Meta gặp ’sóng gió kiểm duyệt’
Meta và trang tin The Wire của Ấn Độ vướng vào cuộc xung đột nảy lửa bắt nguồn từ một hình ảnh đã bị xóa trên Instagram.
Meta – công ty mẹ của Facebook và Instagram – đang là tâm điểm tranh cãi ở Ấn Độ trong hai tuần qua. Bắt đầu từ ngày 6/10, The Wire, ấn phẩm tin tức độc lập nổi tiếng tại Ấn Độ, đăng bài viết về việc Instagram gỡ bỏ hình ảnh châm biếm của tài khoản @cringearchivist với lý do vi phạm chính sách về “hoạt động tình dục và ảnh khỏa thân”. Tuy vậy, thực tế nội dung bức ảnh không hề cho thấy điều đó.
Một số ý kiến cho rằng hệ thống kiểm duyệt tự động của Instagram gắn cờ sai. Tuy nhiên, bài viết trên The Wire lại khẳng định ảnh đã bị xóa theo yêu cầu của Amit Malviya, người đứng đầu bộ phận công nghệ thông tin của đảng Nhân dân Ấn Độ cầm quyền (BJP). Những phản hồi liên tiếp sau đó giữa hai bên tạo nên cuộc tranh cãi dữ dội.
Meta và The Wire đang trong cuộc chiến truyền thông. Ảnh: Scroll.in
Điều gì đang xảy ra?
Theo trang báo này, Malviya khiến bài viết bị xóa bằng cách sử dụng đặc quyền dành cho những người dùng nổi tiếng. Trong ảnh chụp màn hình tài liệu nội bộ do trang có được, tài khoản của Malviya là @amitmalviya đã báo cáo bài đăng của @cringearchivist trước khi ảnh bị xóa. Ông được cho là có quyền sử dụng XCheck – chương trình “kiểm tra chéo” dành cho người nổi tiếng với khả năng bỏ qua quy trình kiểm duyệt thông thường trên Facebook và Instagram.
Ngày 10/10, Meta khẳng định chương trình kiểm tra chéo không cấp quyền tự động xóa nội dung khỏi nền tảng cho các tài khoản đã đăng ký. Theo công ty, chính sách được đưa ra để “ngăn những sai lầm tiềm ẩn” và “để kiểm tra lại tính chính xác của một quyết định bằng cách cần nhiều thông tin hơn”.
Phản hồi báo cáo của The Wire, Guy Rosen, Giám đốc thông tin của Meta, cho biết đường dẫn instagram.workplace.com trong ảnh chụp màn hình không tồn tại. “Đó là sự bịa đặt. URL trên báo cáo đó không được sử dụng, cũng không nằm trong quy tắc đặt tên miền của chúng tôi”, Rosen viết trên Twitter.
The Wire tiếp tục chứng minh bằng video với nội dung: “Một phần không gian làm việc nội bộ của Instagram”. Video cho thấy, một người dùng đang cuộn qua danh sách “các báo cáo sự cố liên quan đến các nhân vật quan trọng” trên phần phụ trợ của Instagram. Theo trang này, nhân viên chỉ có thể truy cập phần này thông qua tên miền nội bộ của công ty là instagram.workplace.com.
“Chắc chắn video này không bị giả mạo”, chuyên gia phân tích độc lập Pranesh Prakash nhận định với The Verge.
Video đang HOT
Meta sau đó nói họ có bằng chứng cho thấy một người dùng đã tạo tài khoản Meta Workplace và sử dụng thủ thuật để biến nó “có vẻ thuộc về Instagram”. Tài khoản được tạo vào 13/10 – vài ngày sau báo cáo của The Wire.
“Dựa vào thời gian khởi tạo, tài khoản dường như được sinh ra làm bằng chứng hỗ trợ cho báo cáo thiếu chính xác của The Wire. Chúng tôi đã khóa nó để tránh bị sử dụng để tiếp tục lừa đảo”, đại diện Meta cho biết.
Trang báo Ấn Độ lại tiếp tục cung cấp bằng chứng mới, cho biết đã nhận được email từ Andy Stone, Giám đốc truyền thông Meta. Email bày tỏ sự thất vọng trước tài liệu nội bộ bị rò rỉ nói trên. Để khẳng định tính chính xác, họ sử dụng công cụ xác thực chữ ký DKIM (xác định tên miền qua thư) là Dkimpy nhằm chứng minh email thực sự đến từ máy chủ Meta, ở đây là fb.com. Toàn bộ quá trình được ghi lại dưới dạng video và công khai.
