Mẹ đẻ ‘Hoàn Châu cách cách’ để lại di thư dặn dò hậu sự
Trong bức tâm thư gửi con trai và con dâu, nữ sĩ Quỳnh Dao muốn được chết theo ý mình, có thể được cười khi chết.
Gần đây, nữ sĩ Quỳnh Dao gây chú ý khi viết di thư gửi con trai và con dâu trên trang Facebook cá nhân. Trong bức thư dài gửi các con, mẹ đẻ Hoàn Châu cách cách mong được chết theo ý nguyện, không muốn mọi sự sắp đặt, chữa trị như thói quen của nhiều người.
“Hẹn ngày ra đi đẹp đẽ. Đây là lần đầu tiên mẹ nói lên tiếng lòng của mình và cũng là những lời đau đáu nhất”, bà viết.
Trong bức thư, Quỳnh Dao chia sẻ vừa biết tin chính phủ Đài Loan thông qua sắc lệnh Quyền được tự chủ chọn cái chết. Quy định này sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2019. “Nói đơn giản, sau này người bệnh có thể quyết định cách muốn chết như thế nào, không cần để bác sĩ hay người nhà quyết định thay. Với mẹ mà nói đây là tin mừng”, bà viết.
Tác giả Hoàn Châu cách cách muốn sống giống như ánh lửa, cháy đến giây phút cuối cùng. Chết nguyện như hoa tuyết, phiêu diêu rơi xuống đất, hóa thành cát bụi.
Quỳnh Dao muốn khi bà ốm, các con hãy để bà ra đi một cách nhanh nhất. Bà không muốn được bác sĩ chữa trị, cắm ống dưỡng thở, nối khí quản, ống thông tiểu, ăn qua đường mũi để duy trì sự sống.
“Nếu mẹ mất đi năng lực nuốt thức ăn, cũng có nghĩa không còn niềm vui đời thường. Như thế, mẹ cũng không muốn sống”.
Nữ sĩ 79 tuổi lo ngại các con vì chữ hiếu mà không dám làm theo tâm nguyện này. “Mẹ chỉ sợ đến ngày đó. Các con vì đạo hiếu lại trở thành những người không toàn ý nguyện của mẹ…Dù các con đau buồn đến đâu, có đối diện bao nhiêu áp lực đi nữa cũng đừng để mẹ rơi vào cảnh muốn sống không được, muốn chết cũng không xong. Đừng để mẹ chỉ là một bà già nằm bất động trên giường. Như thế, các con mới là đại bất hiếu”.
Quỳnh Dao cho rằng ở tuổi của bà đã là quá đủ với một đời người.
Quỳnh Dao muốn chết tự nhiên, không cần cố chữa trị.
“Năm nay mẹ đã 79, sang năm là 80 tuổi. Cuộc sống của mẹ đã đủ dài. Mẹ không vì chiến loạn, nghèo khổ, bệnh tật, thiên tai mà qua đời. Đó đã là hạnh phúc, là sự ưu ái của trời cao. Cho nên mẹ muốn được mỉm cười khi chết”, bà nhắn nhủ động viên người thân.
“Mẹ đã từng nói khi sống muốn giống như ánh lửa, cháy đến giây phút cuối cùng. Khi chết nguyện như hoa tuyết, phiêu diêu rơi xuống đất, hóa thành cát bụi. Khi còn sống, dù tuổi có cao, mẹ vẫn cháy hết mình cho đến khi không thể. Cũng mong khi chết được như hoa tuyết, rơi xuống là tan biến chỉ trong một khắc. Các con đừng kéo dài ngày tan biến đó của mẹ”, bà viết.
Video đang HOT
Đối với bà, nếu như sinh ra là chuyên ngẫu nhiên thì cái chết là lẽ thường tất nhiên trong cuộc đời. Trước kia, con người không thể tự ý chọn lựa cách ra đời như thế nào, cũng không thể lựa chọn được ngày ra đi. Bà cảm thấy hạnh phúc khi giờ đây mọi quan điểm đã dần thay đổi.
Quỳnh Dao cũng dặn dò các con không cúng viếng, đi lễ mộ như tập tục ở Đài Loan bởi bà là người “vô thần”.
“Khi mẹ mất hãy hỏa táng thành tro, để mẹ trở về với cát bụi. Các con cũng đừng viết cáo phó, không tưởng niệm, không truy điệu. Chuyện mẹ chết là chuyện riêng, mẹ không muốn làm phiền bất kỳ ai. Những người yêu mẹ đều hiểu tâm ý của mẹ”, bà viết thêm.
