Mẹ trả lương cho con
Nhận xấp tiền lãi tiết kiệm do cô nhân viên ngân hàng đưa, tay Tâm chợt run bắn và nước mắt anh trào ra.
Anh chưa kịp cúi mặt giấu cơn cảm xúc dâng lên không kiểm soát, thì cô nhân viên ngân hàng đã nhận ra, ái ngại:
- Sao vậy anh? Có cần em giúp gì không?
- Không, xin lỗi cô. Chỉ là tôi nhớ mẹ!
Tâm nói rồi vội vã đi như chạy ra khỏi ngân hàng. Tới một góc phố vắng người, anh dừng lại bên một gốc cây lớn, để mặc dòng nước mắt tuôn. Lát sau, khi đã vơi bớt nỗi lòng, anh lấy xe, chạy tới một cửa hàng hoa tươi, mua một bó hồng đỏ thắm. Anh mang bó hồng tới nghĩa trang, cắm trước mộ mẹ anh, nhưng anh không khóc nữa.
Mẹ anh yêu hoa hồng, tên mẹ là Hồng. Mẹ chính là đóa hồng đẹp nhất trên thế gian. Vậy mà, khi đóa hồng ấy tươi thắm sống động bên anh, anh đã bỏ qua mẹ. Anh là thằng con trai cứng đầu, anh không bao giờ theo những lời mẹ khuyên bảo, anh cũng không thích những đồ ăn mẹ nấu. Anh cương quyết đòi ra ở riêng, trong khi anh là con trai độc nhất của mẹ.
Anh cưới vợ, vợ anh trẻ đẹp, biết nấu ăn những món tây tàu đủ cả. Anh rất thích ăn món vợ nấu. Cứ đến cuối tuần, mẹ lại đến thăm vợ chồng anh, mẹ đòi vào bếp nấu cho vợ chồng anh, bởi mẹ lỉnh kỉnh mang theo biết bao đồ thực phẩm mẹ sắm ở siêu thị, ở chợ cóc trên đường mẹ đến nhà anh.
Những món mẹ nấu, thịt rang cháy cạnh, đậu xốt cà chua, tôm rang, ốc nấu chuối đậu… anh quá quen rồi, từ thuở ấu thơ, và anh ngán lắm. Nhưng vợ anh bảo, cả tuần chỉ ăn với mẹ có một bữa thôi, mình ăn cho mẹ vui lòng. Ừ thì anh cố ăn món mẹ nấu, nhưng anh tự hỏi, tại sao anh đã ra ở riêng, mà mẹ còn tìm đến nấu nướng, ép anh phải ăn!
Sau nhiều năm như thế, mẹ già yếu đi, vẫn sống một mình. Mẹ không thể đạp xe tới nhà anh mỗi cuối tuần nữa. Nhưng mẹ vẫn có cách kéo anh tới, mẹ hay kêu cái vòi nước bị hỏng, bản lề cửa long ra, sàn nhà tắm trơn quá… mẹ đòi anh tới sửa cho mẹ.
Anh bảo, sao mẹ không gọi dịch vụ tới sửa, vừa nhanh, vừa chuyên nghiệp. Mẹ nằng nặc đòi anh đến nhà mẹ mỗi cuối tuần, sửa những thứ hư hỏng, mẹ hứa trả lương cho anh theo giờ làm việc. Anh đành đến với mẹ, và mẹ lại dúi tiền vào túi anh mỗi khi anh tạm biệt mẹ để ra về.
Thật nhẹ người mỗi khi ra khỏi nhà mẹ, anh đâu biết dành một phút nào nhìn mẹ kỹ hơn, anh có chào mẹ nhưng đâu nhìn vào mắt mẹ. Anh chỉ làm mấy việc trong nhà quấy quá chiếu lệ, xong việc rồi thì đi. Anh không thực sự hiện hữu với mẹ.
Hóa ra, mẹ nhớ anh, mẹ tìm mọi cách để được ở bên anh. Nhưng mẹ dù đã cố gắng kéo anh đến với mẹ trong vài thời khắc nào đó, thì mẹ vẫn chẳng thể nào có trọn vẹn đứa con bên mình. Thế rồi đêm ấy, mẹ ngã trong nhà tắm, và vĩnh viễn không bao giờ tỉnh dậy. Vợ anh gọi điện cho mẹ, mẹ không trả lời. Anh nhao đến phá cửa, tìm mẹ khắp nhà, và khi anh thấy mẹ nằm gục trên sàn nhà tắm, anh chạm vào mẹ, mẹ đã lạnh ngắt! Anh không khóc được lúc ấy.
