Mẹ Việt dụ con ăn rau bằng đĩa cơm đẹp như tranh
Bằng cách cắt nhỏ nhiều loại rau, sắp xếp thành những đĩa cơm đẹp mắt, chị Ngô Thị Mỹ Phượng ở đảo Guam đã giúp con gái 4 tuổi vượt qua “bệnh” lười ăn rau .
Chị Phượng có hai con, bé gái bốn tuổi và bé trai một tuổi. Do các con còn nhỏ nên người mẹ này ở nhà làm nội trợ. Trước đây, chị ít khi nấu ăn hoặc nấu đơn giản kiểu nhanh gọn. Tuy nhiên, sau khi sinh bé thứ hai và trải qua một “biến cố sinh tử”, chị muốn làm một điều gì đó đặc biệt hơn cho các con. Bắt đầu là những bữa ăn hàng ngày, từ tháng 7/2020, chị mày mò làm những đĩa cơm tạo hình ngộ nghĩnh cho con.
Đối với chị Phượng, làm những đĩa cơm với hình thù ngộ nghĩnh là cách để bày tỏ tình yêu thương đối với con cái, bởi trong mỗi đĩa cơm mẹ làm đều dồn biết bao công sức. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Do con thứ hai còn nhỏ, lại thêm việc nhà nên bà mẹ Việt chỉ có thể bày vẽ ba lần mỗi tuần. Phượng cũng ít khi lên thực đơn, cuối tuần đi siêu thị mua đồ cho cả tuần. Chị thường nấu món Việt như cá kho, thịt kho, tôm rim, canh, các món rau xào/luộc, bún, phở… Bé lớn nhà Phượng tên Sophia, bốn tuổi, rất thích những món ăn mẹ nấu.
Bình thường những bữa ăn hàng ngày bé ăn theo cha mẹ, nấu gì ăn đó. Nếu làm cơm đĩa thì Phượng dùng những món đó trang trí luôn cho con. Cơm luôn nấu sẵn, thịt cá chuẩn bị trước một đêm để tủ lạnh. Nếu cần tạo hình với rau củ và rong biển thì tối đến sau khi các con ngủ chị bắt đầu thực hiện.
“Việc trang trí món ăn không quá khó, chỉ đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian vì phải tập trung vào từng chi tiết. Một số mẫu tôi tham khảo trên mạng, có mẫu làm theo các nhân vật hoạt hình, hình trong truyện hoặc tự nghĩ ra”, người mẹ hai con nói.
Các chi tiết trên đĩa cơm đa phần chị Phượng nặn bằng tay, chỉ một số chi tiết khó mới dùng khuôn. Về màu sắc thì từ rau củ quả tự nhiên và hoa khô. Ví dụ nếu muốn màu xanh thì dùng hoa đậu biếc, màu tím nhạt thì hoa dâm bụt đỏ khô, màu vàng từ nhuỵ hoa nghệ tây…. Người mẹ này thường ngâm hoa với nước sôi cho ra màu, vo gạo 2 lần rồi cho nước hoa vào trước sau đó mới thêm nước đủ lượng nấu cơm.
Phượng thường không đong đếm được thời gian thực hiện các đĩa thức ăn vì nhiều lúc đang làm bé nhỏ khóc đòi ăn đòi ngủ, hoặc tranh thủ khi các bé đang chơi với nhau thì chị làm. Những chi tiết rau củ nếu không phải nấu được làm trước rồi bọc kỹ để tủ lạnh, gần đến bữa mới bắt tay vào nấu. Nếu tạo hình cơm, chị làm xong cho vào nồi cơm điện để giữ ấm. Bởi vậy có những đĩa cơm đến lúc hoàn thành mất cả tiếng đồng hồ.
Để con ăn được nhiều hơn thì chị Phượng luôn tạo những đĩa cơm theo các nhân vật truyện tranh hoặc mẹ tự nghĩ ra. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trong những đĩa cơm, chị thích đĩa hình chim công vì sự nhẹ nhàng duyên dáng. Còn hình Bạch Tuyết thì ấn tượng nhất về độ khó khi tạo hình đôi mắt. “Nhiều lúc tạo hình chưa đẹp, làm tới làm lui chẳng được chỉ muốn bỏ cuộc. Nhưng nhìn thấy con háo hức chờ đợi tác phẩm của mẹ lại tự nhủ: Thôi cố lên xem như thế nào”, Phượng kể lại.
