Minh chứng tình yêu của “chồng 30-vợ 60″
Không chỉ giúp cho cậu con riêng tật nguyền bằng tuổi mình của người vợ hờ biết đi, Long còn chạy ngược, chạy xuôi lo cho Ngân được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước.
Không dừng lại ở đó, người đàn ông 30 tuổi còn lên rừng chặt bạch đàn về làm một ngôi nhà khang trang cho người vợ còn lớn hơn cả tuổi mẹ mình.
Hết lòng lăn lộn vì “con”
Cậu con trai tật nguyền Triệu Tiến Ngân chứng kiến từ đầu câu chuyện của chúng tôi và bà Năm. Nó chỉ cười và thi thoảng nói những câu không ai nghe rõ. Tôi hỏi: “Long có thương em không?”. Nó hồn nhiên trả lời bập bẹ: “Long thương ít thôi, không nhiều đâu”. Bà Năm ngồi ngoài nghe con trai trả lời như thế liền bênh vực Long. Bà hỏi con trai: “Mày muốn người ta thương mày như thế nào nữa? Mày xem anh trai mày, chị gái mày đã bao giờ giúp mày được việc gì chưa? Người ta là người dưng nước lã, người ta bế mày đi tắm, mang cơm cho mày ăn, ăn xong người ra lại dọn cho mày. Mày còn muốn như thế nào nữa?”. Cậu con trai chỉ ngồi cười khi nghe mẹ nói.
Bà Năm bảo: “Thằng Ngân này lì lắm, nó đã từng lấy cục đá rất to ném Long đến chảy cả máu. Nếu là người khác có mà nó chẳng chết với người ta rồi, may mà Long thương tôi nên cũng thương nó, không chấp đâu”. Rồi bà bắt đầu kể lại những ngày đầu tiên Long chính thức về ở với bà, cùng nhau chăm sóc Ngân. Hồi đầu Ngân không đi lại được. Ngân thì nặng, bà thì gầy lại thêm công việc vất vả, đầu tắt mặt tối suốt ngày nên không thể giúp Ngân tập đi. “Từ ngày Long về ở cùng, đi làm thì thôi chứ về nhà, cứ lúc nào rỗi là Long lại dìu nó (Ngân – PV) tập đi. Ban đầu thì đi quanh nhà thôi, nhưng vì hồi ấy chưa làm nhà nên cái sân gồ ghề lắm. Ngân bị ngã triền miên, đau đến mức chán không muốn tập đi nữa. Thương Ngân, Long cõng nó qua con suối cho tập đi trên đường bằng phẳng hơn để nó bớt ngã hoặc có ngã thì cũng không đau như khi tập trên sườn núi”, bà Năm chia sẻ. Nghe mẹ kể chuyện, Ngân chỉ ngồi lắng nghe, thi thoảng lại cúi đầu xuống, cười rất hiền như thể biết lỗi của mình vậy.
Long (phải) và người con riêng của bà Năm. Ảnh: P.K
Bà Năm bảo, Long cho Ngân tập đi được hơn một năm thì nó tự chống gậy đi được. Bây giờ Ngân có thể dùng gậy tự đi qua suối được rồi. Từ ngày biết đi, Ngân la cà khắp thôn xóm. Nhiều hôm đến tối muộn chưa thấy Ngân về nhà, Long lại phải đi tìm. Mà tìm thấy thì Ngân cũng có chịu về ngay đâu, lại phải mắng mỏ, quát tháo một hồi nó mới chịu đứng dậy. Mà Ngân thì cục tính, rất nhiều lần đánh Long chỉ vì bị Long gọi về.
Kể đến đây, bà Năm quay sang nhắc Ngân: “Đến nhà ai chơi phải biết giờ về cho họ đi ngủ. Long đi làm tối ngày mệt mỏi, đến khi muốn ngủ thì lại phải đi khắp thôn tìm mày. Thế mà mày còn đánh người ta. Mày xem đã ai tốt với mày như Long chưa?” – bà Năm nhắc lại câu nói lúc trước. Ngân chỉ mỉm cười, lái đề tài sang chuyện khác: “Nhưng Long cũng thương mẹ ít thôi, có thương nhiều đâu”.
