt về nước. Một mình.
Cô thuê một căn nhà nhỏ ở Sài Gòn và bắt đầu rải đơn xin việc điều dưỡng ở các trung tâm.
Sau một tháng cô tạm ổn định với công việc. Những nỗi niềm về anh cô chỉ có thể vùi lấp được vào những ngày bận rộn. Sài Gòn vào những ngày cuối năm, những cơn gió chướng bắt đầu len lỏi vào từng góc nhà, hơi hướm Tết nhen nhóm, mùi vị của sự đoàn viên bắt đầu được nung nấu khi người ta nô nức đi đặt vé tàu, vé máy bay, vé xe để bằng một cách nhanh nhất có thể về đến quê hương của mình ngay khi được nghỉ.
Cô vẫn chưa báo với gia đình mình đang ở Sài Gòn.
Tết này cô sẽ đi về đâu?
Cô nghĩ về anh, về bản thân mình. Cô nhận ra mình chưa bao giờ đứng trên cảm giác của anh để thảo luận chuyện của hai đứa. Cô chưa bao giờ nghĩ cưới xong tạm xa nhau là điều khó khăn vì cô và anh chẳng phải cũng như thế suốt từ thời quen nhau ư? Có lẽ họ đã sai ngay từ đầu, anh dễ dàng bất lực trước sự bướng bỉnh của cô còn cô thì quá non nớt trong suy nghĩ về ý nghĩa cùng những vấn đề trong hôn nhân.
Sự im lặng của anh lần này phải chăng đã thể hiện rõ điều đó. Cô chưa bao giờ yếu đuối khi nghĩ về việc sẽ mất anh mãi mãi như lúc này. Cô chợt nhận ra rằng mình đã rất thương anh. Thương chứ không phải là yêu, bởi giữa họ không có mấy nồng nhiệt, sôi nổi như những cặp đôi khác.
Thời đại học, họ học ở khác tỉnh, họ yêu thương nhau qua từng lá thư hỏi thăm, động viên nhau khi điện thoại di động vẫn là thứ xa xỉ trong cuộc sống nghèo khó của họ. Khi cô chuẩn bị sang Nhật, anh gửi cho cô toàn bộ số tiền dành dụm riêng để cô mang theo phòng thân, anh chỉ bảo rằng sớm hay muộn thì nó cũng là của cô mà thôi. Tất nhiên với tính cách của mình, cô không nhận số tiền đó nhưng tình cảm đó, cô đem theo trong tim mình.
Giờ đây khi nghĩ lại tất cả những điều đó, cô nhận ra sự ích kỷ của mình và những điều cô chưa bao giờ nghĩ cho anh.
Nếu bây giờ cô nhận mình sai, liệu tất cả có thể quay về?
***
- Alo!
- Em đang ở đâu?
- Nhà trọ. – Cô rưng rưng đáp lại.
- Đọc địa chỉ, anh vừa về đến Sài Gòn.
Giống như có ai đó đốc thúc, cô đọc vanh vách địa chỉ nhà, trái tim cô đập rộn ràng. Cô vẫn đợi chờ anh, trong tận cùng ngóc ngách của tim mình.
Tiếng chuông cửa vang lên, cô giật bắn người, vội vàng chạy đến mở cửa. Trước mặt cô là người chồng mà gần hai năm chưa gặp mặt nhau. Họ cứ đứng yên bất động nhìn nhau một lúc, cô nửa muốn bước đến ôm chầm lấy anh nhưng nửa lại kiềm chế bản năng ấy.
Anh bước vào nhà, nhìn quanh quất một lúc. Anh tìm kiếm trong chiếc balo đeo trên người và lấy ra một tờ giấy, cô chỉ vừa kịp nhìn rõ đó là tờ giấy đăng kí kết hôn thì anh đã bất ngờ xé toạc nó trước mặt cô.
Cô ngỡ ngàng và lồng ngực cứ như đang phải chịu một cơn địa chấn, lớp lớp những mạch máu cứ như đang đứt gãy, đau thắt. Anh về đây, chỉ để làm chuyện này ư? Anh chỉ cần nhắn tin hoặc cứ im lặng như thế thì cô đã đủ hiểu rồi. Sao lại chọn một cái tàn nhẫn thế này với cô?
Cảm giác thất vọng, chua chát dâng tràn. Tay chân cô rụng rời, tê tái. Bất giác cô ngồi thỏm xuống, cúi mặt nhặt từng mảnh của tờ giấy đăng ký và nước mắt cứ thế tuôn dài.
Anh bảo:
- Mình cưới nhau để làm gì?
Cô im lặng.
Anh tiếp lời:
- Mình còn chưa kịp yêu đương, hẹn hò đúng nghĩa nữa, em có thấy vậy không? Em nghĩ chúng ta cưới vì điều gì?
Cô vẫn im lặng nhưng bắt đầu nấc lên từng tiếng.
Nghẹn ngào.
