Miền Trung oằn mình chống chọi lũ dữ
Những ngày này, người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… đang phải oằn mình chống chọi với lũ dữ.
Nước lũ trên sông Hương dâng cao gây ngập lụt. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Mưa lớn, nước lên nhanh khiến nhiều địa phương bị chia cắt, hàng ngàn ngôi nhà, hàng ngàn ha hoa màu bị nhấn chìm trong biển nước, hàng trăm hồ thủy lợi lớn nhỏ ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên bị đe dọa. Theo thống kê sơ bộ (tính đến 12 giờ ngày 9/10), đã có 11 người chết, 9 người mất tích, hơn 11.000 ngôi nhà, hàng nghìn ha hoa màu bị ngập, hơn 3.500 hộ dân phải sơ tán. Ngập lụt, mưa lớn còn gây sạt lở nghiêm trọng 2 tuyến giao thông huyết mạch là quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh thuộc 2 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa (Quảng Trị).
Riêng quốc lộ 9 có 35 điểm sạt lở, còn đường Hồ Chí Minh có 85 điểm sạt lở, giao thông bị chia cắt.Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhiều ngôi nhà chỉ còn nhìn thấy chóp mái, nhiều hộ dân phải trắng đêm vật lộn với lũ dữ để giành giật lại tài sản; rất nhiều trường học ở Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế phải cho học sinh nghỉ học vì nước lũ dâng cao…
Bão số 5 vừa dứt, lũ lớn lại đột ngột xuất hiện khiến đồng bào miền miền Trung vốn đã nghèo, nay lại càng kiệt quệ khi phải gồng mình chống chọi với lũ dữ. Chỉ vài tháng trước, nhiều tỉnh miền Trung phải quay quắt với nắng hạn, cây cối chết khô do thiếu nước tưới, giờ bỗng ngập chìm trong nước lũ và phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Dẫu đồng bào cả nước đang từng ngày, từng giờ theo dõi, chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung ruột thịt, nhưng nó chẳng thấm tháp gì so với những thảm họa mà người dân nơi đây phải gánh chịu. Lũ đổ về chôn lấp nhà cửa, ruộng vườn, tài sản mà người dân phải bao năm tích lũy. Rất nhiều gia đình sống trong cảnh màn trời chiếu đất, nhiều người không còn nổi một tấm áo lành; những đứa trẻ đào bới trong đống đổ nát với hy vọng vớt vát lại những cuốn vở chưa bị nước thấm; rồi cả nỗi lo mai táng cho người chết do lũ chưa rút… Nhiều người kiệt sức và chưa thể hình dung cuộc sống của họ ngày mai sẽ ra sao?
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sau ngày 11/10, mưa lớn ở các tỉnh miền Trung tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng nghiêm trọng trên diện rộng.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa lũ. Trong đó, tập trung rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối. Tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét. Các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu, nhất là các hồ đập có nguy cơ mất an toàn cần có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để bảo đảm an toàn khi có tình huống.
Video đang HOT
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi thiên tai liên tiếp ập xuống dải đất miền Trung trong vài năm trở lại đây. Có phải do sự bất thường của thời tiết hay chính là hậu quả từ sự tàn phá thiên nhiên của con người? Từ thảm họa của bão lũ, một vấn đề lâu nay được dư luận lên tiếng là sự phát triển quá nóng của các công trình thủy điện và sự xả lũ tràn lan của một số công trình thủy điện ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Thậm chí có ý kiến gay gắt phải quy trách nhiệm của người phê duyệt, quyết định đầu tư; phải đền bù vật chất cho dân chứ không thể kéo dài mãi tình trạng dân chìm trong lũ thủy điện. Với người dân miền Trung, Tây Nguyên, cụm từ “xả lũ” đang là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với họ.
Trong nhiều năm qua, việc phát triển các công trình thủy điện nói chung thường chỉ tính đến giải quyết việc đảm bảo nguồn điện năng trong quan hệ cung – cầu, ít có đánh giá tác động đến môi trường, có chăng thì chỉ tính đến diện tích ngập nước trong vùng lòng hồ, di dân tái định cư. Tình trạng phát triển nóng và xây dựng thiếu quy hoạch thống nhất các hồ chứa thủy điện của các thành phần kinh tế đang làm hủy hoại nghiêm trọng tài nguyên đất, rừng đầu nguồn, khoáng sản, đa dạng sinh học và nhiều tài nguyên thiên nhiên khác… Do tầm nhìn hạn chế, làm lấy được nên lãnh đạo nhiều địa phương đã ký duyệt các dự án thủy điện không mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội lâu dài cho địa phương, mà trái lại, đã trở thành mối hiểm họa cho người dân.
Theo thống kê, tại tỉnh Kon Tum, với 70 dự án thủy điện đã và đang được xây dựng, thì có hàng chục ngàn ha rừng bị phá. Trong khi đó, số diện tích rừng bị mất do làm thủy điện cần phải trồng bù là 36.000 ha, nhưng mới chỉ trồng được khoảng 2.770 ha. Đáng báo động, có gần 55% hồ chứa thủy điện chưa có phương án phòng chống lụt bão. Chưa kể, khi vận hành hồ chứa thủy điện, do chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình, nhiều công trình thủy điện đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Có lẽ chẳng nơi đâu phải chịu nhiều đau thương mất mát do thiên tai như người dân khúc ruột miền Trung, hết nắng hạn lại đến bão gió mưa lũ.
