Mẹ Hải Bánh tin đứa con nghịch tử sẽ hoàn lương
Với linh cảm của một người mẹ, bà tin tưởng rằng, con bà – Hải Bánh – tay giang hồ cộm cán một thời, trợ thủ đắc lực của “đại ca” lừng lẫy Năm Cam rồi sẽ hoàn lương.
Hải Bánh – tay giang hồ cộm cán một thời, trợ thủ đắc lực của “đại ca” lừng lẫy Năm Cam giờ đang phải trả giá cho những món nợ đời hắn đã gây ra trong quá khứ. Còn bà, với tư cách là thân sinh của kẻ tội đồ Hải Bánh, cũng đang trả món nợ đời cho con bà. Thế nhưng, chưa một lần người mẹ đáng thương ấy quên đi “nghĩa vụ làm mẹ” của mình. Với linh cảm của một người mẹ, bà tin tưởng rằng, con bà rồi sẽ hoàn lương. Trò chuyện với chúng tôi, bà cứ nhắc đi nhắc lại: “Tôi sinh nó ra, nó ngoan ngoãn thì tôi được nhờ, nó hư, nó vấp ngã thì tôi phải đưa tay nâng nó đứng dậy. Tôi nghĩ bất cứ người mẹ nào cũng sẽ làm như tôi thôi”.
Tin một ngày con sẽ hoàn lương
Trong ký ức của bà Bánh (mẹ của giang hồ Hải Bánh) thì hồi nhỏ con bà là một người hiền lành, mặt mũi sáng sủa, khôi ngô: “Tôi sinh được cả thảy mười đứa con nhưng thằng Hải là đứa giống tôi nhất. Là con trai nhưng nó sạch sẽ lắm, nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp”.
Bà Bánh – mẹ của giang hồ một thời Hải Bánh.
Kể từ lúc Hải đi tù, đều đặn mỗi năm hai lần bà đưa bé Vân (con gái Hải Bánh) vào thăm bố. Hành trình từ Hà Nội vào Sài Gòn rồi đến Trại giam Xuân Lộc đã quen với bà đến nỗi bà có thể tả chi tiết cảnh vật và những địa danh quanh đó. Quán nước chè ngay trước cửa nhà bà, dù cố gắng nhặt nhạnh cũng chỉ được vài chục nghìn đủ để hai bà cháu sống qua ngày. Vì thế mà để đủ tiền trang trải cho chi phí ngày càng đắt đỏ và để tích cóp tiền vào thăm con trai mỗi năm hai lần, bà Bánh đã phải dành ra mấy mét vuông mặt đường để cho người ta thuê làm cửa hàng, kiếm mỗi tháng vài ba triệu.
Dù sinh ra tới mười người con nhưng bà Bánh vẫn không muốn dựa dẫm, nhờ vả đứa nào. Một tay bà nuôi dạy cháu Vân, rồi cũng một tay bà đưa nó đi thăm bố mỗi năm. Biết công lao của mẹ vô cùng lớn nên bất cứ lần nào bà vào gặp Hải Bánh trong trại giam, con trai bà cũng khóc và bảo rằng: “Con bất hiếu nên mẹ phải vất vả nhiều”. Thế nên “nó chẳng bao giờ đòi hỏi việc chu cấp hằng tháng. Hai mẹ con nói chuyện bao giờ nó cũng tỏ ra vui vẻ và bảo trong này đủ cả, mẹ không phải lo lắng nhiều đâu. Tôi biết nó thiếu nhiều nhưng vì thương mẹ nên đã không dám đòi hỏi. Tôi mừng vì tính nó ngày càng đằm hơn”.
Video đang HOT
Đã từng dọc ngang tung hoành, giết người không ghê tay, vậy mà cũng có những phút giây Hải Bánh thấy chùn lòng khi phải chứng kiến những cái chết vì bệnh tật của những người bạn tù khác. Nhiều lần, trước mẹ Hải Bánh không giấu được cảm giác hoang mang lo lắng “Ở đây nhiều người chết lắm mẹ ạ! Con thấy sợ lắm”. Mỗi lần như thế bà Bánh lại phải động viên con phải cố gắng cải tạo thật tốt, sinh hoạt điều độ thì sẽ không có chuyện gì xảy ra cả.
