Miền đất ngã ba sông Tiên Yên đa sắc màu văn hóa
Nằm trên huyết mạch giao thông một ngả từ cửa khẩu quốc tế Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) vào nội địa.
Ngả kia từ tỉnh Lạng Sơn sang và hướng chính bờ biển với cảng Mũi Chùa đầy tiềm năng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh hội tụ tinh hoa đa sắc màu văn hóa, là địa phương đã từng tổ chức nhiều lần thành công Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc Việt Nam. Và mới đây, từ ngày 27-10 đến ngày 1-11, một lần nữa, ngày hội tưng bừng diễn ra tại huyện Tiên Yên với nhiều hoạt động có ý nghĩa.
Thi đấu trò chơi dân gian tại ngày hội. Ảnh:Thúy Vân
Tiên Yên thường được gọi tên là mảnh đất ngã ba vùng Đông Bắc bởi lẽ nơi này có vị trí địa lý rất đặc biệt về lịch sử văn hóa, kinh tế và an ninh quốc phòng. Cùng với hoạt động Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng Đông Bắc Quảng Ninh lần thứ 3, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên chính thức được mở rộng, nâng cấp lên đô thị loại IV theo tiêu chí của Bộ Xây dựng.
Hoạt động Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc được tổ chức định kỳ 2 năm một lần cũng là cách để Quảng Ninh hoàn thiện chuỗi liên kết các hoạt động kích cầu du lịch năm 2020. Chủ đề: “Tiên Yên – Nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc” cũng đã khẳng định miền đất này chính là gạch nối, là ngã ba sông, ngã ba dòng chảy cư trú của nhiều dân tộc thiểu số hội tụ, sinh ra tiềm năng, lưu giữ bảo tồn văn hóa và tràn đầy cơ hội phát triển du lịch văn hóa.
1.500 diễn viên, nghệ nhân dân gian các huyện, thị xã, thành phố vùng Đông Bắc của 2 tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn và Học viện Múa Việt Nam tham gia sự kiện để biểu diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc, trò chơi dân gian. Ngày hội tập trung vào các nội dung văn nghệ đặc trưng của vùng Đông Bắc như hát then, đàn tính của người Tày, Nùng, hát cúng cấp sắc của người Dao, trò chơi đẩy gậy, chơi bóng chuyền của người Sán Chỉ, Cao Lan, hát soọng cô của người Sán Dìu, hát soóng cọ của người Sán Chỉ…
Video đang HOT
Mặc dù Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc là một mô hình lễ hội khá phổ biến diễn ra tại các vùng đất hướng tới mục tiêu phát triển du lịch, bảo tồn vốn văn hóa và quảng bá hình ảnh địa phương, nhưng Tiên Yên gây chú ý bởi hiếm có nơi nào nắm giữ nhiều tiềm năng phát triển đa dạng như thế. Là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh, nhưng Tiên Yên nằm bên bờ biển, có vịnh Tiên Yên giàu tiềm năng, có dải rừng ngập mặn đẹp nhất miền Bắc, có đô thị cổ nằm bên sông Tiên Yên bảo tồn khá nhiều nhà cổ và hiện đã hình thành phố đi bộ buổi tối.
Hơn thế nữa, Tiên Yên là nơi luôn nhuốm trong màu cổ kính, huyền hoặc của một mảnh đất biên viễn vừa xa xôi, vừa huyền bí, ẩn chứa u tịch của rừng già, lại có cái rộn ràng, nhộn nhịp của phố núi. Đặc biệt, ẩm thực của Tiên Yên chiều chuộng khẩu vị của khách đường xa. Các món ăn cổ xưa nấu trên vạc lớn, đun bằng củi lửa vẫn còn giữ được đến bây giờ, nguyên mùi vị.
Tiên Yên có giống gà nuôi bản địa nức tiếng trong ẩm thực đến nỗi ai cũng muốn đến đây thưởng thức. Chính vì vậy, Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc cũng diễn ra với một nội dung lạ lẫm khiến du khách tò mò nhất, đó là thi gà đẹp, để tìm ra danh xưng “vua gà”. Mục đích của việc thi gà đẹp cũng là để bảo tồn giống gà, phát triển đàn gà nuôi của địa phương thành sản phẩm du lịch văn hóa.