Mỗi lần mẹ tạo hình cơm, bé Sophia rất háo hức. Cô bé vốn lười ăn, lại hiếu động nên thường mất 1-1,5 tiếng mới xong bữa. Kể từ khi mẹ có những bức hình sinh động trên đĩa cơm, cô bé chủ động lấy ghế và muỗng nĩa của mình, ngồi vào bàn ăn và hoàn thành chỉ trong 30 phút. Những lúc ngon miệng, Sophia không dùng thìa nữa mà bốc tay luôn.
Sophia thích ăn trứng và chả lụa mẹ làm nhưng rất kén ăn rau. Nhờ những cơm thú, cơm hoa, cơm búp bê… bé đã ăn được tất cả các loại rau và những món trước kia mình không thích như khổ qua, súp lơ xanh hay dưa leo. “Chỉ cần cắt rau thành những miếng nhỏ và sắp xếp thật đẹp lên một chiếc đĩa sẽ kích thích sự thèm ăn của bé”, Phượng hào hứng khoe.
Không chỉ có cơm, Sophia còn thường được mẹ nấu bún, mì, nui và trình bày bữa ăn theo chủ đề con gái yêu thích.
Video đang HOT
Bé Sophia, con lớn của chị Phượng rất thích những đĩa cơm bento mẹ nấu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Biết vợ bận với những bữa cơm, chồng Phượng cũng thường xuyên giúp vợ trông con và chụp ảnh lại những món ăn cô nấu. Những đĩa cơm khi được chia sẻ lên các hội nhóm người Việt ở nước ngoài nhận được lời khen ngợi về khả năng sáng tạo cũng như vẻ đáng yêu, ngộ nghĩnh.
Nhìn thấy mẹ làm cơm cho mình, Sophia thường đòi giúp. “Hai mẹ con vừa làm vừa trò chuyện, đùa vui khiến tôi cảm thấy khoảng thời gian nấu nướng này rất ý nghĩa và hạnh phúc”, Phượng nói.
Những đĩa cơm đẹp như tranh của bà mẹ trẻ
Dù bận rộn với việc buôn bán, chị Thúy Kiều vẫn dành thời gian trang trí, tạo hình đĩa cơm của con thành những "bức tranh" sinh động, ngộ nghĩnh.
"Tôi cho con gái ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy (Baby Led Weaning - BLW) từ lúc 6 tháng tuổi, lúc đó chỉ cắt thức ăn vừa cầm để con tự bốc. Khi con một tuổi, bắt đầu ăn thô tốt, ăn được nhiều hơn tôi mới làm những đĩa cơm đẹp mắt để bữa cơm của con vui vẻ hơn", chị Nguyễn Thị Thúy Kiều, 29 tuổi, ở phường Vạn Thắng, TP Nha Trang chia sẻ.
Chị Thúy Kiều và con gái. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hàng ngày, bà mẹ hai con này nấu hai bữa chính cho gia đình. Trong lúc chờ cơm chín, chị nấu thức ăn, lấy ra trước một phần nhỏ nêm gia vị nhạt để trang trí. Cơm chín, chị lấy lượng vừa đủ con ăn để nặn những hình thù ngộ nghĩnh như hoa lá, các con vật, dùng rong biển hoặc các loại rau củ để làm mắt, mũi...
Để tạo màu cho cơm, bà mẹ trẻ xay rau củ như: cà rốt, gấc để tạo màu cam, cải bó xôi, rau ngót làm màu xanh, màu vàng từ lòng đỏ trứng luộc chín... Nếu lỡ làm dư, chị nấu chín sau đó cấp đông để dùng trong khoảng 1 tuần. Cơm chín chỉ cần châm nước rau củ vào để tạo màu, không cho nhiều tránh bị nhão, trộn chút dầu ăn vào cơm rồi bắt đầu nặn. Tùy vào nguyên liệu của bữa ăn gia đình để "tùy cơ ứng biến" đĩa cơm cho con.
