Merkel: Covid-19 là thách thức lớn nhất từ Thế chiến II
Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo Đức đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ sau Thế chiến II khi bước vào cuộc chiến chống Covid-19.
“Tình hình đang nghiêm trọng. Hãy thật nghiêm túc. Chưa có thách thức nào lớn như vậy sau khi nước Đức thống nhất và thậm chí kể từ lúc Thế chiến II chấm dứt. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự đoàn kết tập thể của chúng ta”, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trên truyền hình hôm 18/3.
Merkel trải qua 15 năm cầm quyền với nhiều biến cố lớn như khủng hoảng tài chính, khủng hoảng tị nạn năm 2015 và Brexit, song bà chưa từng lên sóng nhắn nhủ trực tiếp tới người dân, ngoài khi đọc thông điệp năm mới.
“Tôi tin rằng chúng ta có thể thực hiện thành công nhiệm vụ này, nếu tất cả công dân thực sự hiểu bổn phận của chính mình”, Merkel nói, thêm rằng mọi người đều góp một phần làm chậm lại đại dịch đã xuất hiện khắp toàn cầu, dẫn tới nhiều cuộc phong toả thời bình chưa từng có.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trên truyền hình hôm 18/3. Ảnh: AFP.
Chính quyền Đức gần đây đã đóng cửa các trường học, nhiều doanh nghiệp và địa điểm công cộng để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Giới quan sát nhận định thông điệp của Merkel là “lời cảnh báo cuối cùng” trước khi thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn.
Đức đã tạm dừng yêu cầu mọi người ở nhà, trái ngược với những hạn chế nghiêm ngặt ở Pháp, Bỉ, Italy và Tây Ban Nha. Thay vào đó, người Đức vẫn tiếp tục ra ngoài để tận hưởng không khí mùa xuân và các cuộc tụ tập.
Merkel không công bố bất kỳ biện pháp nào cứng rắn hơn, song bà nói rằng điều đó có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Nhiều tờ báo Đức bình luận bài phát biểu của Merkel mang tính “lịch sử” và gây xôn xao, đánh dấu sự thay đổi trong giọng điệu, cho thấy “Thủ tướng rất tỉnh táo”.
Thủ tướng Đức cho biết bà hiểu sự khó khăn khi từ bỏ những quyền như tự do đi lại, khẳng định chúng chỉ mang tính tạm thời trong xã hội dân chủ. “Tuy nhiên, bây giờ chúng rất cần thiết để cứu sống chúng ta”, Merkel nói.
Nền kinh tế hàng đầu châu Âu từ hôm 16/3 thực hiện kiểm soát chặt biên giới đất liền với Pháp, Áo, Luxembourg, Đan Mạch và Thụy Sĩ. Bộ Nội vụ Đức đã mở rộng những hạn chế trên vào tối 18/3, bao gồm giao thông hàng không và đường biển.
Merkel cũng khẳng định Đức có hệ thống chăm sóc y tế tuyệt vời, song cảnh báo các bệnh viện đều có thể bị quá tải nếu có quá nhiều bệnh nhân nhiễm nCoV nghiêm trọng được chuyển đến trong một thời gian ngắn.
Bài phát biểu của Merkel lặp lại cảnh báo của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó, khi ông tuyên bố Pháp sẽ dốc toàn lực chống Covid-19. Macron ra lệnh cho người Pháp ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi cần khi đất nước “có chiến tranh” với nCoV, người vi phạm sẽ bị phạt.
Covid-19 đã xuất hiện tại 173 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 200.000 người nhiễm bệnh và gần 9.000 người tử vong. Đức, một trong những ổ dịch lớn nhất châu Âu, hiện ghi nhận hơn 12.000 ca nhiễm, trong đó 12 người tử vong.
Ngọc Ánh (Theo AFP)
Theo vnexpress.net
Ngừng hôn má, bắt tay: Covid-19 đang thay đổi thế giới thế nào?
Thay vì bắt tay, hôn má, nhiều người dùng ánh mắt hoặc cử chỉ tay như một cách chào hỏi giữa mùa dịch Covid-19.
Ở khắp nơi trên thế giới, nhiều người đang thay đổi thói quen tại nơi làm việc, ở nhà và trong những nơi thờ phụng để giảm nguy cơ mắc Covid-19 và ngăn không cho dịch lây lan thêm.
Tại Trung Quốc, giới chức Bắc Kinh treo băng rôn khuyến cáo người dân giơ tay chào thay vì bắt tay trực tiếp. Loa phóng thanh hướng dẫn chào hỏi theo kiểu chắp tay, tức là bàn tay này nắm chặt lòng bàn tay kia.
Ở Pháp, các báo tràn ngập lời khuyên ngừng các nụ hôn lên má - một cách chào hỏi hàng ngày ở Pháp và bắt tay - một hình thức phổ biến ở nơi làm việc.
Dịch Covid-19 thay đổi thói quen chào hỏi khắp thế giới. (Ảnh: New Vision)
Nhiều tờ trích dẫn lời chuyên gia về các nghi thức Philippe Lichtfus gợi ý người dân chỉ vào mắt người đối diện thay cho lời chào.
Bộ Y tế Brazil khuyến nghị công dân không dùng chung ống hút kim loại để uống chimarrao - thứ nước giàu caffein, đồng thời kêu gọi người dân không hôn khi chào hỏi.
Tại cuộc họp về vấn đề di cư ở Berlin hôm 2/3, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer từ chối bắt tay Thủ tướng Angela Merkel. Cả hai người sau đó bật cười trong khi bà Merkel giơ tay lên cao rồi ngồi xuống.
Ở Italy, nghi thức hôn lên tượng Đức Trinh nữ Maria trong Lễ Phục sinh tới đây nhiều khả năng sẽ bị cấm. "Đó là một trong các phương án đang được cân nhắc", quan chức y tế nước này cho hay.
Mới nhất, đoạn video lan truyền trên cộng đồng mạng Iran ghi lại cảnh 3 người bạn gặp nhau nhưng đút tay trong túi, đá chân vào nhau thay cho lời chào.
Một video tương tự ở Lebanon cho thấy ca sĩ Ragheb Alama và diễn viên hài Michel Abou Sleiman chạm hai chân vào nhau và hôn gió.
Một số tổ chức giáo dục ở New Zealand kêu gọi ngừng kiểu chào hỏi Maori buộc 2 người ép mũi vào nhau.
2 quốc gia Trung Đông là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Qatar cũng khuyên công dân ngừng cách thức chào hỏi bằng mũi truyền thống.
UAE khuyên mọi người chỉ vẫy tay chào nhau thay vì bắt tay hay hôn.
Video: Bộ trưởng Nội vụ Đức từ chối bắt tay Thủ tướng Angela Merkel
SONG HY (Nguồn: Straitstimes)
Theo vtc.vn
"Người kế nhiệm sáng giá" của Thủ tướng Đức rút khỏi "đường đua" Việc bà Karrenbauer quyết định sẽ không tranh cử Thủ tướng được cho là sự "trả giá" cho cơn địa chấn chính trị hồi cuối tuần qua. Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Annegret Kramp-Karrenbauer hôm 10/2, tuyên bố sẽ không tranh cử Thủ tướng trong cuộc bầu cử liên bang năm 2021, đồng thời sẽ sớm từ...