Mẹ tử tù Hồ Duy Hải và 12 mùa xuân đợi con
Những ngày này, khi những người con xa nhà trở về quê đón Tết sum vầy bên gia đình thì căn nhà bà Loan vẫn thiếu vắng đứa con trai mà bà mòn mỏi kêu oan 12 năm ròng.
“Tôi mong Hải được cho về ăn Tết để cả nhà đoàn tụ, có bữa cơm sum vầy. 12 năm nó ở trong trại giam là từng đó thời gian tôi không hề có mùa xuân”, bà Nguyễn Thị Loan (55 tuổi, mẹ của Hồ Duy Hải) nói với Zing.vn.
Khi Tết đến bên thềm nhà, hy vọng của bà Loan vụt tắt khi Hải vẫn ở trong trại giam dù đã có quyết định kháng nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm. “Vậy là con tôi không về Tết này rồi”, giọng bà Loan nấc lên.
12 năm kêu oan
12 năm qua, như một phản xạ tự nhiên, hễ bà Loan có dịp gặp ai hỏi đến chuyện của con trai là bà cứ thế tuôn ra không ngơi nghỉ. Những tập hồ sơ gồm đơn kêu oan, các biên bản trả lời của các cơ quan… được bà Loan in ra từng chồng dày cộm, gặp ai cũng phát với mong muốn có thêm hy vọng minh oan cho đứa con trai.
Từ một người phụ nữ ít ăn học, ngại đụng chạm, không biết gì về pháp luật, vậy mà 12 năm gõ cửa kêu oan cho Hồ Duy Hải khiến bà trở nên rành rọt pháp luật và có phần “hung dữ”.
“Ngày Hải bị bắt, nó là một thanh niên 23 tuổi đầy sức sống, ôm tấm bằng tốt nghiệp với nhiều hoài bão. Chỉ 6 tháng sau đó tôi đến trại giam gặp con thì nó trông tiều tụy. 12 năm trong lao tù, đời người có bao nhiêu lần 12 năm…”, bà Loan nghẹn ngào.
Theo lời người mẹ, tối 13/1/2008, hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại dã man thì 2 tháng sau, Hải bị triệu tập đến để hỏi về việc cá độ bóng đá. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, Hải bị khởi tố, bắt giam về tội Giết người, liên quan đến vụ án rúng động dư luận đó.
“Con tôi lãnh bản án oan nghiệt quá”, bà Loan quả quyết.
Sức lực bà Loan gần như cạn kiệt sau 12 năm kêu oan cho con trai. Ảnh: An Huy.
Vào ngày xảy ra chuyện, Hải vẫn sinh hoạt bình thường ở nhà, không có bất kỳ điều gì bất thường. Vậy nên người mẹ luôn tin rằng đứa con của mình không dính líu về vụ án dã man kia.
12 năm, bà Loan không đếm nổi đã có mấy trăm lần bà đi về giữa Long An và Hà Nội để kêu oan cho con. Có khi một tuần vừa về bà lại đi, rồi ở tận mấy tháng ở Thủ đô.
Ban đầu bà hy vọng minh oan cho con sẽ sớm có kết quả vì bản thân bà nghĩ những chứng cứ trong hồ sơ đều chứng minh Hải không phải là hung thủ. Thế nhưng, chuỗi ngày khiếu nại kéo dài ra.
Video đang HOT
Không biết hành trình chừng nào kết thúc nên bà tằn tiện đủ mọi chi phí. Ở Hà Nội, bà Loan thuê xe đạp để di chuyển. Ngày nào cũng đạp xe từ cơ quan này sang cơ quan nọ, chạy đến nhà những người bà nghĩ sẽ giúp được con trai.
Trong khi trò chuyện với phóng viên, giọng bà Loan nhiều lần run rẩy, hai bàn tay bà thi thoảng quéo lại.
“Chừng ấy năm, một bên ngực tôi treo bản giám định dấu vân tay của Hải, một bên gắn tấm ảnh của con trai. Chỉ riêng chứng cứ dấu vân tay cũng chứng minh hung thủ không phải nó. Vậy mà tôi đi kêu oan cho con ròng rã 12 năm. Thử hỏi người mẹ nào không bức xúc”.
Sức mạnh tình thân
Nhìn vào bà Loan với hành trình kêu oan 12 năm cho con, không ai ngạc nhiên bởi đó là tình mẫu tử thiêng liêng, không người mẹ nào đành lòng bỏ rơi con mình. Bên câu chuyện kêu oan của bà Loan, còn có cả tình thân của gia đình này trong biến cố.
Bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì ruột của Hồ Duy Hải, người đồng hành gần như xuyên suốt chặng đường đẫm nước mắt của bà Loan.
Bà Rưỡi đồng hành suốt chặng đường với bà Loan. Ảnh: An Huy.
“Bản án của Hải quá oan nên tôi hạ quyết tâm đi kêu oan cho cháu đến hơi thở cuối cùng. Ngục tối lao tù gặm nhấm 12 năm thanh xuân của cháu tôi, quá uất ức”, bà Rưỡi nói và cho biết điều đau lòng nhất là bà Ngoại của Hải khi nghe tin cháu bị bắt đã suy sụp, nằm một chỗ suốt 12 năm.
Những lần ra Hà Nội kêu oan, bà Rưỡi kể nhiều lần hai chị em thuê cái phòng chen chúc nằm xếp lớp tới 20 người cho rẻ. Địa điểm nào cần đến mà có thể đi bộ thì bà và em gái đi bộ, hoặc đi xe buýt, thuê xe đạp.
Bà Loan vốn nhỏ người, cộng thêm thời gian kêu oan cho Hải đã lấy mất nhiều phần sức khỏe khiến người phụ nữ này nhiều lần ngất xỉu khi đi gõ cửa kêu oan. Do vậy, có những ký ức bà Rưỡi phải ghi nhớ dùm em gái.
“Nhớ lại mà cười ra nước mắt, tôi và nó (bà Loan – PV) có lần lên máy bay mà không ra người ngợm, 12 con giáp chớ tụi tôi không giống con nào hết. Bà ngoại thằng Hải thì già rồi, đi kêu oan cho cháu mà cứ sợ có khi nào mẹ mất mà mình đang trôi nổi ở miền Bắc”, bà Rưỡi vừa nói vừa cười chua chát.
Không chỉ bà Rưỡi, mấy chị em gái của bà Loan cũng hợp sức đồng lòng, góp tiền của cùng mẹ của Hải kêu oan.
“Cả dòng họ đồng quan điểm, cùng kêu oan cho Hải đến hơi thở cuối cùng. Bán đất tới bán nhà, thậm chí bần cùng là bán vé số tôi cũng chấp nhận, cơm rau cháo chợ vẫn kêu oan cho Hải”, người dì kiên quyết.
Mấy năm nay, song song với việc kêu oan cho con trai, bà Loan đều tìm đến tận nhà những người được trả tự do sau khi kết án oan nhiều năm để thăm hỏi, điển hình là ông Nguyễn Thanh Chấn và Hàn Đức Long.
“Tôi nghe ai bị oan được thả tôi mừng lắm, bằng mọi giá cũng phải tới thăm để hỏi tình hình. Ông Chấn có chúc tôi sớm sum họp gia đình, tôi mong mỏi dữ lắm”, bà Loan bày tỏ.
Bà Loan và bà Rưỡi ngồi trò chuyện với phóng viên. Ảnh: An Huy.
12 năm, khoảng thời gian mà người ta có thể sinh ra rồi nuôi lớn một đứa trẻ đến khi học cấp 2 cũng chính là số năm mà bà Loan bỏ quên sức khỏe, vật chất để mong minh oan cho đứa con trai duy nhất. Những lần thấy mấy đứa cháu trai trạc tuổi Hải về nhà, bà suýt nhận nhầm con mình. Nỗi nhớ thương con đã vắt kiệt sức lực của người phụ nữ nhỏ bé.
Từ ngày nghe tin VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy 2 bản án tử hình để điều tra lại, người thân Hải vui mừng đến không ngủ được, trong lòng nôn nao, khấp khởi hy vọng.
“Đoạn đường 12 năm tôi đánh đổi rất nhiều, nhưng tôi không tiếc nuối gì. Nghĩ đến cảnh con mình quá khổ ở chốn lao tù, ở trong bóng tối biệt giam, tôi quyết tâm kêu oan cho con đến cùng. Tôi vui mừng khi nhận được kháng nghị hủy án, nhưng đã kháng nghị rồi thì phải thả con trai tôi về sớm, sao đến giờ vẫn lặng im?”, bà Loan sốt ruột.
Những ngày này, khi những người con xa nhà về quê đón Tết sum vầy bên gia đình thì căn nhà bà Loan vẫn thiếu vắng đứa con mà bà mòn mỏi kêu oan suốt 12 năm ròng. Với người mẹ này, Tết vẫn chưa đến.