“Thêm nữa, các con đừng cúng vàng tiền, không mở linh đường thắp nhang. Lúc mẹ đến không có gì, lúc ra đi cũng cầu sạch sẽ không vương vấn. Lễ Thanh Minh không cần cúng viếng mẹ vì mẹ đã siêu thoát, không còn ở trần gian. Hơn nữa, Trái đất đang ngày càng ấm lên, hóa vàng mã thắp hương đều khiến Địa cầu bị ảnh hưởng. Chúng ta cần bảo vệ môi trường sống của con người”, bà chỉ bảo.
Bà cũng mong các con không thắp nhang, tổ chức lễ tang, viếng mộ hay đốt vàng mã hàng năm.
Quỳnh Dao mong các con đừng bận tâm đến những thị phi từ người ngoài.
Bà nhấn mạnh: “Cái gọi là lễ tang trọng thể, mẹ không cần. Lễ tang trọng thể chỉ dành cho người sống hư vinh. Còn mẹ, khi ra đi, điều đó có còn ý nghĩ gì nữa. Mẹ muốn lễ tang diễn ra càng nhanh càng tốt, kết thúc sớm là mẹ yên lòng. Lo liệu mọi việc xong xuôi, các con hãy báo cho bạn bè, người thân. Mẹ tin họ sẽ hiểu lời mẹ, các con đừng bối rối”.
Quỳnh Dao sinh năm 1938 tại Tứ Xuyên trong một gia đình có truyền thống giáo dục. Bà cũng có họ hàng xa với nhà văn Kim Dung và Từ Chí Ma.
Trong tiểu thuyết của nữ sĩ nổi tiếng, người đọc dễ nhận thấy tình thơ ý họa, cảnh sắc tuyệt đẹp. Bà trau chuốt từng câu, từng chữ, không lối mòn. Tiểu thuyết ngôn tình giờ rất nhiều nhưng áng văn hay và đầy khí chất thì vẫn chưa có ai qua được Quỳnh Dao.
Những tác phẩm để đời của Quỳnh Dao có thể kể đến như Thủy vân gian, Triều thanh, Hoa mai lạc, Hải âu phi xứ, Dòng sông ly biệt, Hoàn Châu cách cách, Một thoáng mộng mơ…
Theo Zing
Mẹ đẻ 'Hoàn Châu cách cách' và chuyện cướp chồng suốt 16 năm
Quỳnh Dao là nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng bậc nhất Đài Loan. Chuyện đời và chuyện tình của bà cũng lai láng, nhiều nước mắt như những nhân vật trong tác phẩm.
Tác giả Hoàng Đồng Đồng từng nói: "Tác phẩm của Quỳnh Dao không bao giờ lỗi thời, sẽ sống mãi với thời gian. Bà viết về tình yêu và cuộc đời này có bao giờ thiếu tình yêu".
Trong tiểu thuyết của nữ sĩ nổi tiếng, người đọc dễ nhận thấy tình thơ ý họa, cảnh sắc tuyệt đẹp. Bà trau chuốt từng câu, từng chữ, không lối mòn. Tiểu thuyết ngôn tình giờ rất nhiều nhưng áng văn hay và đầy khí chất thì vẫn chưa có ai qua được Quỳnh Dao.
Những tác phẩm để đời của Quỳnh Dao có thể kể đến như Thủy vân gian, Triều thanh, Hoa mai lạc, Hải âu phi xứ, Dòng sông ly biệt, Hoàn Châu cách cách, Một thoáng mộng mơ...
Hoàn Châu cách cách là bộ tiểu thuyết "vui, hài" hiếm có của Quỳnh Dao. Ảnh: Sina.
Điểm thiếu duy nhất trong các tác phẩm của bà có chăng là tư tưởng truyền thống vẫn còn nặng nề. Bà viết về tình yêu lứa đôi, số phận người phụ nữ. Nhưng nhân vật nữ trong tiểu thuyết Quỳnh Dao luôn phải đẹp thoát tục, mang nét thanh xuân. Họ sẽ yêu và trải qua những sóng gió để bảo vệ tình yêu của mình như một câu chuyện cổ tích khó có thật.
Nhiều người nói vì Quỳnh Dao đa sầu như thế nên chuyện tình cảm của bà cũng đầy trắc trở.
Hôn nhân gượng ép sau 2 lần trượt đại học
Quỳnh Dao sinh năm 1938 tại Tứ Xuyên trong một gia đình có truyền thống giáo dục. Bà cũng có họ hàng xa với nhà văn Kim Dung và Từ Chí Ma.