Vỡ vụn.
Anh nói tiếp:
- Em có muốn quay lại làm bạn gái anh không?
Cô ngưng tay, vội ngước gương mặt đang đầm đìa nước mắt ấy lên, ngơ ngác như không nghe rõ câu nói của anh.
Anh quỳ xuống, nói từng chữ, thật chậm rãi và rõ ràng:
- Mình cưới làm gì, mình bắt đầu yêu lại thôi em.
Rồi anh kéo cô lên, ôm chặt cô vào lòng. Cứ thế nghe từng tiếng nấc của cô. Bàn tay anh vỗ về lên vai, xoa lên tấm lưng đang run lên vì xúc động mạnh. Anh luồn tay vào mái tóc của cô, rồi hôn khẽ vài lần mặc cho cô đang dùng những nắm tay đánh vào vai anh đầy uất ức. Sóng gió đã qua rồi, gian nan, sai lầm đã qua rồi, giờ thì anh sẽ nắm lấy tay cô, bình yên mà yêu nhau, bình yên mà bù đắp cho nhau khoảng thời gian vừa bị mất đi. Chẳng có yêu thương nào là muộn màng cả, chẳng có bình yên nào là quá trễ nãi, chỉ cần người ta có lòng mà thôi.
Có hai chiếc vé tàu Tết vừa được đặt vội vàng sáng nay in rõ nụ cười của đôi trẻ. Sài Gòn có lẽ đang thở phào vì sẽ không phải bị ép buộc lắng nghe thêm bất kì tiếng thổn thức nào của cô gái ấy nữa. Những cơn gió ngày càng dậy lên mùi hương đoàn viên. Một cái Tết ấm áp đang đến thật gần.
Theo blogradio.vn
Bộ ảnh đáng yêu về "hội chị em" U90 đi picnic trong viện dưỡng lão: Đời có bao lâu, ta cứ vui thôi!
Mai này khi chúng ta già, chúng ta chọn riêng mình một điểm dừng chân. Mỗi cụ một hoàn cảnh, một nỗi đau nhưng khi đến với nhau, họ cùng trân quý những kỷ niệm và dành tặng niềm vui để tiếp tục vui sống.
Đời ít nhất phải một lần đi picnic với hội "chị em"
- Phụ nữ hiện đại là phải như thế nào? Là phải đi đây đi đó, giao lưu bạn bè. Chứ cứ ru rú ở nhà, chồng nhìn mãi cũng chán.
- Thế 70 - 80 tuổi có được giao lưu bạn bè không? Tất nhiên là được!
Bà Kim năm nay 84 tuổi, bà Lâm 77, còn bà Cẩm đã 94. "Hội chị em" thân thiết quyết định "lên đồ" cho bộ ảnh mừng ngày 20/10 sắp tới.
Là phụ nữ, ít nhất phải một lần đi picnic với chị em. Bà Kim thích chụp ảnh, bà Lâm thì tự tin vào sắc đẹp của mình. Bà Cẩm nhiều tuổi nhất, nhưng hăng say không kém.
70 - 80, thậm chí là 90 tuổi thì sao, chúng ta cứ phải sống hết mình chứ nhỉ.
Bộ ảnh picnic "sang chảnh" được thực hiện ngay trong khuôn viên của viện dưỡng lão nơi các cụ hiện đang sống. Trang phục và lều theo phong cách vintage, pha chút hiện đại nơi 3 ly rượu vang.
Các cụ chỉ việc cười và "tám chuyện" rôm rả, việc chụp ảnh cứ để phó nháy lo. Đến nỗi, cả nhóm cứ sợ các cụ... say rượu vì nhiệt tình quá.
Các cụ đại diện cho lớp người phụ nữ trải qua những năm tháng cuộc đời bó chặt trước đây. Thời bấy giờ, lấy chồng là mất bạn. Nhưng đến một độ tuổi nhất định, khi mọi thăng trầm và sóng gió không còn vồ vập, các cụ nghĩ lại.
Phải chăng, yêu thương bản thân là cách tốt nhất để giữ chồng. Muốn hạnh phúc, tốt hơn hết ngừng tư tưởng ôm hết việc vào người. Và đặc biệt, tuổi tác không bao giờ là trở ngại trên hành trình sống vui - khoẻ - có ích ấy.
Một buổi picnic ngay trong khuôn viên viện dưỡng lão.
Trước giờ chúng ta vẫn luôn quan niệm tiêu cực về viện dưỡng lão. Rằng phải sống như nào để đến khi cuối đời không bị con cháu đưa vào viện dưỡng lão.
Đấy là nơi buồn tẻ nhất thế gian, là 4 bức tường mà những người già neo đơn cố bám víu cuộc sống. Rồi họ lẳng lặng nhìn năm tháng, tuổi trẻ và cả thanh xuân trôi dạt phía sau cánh cổng.