Ngày 13/1/2008, hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị giết.
Hai tháng sau, ngày 21/3/2008, Hồ Duy Hải bị bắt. Hồ sơ thể hiện Hải là hung thủ duy nhất.
Ngày 1/12/2008, TAND tỉnh Long An xử sơ thẩm, tuyên án tử hình Hồ Duy Hải. Đến ngày 28/4/2009, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm giữ nguyên án tử hình với bị cáo này.
Đầu tháng 12/2014, Hội đồng thi hành án tỉnh Long An có quyết định thi hành án đối với Hồ Duy Hải. Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước truyền đạt ý kiến Chủ tịch nước tạm hoãn thi hành án với tử tù Hồ Duy Hải cho đến nay.
Ngày 28/11/2019, Viện KSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án để điều tra lại.
Theo danviet.vn
Từ vụ án Hồ Duy Hải : Cần làm rõ trách nhiệm các cơ quan tiến hành tố tụng
Vì lẽ gì, hơn chục năm nhận đơn kêu oan của gia đình, phản ánh của báo chí, của Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan chức năng tiến hành tố tụng của tỉnh lại không phát hiện những vi phạm tố tụng này? Liệu vụ án này có gì uẩn khúc gì không?
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (KSND TC) vừa kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã tuyên Hồ Duy Hải về tội "giết người", "cướp tài sản".
Câu hỏi lớn nhất đọng lại trong dư luận là, năm 2011, Viện trưởng Viện KSND TC từng ban hành quyết định không kháng nghị vụ án của Hồ Duy Hải, nay sau 8 năm, dù không có tình tiết gì mới, Viện trưởng Viện KSND TC lại ban hành quyết định kháng nghị?
Theo tôi, một trong lý do quan trọng là công luận phản ứng mạnh mẽ với những cán bộ tiến hành tố tụng, đặc biệt, Đoàn giám sát của Quốc hội về án oan sai đã xếp vụ án này là 1 trong 3 vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Tại phiên thảo luận của Đoàn giám sát ngày 20/3/2015, bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (hiện là Chủ nhiệm Ủy ban), Phó trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu rõ: Những vụ án khác chỉ cần 1 trong 4 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm, trong khi vụ án Hồ Duy Hải có đầy đủ cả 4 căn cứ: Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có sự vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử; có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự.
Vậy vì lẽ gì, hơn chục năm nhận đơn kêu oan của gia đình, phản ánh của báo chí và của Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan chức năng tiến hành tố tụng của tỉnh nắm chắc vụ việc lại không phát hiện những vi phạm tố tụng này, thậm chí, đến năm 2011, Viện KSND TC cũng không đánh giá được những sai sót này? Liệu vụ án này có uẩn khúc gì không?
Bản án tuyên Hồ Duy Hải (áo trắng) tử hình về tội "giết người", "cướp tài sản", vừa bị Viện KSND TC kháng nghị do những thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng. (Ảnh do người nhà cung cấp)
Chúng tôi đặt ra câu hỏi này bởi lẽ, có những dấu hiệu ngăn cản việc làm rõ những án oan sai, rõ nhất là vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn. Khi có thông tin mới về kẻ giết người, phòng 1 Cơ quan điều tra Viện KSND TC lập tức vào cuộc. Nhưng khi lên làm việc với Công an Bắc Giang mới biết, họ cũng có thông tin mới này nhưng vẫn khẳng định ông Chấn là tội phạm. Thậm chí, theo điều tra viên Trần Mạnh Hùng (Viện KSND TC), công an Bắc Giang còn khuyên: "Các anh nên quay về, đừng mất công vô ích, thằng này kêu 10 năm nay rồi, thiếu gì việc để các anh làm. Chẳng lẽ các anh không tin tưởng cả một hệ thống tố tụng của tỉnh, vụ này cấp trên xem lại nhiều lần rồi". Do đó, mất một thời gian dài, các điều tra viên của Viện KSND TC phải cải trang để bí mật điều tra và tìm các giải pháp bảo vệ nhân chứng. Điều này cũng có thể lý giải, vì sao có những vụ án oan sai kéo dài, rất dài. Đó là chưa nói, có thể còn những vụ án chìm luôn trong bóng tối.