Đối với vùng Đông Bắc, Tiên Yên tự hào áp mặt vào Biển Đông, là nơi các du khách yêu mến đặt tên là “nơi bình minh thức giấc” với cảnh sắc không giống bất cứ nơi đâu. Buổi sáng, màn sương núi vẫn bảng lảng quyện chặt lấy thị trấn thì ánh mặt trời đã tỏa rạng tạo nên khung cảnh huyền ảo như cổ tích. Nếu ai chưa từng được tắm trong ánh bình minh này thì chưa từng biết vùng Đông Bắc của Tổ quốc đẹp cỡ nào. Huyện Tiên Yên kỳ vọng có thể làm cầu nối, nơi dừng chân, rồi từ đây du khách có thể đi tới trọn vẹn một vòng cung khám phá Đông Bắc với hành trình tới cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tới tuyến đảo gần bờ Cái Chiên, Vĩnh Thực; đi tới mùa hoa lau biên giới Bình Liêu, mùa hoa sở chân núi Cao Ba Lanh… Đó đều là những miền đất đặc sắc về văn hóa, du lịch.
Một mặt khác, Tuần lễ Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc Quảng Ninh còn là dịp để nhân dân và du khách trải nghiệm nhiều không gian văn hóa đa dạng. Ví như “Vũ khúc chúa sơn lâm” – một tiết mục múa sư tử mặt mèo là nét văn hóa rất riêng của người miền rừng Đông Bắc liên quan đến nơi cư trú và quá trình chinh phục tự nhiên của họ. Điệu múa này vừa có tính chất “sử thi”, lại vừa mang tính trào lộng, ưa thích đời sống tinh thần phong phú của người dân tộc vùng Đông Bắc. Một số hoạt động biểu diễn chuyên đề rất khá về nội dung, chất liệu đặc sắc, chất lượng chuyên môn cao như then cổ Tày, vũ điệu chim gâu cầu mùa của người Sán Chay, vũ điệu Phùn Voòng của dân tộc Dao, vũ điệu gánh cơm của dân tộc Sán Dìu, vũ khúc hội hoa đăng của dân tộc Hoa…
Trong một tuần lễ dày đặc các phiên chợ, hội thi, biểu diễn chuyên đề, thi đấu thể thao dân gian, các nghệ nhân từ các địa phương có cơ hội giao lưu, trình diễn giới thiệu trang phục truyền thống dân tộc, tham gia hội chợ, tham gia triển lãm tác phẩm tranh, ảnh nghệ thuật.
Du khách cũng được trực tiếp tham quan các cảnh đẹp vùng Đông Bắc, chiêm ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ của núi rừng gắn liền với biển, trong đó phải kể đến cánh đồng mùa vàng Đại Dực, thác Pạc Sủi, bãi cát Mũi Lòng Vàng, rừng ngập mặn Đồng Rui, chợ phiên các dân tộc thiểu số Hà Lâu… Ngay trong lòng thị trấn Tiên Yên, không gian phố cổ được điểm tô nhiều sắc màu với hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian, ẩm thực đường phố. Một “Hồn xưa, nét cũ, Tiên Yên phố” được tái hiện lại gợi nhiều suy tư cho khách tham quan.
Tại đây, du khách dường như thấy lại không khí đô hội của Tiên Yên một thời cửa ngõ Đông Bắc buôn bán tấp nập, trên bến dưới thuyền. Nơi không xa Móng Cái là bao, cũng gần gụi ngay cửa biển Vân Đồn, nơi tự hào vì các dòng sông đổ về đón nhận tinh hoa văn hóa của nhiều dòng người, nhiều dân tộc quần tụ sinh cơ lập nghiệp.
Lễ hội có sức sống tự thân ở Tiên Yên
Trong Tuần Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ III, năm 2020 diễn ra tại huyện Tiên Yên từ ngày 28/10 đến 2/11.
Ngoài các chương trình liên hoan nghệ thuật, lần đầu tiên huyện Tiên Yên đã đưa các hoạt động thường ngày của người dân vào lễ hội.
Mùa vàng ở thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực. Ảnh: Đỗ Giang
Lễ hội Mùa vàng vùng cao Đại Dực 2020 gắn với Lễ hội Văn hóa - thể thao Sán Chỉ với địa điểm được chọn là ruộng bậc thang thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực. Những năm trước, Lễ hội Văn hóa - Thể thao Sán Chỉ thường được diễn ra vào sau Tết Nguyên đán đồng hành với hàng loạt lễ hội ở Tiên Yên của các dân tộc Tày, Dao. Không những thế, các địa phương lân cận như: Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ cũng có nhiều lễ hội của bà con dân tộc thiểu số sau Tết Nguyên đán. Sự giống nhau về thời gian và có nhiều nét tương đồng về cách tổ chức dẫn đến sự nhàm chán với nhiều người.