Đáp lại, Meta tuyên bố email trên là giả. Stone cũng khẳng định trên Twitter ngày 15/10: “Tôi chưa bao giờ gửi, viết hoặc thậm chí nghĩ những gì đang có trong email giả định đó, vì ngay từ đầu rõ ràng rằng những câu chuyện chỉ là bịa đặt”.
Chuyên gia an ninh mạng Arnab Ray đã phân tích video và cho rằng nó không thực sự chứng minh Stone đã gửi email. “DKIM dựa trên khóa công khai của miền, nghĩa là không thể chứng minh nó đến từ một người cụ thể. Nó chỉ cho thấy địa chỉ đó từ miền được gắn với một tổ chức cụ thể, như fb.com. Có vẻ ai đó đã có quyền truy cập vào email của Meta để giả mạo địa chỉ”, ông giải thích. Ngoài ra, ông nhận thấy ngày tháng trên các email ở phiên bản hiện tại không khớp với bản cũ năm 2021. Từ đó, ông cho rằng nội dung từ phía trang báo rất “đáng ngờ”.
Meta mất nhiều hơn được tại Ấn Độ
Thành lập năm 2015 bởi các nhà báo Ấn Độ, The Wire hoạt động phi lợi nhuận, và được xem là trang tin tức độc lập hàng đầu ở nước này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù tung ra nhiều bằng chứng, trang này dường như bắt đầu mất uy tín sau bài báo vì “không hoàn toàn kể đúng sự thật câu chuyện”. Một số cho rằng trang đã ngụy tạo bằng chứng, tạo dựng câu chuyện nhằm bôi nhọ Meta. Số khác dự đoán đây thực chất là âm mưu của một nhân viên nào đó ở Meta, bằng cách tạo bằng chứng giả để đánh lừa các nhà báo The Wire tin câu chuyện đó là thật. Thậm chí, có ý kiến nói ai đó liên kết với BJP để rò rỉ tin giả và cố ý làm mất uy tín của ấn phẩm.
Tuy vậy, sau tất cả, phía chịu thiệt hại nhiều nhất được cho là Meta. Công ty của Mark Zuckerberg có một mối quan hệ sóng gió với chính phủ Ấn Độ. “Việc đối đầu với một trang báo lớn chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”, The Vergebình luận.
Theo tài liệu nội bộ được cựu quản lý Frances Haugen tiết lộ cuối năm ngoái, Meta phần lớn phớt lờ các vấn đề đang xảy ra ở Ấn Độ. Còn theo New York Times, Meta đã phân bổ 87% ngân sách của mình để kiểm soát thông tin sai lệch ở Mỹ, 13% còn lại được phân bổ trên toàn thế giới. Riêng tại Ấn Độ, việc thiếu kiểm soát đã để lại làn sóng ngôn từ kích động thù địch và thông tin sai lệch trên Facebook trong nước.
Facebook đang bị Mark Zuckerberg ghẻ lạnh
CEO Meta chạy theo công nghệ vũ trụ ảo mà ngó lơ Facebook, nền tảng mang lại nguồn lợi chính cho công ty.
Nỗ lực của Mark Zuckerberg với metaverse chỉ gây thêm nhiều vấn đề cho Meta. Ảnh: CNBC.
Sự thất vọng đang bao phủ Meta, công ty mẹ của Facebook. Tập đoàn đã ném hơn 15 tỷ USD vào metaverse nhưng những gì họ nhận lại được lại là phản ứng tiêu cực từ người dùng, sự bất bình và nghi ngờ của các nhà đầu tư.
Mới đây, một tài liệu nội bộ chỉ ra tập đoàn công nghệ đặt mục tiêu sẽ đạt 500.000 người dùng trên Horizon Worlds vào cuối năm nay. Nhưng ở thời điểm hiện tại, con số này còn ít hơn 200.000 người, bất chấp những nỗ lực quảng bá hình ảnh của Mark Zuckerberg trên vũ trụ ảo này.
Thậm chí, các nhân viên của Meta còn chẳng thèm quan tâm đến tựa game này nhưng đã bị cấp trên ép tham gia. Họ sử dụng cụm từ "MMH" để ám chỉ dự án metaverse, có nghĩa là "make Mark happy" (tạm dịch: "làm hài lòng Mark Zuckerberg"), New York Times cho biết.
Sai lầm của Mark Zuckerberg
Sự cố chấp của CEO Meta với metaverse đã ảnh hưởng xấu đến công việc kinh doanh của Facebook, Bloomberg nhận định. Theo trang này, ông đã quá tập trung vào công nghệ VR mà ngó lơ nền tảng mạng xã hội, nguồn thu chính của công ty.