Tôi ngạc nhiên: “Thương ít là thế nào?”. Ngân trả lời: “Thi thoảng vẫn mắng mẹ em. Mà mẹ em thì thương Long nhiều lắm”. Tôi càng ngạc nhiên hơn. Một người tật nguyền như Ngân sao lại để ý được nhiều chuyện thế, trong khi Long và bà Năm sống ở ngôi nhà bên kia suối. Ngân kể: “Mẹ thương Long lắm! Mỗi lần Long đi rừng về đau chân hay ghẻ lở là mẹ lại tự lên rừng tìm lá về tắm cho Long. Có ngày chiều muộn Long về, chân bị sưng tấy, mẹ bỏ cả bữa cơm, vội vàng vào rừng tìm cây thuốc về bó cho Long”. Ban đầu, nghe con trai kể chuyện thì bà Năm im lặng, sau rồi bà mới thanh minh: “Thế tao không lo cho Long thì ai lo cho Long nữa. Người ta thương mày thế, tao cũng phải thương người ta chứ”.
Hết chuyện tập đi cho Ngân lại đến chuyện Long trèo đèo, vượt suối vào xã, lên huyện để lo chính sách cho con trai của vợ. Bà Năm kể, có ngày không biết Long đi bao nhiêu cây số để đi làm chế độ cho đứa con của bà. Hết đưa Ngân đi khám sức khỏe lại đi tìm hiểu chế độ. Mà đâu chỉ đi một lần, nguyên khám sức khỏe cũng phải đi lại vài lần, lúc thì thiếu chỉ số này, khi thì thiếu kết luận kia. Mà đường đi thì khó khăn lắm. Lo xong mọi thủ tục, Long lại là người trực tiếp đi lấy 300.000 đồng/tháng tiền chế độ cho Ngân. Bà Năm bảo: “Nhiều khi 2 đứa đánh nhau, Long giận không đi lấy nữa đấy. Khi nào Long hết giận lại sẽ đi. Mà cán bộ xã cũng chỉ cho Long nhận tiền hộ Ngân thôi, anh chị ruột của nó đến nhận cũng không được mà”.
Video đang HOT
Anh Long với nụ cười hồn hậu. Ảnh P.K
Kỳ công làm nhà cho “vợ”
Ông Bàn Văn Đường cho biết: “Trước đây con đường đất chính dẫn vào thôn gập ghềnh, khúc khuỷu, một bên là vực, một bên là rừng, qua 2 con suối mà không có cây cầu nào. Nếu trời nắng thì còn có thể đi lại được, nếu vào ngày mưa thì thôn gần như bị cô lập hoàn toàn”. Rồi ông chia sẻ: “Công nhận chú Long tốt thật đấy, không những lo cho con trai riêng của vợ mà còn góp công, góp của xây được ngôi nhà khang trang cho người vợ không hôn thú của mình. Hiếm có chàng trai nào làm được như vậy lắm”.
Chỉ vào ngôi nhà khang trang mọc sừng sững bên núi, bà Năm bảo: “Để làm được ngôi nhà này, Long là người vất vả nhất. Chúng tôi lấy tiền dành dụm được sau 8 năm cùng nhau làm ăn và bán bớt một phần diện tích keo mới đủ tiền làm đấy. Nhưng nếu Long không nhận công việc trực tiếp đi rừng lấy bạch đàn về dựng nhà thì chắc tôi không đủ dũng cảm để quyết định xây nhà đâu vì con cái không góp được với tôi một đồng nào. Đã thế khi xây nhà xong, có đứa còn bảo tôi có nhiều tiền thì chia cho con cái đi, để đấy chết có mang theo được đâu. Tôi buồn nhiều lắm, may mà có Long chia sẻ cùng”.
Ông Bàn Văn Đường cũng đồng tình: “Thôn xóm vẫn nói, nếu không có chú Long đến ở cùng thì gia đình bà Năm sao được như ngày hôm nay”. Đang nói đến chuyện Long lo lắng cùng bà Năm gánh vác việc nhà, ông Đường đột ngột quay qua bảo với bà Năm (2 người là anh em con chú, con bác): “Cô làm thế nào thì làm, đừng để chú Long thiệt thòi quá, nhỡ sau này cô có xảy ra chuyện gì thì chú ấy tính sao. Hay là sinh cho chú ấy một đứa con đi” – ông Đường dè dặt hỏi. Bà Năm chỉ im lặng, tay mân mê vạt áo như đang suy nghĩ điều gì đó.
