Metal gear Rising: Revengeance – Raiden phục thù
Một trong những tựa game hành động xuất sắc nhất trên console cũng đã góp mặt trên PC.
Những tựa game đến từ Nhật Bản rất hiếm khi được phát hành trên PC hoặc được port qua PC, và trong những dịp hiếm hoi ấy thì chúng cũng thường bị port một cách hết sức cẩu thả. Đó là một sự thật đáng buồn, bởi nó cũng đồng nghĩa với việc game thủ PC đã và đang bỏ lỡ cả một nền văn hóa game cực kì đặc sắc, và trải nghiệm của họ với những trò chơi kinh điển như Dark Souls hay Resident Evil 4 có thể đã không được trọn vẹn như mong đợi bởi những màn “chuyển giao công nghệ” miễn cưỡng từ console lên PC.
Tuy nhiên những trường hợp ngoại lệ đôi khi cũng xuất hiện. Ngày 9/1 vừa qua, Konami cùng hãng phát triển Platinum Games (cha đẻ của những tựa game hành động đặc sắc độc quyền cho console như The Wonderful 101, Vanquish và đặc biệt là Bayonetta) đã đưa tựa game có cái tên kì lạ Metal Gear Rising: Revengeance của họ lên hệ máy chơi game trường thọ nhất trong các hệ máy chơi game, sau khi đã trình làng sản phẩm này trên PlayStation 3 và Xbox 360 vào đầu năm 2013. Và đó có thể coi là một trong những tin vui nhất năm dành cho các “tín đồ” của PC, bởi đây không chỉ là một bản port chất lượng, đây còn là bản port của một trong những tựa game hành động điên loạn và sáng tạo nhất của thế hệ console này.
Trailer Metal gear Rising: Revengeance – Raiden phục thù
Metal Gear Rising: Revengeance lấy bối cảnh 4 năm sau phiên bản Metal Gear Solid 4: Guns of the Patriots. Sau những sự kiện xảy ra trong Metal Gear Solid 4, Raiden (hay Jack the Ripper) – nhân vật chính nửa người nửa máy từng góp mặt trong Metal Gear Solid 2: Sons of Liberty – đã tham gia làm việc cho Maverick Securities, một tập đoàn quân sự tư nhân chuyên hoạt động bảo vệ tại những quốc gia từng chịu ảnh hưởng của thế lực xấu xa The Patriots. Không may, một tổ chức khủng bố mới mang tên Desperado Enterprises quyết định phá rối và tấn công một trong những “khách hàng” cấp cao nhất của Raiden, buộc anh phải lên đường tìm ra mục đích thực sự của chúng và ngăn chặn chúng trước khi quá muộn. Đó là tất cả những gì mà game thủ cần biết về cốt truyện của Revengeance, và thành thực mà nói thì cốt truyện diễn ra như thế nào cũng chẳng mấy quan trọng, bởi đặc điểm của những tựa game “gắn mác” Platinum Games đó là lấy lối chơi làm cốt lõi.
Không giống những phiên bản khác trong series Metal Gear, Revengeance là một tựa game hành động thuần túy. Raiden sử dụng thanh kiếm katana của anh cùng một vài món vũ khí khác để tạo nên những chuỗi combo ồ ạt và “thái lát” đối thủ. Sử dụng đan xen hai đòn tấn công cơ bản light attack (chuột trái) và heavy attack (chuột phải), người chơi có thể xâu chuỗi thành những đòn đánh choáng, đánh tung địch thủ lên không và rất nhiều những chuỗi đòn liên hoàn hủy diệt khác nữa. Đây là một hệ thống chiến đấu thoạt nghe có vẻ giản đơn nhưng kết hợp với luyện tập và độ chuẩn xác sẽ dần trở nên rất phức tạp.