Là con thứ sáu trong gia đình có tới mười anh chị em nên tuổi thơ Hải Bánh khá cơ cực. Cả gia đình mười mấy người sống chen chúc trong một căn gác rộng chưa đầy 30m2 ở phố Hàng Cót. Hồi đó vì điều kiện kinh tế quá khó khăn nên bà Bánh đã phải đi buôn lậu vải bị bắt. Bà bị kết án ba năm tù và giam tại Trại giam Xuân Nguyên – Hải Phòng. Sau này khi được mãn hạn tù trở về nhà, nhìn mười đứa con thơ nằm ngủ lăn lóc dưới sàn nhà, bà đã không sao cầm được nước mắt. Chồng bà làm nghề gò hàn xích lô nên từ bé Hải đã phải phụ giúp bố những việc như gò, hàn, uốn khung. So với những anh em còn lại thì Hải là người khéo tay nhất, luôn làm bố hài lòng.
Với xã hội Hải Bánh là một gã giang hồ đáng ghê sợ. Thế nhưng trong mắt của bà Bánh, Hải lại là một đứa con biết nghĩ thương yêu và lo lắng cho bố mẹ: “Nó vẫn thường bảo với tôi là nó rất ân hận vì không thể chăm sóc cho bố mẹ lúc tuổi già. Không những thế mà còn khiến bố mẹ phải lo lắng, đau khổ. Ông nhà tôi nghiêm khắc lắm, nó trượt dài trong tội lỗi ông ấy rất đau. Giận con thì giận nhiều lắm nhưng đứt ruột đẻ ra bỏ làm sao được. Lần đầu tiên nó đánh người bị bắt và thụ án ở Hải Dương. Ba mươi Tết ông nhà tôi đạp xe xuống Hải Dương thăm nó, trên đường đi chẳng may bị ngã, chân tay xây xát hết cả. Nhìn thấy bố như thế nó oà lên khóc và cứ day dứt mãi về chuyện đó. Cách đây vài năm ông nhà tôi mất, lo xong xuôi cho ông ấy xong tôi mới báo cho nó. Nó khóc nhiều và dặn: “Khi nào mẹ vào thăm con thì mang cho con album ảnh chụp đám tang của bố. Con chỉ mong được một lần về thắp nén nhang tạ tội với bố thôi”. Nói đến đây bà Bánh bật khóc.
Dù rằng trước khi bị bắt và bị kết án chung thân trong vụ Năm Cam thì Hải Bánh đã là một tay giang hồ cộm cán. Chiến tích đầy mình và vào tù ra tội cũng nhiều. Hơn ai hết bà Bánh biết được sự trượt ngã của con mình. Nhưng có lẽ khi ấy tình yêu, sự khuyên răn của người mẹ đã không thể níu kéo những bước chân lầm lạc của Hải Bánh. Thế nên không biết bao lần bà rơi vào cảm giác tuyệt vọng vì đứa con “rạch giời rơi xuống” gây không biết bao nhiêu tội ác. Và dù thương con, yêu con đến mấy bà cũng vẫn đủ tỉnh táo để dự cảm về một tương lai xấu của con mình. Biết thế, chuẩn bị tâm lý là thế vậy mà khi nghe toà tuyên án Hải chịu hình phạt chung thân bà vẫn không tránh khỏi cảm giác choáng váng và đau đớn. Bà thương con một phần thì xót đứa cháu gái mười phần, nó chỉ là một đứa trẻ mà sao cay đắng cứ dồn dập đổ xuống cuộc đời nó.
Tuy Hải Bánh đi tù và nổi tiếng khắp cả nước với những chiến tích bất hảo nhưng bà Bánh chưa bao giờ vì thế mà bị bà con cùng phố xa lánh, kỳ thị. Mọi người vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi và động viên bà. Giờ đây, nỗi niềm lớn nhất của người đàn bà đã trải qua biết bao thăng trầm, cực khổ là sợ không thể sống chờ đến ngày con mãn hạn tù. Là một người mẹ, bà mong và tin lắm rằng thằng Hải con bà rồi sẽ hoàn lương. Bởi có lần khi vào thăm con, Hải Bánh đã từng thổ lộ ước vọng hoàn lương ấy với bà, rằng “đến khi mãn hạn tù nó sẽ trở về và mở một quán cà phê nho nhỏ, sống thanh thản những năm tháng sau của cuộc đời”.
Người đàn bà tần tảo một đời, nuôi mười đứa con khôn lớn bằng người. Tiếc thay hai trong số mười người con bà sinh ra đã không nghe theo những lời dạy dỗ của bố mẹ mà trượt dài trong tội lỗi. Không chỉ có Hải Bánh mà đứa con trai kế dưới Hải Bánh là Long cũng từng là sát thủ nổi tiếng ở Hà Nội với biệt danh Long “tròn”. Nỗi đau khi có hai người con cùng vướng vào vòng tù tội khó có thể diễn tả thành lời.