Anh tìm thấy trong tủ quần áo, bọc tiền lớn mẹ giấu trong vỏ chăn. “Mẹ trả lương cho con!”, chữ viết mẹ như thủ thỉ bên tai. Anh lặng lẽ mang bọc tiền đó gửi vào ngân hàng, lấy lãi hàng tháng, mẹ bảo trả lương anh vì anh đã làm con của mẹ trên cõi đời này…
Nói đẹp ra hoa, nói dại ra họa: Biết cách ăn nói có cả thiên hạ
Nhiều người nghĩ rằng bản thân chỉ buộc miệng nói một, hai câu. Nhưng lại không biết rằng chỉ một, hai câu đơn giản đó có thể trở thành một liều thuốc độc, tạo cho đối phương một vết thương vĩnh viễn không bao giờ lành.
(01)
Lúc trước, tôi vô tình nhìn thấy một đoạn video:
Người được quay là một bé gái da đen 4 tuổi, cô bé đang chăm chú nhìn hình ảnh của chính mình phản chiếu trên máy quay rồi đột nhiên khóc nói: "Con thật xấu xí!"
Video đang HOT
Biểu cảm thất vọng đó khiến nhiều người thấy xót xa, mọi người thay nhau nhắn nhủ những câu an ủi dưới video.
Có một cư dân mạng bình luận:
"Một đứa trẻ 4 tuổi làm sao biết phân biệt xấu đẹp được, chắc chắn là có ai đó đã nói gì với bé rồi!"
Nhắc đến vấn đề bạo lực ngôn ngữ, không biết có ai trong số chúng ta từng trải qua những việc này hay chưa:
Bởi vì ngoại hình không đẹp, nên luôn bị bạn bè chế giễu, trêu chọc. Từ nhỏ đã trở nên tự ti, không dám chủ động giao tiếp với người khác.
Đăng ảnh lên status, nhưng lại bị bình luận là "xấu", "mập", "khó coi"... Sau khi vội nhấn xóa ảnh, kể từ đó cũng không dám đăng tấm ảnh nào lên mạng xã hội nữa...
Lời nói, thực sự là thứ có tiềm năng không nhỏ, có thể tác động sâu sắc đến một người.
Nhiều người nghĩ rằng bản thân chỉ buộc miệng nói một, hai câu. Nhưng lại không biết rằng chỉ một, hai câu đơn giản đó có thể trở thành một liều thuốc độc, tạo cho đối phương một vết thương vĩnh viễn không bao giờ lành.
Có câu nói thế này: "Muốn thay đổi cuộc đời một người, chỉ cần một câu nói là đủ."
Một câu nói đẹp, có thể cứu sống một người. Ngược lại, nói không lựa lời, không chỉ tự làm hại mình, có khi còn hại một mạng người.
(02)
Những người bị trầm cảm, không thể chịu nổi những câu an ủi hời hợt.
Những người khuyết tật, không thể chịu nổi những lời chê bai.
Những người nổi tiếng, không thể chịu nổi hàng vạn lời miệt thị...
Vì sao?
Vì tất cả họ cũng chỉ là con người bình thường, đừng vì xuất thân, địa vị, ngoại hình, bệnh tật... của người ta mà lấy đó làm đề tài bàn tán như thế, sẽ khiến người ta thấy ngột ngạt, khó thở!
Amy là một ngôi sao nhí nổi tiếng ở Úc.
Cô bé nổi tiếng năm 6 tuổi, nhưng mới 14 tuổi đã lựa chọn tự tử làm con đường cuối cùng của đời mình.
Vì ngày càng nổi tiếng, mọi hành động của cô bé đều bị báo chí khai thác và khuếch đại trên các trang mạng xã hội. Dù mập hay ốm, cao hay thấp đều sẽ bị người ta soi mói và chỉ trích.
Dù sau này Amy đã rút lui khỏi giới giải trí, những lời nhục mạ đó vẫn không ngừng lại, mà ngày càng tăng thêm. Rất nhiều người thậm chí còn nguyền rủa cô bé chết đi.
Một người trưởng thành còn không thể chịu đựng được bạo lực ngôn ngữ chứ nói chi đến một đứa trẻ?
Amy luôn tự hỏi mình, rằng bản thân đã làm sai cái gì, cô bé không biết họ là ai, tại sao lại công kích cô bé. Đến tuổi hiểu chuyện, sợ người nhà lo lắng, cô bé chỉ nói với mọi người rằng mình không sao, sau đó tự chịu đựng đau khổ trong im lặng.
Cho đến một ngày nọ, cô bé không thể chịu đựng nổi nữa, nên đã chọn cách tự kết liễu cuộc đời mình.
Nhưng những người từng tham gia bạo lực ngôn ngữ mạng kia lại không cảm thấy hối lỗi về cái chết của Amy, họ còn nói rằng:
"Cái chết của con bé đâu liên quan gì đến tôi."
"Tôi chỉ nói chơi vậy thôi, ai biết được con bé đó lại yếu đuối như vậy."
"Đều là nói đùa cả, ý tôi đâu mong nó chết thật..."
Miệng là một lưỡi rìu, lưỡi là một con dao, nói không cẩn thận sẽ cắt vào tâm can người khác gây đau đớn.
