Mê hoặc tháp Chăm Bình Định
Đất Bình Định – xứ Vijaya xưa – từng là kinh đô của vương quốc cổ Chăm Pa nên còn lưu giữ được nhiều dấu tích về kiến trúc của người Chăm xưa, nổi bật là các cụm tháp còn sừng sững sau gần ngàn năm
Tình cờ, trong một chuyến rong ruổi bằng xe máy trên đất Bình Định giữa buổi chiều muộn trên Quốc lộ 19B từ hướng sân bay Phù Cát ra Quốc lộ 1, tôi bắt gặp một hình ảnh gây ấn tượng rất mạnh: Một ngôi tháp cổ bằng gạch đứng cô độc trên đỉnh đồi cao, đỏ rực lên dưới ánh hoàng hôn – một hình ảnh vừa huy hoàng, tráng lệ vừa hoang phế, cô liêu. Tiếc thay, lần ấy tôi không kịp chụp ảnh ngôi tháp vì còn vội đường xa.
Tháp Phú Lốc đỏ rực trong ánh hoàng hôn
Vì điều kiện xa xôi, mất nhiều năm sau và qua một vài lần đi qua chốn cũ không đúng thời điểm, tôi mới sắp xếp được thời gian để trở lại, canh đúng giờ cũ, trên con đường cũ để chụp cho được hình ảnh của ngôi tháp hoang phế cổ kính ấy. Đó chính là tháp Phú Lốc, tại làng Phú Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Cũng từ đó, tôi bắt đầu bị mê hoặc bởi các di tích tháp Chăm cổ trên đất Bình Định và có những trải nghiệm thú vị về chúng.
Huyện Tây Sơn ngày nay còn lại 2 cụm tháp Chăm cổ: Dương Long và Thủ Thiện. Cụm tháp Dương Long tọa lạc trên một quả đồi thấp ở thôn An Chánh, xã Bình An, huyện Tây Sơn. Ba ngôi tháp cao vút lên trời xanh như 3 chiếc ngà voi khổng lồ, có thể vì thế mà người Pháp khi đến đây đã gọi cụm tháp này là Tháp Ngà.
Cụm tháp Dương Long có chiều cao xấp xỉ 40 m, cao nhất trong số tất cả tháp Chăm còn lại trên dải đất miền Trung. Kiến trúc tháp Dương Long khác biệt hoàn toàn với các tháp Chăm truyền thống, có lẽ do ảnh hưởng bởi kiến trúc Angkor. Bởi gần 200 năm từ giữa thế kỷ XII đến giữa thế kỷ XIV là thời kỳ chiến tranh liên miên giữa nước Chiêm Thành của người Chăm và nước Chân Lạp của người Khmer và có thời gian xứ Vijaya chịu sự chiếm đóng của người Khmer.
Cụm tháp Dương Long gồm 3 ngôi tháp được xây dựng từ khoảng thế kỷ XIII
Video đang HOT
Tháp Thủ Thiện
Đối diện cụm tháp Dương Long qua sông Côn, tháp Thủ Thiện nằm giữa một cánh đồng làng Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn như lời ca dao:
“Vững vàng tháp cổ ai xây
Bên kia Thủ Thiện, bên này Dương Long”.
Tháp Thủ Thiện được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI đến thế kỷ XII, kiến trúc mang nét truyền thống: các tầng tháp thu nhỏ dần lên trên.
Dù ngôi tháp cổ ngày nay đứng lẻ loi, hoang lạnh giữa nương sắn ven hữu ngạn sông Côn nhưng nghiên cứu khảo cổ chỉ ra rằng việc thờ phụng tôn giáo của người Chăm xưa kia tại đây khá đặc biệt, vừa có những yếu tố của Ấn giáo lại vừa có những yếu tố của Phật giáo.
Trước kia, từng có một cây đa lớn mọc trên đỉnh tháp, bộ rễ của nó trùm kín phần lớn đỉnh tháp. Cơn bão năm 1985 đã thổi bay cây đa khổng lồ mà lạ thay, không làm ngôi tháp bị hư hại gì đáng kể.
Nhìn những ngôi tháp Chăm cổ đã đứng vững giữa đất trời gần ngàn năm, bất chấp sự tàn phá của khí hậu, của chiến tranh, càng cảm thấy khâm phục tiền nhân với kỹ thuật xây dựng và điêu khắc xuất sắc từ xa xưa, để lại cho hậu thế những di sản quý báu.
Tham quan những di tích tháp Chăm, đồng thời được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên vừa đẹp mộc mạc vừa thanh bình của đất võ Bình Định, càng thấy yêu đất nước, con người Việt Nam.
Hãy tranh thủ đi và khám phá quê hương, đất nước mỗi khi có dịp nhé các bạn. Việt Nam mình đẹp lắm!
Vượt cầu tre sông Côn
Từ khu tháp Dương Long đi sang tháp Thủ Thiện, tôi có một trải nghiệm thú vị khi vượt qua sông Côn trên chiếc cầu tre An Chánh. Mùa nước cạn, dân cư hai bên bờ sông Côn qua lại trên chiếc cầu hoàn toàn bằng tre bắc ngang sông. Đến mùa lũ, nước sông Côn cuồn cuộn đổ về, người ta lo dỡ cầu. Có những khi lũ về nhanh quá, cuốn trôi mất nhiều đoạn của cây cầu. Lũ rút, người ta dựng lại cầu, bổ sung những phần quá cũ nát hoặc bị lũ cuốn mất.