Tình yêu cha trong con gái Hải Bánh không bao giờ vơi cạn
Buồn rầu khi nhắc về Hải Bánh nhưng khi chúng tôi hỏi bà Bánh về Vân thì giọng bà trở nên khí thế và phấn chấn hẳn lên: “Con bé Vân nó ngoan lắm. Tính tình hiền hậu lại rất biết thương bà. Bố mẹ nó bỏ nhau từ khi nó mới mười ba tháng tuổi, kể từ đó tôi nuôi nó. Hai bà cháu nương tựa vào nhau”.
Hải Bánh trong trại giam.
Bà Bánh nhớ lại, khi Hải Bánh bị bắt, bé Vân đến trường người ta chứ chỉ chỉ trỏ trỏ. Một đứa bé mười hai tuổi bỗng trở thành tâm điểm của mọi người một cách bất đắc dĩ khiến Vân buồn lắm. Về nhà Vân trở nên lầm lì, ít nói. Nếu như nhiều đứa khác chắc có lẽ Vân đã nghỉ học vì cảm thấy bị áp lực từ nhiều phía. Không chỉ nhiều phụ huynh của các bạn cùng lớp, thậm chí là cùng trường đã ngăn cấm con của họ chơi với Vân chỉ bởi vì “Nó là con của Hải Bánh. Bố nào con ấy, cứ tránh cho nó lành”.
Suốt một thời gian dài Vân cứ lầm lũi đến trường rồi lại lầm lũi về nhà như một cái bóng. Nhìn đứa cháu gái như con sâu thu mình trong vỏ kén khiến bà Bánh rất đau lòng. Dù rằng, Vân là con gái, và khi ấy Vân còn là một đứa trẻ nhưng chưa từng bao giờ kể từ khi bố bị bắt Vân khóc trước mặt bà và những người thân. Đến bây giờ bà Bánh vẫn không thể hiểu nổi “vì sao con bé lại cứng rắn đến thế”.
Trước đó, khi Hải Bánh chưa bị bắt, tuy thiếu vắng tình yêu thương của mẹ nhưng Vân được bố và cả nhà chiều như một công chúa nhỏ. “Thằng Hải nó yêu con gái nó lắm. Trong mắt nó con gái là xinh nhất. Mỗi dịp sinh nhật, Hải vẫn thường rủ con bé Vân đi mua bánh ga tô và chọn cho con bé những món quà mà nó thích. Rồi Hải tự tay chuẩn bị mọi thứ để làm tiệc sinh nhật cho con. Sau này, khi bố nó bị bắt, dù gia đình tôi động viên và nhiều lần thuyết phục làm sinh nhật cho con bé nhưng nó nhất quyết không đồng ý. Nó bảo không có bố thì sinh nhật còn ý nghĩa gì. Dù bình thường thằng Hải đi suốt, không có nhiều thời gian ở bên con gái nhưng chả hiểu sao hai bố con nó quấn quýt với nhau lắm. Trong lòng con bé Vân, bố nó luôn là số một”.
Thời gian Hải Bánh mới bị bắt, báo chí liên tục viết về gã giang hồ này. Bà Bánh và cả gia đình luôn giấu rất kỹ những bài báo như thế với hy vọng bé Vân không bao giờ đọc được để Vân không phải suy nghĩ nhiều về bố. Nhưng ngược lại, tất cả những bài báo viết về bố Vân đều đọc hết. Có lần Vân nói với bà nội rằng: “Bà đừng lo con nghĩ khác về bố. Dù bố có là ai thì với con bố vẫn là bậc sinh thành. Tình yêu của con dành cho bố không có gì lay chuyển được đâu”.
Gần mười năm đã trôi qua kể từ ngày bố bị bắt, Vân từ một đứa trẻ giờ đã trưởng thành, đã có gia đình của riêng mình. Cũng chỉ vài tháng nữa thôi Vân sẽ cảm nhận đủ đầy về tình mẫu tử với đứa con mà mình đang mang trong bụng. Và có lẽ khi ấy Vân sẽ hiểu hơn bao giờ hết cái cảm giác của một người bố yêu con mà không thể ở bên chăm sóc, che chở cho con được.
