Mexico, Saudi Arabia cho học sinh trở lại trường học
Ngày 30/8, sau gần 18 tháng tạm dừng không đến trường, trên 25 triệu học sinh mầm non, tiểu học và trung học ở Mexico đã quay lại trường học để bắt đầu năm học mới 2021-2022.
Phụ huynh đưa các em nhỏ đến lớp trở lại sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19 tại Mexico City, Mexico. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, Bộ Giáo dục Mexico cho biết khoảng 90% lớp học đáp ứng đủ các điều kiện về vệ sinh y tế sẽ mở cửa đón các học sinh trở lại. Mô hình giáo dục kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng công nghệ được áp dụng trong tình hình đại dịch COVID-19.
Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi lớp học sẽ được chia làm 2 nhóm để đảm bảo khoảng cách an toàn, thời gian mỗi tiết học không quá 45 phút, tất cả các lớp học phải mở cửa thông gió. Nhà trường không tổ chức lễ khai giảng hay các hoạt động tập trung đông học sinh. Cơ quan chức năng đưa ra các hướng dẫn y tế gồm yêu cầu học sinh giữ khoảng cách an toàn, các bàn học đảm bảo khoảng cách ít nhất 1,5 mét, toàn bộ học sinh bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay liên tục và nghiêm cấm chạm, sử dụng hoặc cho mượn bất kỳ tài liệu và vật dụng cá nhân nào, dù là bút chì, tẩy hoặc gọt bút chì.
Theo các chuyên gia về giáo dục, mặc dù tồn tại nguy cơ lây nhiễm cao, song việc quay trở lại lớp học là cần thiết để bù đắp kiến thức cũng như tạo sự hòa nhập xã hội trở lại đối với học sinh.
Video đang HOT
Bộ Y tế Mexico thông báo đã ghi nhận gần 140.000 người dưới 17 tuổi mắc COVID-19, trong đó có 724 ca tử vong. Mexico đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 3 trong vòng hơn 1 tháng qua, với mỗi ngày có bình quân gần 20.000 ca nhiễm mới và hơn 700 ca tử vong. Mexico hiện đứng thứ 4 thế giới về số ca tử vong do COVID-19, với trên 258.000 trong khi số ca nhiễm lên đến gần 3,34 triệu người.
Cùng ngày, khoảng 6 triệu học sinh ở Saudi Arabia lần đầu tiên trở lại trường học kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, trong bối cảnh số liệu thống kế cho thấy số ca bệnh ở nước này đang ở mức ổn định và số ca tử vong đang giảm.
Tuy nhiên, giới chức Saudi Arabia vẫn triển khai các biện pháp phòng chống lây nhiễm như yêu cầu các học sinh phải đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt trước khi vào lớp, học sinh từ 12 tuổi trở lên phải trình giấy chứng nhận đã tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19. Tại trường học, giờ nghỉ giải lao và các hoạt động liên quan tới hoạt động thể chất ở cự li gần đều bị huỷ bỏ, học sinh phải duy trì khoảng cách an toàn với nhau…
Số ca mắc mới tại Saudi Arabia đã ổn định ở mức vài trăm ca/ngày trong tháng trước so với mức đỉnh hơn 4.000 ca/ngày trong tháng 6/2020. Trong khi đó, số ca tử vong trung bình là dưới 10 ca/ngày trong tháng 8. Ngày 29/8, Bộ Y tế Saudi Arabia thông báo nước này có thêm 208 ca mắc mới và 6 ca tử vong. Nước này đã sử dụng hơn 36 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và 78% trong tổng số 35 triệu dân của nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Lào tăng cường kiểm tra y tế đối với người nhập cảnh
Ngày 29/8, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 155 ca mắc mới COVID-19 và 2 trường hợp tử vong.