Năm nay, Tiên Yên đưa Lễ hội Văn hóa -Thể thao Sán Chỉ gắn với Lễ hội Mùa vàng vùng cao Đại Dực vào cuối tháng 10 là cách làm thay đổi về thời gian và chủ đề lễ hội.
Thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực, có nhiều diện tích ruộng bậc thang. Vào dịp tháng 10 cũng là khi lúa chín vàng, màu vàng của lúa giống như tấm thảm khổng lồ nổi bật với màu xanh trùng điệp của những rừng thông. Đại Dực có nhiều đồi thông, tập trung khá nhiều ở thôn Khe Ngàn. Du khách đến ngắm các đồng lúa vàng, dạo chơi trong đồi thông vi vu gió mát yên bình cuối thu, rồi chụp cho mình những bức ảnh kỷ niệm cho một hành trình.
Khe Ngàn nằm không xa quả đồi Tình, có thác nước đẹp nằm trải dài trên diện tích xã Đại Dực (Tiên Yên) và xã Húc Động (Bình Liêu). Nơi đây một thời là nơi vui chơi của nhiều nam thanh, nữ tú rồi trở thành bạn tình lãng mạn. Vào tháng 10, cỏ cây hoa lá ở đồi Tình có màu sắc riêng rất thơ mộng. Từ thôn Khe Ngàn có đường đi sang xã Húc Động (Bình Liêu) nơi có thác Khe Vằn là điểm du lịch của huyện Bình Liêu, nơi thu hút rất nhiều du khách.
Những năm trước, gà Tiên Yên thường là thi ẩm thực, năm nay sẽ đưa gà còn sống vào thi "Vua gà và đôi gà đẹp nhất huyện Tiên Yên".
Cũng trong Tuần Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ III năm 2020 sẽ tổ chức Hội thi "Vua gà và đôi gà đẹp nhất huyện Tiên Yên". Gà được chọn lọc ra từ các chú gà to đẹp, mà chủ gà đến dự thi chính là các nông dân ở các xã được chọn lựa thực hiện. Với cách làm này, lễ hội tôn vinh con gà vốn là niềm kiêu hãnh về ẩm thực của Tiên Yên mà tôn vinh cả những người nuôi gà.
Anh Hoàng Văn Cương, thôn Hà Gián, xã Đông Ngũ, là người nuôi nhiều gà ở xã, cho biết: Tôi đã biết nhiều cuộc thi gà, thế nhưng đều là gà đã nằm trên mâm cỗ. Con gà Tiên Yên khi chưa mổ thịt thì nó cũng có vẻ đẹp riêng và cũng rất cần người tiêu dùng biết đến.
Năm nay trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa - Thể thao huyện Tiên Yên còn có môn thi chạy vượt đồi núi, đây cũng là môn thể thao mới.
Anh Sằn Chi Nàm, Bí thư, Trưởng thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu, cho hay: Với môn thi này, ngay cả thôn xa xôi chúng tôi cũng vẫn có thể chọn vận động viên tham gia, vì nó gắn liền với hoạt động thường ngày của bà con. Hàng ngày người dân đi lên rừng, đồi đã thành thói quen coi như thường xuyên luyện tập. Các môn thể thao khác, bà con phải nghỉ việc đồng áng, lên rừng để dành thời gian luyện tập, nên nhiều người không tham gia vì bận, còn nếu không luyện tập thì chắc kết quả thi không cao.
Như vậy, trong năm nay du khách gần xa đến với Tiên Yên vào tuần lễ hội, sẽ chứng kiến nhiều cái mới, gắn liền với đời sống văn hóa kinh tế thiết thực của người dân vùng cao.
Về Tiên Yên, đi chợ phiên Hà Lâu, tắm thác Pạc Sủi giữa lưng chừng trời 'Tiên Yên - điểm đến an toàn, thân thiện', đây là thông điệp của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) mang đến du khách nhân sự kiện hoạt động 'Chào hè 2020' được tổ chức ở phố đi bộ Tiên Yên vào tối thứ bảy (6-6) vừa qua. Với các hoạt động điểm nhấn ở sân khấu phố đi bộ, hoạt động trải nghiệm...