Theo ANTD
Hành trình vươn tới chân tu của "Đại ca ánh sáng" thành phố hoa Đà Lạt, Kỳ 1: Gia nhập giang hồ để "rửa hận"
Bất cứ ai về thăm ngôi chùa Định Quang ở thôn Dạ Lê, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủ, tỉnh Thừa Thiên - Huế đều nhận được sự đón tiếp ân cần, đượm tình thương và lòng mến khách của vị sư trụ trì Chơn Hữu với tên thật Huỳnh Thiện Hữu.
Sư Chơn Hữu trải lòng với chúng tôi về quá khứ của Thiện Hữu lắm niềm vui, nhiều nước mắt trong quãng đời làm đại ca giang hồ thành phố hoa Đà Lạt hay trùm bảo kê khét tiếng bãi vàng chốn rừng thiêng nước độc, rồi đành "gác kiếm" giã từ cuộc sống hận thù, tìm về cửa Phật hoàn lương, phục thiện, trở thành vị sư đầy lòng nhân ái, bao dung.
Sau trận đòn "thừa sống thiếu chết" ở chốn tha phương...
Sinh ra tại Thừa Thiên - Huế, nhưng từ thuở lên 5 (1975), Huỳnh Thiện Hữu đã theo mẹ vào thành phố sương mù Đà Lạt "kiếm kế sinh nhai". Đến vùng đất mới, mẹ Thiện Hữu phải "bán lưng cho trời, bán mặt cho đất" để tạo ra nguồn sống cho gia đình. Đổi lại, người mẹ này luôn có được niềm vui khi nhìn thấy Thiện Hữu học giỏi, hiền lành. Những thành tích cao trong học tập của Thiện Hữu trở thành nguồn động viên tinh thần cho người mẹ đang phải "một nắng hai sương". Lúc bấy giờ, Thiện Hữu đem lại sự kỳ vọng cho gia đình và nhà trường với hình ảnh một người con ngoan, trò giỏi. Trong quãng đời học tiểu học và THCS, Thiện Hữu là một học trò thường xuyên có mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi Văn TP Đà Lạt, được thầy yêu, bạn mến. Những trang văn hay của Thiện Hữu được thầy cô lấy làm mẫu cho các bạn cùng trang lứa học tập, noi theo. Ở trường, Thiện Hữu như một con ong chăm chỉ trong mắt thầy cô, bạn bè. Lúc ở nhà, trong mắt người thân, Thiện Hữu lại như một người nội trợ đích thực, vì cậu luôn tranh thủ thời gian để đỡ đần cho gia đình những công việc mà mình có thể làm được.
Niềm vui Thiện Hữu đem lại cho gia đình, thầy cô, bạn bè "chẳng tày gang" bởi khi bước vào năm học cuối cấp THCS, mọi người nhận thấy Thiện Hữu học tập lơ là. Đăc biệt, những trò nghịch ngợm đánh nhau, quậy phá... chưa bao giờ xuất hiện nơi cậu học trò này thì nay Thiện Hữu đã "biểu diễn" như "ăn cơm bữa". Thêm vào đó, việc bỏ học ngày một, ngày hai rồi lại ngày ba... Và "tần số" bỏ học của Thiện Hữu cứ dày lên theo thời gian. Cuối cùng, Thiện Hữu đã chấm dứt tuổi học trò của mình khi bắt đầu chuẩn bị chuyển cấp. Thế là hết, tấm gương sáng về học tập của Thiện Hữu trong mắt thầy cô, bạn bè đã bị vỡ. Niềm kỳ vọng của gia đình về Thiện Hữu đang như một viên than hồng bỗng chốc bị một gáo nước lạnh dội xuống.
Việc cậu học trò Thiện Hữu vốn hiền lành, học giỏi bỗng sinh chứng quậy phá, đánh nhau và nghỉ học "giữa chừng xuân" là bởi: "Một hôm, Thiện Hữu cùng với bạn bè trong lớp đang chơi đùa với nhau thì một đám du côn, du đãng mang theo "đồ chơi" ở bên ngoài vào đánh đập. Thiện Hữu phải hứng chịu một trận đòn chí mạng "thừa sống thiếu chết". Lúc này, vì cuộc sống tha phương, không có ai giúp đỡ, chia sẻ nên Thiện Hữu uất ức. Trong suy nghĩ nông nổi của tuổi thơ, Thiện Hữu nuôi chí "rửa hận". Từ đó, Thiện Hữu bỏ trường lớp để đi học võ, rồi gia nhập vào băng giang hồ Ánh Sáng khét tiếng ở thành phố Đà Lạt. Một năm sau, Thiện Hữu đã "rửa" được mối hận trước sự chứng kiến của bạn bè trong lớp. Lúc trả xong thù cũng là lúc Thiện Hữu chấm hết tuổi học trò và theo "Ánh Sáng" để tồn tại... Khi ấy Thiện Hữu vừa tròn 16 tuổi" - sư Chơn Hữu nhớ lại.