Sau khi đã rút bớt lượng máu của đối thủ, Raiden có thể kết liễu với một ngón đòn tấn công đặc biệt mang tên Zandatsu (hay Blade Mode), khi được kích hoạt bằng phím Shift sẽ chuyển góc nhìn ra sau vai Raiden và cho phép người chơi tùy ý lia những nhát chém ngang, dọc, cắt đối thủ thành từng mảnh nhỏ – cực kì tàn bạo và mãn nhãn. Người chơi cũng có thể tự di chuột để “ngắm” nên chắc chắn sẽ không có chuyện kĩ năng Zandatsu trở nên nhàm chán với chỉ 1 hay 2 nhát chém đơn thuần. Kĩ năng này sẽ được lồng ghép liên tục vào những pha Quick Time Event trong game khi Raiden đấu trùm hoặc cần phải “cắt lát” một chướng ngại vật nào đó để mở đường đi tiếp. Tuy vậy cũng như bất kì tuyệt chiêu đặc biệt nào, Zandatsu không thể được dùng một cách tùy tiện. Bên dưới cột máu của Raiden là một thanh năng lượng, sẽ bị rút cạn từ từ mỗi khi người chơi sử dụng Blade Mode.
Tuyệt chiêu Zandatsu cũng không chỉ được thiết kế cho mỗi mục đích làm vui mắt người chơi. Khi Blade Mode được kích hoạt, thời gian sẽ trôi chậm lại (một dạng bullet time trong các game bắn súng) và một mục tiêu hình vuông sẽ xuất hiện trên người đối thủ. Chém trúng vào ô vuông này sẽ để lộ ra lõi năng lượng của đối thủ, và Raiden có thể hấp thu các lõi năng lượng này để hồi lại toàn bộ cột máu và cột năng lượng. Chơi game ở những độ khó “tàng tàng” như Easy hay Normal không cho thấy hết được tác dụng của việc giành lấy những lõi năng lượng này, vì vậy có thể bạn sẽ chẳng còn bận tâm đến việc hấp thu chúng nữa một khi “trò vui” này trở nên bớt thú vị đi, nhưng cứ thử đẩy độ khó lên cao hơn xem và bạn sẽ thấy rằng việc liên tục được “đổ” đầy cột máu và năng lượng quả là “của trời cho”, khi mà sức chịu đòn của Raiden trở nên rất có hạn.
Video đang HOT
Raiden không chỉ sở hữu toàn những kĩ năng tấn công; phòng thủ, cụ thể hơn là đỡ đòn (parry), cũng là một chiêu thức mà người chơi bắt buộc phải học và tận dụng nếu như muốn sống sót. Bên cạnh Zandatsu, đây là một trong hai cơ chế gameplay then chốt của Revengeance. Không đơn giản như trong Assassin’s Creed hay Batman, người chơi cần phải nhấn đồng thời cả phím light attack lẫn nút bấm hướng tương ứng với hướng tấn công của kẻ địch để tung ra một pha đỡ đòn.
“Canh” sao cho đúng lúc là yếu tố sống còn đối với mỗi pha parry, và sau một đôi lần sử dụng thành công kĩ năng này, người chơi sẽ thấy nó hữu dụng đến thế nào. Nhấn phím light attack quá sớm hoặc quá muộn – Raiden sẽ hạ kiếm xuống và lĩnh đủ một đòn chí mạng của đối thủ; nhấn phím light attack hơi sớm một chút – Raiden sẽ chỉ đơn thuần block đòn đánh của đối thủ mà thôi. Nhưng nếu parry chuẩn không lệch một giây nào, Raiden sẽ tung ra một pha phản đòn và tự động kích hoạt chế độ chết chóc Zandatsu. Raiden có thể phản được gần như tất cả mọi đòn đánh ập tới mà không bị “dính chưởng” dù chỉ một lần. Để thực hiện được điều đó sẽ là rất khó khăn, nhưng hoàn toàn không phải là bất khả thi nếu chịu bỏ thời gian luyện tập.
Ngoài vũ khí chính là thanh katana và một số vũ khí phụ thu được bằng cách đánh bại các con trùm, có một số món “đồ chơi” khác mà game thủ có thể trang bị cho mình, chẳng hạn như rocket launcher, lựu đạn EMP. Các món đồ chơi này tuy đa dạng nhưng thường không được sử dụng nhiều vì chúng đòi hỏi người chơi phải ngắm bắn. Kẻ địch trong game đều di chuyển với tốc độ cao và việc phải dùng đến cơ chế ngắm sẽ khiến game thủ gặp bất lợi.
Hạ các đối thủ và “chặt chém” gần như bất kì thứ gì trong màn chơi đều sẽ đem lại cho game thủ những điểm battle point (BP) có thể được dùng để mua các đòn đánh mới, vũ khí mới, các nâng cấp và những bộ giáp mới cho Raiden. Số lượng các nâng cấp là tương đối lớn và kể cả khi đã hoàn thành game thì game thủ cũng chưa thể kiếm được đủ BP để mua những nâng cấp có giá trị.