Cầu tre An Chánh bắc qua sông Côn mùa nước cạn
Giữa buổi chiều tà chạy xe máy qua cầu tre An Chánh, gió sông Côn mát rượi, nắng vàng ruộm soi bóng cả cây cầu tre cùng người và xe dưới những bãi cạn dưới lòng sông, cảm giác làng quê Tây Sơn thật đẹp và thanh bình.
Cảm giác thú vị khi chạy xe trên cầu tre chợt thay đổi khi 2 xe máy chạy ngược chiều vượt qua nhau. Cây cầu khẽ rung rinh, bồng bềnh có thể khiến nhịp tim của bạn tăng lên bất thường.
Hoa trang rừng rực rỡ khoe sắc 2 bên bờ suối Tà Má, Bình Định
Dọc theo 2 bên bờ suối Tà Má làn nước trong vắt, thuộc thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, là hàng trăm tán cây trang rừng cổ thụ đang đua nhau khoe sắc, mang màu cam pha đỏ rực rỡ của hoa hòa vào sắc xanh của núi rừng.
Hàng cây trang rừng mọc hai bên bờ suối Tà Má.
Dạo bước dưới những tán trang rừng cổ thụ đang mùa trổ hoa, hàng ngàn du khách tới tham quan dòng suối Tà Má, thuộc thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đều có chung cảm nhận: choáng ngợp và ấn tượng.
Năm nay, do điều kiện thời tiết thuận lợi, lần đầu tiên hoa trang rừng "hẹn" nhau nở cùng một thời điểm. Sắc cam pha đỏ rực rỡ của hoa, hòa quyện cùng màu nước trong vắt của suối Tà Má và màu xanh của núi rừng Bình Định đã tạo nên một cảnh sắc thiên nhiên sống động, nhưng không kém phần thơ mộng, yên bình.
Sắc đỏ pha cam rực rỡ của hoa trang rừng tại suối Tà Má.
Bị vẻ đẹp hoa trang rừng Bình Định "hớp hồn" qua những tấm ảnh trên mạng xã hội, anh Nguyễn Ngọc Thuận ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đã tận dụng 2 ngày cuối tuần để cùng bạn bè tới suối Tà Má "thưởng" hoa. Đứng trên bờ suối, ngắm nhìn hoa trang rừng đang trổ bông, mọi âu lo, phiền muộn của anh Thuận như được cởi bỏ, hòa vào dòng nước mà trôi đi.
"Hương thơm hoa trang rừng nhè nhẹ, phảng phất trong không gian, cùng với dòng suối mát chảy róc rách đã tạo nên một phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, say đắm lòng người" - anh Thuận nói.
Hoa trang rừng còn được gọi là hoa trang nước, bởi loài cây này thường mọc bên bờ suối. Hoa có hình dáng tựa như hoa trang ở đồng bằng, nhưng mọc theo chùm và trải đều khắp tán cây. Hoa có màu vàng cam hoặc đỏ, nở vào mùa Xuân từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch. Thời tiết mùa Xuân năm nay có nắng mạnh nhưng không khí vẫn còn se lạnh, khác hẳn với mọi năm, đã tạo điều kiện lý tưởng để hoa đồng loạt nở rộ.
Du khách thích thú hòa mình vào thiên nhiên tại suối Tà Má.
Lượng du khách trong và ngoài Bình Định tới suối Tà Má đã tăng đột biến trong thời gian gần đây, với 3.000- 4.000 lượt người trung bình mỗi ngày. Những hàng trang rừng cổ thụ đã mang đến cơ hội tuyệt vời để phát triển du lịch, nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức dành cho chính quyền địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh) Lương Quang Nghị, với lượng khách du lịch về tham quan suối Tà Má quá đông, nên chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc gìn giữ an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường tự nhiên.
"Chúng tôi đã huy động lực lượng ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường đồng thời tuyên truyền du khách giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ cảnh quan nơi đây. Lực lượng công an huyện cũng đã có mặt thường xuyên để giữ gìn an ninh trật tự và phân luồng giao thông", ông Lương Quang Nghị cho biết.
Để hướng tới phát triển du lịch bền vững tại suối Tà Má, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã chỉ đạo các phòng, ban của huyện phối hợp cùng UBND xã Vĩnh Hiệp và cộng đồng dân cư thôn Hà Ri lập đề án khai thác tiềm năng du lịch theo hướng du lịch cộng đồng. Cụ thể, cần phải gắn cảnh đẹp thiên nhiên với bản sắc văn hóa đặc trưng của người Ba Na nơi đây; từ đó tiến tới hình thành các dịch vụ du lịch để phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Danh tướng có hai lăng mộ ở Sài Gòn Khi mất, tướng Võ Tánh, người một lòng theo phò chúa Nguyễn Ánh được xây hai lăng mộ ở đất Gia Định để ghi nhớ công lao. Võ Tánh (1768 - 1801), sinh tại Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai), là vị tướng theo phò chúa Nguyễn Ánh. Năm 1801 khi quân Tây Sơn vây thành Quy Nhơn (nay thuộc Bình Định),...