Chân dung sư Chơn Hữu
Từ "Bá vương" phố hoa...
Sau khi gia nhập vào băng giang hồ Ánh Sáng, với sự mưu trí, giỏi võ nghệ, tài xử lý tình huống kết hợp với bản tính "chơi đẹp, chơi trội" nên chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Thiện Hữu được các thành viên "Ánh Sáng" tôn làm đại ca.
Khi Thiện Hữu ngồi vào chiếc ghế thống lĩnh băng nhóm, tại "vùng trời bình yên" Đà Lạt, với tài dụng binh của mình, Thiện Hữu dẫn đường chỉ lối cho "Ánh Sáng" luôn giành được phần thắng trong các trận binh đao giáp mặt với những băng nhóm xã hội đen khác để tranh giành địa bàn "làm ăn". Từ đó, băng Ánh Sáng luôn được "kính nể" và "cánh chim đầu đàn" Thiện Hữu ngày càng "nổi như cồn" giữa thành phố mộng mơ Đà Lạt. "Ánh Sáng" trở thành "Bá Vương" trong những phi vụ thanh toán, đòi nợ thuê, đánh mướn và bảo kê các vũ trường... Thời gian này, Thiện Hữu kết thân với Tuấn - một "lãnh chúa" của băng giang hồ khác để khi có phi vụ nào lớn thì hai đàn anh này đứng ra giải quyết. Được sự phối hợp của Tuấn, băng Ánh Sáng như một con hùm ở phố rừng Đà Lạt, mặc sức tung hoành dọc ngang một cõi.
Để thêm danh tiếng và khẳng định đẳng cấp là một tay đàn anh có hạng, nặng số với đàn em, Thiện Hữu không chỉ thể hiện bản lĩnh của một người có máu mặt trước bàn dân thiên hạ, trước đại ca của các băng giang hồ khác trong việc sát phạt nhau bằng bạo lực, bảo kê và ăn chơi bạt mạng ở vũ trường... mà còn tổ chức đua xe siêu tốc trên những con phố Đà Lạt vốn được mệnh danh hiền hòa, mến khách. Chiếc xe 67 của Thiện Hữu chưa một lần thất bại và đã mang về cho anh ta những khoản tiền lớn.
Cầm đầu Ánh Sáng được một thời gian, nhận thấy không tương xứng với "năng lực" của mình nên Thiện Hữu tách ra thành lập một băng giang hồ khác mang tên "Ba cây Dừa" với hơn 20 thanh niên hư hỏng. Băng "Ba cây Dừa" hay "Ánh Sáng" mà Thiện Hữu làm đại ca đều kiếm được nhiều tiền từ việc bảo kê, đòi nợ thuê... Song, "của thiên lại trả cho địa", có bao nhiêu tiền đều tống sạch vào chốn vũ trường mà chính mình đang bảo kê với những cuộc nhậu thâu canh. Bạo lực, chơi bời trở thành vòng kim cô siết lấy Thiện Hữu.
... Đến trùm bảo kê bãi vàng
Chán cảnh sống ở chốn đô thị lúc thăng, lúc trầm, muốn đổi không gian, Thiện Hữu đã tuyển ra một số thành viên tiêu biểu, có đủ bản lĩnh trong nhóm "Ba cây Dừa" rời Đà Lạt để đến với bãi vàng Tà In thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng để tìm cảm giác mới.
Đến vùng đất mới Tà In, Thiện Hữu gia nhập vào băng giang hồ Hải Cẩu chuyên bảo kê sòng bài ở Đà Lạt một thời đã tề tựu về đây để "thống trị" bãi vàng. Với giọng trầm lặng, sư Chơn Hữu nhớ lại: "Tại đây, người ta không sống với nhau bằng tình thương. Sự sinh tồn, chân lý và quyền định đoạt, phân chia chiến lợi phẩm ở nơi này chỉ thuộc về kẻ mạnh. Tất cả mọi chuyện đều được giải quyết bằng bạo lực. Súng đạn, đao kiếm, cuốc xẻng... là những "trợ thủ đắc lực" cho các băng đảng thanh trừng, chém giết lẫn nhau để xưng hùng bá vương. Tranh giành, cướp bóc, chiếm đoạt của nhau... tạo thành một khu ô hợp đầy tệ nạn. Suốt ngày này qua tháng khác luôn phải chúng kiến cảnh chém giết, sát phạt, máu đổ".