Xuôi về cuối game, Raiden sẽ nhận được khả năng biến đổi sang chế độ “điên loạn” mỗi khi thanh năng lượng được nạp đầy. Chế độ này mang tên Ripper Mode, rất giống với Rage Mode của series God of War. Kích hoạt chế độ này, trong khi thanh năng lượng bị rút cạn nhanh chóng, Raiden có thể chặt, chém, thái mỏng đối thủ mà không cần phải bật Blade Mode, có thể phớt lờ hoàn toàn giáp sắt “trâu bò” của các cyborg và cắt vụn chúng thành nhiều mảnh. Chế độ này dù chỉ kéo dài vỏn vẹn vài giây nhưng vẫn là một “mánh” tấn công cực kì mạnh mẽ, có thể làm thay đổi cục diện trận chiến nếu biết dùng đúng lúc, đúng chỗ.
Các trận đấu trùm là ví dụ tiêu biểu nhất cho tính chất điên cuồng không giới hạn của Revengeance và mang tới một thách thức ở tầm khác cho những màn hack-n’-slash “đều đều” của mỗi màn chơi. Chúng có thể là những trận đấu cực kì hoành tráng và chênh lệch về mặt kích cỡ hoặc có thể là một màn đối đầu một chọi một với một cyborg khác. Đánh bại những con boss màu mè này chung qui đều xoay quanh việc tìm ra đòn tấn công nào cần tránh, đòn tấn công nào có thể counter được và thời cơ nào nên tung ra những nhát kiếm sắc lẹm (chiến thuật “phòng ngự phản công” với cơ chế parry trở thành ưu tiên hàng đầu) – tuy nhiên Platinum Games cũng rất biết cách lồng vào những chi tiết tài tình.
Chẳng hạn, gã trùm đô con Sundowner sở hữu một tấm lá chắn lớn phát nổ, đòi hỏi người chơi phải biết ghìm kiếm kịp thời mỗi khi hắn giơ lá chắn ra đỡ nếu không muốn bị nổ tung, đồng thời kiên nhẫn “cắt lát” tấm khiên ra bằng những nhát kiếm cực kì chính xác trước khi có thể trút giận một cách thoải mái. Mỗi trận đấu lại đem tới một vài “phụ gia” đa dạng cho trải nghiệm Revengeance và thực sự khiến người chơi cảm thấy hào hứng.
Âm thanh trong game là một điểm cộng không thể bàn cãi, phần lớn là nhờ vào bộ soundtrack tràn ngập những bản heavy metal mạnh mẽ cất lên đúng vào những lúc các pha hành động đang trở nên dồn dập. Phần lồng giọng, đáng tiếc, lại không đạt được thành công tương tự khi nhân vật chính Raiden lạm dụng giọng gằn kiểu “nghiêm trọng” quá mức cần thiết đến nỗi nghe hơi buồn cười, còn các nhân vật khác lại không có nhiều cơ hội “lên hình” để trổ tài, tuy nhiên với một tựa game gồm toàn máy móc tối tân và những ninja nửa người nửa máy, điều này cũng là có thể bỏ qua được.
Môi trường ngoại cảnh – nội cảnh trong Revengeance tẻ nhạt hơn nhiều so với những tựa game trước đây của Platinum Games, đặc biệt là Bayonetta. Phải thừa nhận rằng series Metal Gear từ trước tới nay thường lấy bối cảnh ở những địa điểm không có nhiều đất diễn cho phong cách thiết kế nghệ thuật chẳng hạn như phòng ốc cao tầng, căn cứ quân sự. Nhưng những căn phòng làm việc của Revengeance lại tỏ ra đặc biệt đơn điệu, và những dãy phố của game nhàm chán, loanh quanh một tông màu xám xịt không hấp dẫn. Trong một tựa game sở hữu những trường đoạn hành động đầy sáng tạo về ý tưởng và vô cùng tinh tế trong khâu thiết kế, sự khác biệt giữa chúng và bối cảnh của chúng quả là đáng kinh ngạc.
