Microsoft hợp tác Darktrace chống lại các mối đe dọa an ninh mạng
Đầu tháng 5.2021, Microsoft ra mắt Counterfit nhằm giúp các tổ chức tự động hóa cách thức giúp họ kiểm tra tính bảo mật. Giờ đây, Microsoft muốn sử dụng AI để giúp bảo vệ các doanh nghiệp khỏi nhiều loại mối đe dọa khác nhau.
Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực an ninh mạng hiện được các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ chú trọng
Theo Neowin , Microsoft đã công bố mối quan hệ đối tác mới với Darktrace, một công ty AI an ninh mạng có trụ sở tại Anh chuyên giúp khách hàng giải quyết các mối đe dọa bằng cách sử dụng “trí tuệ nhân tạo tự học”. Hệ thống phản hồi mối đe dọa của Darktrace được thiết kế để chống lại các mối đe dọa nội gián, gián điệp, tấn công chuỗi cung ứng, lừa đảo và đòi tiền chuộc (ransomware).
Sự hợp tác giữa Microsoft và Darktrace nhằm mang đến cho các tổ chức một phương thức tự động điều tra các mối đe dọa trên nhiều nền tảng. Hệ thống của Darktrace hoạt động bằng cách tìm hiểu dữ liệu trong một môi trường cụ thể cũng như cách người dùng hành xử. Mục đích là để biết hoạt động nào là lành tính hay độc hại.
Nói về quan hệ đối tác mới, Clare Barclay, giám đốc điều hành của Microsoft ở Anh cho biết “khi các cuộc tấn công mạng ngày càng trở nên tinh vi, AI đang tăng cường cấp độ bảo vệ sâu hơn trong việc phát hiện những mối đe dọa này. Sự hợp tác giữa Microsoft và Darktrace sẽ giúp giữ an toàn cho các tổ chức, cho phép họ tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi và khách hàng của mình”.
Microsoft cho biết liên minh đặc biệt hữu ích đối với các tổ chức khi họ chuyển sang đám mây. Có ba lĩnh vực mà Microsoft và Darktrace sẽ giúp các tổ chức giải quyết các thách thức về bảo mật. Đầu tiên, họ sẽ sử dụng AI của Darktrace để phản hồi các mối đe dọa email nâng cao. Khách hàng cũng có thể gửi và xem các cảnh báo và báo cáo sự cố mạng với việc tích hợp Darktrace vào Azure Sentinel. Cuối cùng, khả năng phát hiện AI của Darktrace cũng có thể được liên kết với giải pháp Microsoft Defender for Endpoint.
Tin tặc truy cập mã nguồn 3 sản phẩm quan trọng của Microsoft
Microsoft đã hoàn tất cuộc điều tra vụ tấn công SolarWinds và xác định các tin tặc không lấy được dữ liệu của khách hàng nhưng đã truy cập được mã nguồn ba sản phẩm của hãng.
Azure, Intune và Exchange là ba sản phẩm của Microsoft bị tấn công
Theo Engadget , Microsoft cho biết họ không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy tin tặc đã sử dụng hệ thống của công ty nhằm tấn công các nạn nhân khác - bao gồm 9 cơ quan liên bang và khoảng 100 công ty trong khu vực tư nhân. Trên thực tế, các nhà chức trách tin rằng có tới 18.000 thực thể bị ảnh hưởng, con số này tương ứng với số lượng khách hàng của SolarWinds đã tải xuống bản cập nhật độc hại.
Trong một bài đăng trên blog của công ty, Microsoft cho biết những tin tặc đã truy cập và tải xuống mã nguồn cho ba sản phẩm gồm dịch vụ điện toán đám mây Azure, giải pháp quản lý dựa trên đám mây Intune và dịch vụ máy chủ email và lịch Exchange. Trong cả ba trường hợp, Microsoft cho biết những kẻ tấn công chỉ truy cập được vào một số lượng nhỏ các tập tin, mặc dù các cụm từ tìm kiếm cho thấy chúng tập trung vào việc tìm kiếm các bí mật quan trọng hơn của công ty.
Chiến dịch tấn công quy mô lớn bắt đầu diễn ra vào tháng 10.2019, xâm phạm các hệ thống mạng sử dụng công cụ quản lý mạng Orion của SolarWinds. Phân tích của Microsoft cho thấy những kẻ tấn công lần đầu tiên xâm nhập các tập tin của hãng vào cuối tháng 11.2020.
Ngoài Microsoft, những kẻ tấn công cũng đột nhập vào hệ thống của NVIDIA, Intel, Cisco, Belkin và các cơ quan chính phủ như Bộ Tư pháp và Cục An ninh hạt nhân Mỹ. Những kẻ tấn công cũng cố gắng xâm nhập nhiều công ty khác, bao gồm cả Malwarebytes, các công ty không sử dụng phần mềm của SolarWinds.
Ngành dược phẩm là đối tượng hàng đầu của tội phạm mạng Theo báo cáo của Deloitte, ngành dược phẩm tư nhân và nhà nước đang trở thành mục tiêu số một của tội phạm mạng, đặc biệt khi các nhà sản xuất thuốc tăng cường số hóa và lưu trữ trực tuyến dữ liệu có giá trị cao. Những cuộc tấn công mạng ngày càng tăng trong bối cảnh đại dịch Trang Pharmaphorum cho...