Nơi chốn thâm sơn cùng cốc Tà In, chàng trai trẻ Thiện Hữu luôn dùng mưu trí kết hợp với thế mạnh của băng Hải Cẩu nên tất cả các băng giang hồ có mặt ở bãi vàng đều phải nằm đẳng cấp dưới, ngoại trừ băng nhóm Hoàng Nháy. Sư Chơn Hữu kể: "Lúc đầu, vì băng Hoàng Nháy có đến hơn 70 người nên băng Hải Cẩu muốn "vuốt mặt"... đành phải nể "mũi". Chỉ một xung đột trong cuộc nhậu, dẫn đến băng Hải Cẩu với băng Hoàng Nháy đã không đợi trời chung. Nhiều lần Hải Cẩu lên kế hoạch và đột nhập vào lán trại để trừng trị Hoàng Nháy, nhưng bất thành. Sau đó, băng Hải Cẩu như hổ thêm nanh khi thu nạp thêm Việt Lào có "hàng nóng". Một hôm, biết Hoàng Nháy có mặt trong lán trại, Hải cẩu lệnh cho Việt lào đem lựu đạn, súng AK và một số anh em đến tóm gọn Hoàng Nháy. Lần này, Hoàng Nháy đành chịu khuất phục và đầu hàng với điều kiện do Hải Cẩu yêu cầu: Nội trong 2 ngày, Hoàng Nháy phải rút hết quân ra khỏi vùng "tâm điểm" của bãi vàng". Thế là hết đối thủ nên quyền định đoạt, phân chia vùng mỏ khai thác thuộc về băng Hải Cẩu. Từ khi Hoàng Nháy đầu hàng, băng Hải Cẩu thỏa sức tung hoành nơi "trận địa" vàng Tà In. Ở vùng mỏ "tâm điểm" do Hoàng Nháy "nhượng" lại, băng Hải Cẩu đã khai thác được rất nhiều vàng. Khi có phi vụ nào lớn xảy ra, Thiện Hữu với Hải Cẩu trực tiếp giải quyết bằng vũ lực... là xong.
Suốt 4 năm (1990 -1993) ở bãi vàng Tà In, Thiện Hữu chán dần cảnh sống suốt ngày bạo lực, gươm đao, hận thù... nhưng chưa biết làm sao để rút chân. "Thế rồi, vào những đêm rằm, hơn 20 chàng trai trẻ cùng cảnh sống xã hội đen rủ nhau lên sườn đồi ngắm trăng và Thiện Hữu đã nói lên ý muốn quay về đời sống lương thiện bằng một cái nghề nào đó. Vào một hôm, Thiện Hữu bị một trận sốt rét "thập tử nhất sinh" nằm mê man mấy ngày và được một số người trong băng Hải Cẩu đưa về bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng chữa trị. Khỏi bệnh, Thiện Hữu quyết định ở lại Đà Lạt để thực hiện cái ý định kiếm nghề, tạo lập cuộc sống lương dân, không quay lại chốn điêu linh để rồi suốt ngày phải chứng kiến cảnh tàn sát và ngập trong men say" - thầy Chơn Hữu nói. Vậy, cái ước muốn đó của Thiện Hữu có trở thành hiện thực với một con người đã bao năm sống cảnh gươm đao trong giới giang hồ có hạng?. Tất cả cuộc sống của Thiện Hữu khi quay về Đà Lạt, quá trình đấu tranh tâm lý để hoàn lương và trở thành chân tu chuyên làm việc thiện nơi "chôn nhau cắt rốn" Thừa Thiên - Huế ra sao, xin mời độc giả đón đọc ở số báo sau.
Theo PLXH
Khi những đại ca nhí rũ bỏ "gươm đao" Những đứa trẻ phạm tội đang được giáo dưỡng ở trung tâm giáo dưỡng số I Hà Nội (Thanh Trì, Hà Nội) , tuy mỗi đứa có một hoàn cảnh, cách phạm tội khác, nhưng tất cả chúng trước khi vào đây đều có hoàn cảnh gia đình không hề yên ấm, không được yêu thương như bao đứa trẻ bình thường khác....