Bù lại cho sự thất vọng về mặt đồ họa, Revengeance khá “nhẹ nhàng” so với những tựa game hành động xuất hiện trên PC thời gian gần đây, luôn chạy trơn tru với khung hình ổn định ở mức 60 FPS trên một máy tính cấu hình tầm trung (Ram 4GB, VGA HIS 6670 1GB DDR5, chipset G620) và khác với phiên bản console, phiên bản PC có đầy đủ các thiết lập đồ họa khử răng cưa, đổ bóng dù độ phân giải cao nhất có thể chỉnh được chỉ dừng ở mức 1920×1080.
Chế độ Zandatsu đã được xếp vào hàng “kì quan” công nghệ của năm 2013 và kể cả đến nay sự ấn tượng vẫn còn nguyên vẹn; vốn ban đầu chỉ được xem như một “chiêu vặt” màu mè khi được giới thiệu trong các đoạn trailer, Zandatsu nhanh chóng đánh bật mọi ánh mắt nghi hoặc để trở thành một công cụ sáng tạo và tách biệt Revengeance khỏi những đối thủ sừng sỏ cùng thể loại, chẳng hạn như trò chơi với phong cách đồ họa đầy tính thẩm mĩ ra mắt cùng thời điểm này năm ngoái, DmC.
Đáng tiếc đồ họa và lồng tiếng chưa phải là những yếu tố duy nhất không đạt được thành công như mong đợi của Revengeance. Mặc dù về tổng thể thì Revengeance là một bản port chất lượng, một vấn đề còn đọng lại từ phiên bản trên console nhưng vẫn chưa hề được hiệu chỉnh ở phiên bản PC này đó là camera. Đôi khi camera trong game cũng “chống lại” người chơi như một kẻ địch thứ hai. Camera tỏ ra đặc biệt khó chịu trong những môi trường nội cảnh chật hẹp, xoay loạn xạ che khuất đối thủ và vô tình tiếp tay cho chúng lẻn tới từ phía sau và chặn đứng mạch tấn công người chơi. Hệ thống chiến đấu trong game đáng ra đã đạt một điểm 10 toàn vẹn nếu như không có khiếm khuyết này.
Nhưng vấn đề lớn nhất mà Revengeance mắc phải lại bắt nguồn từ cái nửa “Metal Gear” trong huyết quản của nó. Konami vốn nổi tiếng “dài dòng” trong khâu kịch bản, và Revengeance cũng không là ngoại lệ. Mặc dù chưa kinh khủng đến mức bắt người chơi phải xem trọn những đoạn phim cắt cảnh dài tới 40 phút như Metal Gear Solid 4nhưng số lượng những câu thoại và những màn “trình bày” xuất hiện trong game vẫn là khó chấp nhận đối với hầu hết các game thủ. Không phủ nhận một số đoạn hội thoại trong game tỏ ra tương đối thú vị, nhất là những đoạn trao đổi giữa Raiden với trí thông minh nhân tạo phụ tá Wolf, nhưng ngắn gọn một chút hẳn nhiên vẫn “lợi cả đôi đường” hơn.
Thành thực mà nói, thời lượng của những đoạn trao đổi cũng chưa khó chịu bằng mật độ xuất hiện dày đặc phá vỡ sự liên tục trong game của chúng. Gần như mọi pha hành động đều được tiếp nối bằng một cuộc gọi Codec, trong đó Raiden buộc phải chậm chạp di chuyển dọc một hành lang dài, lắng nghe các đồng nghiệp của anh ta dành ra gần 5 phút để nói về những chuyện chẳng mấy quan trọng. Những sự ngắt quãng liên miên và không cần thiết này chẳng có ích lợi gì mà chỉ gây hại cho trải nghiệm tổng thể của người chơi, nhất là khi Revengeance lại là một tựa game thuộc thể loại hành động thuần túy, thể loại mà tốc độ của các diễn biến đóng vai trò then chốt.
Lạ lùng thay, với một tựa game “dông dài” như vậy, thời lượng chơi thực (tức không tính thời gian xem cutscene) của nó lại tương đối hạn chế, chỉ rơi vào khoảng 5 giờ đồng hồ. Nhưng mặc dù có một mảng campaign ngắn ngủi, Revengeance – PC vẫn còn tới những 30 VR mission cùng hai bản DLC theo cốt truyện đi kèm cho những game thủ cảm thấy chưa thật sự thỏa mãn. Đây là một bản port khá hoàn chỉnh, xứng đáng với cái giá 30 USD mà Konami đòi hỏi cho phiên bản PC.