Bác sĩ đang lấy mẫu xét nghiệm cho một người dân Viêng Chăn tại một điểm xét nghiệm dã chiến. Ảnh: Phạm Kiên/Pv TTXVN tại Lào
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Bộ Y tế Lào nêu rõ trong số các ca mắc mới có 140 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 15 ca cộng đồng. Trường hợp tử vong thứ 13 của Lào được xác nhận là một phạm nhân 33 tuổi ở tỉnh Savannakhet. Trường hợp tử vong thứ 14 là một phụ nữ 74 tuổi có tiền sử huyết áp ở thành phố Kaysone Phomvihane, cũng ở tỉnh Savannakhet.
Bộ Y tế Lào cho biết ngày càng có nhiều trẻ em và thai phụ mắc COVID-19 tại nước này. Đây là nhóm đối tượng cần được lưu ý và áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt khi được xác định mắc bệnh. Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào sẽ điều chỉnh và cải thiện phương pháp điều trị cho người mắc COVID-19 để phù hợp với nhóm đối tượng này.
Ngoài ra, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt khu vực biên giới thông qua việc tuần tra nghiêm ngặt, tăng cường sàng lọc y tế, chặt chẽ trong kiểm tra, đo thân nhiệt người qua các cửa khẩu quốc tế và cách ly theo quy định.
Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 14.816 ca, trong đó có 14 người tử vong.
* Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã buộc phải cách ly sau khi tiếp xúc gần với một bệnh nhân COVID-19. Trong thông báo phát ngày 30/8, văn phòng Thủ tướng Malaysia không nêu rõ thời gian phải cách ly cũng như liệu ông Sabri Yaakob đã thực hiện xét nghiệm COVID-19 hay chưa.
Ông Sabri Yaakob vừa tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Malaysia vào đầu tháng này sau khi người tiền nhiệm Muhyiddin Yassin từ chức do không nhận đủ sự ủng hộ của đa số nghị sĩ tại Quốc hội.
* Ngày 30/8, 600 trường học tại thủ đô Jakarta của Indonesia đã mở cửa trở lại dù rằng vẫn còn quan ngại về nguy cơ bùng phát ổ dịch tại trường học do sự lây lan của biến thể Delta.
Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết 610 trong tổng số 10.000 trường học đủ tiêu chuẩn đã được phép mở cửa trở lại và hoạt động với 50% công suất. Ông cũng nói rõ hiện tình hình dịch đang trong tầm kiểm soát. Theo quy định, các trường học vẫn tiếp tục thực hiện các quy định an toàn y tế, tổ chức học luân phiên vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu trong tuần. Thời gian học ở trường tối đa 12 tiếng.
Ông Anies cho biết hiện 91% học sinh từ 12-18 tuổi và 85% giáo viên tại Jakarta đã tiêm phòng đầy đủ. Gần 705 dân số Jakarta đã tiêm vaccine phòng COVID-19. Tuần trước, Bộ trưởng Giáo dục Malaysia Nadiem Makarim đã kêu gọi thúc đẩy tiến độ mở cửa trở lại trường học để đảm bảo chất lượng học tập của các em học sinh. Ông nói rõ nhiều học sinh đã bỏ học, đặc biệt là các bé gái tại một số vùng, điều này làm giảm các mục tiêu giáo dục.
Tuy nhiên, có nhiều lo ngại rằng việc nối lại giảng dạy trực tiếp tại trường học cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch lây lan khi mà biến thể Delta có khả năng truyền nhiễm với tốc độ nhanh hơn. Ông Heru Purnomo, thuộc Hiệp hội giáo viên Indonesia, cảnh báo việc nhân rộng số trường học được phép hoạt động trở lại đặt ra rủi ro đối với sức khỏe của học sinh. Thống kê chính thức cho thấy, tỷ lệ trẻ em trong tổng số ca mắc và tử vong tại Indonesia lần lượt là 13% và 1%.
Singapore: Học sinh tiểu học bị dị ứng mắt không rõ nguyên nhân Trường Tiểu học Springdale, Singapore, thông báo đầu tuần này, 70 học sinh trường bị dị ứng mắt nhưng không xác định được nguyên nhân của sự việc. Trường Tiểu học Springdale, Singapore. Học sinh ngay lập tức được đưa đến phòng y tế để theo dõi đồng thời thông báo sự việc cho cha mẹ. Các lớp học được khử trùng, làm...