Bà mẹ trẻ cho hay, với chị thì việc tạo hình các con vật từ cơm là công đoạn khó nhất, cần một chút khéo tay để nhìn trông giống thật và sinh động. Những rau củ, trái cây trang trí kèm thêm bên ngoài chị làm nhanh hơn. "Vì thức ăn nấu chung với cả nhà nên chỉ dành thêm khoảng 10 phút làm đĩa cơm cho con. Dù bận công việc nhưng được làm cơm cho con là điều tôi thấy vui vẻ, thoái mái, chứ không áp lực", chị Kiều nói.
Cơm nặn hình nhân vật hoạt hình Totoro tạo màu từ nước hoa đậu biếc, trang trí tôm, măng tây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Khi con gái chưa đi nhà trẻ, chị Kiều làm mỗi ngày hai đĩa vào hai bữa chính. Hiện tại bé đã được 3 tuổi, đã đi học nên mẹ thường chỉ làm một đĩa cơm buổi tối.
Phương pháp ăn dặm "tự chỉ huy" giúp con gái chị xây dựng nết ăn tốt từ lúc một tuổi. Cộng thêm những đĩa cơm của mẹ, bé luôn tỏ ra hứng thú với bữa ăn. Đến bữa, nếu mẹ chưa làm xong thì quấn lấy chân mẹ đòi ăn. Bé chủ động ngồi vào ghế, tự bốc thức ăn và khám phá đĩa cơm mới mẻ mẹ làm. Lúc con ăn, tùy từng giai đoạn chị Kiều dạy con cách cầm thìa, dùng đũa.
"Lúc chăm cậu con trai đầu, vì cho ăn dặm kiểu đút cháo truyền thống nên mỗi lần đi chơi, đi du lịch rất cực. Lo nấu cháo mang theo lỉnh kỉnh, phải đút ép con ăn. Đến bé thứ hai thì việc chăm con của tôi nhàn tênh, bé chủ động, thích ăn uống và tăng cân tốt", chị Kiều nói.
Để đổi mới đĩa cơm cho con mỗi ngày, trước khi đi chợ chị nghĩ về đĩa cơm định làm rồi mua thức ăn phù hợp để chế biến luôn cho cả gia đình. Tuy nhiên, việc tạo hình cũng thường được chị làm một cách ngẫu hứng, tùy vào những nguyên liệu thức ăn mua cho cả gia đình, đặc biệt phải luôn đủ bốn nhóm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, Vitamin và khoáng chất.
"Bé nhà tôi thích ăn thịt, các, đồ béo trước sau đó mới ăn cơm và rau củ. Tuy nhiên, con luôn ăn hết lượng thức ăn mẹ cung cấp chứ không kén chọn", bà mẹ trẻ nói.
Tận dụng hôm nhà ăn ngao, mực chị Kiều nặn hình chú rùa, tỉa cá bằng cà rốt để tạo đĩa cơm với chủ đề dưới nước. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ban đầu, chị Thúy Kiều cũng thường lo lắng rằng việc con quen ăn thức ăn mẹ làm thì đi ra ngoài hoặc lên lớp sẽ khó hòa nhập nhưng chị nghĩ: "Việc trang trí món ăn chỉ là kích thích sự thèm ăn của con. Con thích thì sẽ chủ động ăn, không kén chọn, bữa ăn của con vui vẻ, thoải mái hơn. Khi đã rèn được thói quen ăn tốt thì không sợ con biếng ăn. Bằng chứng là bé nhà tôi ở nhà trẻ ăn giống các bạn và ăn rất ngoan", chị nói.
Xem thêm những hình ảnh đĩa cơm cho con của chị Kiều.
Ảnh: Kiều Nguyễn
9X khoe mâm cơm mỗi ngày 1 thực đơn không trùng nhau, chồng con khen không ngớt lời Bữa ăn nào của cô vợ đảm Trần Loan cũng đầy ắp món ngon, hấp dẫn lại ít khi bị trùng nhau. Là người phụ nữ của gia đình nên ngày nào Trần Loan (30 tuổi, Hòa Bình) cũng vào bếp nấu 3 bữa ăn cho chồng và con trai nhỏ 4 tuổi. 9X chia sẻ, bản thân rất đam mê nấu ăn,...