‘Mẹo’ dùng TV để học online
Một số phụ huynh sử dụng TV để truyền hình ảnh từ điện thoại, hoặc cài Zoom lên TV Box để con học từ xa thay laptop.
Hai phương pháp này được lựa chọn trong bối cảnh việc mua máy tính gặp khó khăn. Các gia đình khai thác thiết bị có sẵn trong gia đình như TV, smartphone, TV Box để con học trực tuyến.
Nhiều smartphone có thể truyền hình ảnh lên TV qua kết nối không dây.
Ngọc Hân, có con sắp vào học lớp 1, cho biết đã áp dụng phương pháp chia sẻ màn hình điện thoại lên TV với chi phí 0 đồng. Đăng kinh nghiệm lên một nhóm các phụ huynh có con sắp vào học lớp 1, bài viết của chị nhận được nhiều hưởng ứng.
Theo chị Hân, giải pháp này xuất phát từ thực tế của gia đình là không muốn con phải nhìn lâu vào màn hình smartphone, nhưng cũng chưa có điều kiện mua hẳn cho con một chiếc laptop hay tablet có màn hình lớn. Khi kết nối điện thoại tới TV, hình ảnh từ màn hình học trực tuyến sẽ được truyền lên TV. Con phát biểu bài vẫn dùng micro và camera của điện thoại, nên chị không cần sắm thêm bất cứ thiết bị gì.
“Cách này giúp tôi không cần mua laptop, nhưng con vẫn có thể học qua màn hình lớn, loa lớn, dễ nghe và không hại mắt. TV được đặt ở phòng khách nên cũng dễ quản lý và hỗ trợ con khi học hơn”, chị nói.
Tuy nhiên, phương pháp của chị Hân hiện chỉ thích hợp với các gia đình có sẵn các loại TV và smartphone đời mới với tính năng chia sẻ màn hình không dây.
Video đang HOT
Nếu TV không hỗ trợ kết nối Wi-Fi, người dùng cần mua thêm dây cáp nối từ điện thoại ra TV. Trong trường hợp không có smartphone hay smart TV, một phương pháp tốn ít chi phí khác được một số phụ huynh áp dụng là cài phần mềm học trực tuyến lên một TV Box.
Nguyễn Văn Đại (Phú Thọ) cho biết đã dùng phương pháp này từ năm ngoái, giúp con anh hoàn thành việc học online. Tận dụng TV Box có sẵn trong nhà, anh chỉ tốn thêm khoảng 500.000 đồng mua các phụ kiện như webcam, chuột, để con học ngay trên TV. Chia sẻ cách làm lên kênh YouTube cá nhân, anh Đại mới đây nhận được hàng chục lời bình luận nhờ tư vấn của phụ huynh trên khắp cả nước.
Theo anh Đại, TV Box hiện khá rẻ và dễ mua, với chi phí 1 – 2 triệu đồng. Những thiết bị chính hãng như FPT Play Box, hay các loại TV Box của Trung Quốc chạy Android đều có thể cài các phần mềm học trực tuyến như Zoom, Meet, Teams. Với nhu cầu nghe giảng và phát biểu bài, TV Box hoàn toàn có thể đáp ứng, chỉ cần trang bị thêm phụ kiện như webcam (thường đã có kèm micro) và một con chuột, hoặc có thể sử dụng luôn điều khiển từ xa thay cho chuột và bàn phím.
Lưu ý khi dùng TV học trực tuyến
Với cách thức chia sẻ màn hình điện thoại ra TV, chị Hân cho biết tín hiệu giữa điện thoại và TV sẽ có độ trễ đôi chút. Phụ huynh cũng cần bố trí nơi học phù hợp để trẻ không bị mất tập trung.
Để chia sẻ tín hiệu không dây, TV cần có kết nối Wi-Fi. Smartphone và TV sẽ kết nối vào cùng một mạng. Sau đó trên smartphone, người dùng chọn tính năng Phản chiếu màn hình (với iPhone), hoặc Smartview (với điện thoại Samsung). Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng một sợi cáp để nối điện thoại vào cổng vào HDMI trên TV, giúp hiển thị với độ trễ thấp hơn.
Với giải pháp cài ứng dụng học lên TV Box, người dùng cần chọn các loại chạy Android, như FPT Play Box, Play Box S, hoặc những thiết bị có RAM từ 2 GB trở lên. Các phần mềm học trực tuyến không có sẵn trên kho ứng dụng Android TV, nên cần cài bằng file APK hoặc thông qua một kho ứng dụng bên thứ ba. Theo anh Đại, điều này đòi hỏi người dùng có một chút kiến thức về công nghệ thông tin. Ngoài ra, khi mua webcam, người dùng nên chọn loại tích hợp micro, có thể kết nối qua cổng USB, từ các thương hiệu lớn để tương thích tốt hơn.
Thiết bị học online tăng giá, khó mua
Tại một số hệ thống bán lẻ, laptop, tai nghe, webcam tăng giá từ vài trăm đến cả triệu đồng, nhiều mẫu hết hàng nhưng chưa xác định khi nào mới về tiếp.
Chuẩn bị vào năm học mới, chị Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) dự định mua máy tính bảng cho con từ đầu tháng 8. Khi đó, mẫu iPad rẻ nhất là iPad 10.2 được một cửa hàng báo giá gần 9 triệu đồng, hơn 300.000 đồng so với tháng trước khiến chị chần chừ. Hai tuần sau, máy tăng giá lên 9,7 triệu đồng. Người bán cũng thông báo cửa hàng chỉ còn vài chiếc, nếu không mua nhanh sẽ hết. "Tôi phải trả thêm cả triệu đồng so với dự kiến ban đầu, mà không thể không mua vì tuần sau con đã bắt đầu học online", chị Vân Anh nói.