Bao giờ thảm họa này mới chấm dứt, câu hỏi thật không dễ trả lời!
Thủy điện Tiên Thuận xả lũ gây sạt lở vùng hạ du
Nhà máy Thủy điện Tiên Thuận đã gây sạt lở mất đi nhiều diện tích đất sản xuất của nông dân huyện Tây Sơn , Bình Định mà không có phương án khắc phục...
Người dân thôn Hòa Thuận, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) bức xúc chỉ cánh đồng Soi Sum đã nước từ Nhà máy Thủy điện Tiên Thuận nuốt chửng. Ảnh : Vũ Đình Thung.
Năm 2014, Nhà máy Thủy điện Tiên Thuận đi vào hoạt động 2 tổ máy phát điện, mỗi lần nhà máy xả nước là gây lũ làm sạt lở, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của người dân xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định), nhất là vào mùa mưa lũ.
Nông dân mất đất bức xúc phản ứng, nhiều lần gửi đơn đến chính quyền và ngành chức năng phản ánh, kiến nghị doanh nghiệp giải quyết thiệt hại, khắc phục tình trạng sạt lở.
Công ty CP Tiên Thuận cũng đã cam kết khắc phục hậu quả, thế nhưng đến nay dã gần 6 năm mà lời hứa vẫn chỉ là lời hứa, khiến người dân vô cùng bức xúc kéo đến bao vây, yêu cầu nhà máy thủy điện ngưng hoạt động.
Nhiều người dân thôn Hòa Thuận (xã Tây Thuận) đưa chúng tôi ra cánh đồng Soi Sum để tận mắt chứng kiến cảnh đất sản xuất của họ bị đã biến mất dưới lòng sông do Thủy điện Tiên Thuận gây ra.
Bà Bùi Thị Hòa (59 tuổi), bức xúc: "Thửa ruộng của tôi giờ đã biến mất, đất đã bị nước từ Thủy điện Tiên Thuận cuốn cả ra sông. Nhiều năm qua, chúng tôi gửi đơn khiếu kiện nhiều nơi nhưng vẫn không được quan tâm, giải quyết. Hiện tình trạng sạt lở tiếp tục lấn sang những cánh đồng khác khiến người dân chúng tôi rất lo lắng".
Theo nông dân Nguyễn Văn Tây (51 tuổi), cánh đồng Soi Sum từng là vùng ruộng mầu mỡ, bao đời nay là cứu cánh của đời sống người dân thuần nông làng Hòa Thuận với những cây màu như ớt, đậu, đỗ, bắp.
Thế nhưng từ khi có Nhà máy Thủy điện Tiên Thuận, bất kể mùa nắng hay mùa mưa, cứ khi nào thủy điện xả nước là đồng ruộng của dân bị sạt lở, đổ ập xuống sông. Hiện cả cánh đồng Soi sum sắp bị sông "nuốt chửng".
Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) bị trôi tuột xuống sông. Ảnh: Vũ Đình Thung.
"Đến năm 2017, cánh đồng Soi Sum đã sạt lở nghiêm trọng, người dân bắt đầu gửi đơn kiến nghị đến nhiều nơi. Mãi đến cuối năm 2018, đầu năm 2019, UBND xã Tây Thuận mới mời được lãnh đạo Công ty CP Tiên Thuận đến để giải quyết. Doanh nghiệp này đã tiến hành đo đạc, cam kết khắc phục tuy nhiên không thực hiện.
Cuối tháng 8 vừa qua, khi nghe Nhà máy Thủy điện Tiên Thuận hú còi báo hiệu xả nước, nhiều hộ dân đã kéo đến bao vây, yêu cầu nhà máy không tiếp tục xả nước, phải tiến hành bồi thường cho dân hoặc dừng hoạt động. Đồng thời các hộ dân đề nghị doanh nghiệp phải xây kè kiên cố để bảo vệ ruộng đất và nhà cửa của người dân.
Cánh đồng này trước đây là cứu cánh của người dân thuần nông xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định), nhưng giờ bị sạt lở phải bỏ hoang. Ảnh : Vũ Đình Thung.
Yêu cầu bồi thường và xây kè chống sạt lở bảo vệ vùng hạ du của người dân xã Tây Thuận là chính đáng. Được biết, Sở TN-MT Bình Định cũng đã có văn bản báo cáo sự việc lên UBND tỉnh Bình Định.
Nguy cơ mất an toàn hồ, đập thủy lợi ở Tuyên Quang Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 1.436 đập, hồ chứa thủy lợi. Trong đó, số công trình được phân loại theo khoản 1, Điều 1 và Điều 3, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước có 403 công trình ( 374 hồ chứa và 29 đập dâng). Khu vực cống...