Tôi ngồi nghe và hiểu ý của ông Đường. Hai người không phải là vợ chồng hợp pháp, nhà xây thì bà Năm đứng tên. Nếu xảy ra chuyện gì thì Long trắng tay. Hỏi bà Năm về ý định của Long khi quyết tâm xây nhà cho bà, bà Năm cho biết: “Thì chúng tôi cũng bàn bạc nhiều chứ. Tôi xác định ở lại đây, sống tuổi già ở đây. Nếu không làm nhà, sau này nhỡ xảy ra chuyện gì thì tôi biết ở đâu? Long ở lại đây thì cứ ở, có ai đuổi Long đi đâu”. Có lẽ bà Năm không hiểu ý của tôi. Tôi diễn giải lại suy nghĩ của mình lần nữa. Như đã hiểu, bà Năm bảo: “Sao tôi để Long thiệt được. Long đã làm cho mẹ con tôi không biết bao nhiêu việc, đã cưu mang, giúp đỡ gia đình tôi suốt 10 năm qua. Tôi cảm ơn Long nhiều lắm. Tôi đang nhờ người vào đo để làm sổ đỏ cái quán trước nhà cho Long. Đất ấy, nhà ấy sẽ toàn quyền Long quyết định. Nếu sau này Long lấy vợ thì ở đấy, hoặc đi đâu là do Long tự quyết”. Tôi trố mắt ngạc nhiên: “Cô cho Long đi lấy vợ ư”. Đến lượt bà Năm tròn mắt: “Sao không? Tôi giục suốt ấy chứ nhưng Long chưa ưng đám nào”.
Theo Khampha
Chuyện tình của "chàng 30, nàng 60 tuổi"
Trong một chuyến công tác về Quảng Ninh, tôi thực sự bị cuốn hút khi được nghe một câu chuyện tình... thật như đùa. Một chàng thanh niên không hiểu vì "bùa mê thuốc lú" gì mà yêu tha thiết người phụ nữ nhiều gấp đôi tuổi mình.
Thậm chí, dù người phụ nữ ấy năm lần bảy lượt đi tìm và mai mối... người khác nhưng ông chồng trẻ vẫn nhất quyết chung tình.
Cuộc gặp định mệnh
Trên đường tìm đến ngôi nhà đặc biệt ở thôn Khe Lèn (xã Đồng Lâm, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh), chúng tôi cứ tự nhủ rằng mình sẽ phải gọi người đàn bà ấy là chị, gọi người chồng kém vợ đến 30 tuổi là anh để tiện cho việc tác nghiệp. Thế nhưng, khi gặp mặt, vẻ khắc khổ, lam lũ của người đàn bà tuổi gần 60 và sự trẻ trung tương phản của người chồng đang độ trai tráng vẫn khiến chúng tôi buột miệng gọi họ là bà Bàn Thị Năm và anh Triệu Đức Long. Chúng tôi cảm thấy e ngại khi lỡ dùng cặp đại từ nhân xưng ấy nhưng hình như hai người đã quá quen thuộc với việc này nên chẳng có gì ngượng nghịu.
Bà Bàn Thị Năm là một người phụ nữ dân tộc Dao sinh sống ở ngôi nhà lụp xụp ngay cạnh sườn núi. Sau lưng nhà bà là núi, trước mặt là một con suối róc rách chảy qua. Mới nghe qua, hẳn ai cũng nghĩ ngôi nhà ấy thật nên thơ, giống như trong cổ tích. Nhưng thực tế thì vì cực chẳng đã, không tìm được chỗ tốt hơn nên gia đình bà Năm mới phải cắm dùi ở nơi rừng thiêng, nước độc này. Con đường vào thôn Khe Lèn dài khoảng 4 km từ đường nhựa lên xã nhưng chỉ có một mình ngôi nhà của bà Năm nằm đơn độc. Những mùa nước suối lên cao, gia đình bà phải men theo sườn núi để đi chợ hoặc làm đồng. Ngày bình thường, họ cũng phải lội qua con suối trước mặt để vào nhà.