Konami đã quyết định đúng khi đưa Revengeance lên PC, bởi vẫn còn rất nhiều game thủ PC tò mò muốn biết Platinum Games đã đạt tới trình độ “thượng thừa” đến thế nào đối với thể loại hành động – phiêu lưu, cũng như đã thành công đến đâu khi mạo hiểm tiếp quản một phiên bản mới trong một series danh tiếng không do họ khởi xướng. Sẽ là điều dễ hiểu nếu như có một vài fan gạo cội của dòng game Metal Gear tỏ ra không hào hứng lắm với phong cách chơi mới mẻ này. Nhưng nếu như game thủ sẵn sàng dành cơ hội cho những cái mới hoặc chỉ đơn giản là hâm mộ cuồng nhiệt lối chơi hành động nhanh đến chóng mặt và không để tâm lắm tới một vài hạt sạn đồ họa thì chắc chắn nên trải nghiệm gameplay đặc sắc và mãn nhãn của Revengeance ít nhất là một lần. Hi vọng rằng với khoản doanh thu hứa hẹn, trong tương lai game thủ sẽ được thấy thêm nhiều sản phẩm nữa từ Konami hoặc Platinum Games xuất hiện trên Steam.
Theo VNE
Metal Gear Rising: Revengeance PC không thể chơi offline
Vừa ra mắt hôm qua nhưng tin xấu đã xuất hiện khi game thủ bắt buộc phải có kết nối internet để trải nghiệm sản phẩm này.
Sau gần một năm xuất hiện, tới hôm qua 9/1, trò chơi hành động này mới chính thức xuất hiện trên PC thông qua hệ thống tải về của Steam. Tuy nhiên, những game thủ trải nghiệm đầu tiên của sản phẩm này đã ngỡ ngàng trước việc trò chơi không thể hoạt động nếu thiếu kết nối internet. Điều này được cho là bất hợp lý khi đây là một sản phẩm tập trung vào nội dung offline và tệ hơn nữa là nếu kết nối bị ngắt quãng trong quá trình chơi, mọi thứ sẽ được restart lại từ đầu.
Chưa rõ đây chỉ là vấn đề lỗi hay một dạng bảo vệ DRM nào đó được tạo ra bởi hãng phát hành Konami, tuy nhiên nó chưa từng được đề cập đến ở bất cứ đâu trước đó, kể cả trong yêu cầu cấu hình hay cảnh bảo của Steam trước khi tải về.
Hiện nhà phát hành game vẫn chưa có phản hồi gì về thông tin này và cộng đồng game thủ đang cảnh báo nhau nên cẩn thần trước khi quyết định tải sản phẩm này về.
Phát triển bởi Kojima Productions và Platinum Games, Metal Gear Rising: Revengeance được coi là trò chơi hành động nhập vai ấn tượng của thương hiệu Metal Gear nổi tiếng, được thừa hưởng sự cách tân trong gameplay với những trải nghiệm hành động hoàn toàn mới mẻ. Xoay quanh câu chuyện về nhân vật chính Raiden, một người lính trẻ đã bị biến thành một dạng Cyborg - nửa người nửa máy - game thủ sẽ có cơ hội sử dụng thanh kiếm katana đặc biệt để cắt xẻ hầu như tất cả mọi thứ trên đời, từ kẻ thù cho tới các công trình kiến trúc.
Phiên bản đi sau này sẽ bao gồm tất cả ba nhiệm vụ mở rộng gồm Blade Wolf, Jetstream và VR Missions, bên cạnh các tính năng nâng cấp cơ thể để tùy biến cho Raiden như White Armor, Inferno Armor, Commando Armor, Raiden's MGS4 body và Cyborg Ninja.
Theo VNE
Metal Gear Rising Revengeance PC: Bản nâng cấp hoàn hảo Liệu Metal Gear Rising có đáp ứng đúng kỳ vọng của người hâm mộ, hay đây lại đơn thuần là một bản port cẩu thả không hơn không kém. Kể từ khi ra mắt vào cuối tháng 02 năm ngoái, cộng đồng fan hâm mộ dòng game hành động bí mật Metal Gear Solid đã nửa mừng nửa lo vì phiên bản spin...