Năm 1949, bà theo bố mẹ chuyển đến sống ở Đài Loan. Bà viết sách khi mới 16 tuổi, lấy bút danh lúc đó là Tâm Như. Quỳnh Dao giỏi viết lách nhưng không có duyên với thi cử. Bà thi trượt đại học trong hai năm 1957 và 1958.
Cuộc đời Quỳnh Dao nhiều lần được bà ẩn ý đưa vào tác phẩm.
20 tuổi không vào được đại học, gia đình hết sức sốt ruột. Bố mẹ giục bà sớm kết hôn. Cũng lúc này, người đàn ông tên Khánh Quân bước vào cuộc đời bà. Họ quen nhau qua giới thiệu và kết hôn chóng vánh.
Năm 1959, bà tổ chức lễ cưới với Khánh Quân. Năm 1961, họ đón chào con trai Trần Trung Duy ra đời. Sự nghiệp của Quỳnh Dao ngày càng thăng tiến cũng là lúc khoảng cách vợ chồng càng xa.
Khánh Quân chìm trong cờ bạc, rượu chè, không quan tâm đến gia đình.
Chuyện ngoại tình và cướp chồng
Ở tuổi 25, Quỳnh Dao đã lục đục chuyện gia đình. Cũng lúc này, bà quen biết người chồng sau này - tổng biên tập Bình Hâm Đào. Họ gặp nhau qua công việc khi bà thường gửi bản in cho tạp chí của ông.
Năm 1964, bà ly hôn Khánh Quân. Tin đồn bà ngoại tình với Bình Hâm Đào, bỏ chồng đồn đại ồn ào trong giới văn học. Bình Hâm Đào hơn bà 11 tuổi, sống cùng vợ tên Lâm Uyển Trân và ba người con.
Quỳnh Dao bên người chồng với cuộc tình đầy tranh cãi.
Bất chấp mọi dị nghị, bà vẫn sóng đôi cùng ông và thành lập công ty điện ảnh chung khi bà 29 tuổi. Công ty này giải tán sau 2 năm.
Họ sống với nhau như một cuộc hôn nhân không danh phận trong nhiều năm. Mãi đến năm 1976, Bình Hâm Đào mới ly hôn vợ. 3 năm sau, ông kết hôn với Quỳnh Dao. Lúc đó, ông đã 52 tuổi, còn bà ở tuổi 41.
Từng bị tiếng là "hồ ly" nhưng chuyện yêu và gắn bó hơn nửa thế kỷ qua của Quỳnh Dao và Bình Hâm Đào khiến những người khó tính nhất cũng không còn sức để trách bà.
Có nhà phê bình đã phải cảm thán Quỳnh Dao cả đời yêu Bình Hâm Đào, cũng giống như nhan đề một cuốn tiểu thuyết Mưa là anh và nắng cũng là anh.
Nữ sĩ ở tuổi 78. Bà kín tiếng hơn và gần đây chỉ xuất hiện sau vụ kiện với biên kịch Vu Chính.
"Mọi người hỏi tại sao tôi lại chờ đợi lâu đến như thế, bỏ lỡ tuổi thanh xuân. Tôi lại không nghĩ vậy, tìm được tri kỷ trong đời liệu có mấy người? Lúc tôi khó khăn và bế tắc nhất, người đàn ông đó đã ở bên cạnh là chỗ dựa. Tôi chưa từng nghĩ sẽ tìm đến một ai khác", bà chia sẻ.
Hiện, Quỳnh Dao ở tuổi 78, còn Hâm Đào đã bước sang tuổi 89, nhưng họ vẫn như ngày ấy. Bà ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông hơn. Chỉ gần đây, báo chí nhắc đến bà sau vụ tiểu thuyết Mai hoa lạc bị biên kịch Vu Chính "đạo" trắng trợn.
Bà thắng kiện và một lần nữa chứng tỏ Quỳnh Dao dù nghỉ hưu nhưng tác phẩm của bà chưa bao giờ bị quên lãng.
Theo Zing
'Nữ thần' đẹp nhất phim Quỳnh Dao giờ ra sao? Ở tuổi ngoài 40, Trần Đức Dung đã lộ nhiều "dấu vết thời gian" nhưng cô vẫn luôn được coi là "Nữ thần đẹp nhất trong phim Quỳnh Dao". Bén duyên làng giải trí từ nhỏ Trần Đức Dung sinh năm 1974 tại Đài Loan, là con gái út trong một gia đình bình thường. Cô không chỉ xinh đẹp nhất nhà mà...