Trong đợt bầu cử giữa kỳ sắp tới của Mỹ, Facebook nằm trong số những cái tên bị chỉ trích vì lan truyền tin giả về các ứng cử viên, đồng thời tung tin đồn nhảm về vaccine Covid-19. Trong khi đó, trước đây, giải quyết nạn tin giả là một trong những vấn đề được Zuckerberg quan tâm hàng đầu trên Facebook.
Nói về vấn đề này, mạng xã hội khẳng định vẫn nghiêm túc xử lý những thông tin sai sự thật liên quan đến chính trị. Nhưng đội ngũ kiểm duyệt thông tin bầu cử của Facebook đã tan rã từ năm 2020, The Information cho biết.
Mark Zuckerberg đã tập trung quá nhiều nguồn lực vào metaverse mà bỏ quên cốt lõi của tập đoàn. Ảnh: The Verge.
Hiện tại, CEO Mark Zuckerberg đang dành nhiều công sức cho việc quảng bá thiết bị thực tế ảo hơn nền tảng mạng xã hội đình đám của mình. Ông sẵn sàng cắt giảm những đội ngũ quan trọng của Facebook chỉ để có tiền đầu tư cho metaverse, một lĩnh vực đã mang lại khoản lỗ hơn 5 tỷ USD cho Meta chỉ trong nửa đầu năm nay.
Do đó, Bloomberg cho rằng sai lầm lớn nhất của Mark Zuckerberg là đã "mù quáng" chạy theo công nghệ vũ trụ ảo mà quên mất phát triển những lĩnh vực vốn là thế mạnh và mang lại nguồn lợi lớn cho mình.
Lời nói dối của Mark Zuckerberg
Vị CEO vừa ra mắt bộ kính thực tế ảo Meta Quest Pro có giá 1.500 USD. Tuy nhiên, điều nghịch lý là thiết bị này không dành cho game thủ mà lại hướng đến giới văn phòng, một thị trường quá rộng lớn và vẫn còn mới mẻ.
Tại sự kiện, Zuckerberg khẳng định rằng bộ thiết bị đắt đỏ này sẽ thay thế laptop, máy tính truyền thống và thậm chí là những phần mềm văn phòng thông thường. Tuy nhiên, nỗ lực phát triển công nghệ VR vốn rất hữu ích cho làm việc từ xa đã trở nên vô ích khi các công ty ở Mỹ đều yêu cầu nhân viên quay lại làm việc tại văn phòng.
Thậm chí, lời mời gọi của Mark Zuckerberg cũng không có hiệu quả cao khi ông tập trung hướng vào những mảng mà đối tượng này không thích nhất là những phần mềm văn phòng, công cụ quản lý nhân sự.
Bên cạnh đó, một sai lầm khác của Meta là định giá sản phẩm quá cao. Có giá bán tương đương với một chiếc laptop cao cấp nhưng Quest Pro chỉ có thời lượng pin chỉ trong vòng 1-2 tiếng và vi xử lý thua kém, dường như không thể cạnh tranh với dòng máy tính truyền thống.
Phần chân của avatar xuất hiện trong video quảng cáo Meta Quest Pro chỉ là "cú lừa". Ảnh: Meta.
Trong buổi ra mắt sản phẩm, CEO Meta đã khẳng định rằng các hình đại diện (avatar) trong Horizon Worlds đã có chân và minh họa bằng chính avatar của mình đang nhảy nhót. Nhưng hóa ra đây chỉ là một lời nói dối trắng trợn.
Trên thực tế, hình ảnh "Mark Zuckerberg trong metaverse" được tạo bằng hiệu ứng đặc biệt của Hollywood chứ không phải bằng phần mềm trí tuệ nhân tạo của Quest Pro như ông nói.
Nhưng những người đứng về phía Mark Zuckerberg lại cho rằng mọi người nên đợi đến ngày công nghệ này hoàn toàn phát triển.
"Những kẻ chỉ trích Zuckerberg và Oculus nên câm mồm đi. Ông ấy đang phát minh ra một công nghệ hoàn toàn mới. Hãy để cho ông ấy có thời gian làm được điều đó", nhà đầu tư Michael Seibel viết trên trang Twitter cá nhân.
Nhận đòn đau, công ty mẹ của Facebook tỏ ra 'bất phục' Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook, hồi tháng 5-2020 đã hoàn tất việc mua lại nền tảng chia sẻ ảnh động GIPHY với giá 400 triệu USD Công ty mẹ của mạng xã hội Facebook vừa lên tiếng thể hiện sự "bất phục" việc Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) buộc họ phải bán nền tảng chia...