Nói đến vụ án ông Chấn, dư luận nhớ ngay đến những hình thức điều tra viên bức cung, nhục hình. Cũng do bị bức cung, nhục hình, trong cả 3 kỳ án Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn và Hàn Đức Long có một điểm rất chung là, dù không giết người, nhưng trong bản khai họ mô tả việc giết người với đầy đủ các tình tiết đúng với hiện trường!? Điều đó cho thấy, mức độ bức cung, nhục hình của các điều tra viên khủng khiếp tới mức nào. Đặc biệt, trong lịch sử tố tụng Việt Nam, ông Nén là người duy nhất mang hai án oan về tội giết người.
Nếu ông Nén vì bị bức cung, nhục hình đành khai bừa 9 người trong gia đình nhà vợ cùng tham gia vụ án giết người, thì ngay từ năm 1955, tình trạng đó cũng đã diễn ra trong vụ án chị Nguyễn Thị Là (thôn Thượng Thông, xã Phạm Hồng Thái, Đông Triều, tỉnh Hồng Quảng, nay là Quảng Ninh) bị giết. Đây là vụ án mà tôi được điều tra viên của Viện Kiểm sát Quân sự Nguyễn Trọng Tỵ (khi về hưu, ông có thời gian dài làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội), người trực tiếp điều tra vụ án này kể lại tại nhà riêng của ông. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Là bị vết búa bổ thẳng vào trán và hung thủ tiêu hủy chứng cứ bằng cách đốt chị trong chiếc lều nạn nhân đang ở. Người duy nhất bị nghi vấn là ông Đỗ Văn Mạnh - người cùng thôn. Lý do là ngay sau hôm xảy ra vụ án, mọi người thấy Mạnh đang giặt quần áo ở mương nước với những vết máu loang. Thế là ông Mạnh bị bắt, bị bức cung, nhục hình buộc phải nhận tội. Nhục hình tới mức ông Mạnh khai bừa thêm chị ruột và chú ruột mình nhằm làm "đẹp" hồ sơ theo ý của các điều tra viên.
Mãi 8 năm sau, khi Viện kiểm sát Quân sự Trung ương vào cuộc, bởi chồng của nạn nhân là quân nhân, đối tượng gây án mới bị lộ mặt. Kể giết chị Là chính là chồng mình, đối tượng Phạm Ngọc Bội. Khi thú tội, thượng úy, tiểu đoàn trưởng Bội thú nhận giết vợ chỉ nhằm che giấu tội hủ hóa!?
Nhưng điều tôi ám ảnh nhất, trong cả hai vụ án của ông Nén, ông Mạnh, họ bị điều tra viên sử dụng nhục hình tới mức phải nhận bừa tội và khai thêm những người ruột thịt của mình cho phù hợp với các tình tiết vụ án. Thật kinh hoàng.
Vấn đề đặt ra là, vì sao các điều tra viên trong những vụ án này và một số vụ án khác lại hay sử dụng cách bức cung, nhục hình? Câu hỏi tiếp theo không thể không đặt ra, thủ trưởng của họ và các kiểm sát viên có biết những điều cấm kỵ trong tố tụng này không? Lẽ nào họ không biết, khi hầu hết trong bản cung, cũng như tại tòa, những bị cáo này luôn kêu oan và tố cáo các dạng nhục hình của từng điều tra viên.
Cuối cùng, dư luận băn khoăn là, các điều tra viên sử dụng bức cung, nhục hình và sự làm lơ của kiểm sát viên, thậm chí cố tình bỏ ngoài hồ sơ những bản cung có lợi cho bị cáo là một trong những nguyên nhân chính gây ra những án oan thấu trời. Nhưng vì sao chỉ trong vụ án ông Chấn, những đối tượng này bị khởi tố, còn các vụ án khác, họ chỉ bị kiểm điểm?!
Cũng cần khẳng định, những vụ án oan dù chỉ rất ít, nhưng thực sự gây nhức nhối, hoài nghi trong dư luận. Vì vậy, để xóa bỏ điều đó, minh oan cho các nạn nhân, đòi hỏi sự công tâm và nỗ lực hết sức của một số cán bộ điều tra, đặc biệt là cơ quan điều tra của Viện KSND TC.
Theo danviet.vn
Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Nhiều trùng hợp với kỳ án Huỳnh Văn Nén Vụ án Hồ Duy Hải có những điểm khá trùng hợp một cách ngẫu nhiên với vụ án Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận, người được minh oan sau hơn 17 chịu án chung thân-NV). Cả hai cùng bị buộc tội giết hai mạng người. Cả hai cùng bị tuyên tử hình, dựa trên lời khai của bị cáo mà không thu được bằng...