Vợ chồng bà Năm vẫn e ngại khi nói chuyện với người lạ. Ảnh: KP
Bà Năm có 5 người con đều đã xây dựng gia đình, trừ người con trai áp út bị tật nguyền vẫn còn ở với mẹ. Cách đây hơn 10 năm, chồng bà - ông Triệu Đức Hình mắc bệnh nặng về phổi. Gia đình không có tiền để chạy chữa thuốc men nên ông Hình ngày càng ốm yếu và được tiên liệu không qua khỏi. Đám con trai vất vả theo các chủ xưởng mộc làm thuê, chỉ có bà và cô con gái ở nhà tất bật lo đủ mọi việc trong gia đình.
Để có thêm tiền thuốc thang cho chồng, bà Năm không từ chối bất kể một công việc nào có thể làm ra tiền. Lúc thì đi làm đồng, lúc đi trồng keo, có ngày phải đi rừng hái cây bông về bán chỉ được 300 đồng/kg... nhưng bà vẫn miệt mài như con ong hút mật. Cuối ngày, khi trở về nhà, bà lại tận tình chăm lo miếng ăn, giấc ngủ cho chồng.
Buổi tối hôm ấy diễn ra bình thường như mọi tối khác. Bà đang cho chồng ăn cơm thì thấy đám con chạy về, đứa nào cũng "mặt cắt không còn giọt máu", trên tay chúng vẫn lăm lăm những con dao đi rừng. Chúng kể lại chuyện bị chủ xưởng mộc rượt đánh nên phải chạy tháo thân suốt quãng đường hơn 10 km về nhà chỉ vì làm hỏng một sản phẩm quan trọng của họ. Đó là lần đầu tiên bà nhìn thấy Triệu Đức Long - người chồng của bà hiện tại khi đó là chàng trai trẻ gầy trơ xương, nhìn như người rừng, lẫn trong đám con.
Bà Năm nhớ lại, lúc ấy bàn chân Long tứa máu, quần áo tả tơi, khuôn mặt đen đúa, tội nghiệp, ánh mắt thì không giấu được sự sợ hãi trong khi các con của bà đã bình tĩnh hơn khi bước chân được vào nhà. Tự nhiên bà thấy thương xót chàng trai trẻ và có "cảm giác như muốn bù đắp cho nó". Vì thế, dù đang bận chăm chồng bệnh nặng nhưng bà vẫn hỏi han Long, thậm chí có phần quan tâm hơn vì Long bị thương nặng hơn những đứa con của bà. Bà giục Long đi rửa chân, giục con pha ít nước muối cho Long sát trùng và đích thân bà lấy thuốc để bôi cho Long.
Không biết có phải vì cử chỉ quá ân cần ngay lần đầu tiên gặp mặt này đã khiến Long nảy sinh tình cảm trai gái với bà hay không? Hay vì một lời nói buột miệng của ông Hình đã khiến chàng trai trẻ phải gắn bó cả cuộc đời với người phụ nữ lớn tuổi hơn cả người mẹ đã sinh ra mình.
Lời trăn trối lạ đời
Một người dân trong làng (xin giấu tên) kể lại: "Không biết có nên tin vào tâm linh hay không, chứ thời gian ông Hình bệnh nặng, biết mình không qua khỏi nên đã nói với bà Năm rằng sẽ cố gắng tìm một người trai trẻ về đỡ đần bà lúc tuổi già". Người này cũng cho biết, ông Hình thương vợ lắm vì bà Năm suốt ngày lam lũ, nuôi các con và lo lắng cho chồng. Rồi làm ra vẻ bí mật nhìn trước nhìn sau, người này nói nhỏ: "Không biết cô có tin chuyện mượn xác không chứ tôi có đọc được vài câu chuyện về vấn đề này..."
Câu chuyện của người hàng xóm này khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Không phải chúng tôi tin vào chuyện "mượn xác" đầy màu sắc liêu trai đó mà nghi ngại: Phải chăng câu chuyện tình đặc biệt này là hậu quả của trò mê tín dị đoan nào đó? Phải chăng vì sợ một điều tâm linh nào đó mà khiến một chàng trai chấp nhận lấy một người phụ nữ già gấp đôi tuổi mình làm vợ?