Nhiều khi những lời không suy nghĩ mà bạn nói ra, đều trở thành một thanh kiếm sắc bén mắc kẹt trong lòng người khác. Bạn chỉ cần dùng 3 giây nói ra, nhưng người khác phải dùng 1 tháng, 1 năm, thậm chí lâu hơn nữa để tiêu hóa nó.
Làm người, lương thiện lớn nhất chính là không bình luận mù quáng, lung tung về người khác.
Như câu nói của Plato: "Người trí nói vì họ có điều cần nói; kẻ ngốc nói chỉ vì họ muốn nói."
Hi vọng rằng mỗi người đều nói những lời ra hoa, làm người khác thấy ấm áp, mà không phải dùng lời nói làm vũ khí, làm tổn thương trái tim đối phương.
(03)
Trước đây, ông nội của một vị thẩm phán nọ, 82 tuổi, đã nổi tiếng trong một buổi phát sóng trực tiếp.
Trong phiên tòa, anh tài xế xe tải vì đỗ xe trái nơi quy định lại không đóng tiền phạt kịp thời nên đã bị phạt số tiền gấp đôi.
Đây chỉ là một phiên tòa đơn giản. Sau khi hóa giải hiểu lầm xong, thẩm phán đã phán anh ta vô tội ngay lập tức.
Nhưng không ngờ, anh tài xế không rời đi, mà nói với ông nội thẩm phán. Hai mươi năm trước, anh ta là một thiếu niên hư hỏng, lái xe lúc say xỉn, đánh nhau và ra tòa mỗi tháng trở thành thói quen của anh ta.
Năm đó, ông nội thẩm phán đã nhẹ nhàng hỏi anh ta một câu:
"Lớn lên cậu muốn làm cái gì? Phạm tội? Ngồi tù? Hay là làm việc đàng hoàng?"
Ông ấy không hề tức giận, cũng không trách mắng, lời nói kia chỉ như người lớn đang trò chuyện với đứa trẻ về tương lai của nó.
Trước giờ chưa có ai từng quan tâm đến anh ta, nhưng câu nói ấy đã thay đổi cả đời anh ta.
Sau đó, anh tài xế kia từ bỏ thói quen xấu, học một cái nghề và sống cuộc đời bình thường.
Đôi mắt anh ta đẫm lệ, khẽ nói với ông cụ: "Bây giờ cháu là tài xế xe tải, rất cám ơn ông!"
Bạn không thể tưởng tượng nổi một câu nói đẹp có thể mang đến bao nhiêu năng lượng tích cực cho người khác. Dù chỉ là một câu khen tặng đơn giản, một câu an ủi bình thường đi nữa, nó cũng có thể trở thành bàn tay ấm áp kéo đối phương bước ra bóng tối.
(04)
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Daniel Gorman từng nói trong cuốn sách "Emotional Quotient" rằng:
"Mức độ thoải mái bạn tạo cho người khác, quyết định cao độ cuộc sống mà bạn đạt được."
Nói lời hay ý đẹp, khiến người khác thoải mái, là một loại năng lực giao tiếp hàng đầu cần có. Mà muốn nói tốt, hãy ghi nhớ 3 nguyên tắc sau:
Thứ nhất: Ít chê bai, nhiều khuyến khích
Chúng ta nên cách xa những người thích soi mói khuyết điểm người khác, cũng đừng nên trở thành những người hay chê bai người khác.
Khen ngợi vừa phải, hợp tình huống, nói những lời khuyến khích đơn giản nhưng thật tâm, là một loại lương thiện, cũng là biểu hiện của người có EQ cao.
Thứ hai: Bớt trách cứ, nhiều an ủi
Cuộc sống thật không dễ dàng, đừng nên đem định kiến của mình áp đặt lên người khác, đó là biểu hiện thành công của việc tu tâm dưỡng tính.
Thứ ba: Bớt than phiền, nhiều cám ơn
Có câu nói thế này: "Nếu bạn yêu, cuộc sống ở đâu cũng đầy ắp tình yêu. Nếu bạn hận, xã hội đi đâu cũng đáng hận. Nếu bạn biết cám ơn, khắp nơi đều là sự biết ơn."
Học cách bồi dưỡng thói quen cám ơn đúng lúc, gạt bỏ đi tật xấu đụng chút chuyện nhỏ là than phiền, phàn nàn. Có như thế, không chỉ khiến cuộc sống của bạn tốt đẹp, bình yên, còn góp phần xây dựng nên một xã hội văn minh, giàu tình cảm.
Thiên Tuyết
Đàn bà ngoại tình, lỗi một phần là ở đàn ông Đàn bà ngoại tình là sai nhưng có những người đàn ông đã sai với vợ con của mình trước. Chị phản bội, bỏ lại tất cả nhưng chị không hề hối hận. Khi nhắc đến một người đàn bà ngoại tình, thiên hạ sẽ không tiếc lời chê bai, chỉ trích và dành cho cô ta những lời lẽ chua cay nhất....