Cảm giác như một thế giới mà người đến rồi lại ra đi như mây gió và chẳng ai quan tâm. Họ để lại năm tháng cuối cùng của phận người, ngắn ngủi và đớn đau.
Ở Hà Nội có một viện dưỡng lão đi ngược hoàn toàn với xu thế mà phần đông chúng ta hay mặc định.
Các cụ rất thích vào đây, vì có bạn. Từ những con người ban đầu xa lạ, sau thành quen, rồi hoá người thương lúc nào không hay. Người này đến rồi lại đi, người khác lại tới. Là một vòng luân chuyển nên không bao giờ thiếu đi những người bạn.
Các cụ sống rất hạnh phúc và yêu đời tại viện dưỡng lão.
Cuộc đời có bao lâu, miễn sao vui vẻ sống trọn kiếp người
Mai này khi chúng ta già, chúng ta chọn riêng mình một điểm dừng chân. Mỗi cụ một hoàn cảnh, một nỗi đau nhưng khi đến với nhau, họ cùng trân quý những kỷ niệm và dành tặng niềm vui để tiếp tục vui sống.
Và thế là, đằng sau cánh cửa của viện dưỡng lão, ký ức không bị ngưng đọng, nó vẫn hòa mình vào dòng chảy thường nhật để biến những điều tưởng như tẻ nhạt nhất thành nụ cười. Bởi lẽ cuộc đời có bao lâu, miễn sao vui vẻ sống trọn kiếp người là mãn nguyện.
Điều này khác hẳn với viễn cảnh trước đó khi còn ở nhà: ốm yếu, một mình nên thành ra cô đơn! Ở viện dưỡng lão Diên Hồng không có những nỗi đau, âu chỉ có những ánh mắt đau đáu rồi dần ám ảnh mãi.
Bàn tay run run, đôi chân chập chững. Cái xe đẩy đi trước, cụ ông lại theo sau. Buồn đôi khi cũng chỉ vì ốm yếu, cứ mãi gắn chặt thân thể với chiếc xe lăn nên thành ra ít được tự do.
Thời gian - đó là tài sản lớn nhất và dư thừa nhất ở viện dưỡng lão. Nhưng buồn không lâu, chỉ là thoáng qua và ngày hôm sau, các cụ sẽ lại bên nhau mỉm cười.
Cứ dịp Trung Thu, Tết hay lễ hội, các cụ lại được tham gia các hoạt đông văn nghệ.
2 cụ bà hoan hỉ trong những ngày Tết đến xuân về.
Thường lý lịch của các cụ tại Diên Hồng đều được bảo mật. Nhưng dựa theo mức chi phí bỏ ra hàng tháng (từ 6 đến 8 triệu đồng), có một điều chắc chắn, con cái hay người thân của các cụ đều khá giả. Họ không bỏ rơi cha mẹ mình.
Họ vẫn sẽ đến thăm nom, đón bố mẹ về nhà những lúc rảnh rỗi.
Nếu ở nhà một mình, các cụ cô đơn rồi dần lãng quên chính mình. Thì ở Diên Hồng, các cụ có cả một cộng đồng người già sôi nổi, cùng giúp nhau tận hưởng cuộc sống "mới" hạnh phúc hơn, khoẻ hơn và phong phú hơn.
Tại đây, luôn có một bầu không khí thật sự yên bình.
Các cụ quây quần cùng nghe nhạc, xem ti vi, tổ chức các chương trình văn nghệ, vui chơi.
Như Tết vừa rồi đó, bà Cẩm và nhiều cụ ông cụ bà khác không về nhà. Họ cùng ở lại đón một mùa xuân giản dị bên nhau, cho ra đời bộ ảnh "hồi xuân" nhiều màu sắc trong những tà áo dài duyên dáng.
Chẳng hiểu sao, các cụ "nghệ sĩ" lắm. Dù tay yếu chân run, nhưng cứ hễ cầm míc lên, nhạc nào các cụ cũng chơi.
Cuộc đời có bao lâu, miễn sao vui vẻ sống trọn kiếp người.
Thành thử có chút âm thanh, có chút hình ảnh, dường như mọi thứ đỡ nhạt nhẽo. Nếu chiếc xe lăn xếp thứ nhất, thì ti vi đứng thứ hai về "tình bạn" với các cụ.
Dẫu sao với thế giới tách biệt ngoài kia, nhìn qua lăng kính truyền hình còn thú vị hơn những chiều nắng tắt mòn mỏi qua khung cửa sổ. Ở viện dưỡng lão, có nhiều hơn một hình ảnh, âm thanh của cuộc sống.
Theo Trí thức trẻ
Khám bệnh, cấp phát thuốc và gạo cho người nghèo Bạc Liêu Cụm thi đua khối An ninh nhân dân Công an tỉnh Bạc liêu vừa phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc và gạo miễn phí cho người nghèo tại xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Trong chương trình này, ngoài việc tổ chức khám bệnh,...