Bà Năm dù đã 60 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh
Khi chúng tôi hỏi ông Bàn Văn Đường, Trưởng thôn Khe Lèn, ông Đường thừa nhận: "Đúng là ông Hình có nói với bà Năm là sẽ đưa một chàng trai trẻ về để sống cùng và chăm sóc bà sau khi ông ra đi. Chính mắt tôi chứng kiến, tai tôi nghe thấy ông Hình nói điều này. Còn chuyện người dân đồn đại về việc "hồn" ông Đường trú ngụ trong thân xác chàng trai trẻ kia thì tôi không tin vì Long rất bình thường, không hề thấy có biểu hiện gì của một người đang bị "hồn" nhập".
Để tìm hiểu ngọn nguồn câu chuyện tình đặc biệt mà đời người không dễ gặp, chúng tôi lội qua con suối nhỏ tìm đến quán hàng của bà Năm để gặp Long. Phải cố gắng lắm tôi mới nói chuyện được với Long bởi anh rất ít nói, chỉ thi thoảng mới nhoẻn miệng cười rất tươi trước câu nói vui của một vài người có mặt trong căn nhà nhỏ.
Long bảo: "Ban đầu chỉ là cùng dựa vào nhau mà sống thôi". Nói xong, Long quay qua trò chuyện bằng tiếng dân tộc với bà Năm. Tôi phải lên tiếng cầu cứu anh công an xã Lý Tài Thuận đang ngồi cạnh nhờ phiên dịch. Anh Thuận cho biết, vợ chồng họ đang trao đổi xem bà Năm đã nói những gì với phóng viên.
Thì ra là vậy, đến ngay cả việc kể lại cuộc đời mình, kể về 10 năm chung sống đầy khó khăn trước dư luận của họ, họ cũng phải trao đổi với nhau. Lúc đấy tôi mới tin lời ông Bàn Văn Đường đã nói trước đó. Ông bảo cặp đôi này còn tình cảm và ríu rít với nhau hơn nhiều đôi vợ chồng trẻ trong làng. Họ làm gì cũng có nhau, đi đâu cũng không bao giờ đơn lẻ. Thi thoảng lắm mới có tiếng cãi cọ trong nhà nhưng chỉ vài câu rồi thôi. Chưa bao giờ họ đánh nhau hay làm phiền dân làng bằng những trận cãi vã lớn tiếng.
Chỉ cần nhìn những cử chỉ thân thiện giữa hai người với nhau, tôi chợt nghĩ chẳng cần phải bỏ công quá nhiều để xác minh nghi vấn bị "ép yêu" vì mê tín dị đoan. Chuyện những người dân tộc ít người sống ở những vùng xa xôi như người chồng đã quá cố của bà Năm có suy nghĩ lạc hậu là điều dễ hiểu. Và do một sự tình cờ khi bà Năm và Long đến với nhau đã trở thành câu chuyện đồn thổi cho người dân nơi đây. Hơn thế nữa, tận mắt chứng kiến những gì Triệu Đức Long đang làm cho bà Bàn Thị Năm và con cái của bà, đặc biệt là với người con trai tật nguyền (cùng tuổi với Long), thì tôi nghĩ tình cảm đó là hoàn toàn chân thật.
Kỳ tới: "Những minh chứng tình yêu trong 10 năm sóng gió"
Sau kỳ công giúp cho cậu con riêng tật nguyền của vợ nhưng lớn bằng tuổi mình biết đi, Long lại chạy ngược, chạy xuôi lo thủ tục để "con" được hưởng chế độ của Nhà nước. Không dừng lại ở đó, người đàn ông 30 tuổi còn lên rừng chặt bạch đàn về làm một ngôi nhà khang trang cho người vợ còn lớn hơn cả tuổi mẹ mình.
Theo 24h
Cưới chồng trẻ, vợ một mình xây tổ ấm Do mãi theo đuổi sự nghiệp, đến năm 42 tuổi chị Hòa vẫn là "gái còn son". Khi đã vững chắc với chiếc ghế trưởng phòng, nhìn lại, chị tiếc vì tuổi xuân đã qua đi không quay lại. Nhìn quanh quất những phụ nữ cùng tuổi chị đã chồng con đề huề, đàn ông cùng hoặc hơn tuổi cũng đã ổn định...