Minh bạch thông tin, công ty đại chúng than… khó
Góp ý cho Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, các công ty đại chúng đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi nhiều nội dung về công bố thông tin (CBTT), để tránh làm khó cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ý kiến từ các chuyên gia pháp lý cho rằng, việc khắc phục các bất cập của quy định hiện hành là cần, nhưng tránh “làm nhẹ” nghĩa vụ minh bạch thông tin của các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán.
Vốn chục nghìn tỷ phải nộp báo cáo tài chính như 30 tỷ
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn đang niêm yết, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX, sàn HOSE) cho rằng, quy định về CBTT của công ty đại chúng tại Dự thảo không có nhiều thay đổi so với quy định hiện hành, trong đó giao cho Bộ Tài chính quy định cụ thể nội dung, thời hạn CBTT đối với từng loại hình công ty đại chúng.
Kể từ khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, Bộ Tài chính đã ban hành 4 thông tư hướng dẫn về việc CBTT trên thị trường chứng khoán, trong đó quy định cụ thể về đối tượng CBTT, loại thông tin công bố, thời gian công bố định kỳ, bất thường đối với từng loại thông tin…
Qua quá trình triển khai thực hiện, các thông tư được sửa đổi, bổ sung theo hướng ngày càng nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của công ty đại chúng trong việc cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời cho nhà đầu tư. Song, các quy định hiện hành tại Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn CBTT trên thị trường chứng khoán đang tồn tại một số bất cập, gây khó khăn và áp lực trong CBTT của công ty đại chúng.
Theo PLX, về phân loại công ty đại chúng để yêu cầu CBTT, Thông tư 155/2015/TT-BTC đưa ra các quy định khá cụ thể về nội dung, thời hạn CBTT đối với từng loại hình công ty đại chúng. Tuy nhiên, việc quy định đồng nhất về thời gian CBTT đối với tổ chức niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn chỉ gia hạn trong trường hợp phải lập báo cáo tài chính hợp nhất, tổng hợp mà không phân loại theo quy mô vốn, tài sản, doanh thu, mô hình tổ chức hoạt động… là chưa phù hợp với thực tiễn.
Mặc dù Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã điều chỉnh mức vốn điều lệ của công ty đại chúng là 30 tỷ đồng, thay vì 10 tỷ đồng như hiện tại, song giữa công ty đại chúng có vốn điều lệ 30 tỷ đồng và công ty đại chúng có vốn điều lệ hàng chục nghìn tỷ đồng là một khoảng cách quá lớn về tình hình doanh thu, tài sản, tổ chức hoạt động…
Mặt khác, công ty đại chúng là các tập đoàn lớn hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, phải lập báo cáo tài chính hợp nhất, tổng hợp qua nhiều cấp, nhưng tất cả các công ty đại chúng đều được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xem xét thời gian gia hạn tối đa 10 ngày với việc công bố báo cáo tài chính hợp nhất là chưa thực sự phù hợp.
Để khắc phục bất cập này, PLX cho rằng, Bộ Tài chính cần quy định cụ thể nội dung, thời hạn CBTT đối với từng loại hình công ty đại chúng. Trong đó, nên xem xét đến các yêu tố về quy mô vốn, tài sản, doanh thu, mô hình tổ chức hoạt động; việc gia hạn thời gian CBTT cũng nên xem xét đến tính chất phức tạp theo cấp độ của đối tượng lập báo cáo. Ví dụ, gia hạn 5 ngày đối với công ty đại chúng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất từ các công ty con; gia hạn 10 ngày đối với công ty đại chúng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất từ các công ty con cũng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất…
Video đang HOT
Với báo cáo tài chính quý, PLX cho rằng, Thông tư 155/2015/TT-BTC quy định phải công bố trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý là quá ngắn, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo Luật Quản lý thuế 78/2006/QH11, tại Điều 32 về thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế, Khoản 1 quy định: “Chậm nhất là ngày thứ hai mươi của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với loại thuế khai và nộp theo tháng”.