Tương tự, anh Nguyễn Hưng (Hà Đông, Hà Nội) cũng phải chi thêm gần triệu đồng cho các thiết bị học online của con. Hồi tháng 5, anh mua laptop cũ với giá 5,7 triệu đồng để làm việc từ xa. Thấy dùng ổn, anh định mua một chiếc nữa để con học bài. Lần này, cửa hàng báo giá hơn 6 triệu đồng và phải chờ vài ngày mới có.
Trong bài viết Cha mẹ "đau đầu" vì thiết bị học online cho con của VnExpress , một số độc giả chia sẻ tình trạng có tiền cũng khó mua thiết bị. "Tôi không khó khăn, nhưng không có máy để mua. Tôi định mua máy cấu hình thấp nhất tầm dưới 10 triệu đồng, nhưng cửa hàng chỉ còn loại 16 triệu đồng. Bé không xài hết tính năng rất lãng phí, còn cửa hàng nói không chuyển hàng từ chi nhánh khác về được", độc giả mini bình luận.
Một cửa hàng vi tính tất bật chuẩn bị hàng cho khách vào thời điểm tháng 3/2020.
Nhiều hệ thống bán lẻ thiết bị điện tử tại Hà Nội và TP HCM cho biết, các sản phẩm như laptop, tablet, tai nghe, webcam bán rất chạy thời gian qua. Nhiều trong số đó rơi vào tình trạng khan hàng.
Theo đại diện FPT Shop, trước đây hệ thống bán chạy nhất là các mẫu iPad của Apple. Còn năm nay, doanh số nhiều dòng máy tính bảng phân khúc giá thấp từ các thương hiệu như Samsung, Lenovo, Masstel cũng tăng vọt. Nguyên nhân chính là do nhu cầu học online.
Trên website của CellphoneS, nhiều tablet của Apple, Samsung, Xiaomi được thông báo hết hàng. Trong khi đó, một số dòng laptop giá từ 10 triệu đến 20 triệu đồng được ưa chuộng như Asus VivoBook, Dell Inspiron... lại tăng giá từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng.
Ngoài ra, đại diện cửa hàng cho biết, một tuần gần đây, doanh số tai nghe tầm giá dưới 1 triệu đồng cao hơn tới 50% so với trước, trong khi lượng đặt mua webcam tăng hàng chục lần, khiến sản phẩm khan hàng.
"Người mua chủ yếu ở các tỉnh thành phố lớn để chuẩn bị cho con học trực tuyến. Những sản phẩm như webcam đang cháy hàng, thậm chí hết từ nhà phân phối và chúng tôi đang phải đề nghị nhập thêm", đại diện CellphoneS nói.
Tương tự, ở thị trường thiết bị đã qua sử dụng, Công Đại, một người kinh doanh máy tính cũ tại Hà Nội, khẳng định "máy cỏ giờ đắt như tôm tươi".
Theo anh, máy tính cũ với các thương hiệu có tiếng, đã ra đời 4 - 5 năm trước hiện có giá khoảng dưới 8 triệu đồng và được nhiều phụ huynh chuộng. Nhiều người chọn cùng lúc 2 máy cho con.
"Khách hàng chủ yếu mua cho con học nên yêu cầu cũng đơn giản, chủ yếu bền, có webcam và cấu hình đủ để cài phần mềm như Zoom. Quan trọng nhất là giá phải rẻ, bởi dịch bệnh ai cũng khó khăn", anh Đại nói. Tuy nhiên, việc vận chuyển gặp khó khăn, nên mỗi lần cửa hàng của anh chỉ nhập được khoảng chục chiếc máy tính cũ và chỉ vài hôm đã hết hàng.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, bên cạnh nhu cầu cao do học và làm việc từ xa tại Việt Nam, việc sản phẩm tăng giá còn do khủng hoảng chip toàn cầu dẫn đến khan hiếm linh kiện. Dịch bệnh cũng khiến quá trình vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn.
"Nhiều sản phẩm hiện phải nhập khẩu, trong khi giá cước vận tải biển tăng cao. Báo giá vận tải có thể có hiệu lực trong một tuần, nên có những trường hợp giá máy tuần sau đã tăng so với tuần trước", người này nói.
Tình trạng thiết bị vi tính tăng giá, khan hàng cũng từng xảy ra đầu năm 2020, trong bối cảnh nhiều cơ quan, trường học tổ chức học và làm việc trực tuyến. Khi đó, những linh kiện, phụ kiện như webcam, máy in, RAM nâng giá từ vài trăm đến hơn triệu đồng, nhiều nơi không có hàng để bán. Năm nay, dù đã có sự chuẩn bị trước, tình trạng tương tự vẫn xảy ra do giãn cách kéo dài khiến việc mua bán khó khăn hơn.
Zoom bồi thường 85 triệu USD cho người dùng Zoom Video Communications đồng ý trả 85 triệu USD và tăng cường thực hành bảo mật để dàn xếp vụ kiện tố cáo hãng vi phạm quyền riêng tư người dùng. Trong vụ kiện này, Zoom bị tố chia sẻ dữ liệu cá nhân của người dùng với Facebook, Google, LinkedIn, cho phép hacker gián đoạn các cuộc họp Zoom bằng phương pháp...