Như vậy, sau khi chốt được các số liệu kê khai thuế của tháng cuối quý, doanh nghiệp cần có đủ thời gian để tổng hợp cân đối số phát sinh và lập báo cáo tài chính quý. Việc phải công bố báo cáo tài chính quý với rất nhiều các thông tin cụ thể khác cùng thời hạn kê khai thuế của tháng đã gây áp lực về thời gian cũng như ảnh hưởng đến tính chính xác, tin cậy của thông tin tài chính.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính cần xem xét quy định thời gian công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày kết thúc quý để đảm bảo sự chính xác, tin cậy của thông tin tài chính, tính khả thi trong thực hiện và phù hợp với quy định có liên quan của Luật Quản lý thuế.
Ý kiến từ doanh nghiệp cho rằng, trong lần sửa đổi Luật Chứng khoán này, UBCK, Bộ Tài chính cần có giải pháp khắc phục những bất cập trên, để tránh làm khó cho doanh nghiệp. Ngoài ra, góp ý cho quy định về CBTT của công ty đại chúng tại dự thảo Luật, PLX cho rằng, quy định “người nội bộ trong luật này bao gồm: Người nội bộ của doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp…, giám đốc tài chính, kế toán trưởng và các chức danh quản lý tương đương, thư ký công ty…”, cần quy định cụ thể về các chức danh quản lý tương đương để doanh nghiệp thực hiện đảm bảo đúng theo đối tượng quy định.
Công bố chồng chéo
Cũng liên quan đến tuân thủ nghĩa vụ CBTT của công ty đại chúng, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV – UPCoM) cho rằng, hiện Tổng công ty phải thực hiện nghĩa vụ CBTT, nộp báo cáo và nhập số liệu cho hai hệ thống CBTT gồm: IDS của UBCK và CMIS của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Để thuận tiện và tăng tính hiệu quả, ACV kiến nghị Dự thảo Luật Chứng khoán quy định kết nối hệ thống CBTT chung của 2 sở giao dịch chứng khoán HNX, HOSE và UBCK thành một hệ thống CBTT chung, để khi doanh nghiệp gửi dữ liệu lên thì cả UBCK, HOSE, HNX đều nhận được. Điều này giúp nhà đầu tư, cổ đông thuận tiện khi tra cứu, nắm bắt thông tin.
Cùng quan điểm trên, Công ty Chứng khoán Vietcombank ( VCBS) nhìn nhận, công ty chứng khoán hiện nay khi thực hiện CBTT phải thực hiện đồng thời các thủ tục: Đăng tải trên website của chính mình; công bố thông tin qua cổng kết nối của từng sở giao dịch mà công ty chứng khoán là thành viên và công bố thông qua cổng công bố thông tin của UBCK… Do đó, cần có giải pháp khắc phục tình trạng này để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp minh bạch thông tin.
Nhìn nhận thị trường chứng khoán muốn phát triển và bền vững thì CBTT là tiêu chí quan trọng hàng đầu, trong đó việc công bố các thông tin trọng yếu phải đảm bảo hai yếu tố là kịp thời và đầy đủ, VCBS cũng đề xuất Ban soạn thảo xem xét hoàn thiện Dự thảo Luật Chứng khoán theo hướng có sự quy định các công ty đại chúng có tỷ lệ sở hữu cổ phần nhất định của nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ 15% hoặc 20% trở lên, hoặc có quy mô vốn lớn, chẳng hạn 500 tỷ đồng trở lên phải thực hiện công bố thông tin và phát hành báo cáo tài chính kiểm toán bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh…
Trước những ý kiến đề xuất từ phía các thành viên thị trường, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch UBCK, thành viên Ban soạn thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cho biết, qua thực tiễn áp dụng các quy định về CBTT trên thị trường chứng khoán, có nhiều nội dung cần làm rõ. Tuy nhiên, Luật chỉ quy định các nội dung mang tính nguyên tắc nhằm chuẩn hóa hệ thống quy định về CBTT, còn phương thức, nội dung CBTT sẽ đưa vào thông tư hướng dẫn để đảm bảo linh hoạt.
Nên tiệm cận cao hơn chuẩn chế tài xử phạt của quốc tế
Luật Sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng luật sư AIC
Các chế tài xử phạt hành vi vi phạm về minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán áp dụng với công ty niêm yết, lãnh đạo doanh nghiệp hiện chưa đủ sức răn đe. Để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trên thị trường, từ đó bảo vệ nhà đầu tư hiệu quả, tránh gây mất niềm tin, trong lần sửa đổi Luật Chứng khoán này, Việt Nam cần nghiên cứu để tiệm cận cao hơn các chuẩn về minh bạch thông tin, cũng như chế tài xử phạt của quốc tế.
Theo đó, hệ thống chế tài cần được thiết kế theo hướng chi tiết, chặt chẽ, có tính khả thi cao và quan trọng nhất là đủ sức răn đe. Muốn vậy kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần thiết kế hệ thống chế tài với các hành vi vi phạm về minh bạch thông tin: Đầu tiên là phạt tiền với mức trần cao hơn hiện nay, tiếp đến là đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát đặc biệt, treo giao dịch cổ phiếu trong một thời gian nhất định, nặng nhất là khởi tố hình sự. Tùy theo mức độ, cũng như tính chất vi phạm, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, mà có thể áp dụng một hoặc đồng thời nhiều chế tài này.
Cần chế tài buộc doanh nghiệp bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư nếu CBTT sai sự thật
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
So với các loại hình thị trường hàng hóa thông thường, tính minh bạch trên TTCK đòi hỏi phải cao hơn nhiều, vì ở đó nhà đầu tư mua bán cổ phiếu bằng niềm tin. Do đó tôi ủng hộ Ban soạn thảo cải tiến các quy định về CBTT theo hướng yêu cầu các công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết, các loại hình công ty cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán phải nâng cao chất lượng minh bạch thông tin.
Để đạt mục tiêu trên, Ban soạn thảo cần đưa ra các quy định cao hơn về chất lượng, cũng như thời hạn CBTT về hồ sơ phát hành chứng khoán, về báo cáo tài chính… Hồ sơ, thông tin doanh nghiệp công bố là một trong những căn cứ quan trọng để nhà đầu tư đưa ra quyết định có mua cổ phiếu của doanh nghiệp hay không.
Do đó, nếu thông tin doanh nghiệp đưa ra là giả mạo, sai sự thật, dẫn đến gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thì không chỉ phạt nặng doanh nghiệp, mà còn cần có chế tài buộc doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư. Đây là điều Ban soạn thảo cần lưu ý trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi.
Nguyễn Hữu
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Chậm đưa cổ phiếu lên sàn, May Đáp Cầu bị phạt 350 triệu đồng
Ngày 25/10/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng công ty cổ phần May Đáp Cầu (Dargaco).
Theo đó, Tổng công ty cổ phần May Đáp Cầu bị phạt 350 triệu đồng do đăng ký giao dịch chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng.
Cụ thể, công ty trở thành công ty đại chúng trước ngày 1/1/2016 (thời điểm Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết có hiệu lực), nhưng đến ngày 2/5/2018, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới nhận được hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu của Công ty.
Dargaco là doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Dệt may Việt Nam (vinatex), được thành lập ngày 2/2/1967. Dargaco hiện có 4 xí nghiệp thành viên, với tổng số 3.000 cán bộ công nhân viên.
Báo cáo tài chính gần nhất được Dargaco thông báo là kết quả kinh doanh hợp nhất 2017 đã được kiểm toán với doanh thu thuần đạt gần 759 tỷ đồng, giảm gần 11% so với năm 2016.
Tuy nhiên thì lợi nhuận sau thuế lại gấp hơn 2 lần, đạt 38,5 tỷ đồng, chủ yếu do giá vốn hàng bán trong năm 2017 giảm hơn 121 tỷ đồng. Với kết quả này, Dargaco đã tiến hành chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 30% vào giữa tháng 6 vừa qua.
Tại thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của Dargaco ở mức 311 tỷ đồng. Nợ phải trả 199 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn, chiếm 198,3 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 112 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu 52,5 tỷ đồng.
Trong năm 2018 này, Dargaco đặt mục tiêu tăng trưởng từ 10 -15%, và cổ tức dự kiến 25%.
Lạc Nhạn
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Góc nhìn kỹ thuật phiên 15/11: Vùng quanh 900 điểm sẽ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ Thị trường có sự phân hóa khá rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu. Điều này khiến cho tâm lý nhà đầu tư ngày càng thận trọng và có phần lo sợ về khả năng thị trường sẽ sớm phá đáy 880-885 điểm trong ngắn hạn. Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS. Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân...