May giày vải xinh cho bé yêu
Kiểu giày vải này hợp nhất với những bé tập đi, vừa mềm mại, sát da bàn chân, vừa dễ thay giặt và cũng nhỏ nhắn đủ để mẹ có thể tự khâu chứ không nhất thiết phải may.
Bạn cần chuẩn bị các nguyên vật liệu như sau:
- Vải thô hoặc cotton mềm mại (nên dùng hai màu vải, vải chính có thể dày dặn hơn, vải lót mỏng mềm hơn).
- Kéo, máy khâu hoặc kim chỉ (vì giày nhỏ nên bạn có thể khâu cũng rất nhanh)
- In mẫu bên ra giấy để áp vào vải cắt, phóng mẫu to tới vừa lòng bàn chân của bé là được.
Bước 1:
Áp mẫu giấy lên vải để vẽ theo hoặc ghim mẫu giấy vào vải rồi cắt vải, mỗi mẫu nhỏ cắt 2 miếng giống nhau nhưng ở hai loại vải khác nhau, bao gồm phần bao ngoài và phần lót của đế giày, mũi giày, gót giày.
Bước 2: May thân trên của giày:
Áp hai mặt phải của miếng gót giày khác màu vải vào nhau tại cạnh dài hơn rồi may bạn sẽ có một đôi gót giày hai lớp: lớp bao ngoài (trong hình là màu xanh) và lớp lót (vải hoa mỏng).
Lộn miếng gót giày ra mặt phải, miết phẳng và may chặn một đường may cách mép đã may khoảng 1cm – 1,5cm, sẽ tạo thành một ống vải nhỏ để bạn luồn chun giữ cho gót giày được chặt chẽ hơn.
Xỏ chun vào ống nhỏ vừa tạo ra
Tạm thời cắt cho chun dài vừa vặn với ống vải đó, khi may ở bước sau bạn sẽ kéo chun dư ra ngoài một chút để cho phần chun này thun vải lại.
Đặt chồng các lớp vải theo thứ tự như sau:
1. Mặt phải của miếng mũi giày lật lên trên, đường thẳng bên phải, đường cung tròn bên trái.
2. Mặt lót của miếng gót giày lật lên trên, đường thẳng phía dưới, đường cung phía trên.
3. Mặt trái của miếng lót mũi giày lật lên trên, trùng khít với miếng lót giày nằm dưới cùng, điểm trên cùng của 4 lớp vải (miếng gót giày bao gồm 2 lớp) trùng khít nhau.
Rút chun lùi ra chừng 1cm rồi may một đường lên 4 lớp vải ở bên mép thẳng của mũi giày, tới quá nửa già đường may thì dừng lại để còn đặt lên một đầu kia của gót giày vào cùng may.
Một đầu của gót giày đã được may vào cạnh thẳng của mũi giày, bạn quay tiếp một đầu kia của gót giày xếp vào giữa hai lớp mũi giày và lót mũi giày rồi may cho cân xứng hai bên mũi giày như nhau.
Nhớ rút chun ra 1cm rồi may để chun thun vải lại, tùy theo độ co giãn của chun mà bạn rút nhiều hoặc ít hơn, miễn sao tạo một phần vải co giãn nhờ chun giữ êm gót sau chân bé.
Video đang HOT
Lật ngược phần vừa may sẽ thấy phần chun bị rút thừa ra, dùng kéo cắt giảm đường may và cắt bớt cả chun thừa cho đỡ cộm giày.
Lật phải hai lớp mũi giày và lót mũi giày sang một bên đối diện miếng gót giày, miết phẳng và để các lớp vải khít nhau, bạn đã thấy chiếc giày dần được định hình rồi, nhưng vẫn còn thiếu đế giày nữa.
Bước 3: May đế giày vào phần thân trên của giày:
Đây là bước phức tạp và khó hình dung nhất đối với người chưa may giày vải bao giờ, nhưng nếu bạn làm thành công một lần thì lại thấy nó rất đơn giản, vậy bạn chịu khó làm tỉ mỉ từng chút một nhé!
Hình dung trước rằng bạn sẽ may một miếng trông có vẻ như chỉ là đế giày, nhưng thực ra bao gồm một lớp đế giày ở dưới, một lớp lót đế giày ở trên, và giữa hai lớp này là phần thân trên giày mà bạn vừa may ở bước 2.
Thứ tự các mặt vải được ghim như sau:
1. Mặt phải của lớp đế giày
2. Mặt phải của phần thân trên giày
3. Mặt trái của phần lót đế giày
Tuy thân giày được nhét gọn giữa hai lớp đế giày và lót đế giày, nhưng đường viền vải xung quanh thân giày vẫn phải được ghim khít cùng đường viền của đế giày, lưu ý sao cho chính giữa mũi thân giày và chính giữa gót giày trùng khit với điểm đỉnh mũi và gót giày nằm trên đế giày.
Nhìn nghiêng bạn sẽ thấy có 4 lớp vải được ghim vào nhau, hai lớp vải thân giày nằm giữa hai lớp vải đế giày.
May một đường viền quanh, chừa 2cm để lộn giày ra mặt phải.
Lật cho mặt trái đế giày lộn lên trên rồi may liền 2 cm mà bạn vừa chừa, nhưng chỉ may trên 3 lớp vải phía dưới, riêng lớp vải phía trên cùng bạn khéo gấp nếp cho nó chệch ra khỏi đường may. Như thế chính phần không may vào sẽ tạo thành một khe hở để bạn lộn giày ra.
Lộn giày ra mặt phải vải, như thế chưa có nghĩa bạn lộn phải giày, mới chỉ là lộn lớp lót giày ra ngoài thôi.
Từ một miếng tưởng như chỉ là đế giày nhưng khi lộn ra bạn sẽ thấy nguyên hình cả chiếc giày, còn nguyên một khe hở chưa may hết.
Gấp mép vải ở phần khe hở vào trong rồi khâu vắt cho kín đế giày.
Khâu thêm một chiếc giày thứ 2 rồi lộn hết ra mặt phải giày. Trong hình màu vải xanh là mặt phải giày, màu vải hoa là lót trong giày. Như vậy bạn đã có một đôi giày vải mềm mại với chun êm ở gót cho bé rồi.
Nếu sử dụng vải có họa tiết hay hình con giống, bạn nhớ đặt sao cho các họa tiết đối xứng hoặc hài hòa với nhau nhé!
Bạn có thể dùng vải thô trắng để thêu tay trang trí giày cho bé, tất nhiên là bạn đã thêu trước khi may giày rồi:
Thêu thưa thoáng hay thêu hoa đại đóa đều rất đẹp, thật điệu cho giày của các bé gái:
Bé trai thường được mẹ chọn cho vải kẻ. Kẻ sọc có sọc màu cùng tông màu với lót giày trông rất khỏe khoắn:
Nếu dùng kẻ caro thì bạn cẩn thận cắt hai miếng mũi giày cân xứng họa tiết nhé, đặt chéo sẽ đẹp hơn thẳng cạnh vuông góc:
Tuy tỉ mỉ nhưng không phải là quá khó để thực hiện, các mẹ cố gắng khâu vài đôi cho bé thay đổi nhé. Đôi khi tận dụng được những mẩu vải vụn họa tiết ấn tượng, giày của bé sẽ độc đáo lắm đấy!
Chúc các mẹ thành công và may được những đôi giày thật đẹp và êm ái cho các bé!
Theo PNO
Giày vải dễ thương giữ chân bé ấm áp
Những ngày cuối năm, không khí trở lạnh hơn, để giữ ấm cho đôi chân của bé không gì bằng những đôi giày mẹ đã khâu bằng cả tình yêu thương dành cho bé!
Bạn cần những nguyên vật liệu như sau:
Vải dạ nhiều màu
Kéo
Kim, chỉ
Dây thun
Ghim nút.
Bước 1:
Vẽ và cắt vải dạ màu vàng: 2 tấm hình oval làm phần đế, 2 tấm dài hình chữ nhật cong ở hai đầu làm phần mũi và gót giày. Cắt 2 đoạn dây thun, mỗi đoạn dài 3cm. Đánh dấu X ở điểm giữa của gót giày trên phần đế, điểm X trên tấm dài phần mũi và gót giày.
Nếu thấy khó cắt bạn có thể in mẫu bên rồi phóng ra theo kích cỡ chân của bé.
Cách đo: Với phần đế giày bạn lấy kích thước lớn hơn chân bé 1cm. Phần mũi và gót: bạn lấy chiều cao từ đế lên trên gót chân = chiều rộng của hình chữ nhật. Chiều dài hình chữ nhật = chu vi của phần đế 4cm.
Bước 2:
Bắt đầu thực hiện với chiếc giày chân phải. Đặt 2 điểm đánh dấu X của phần gót giày và phần đế giày trùng với nhau, dùng ghim giữ cố định chúng lại.
Tiếp theo, bạn lấy phần bên trái mũi giày đặt lên trên mũi của đế giày sao cho 2 đường cong trùng với nhau.
Tương tự, bạn lấy phần bên phải và đặt chồng lên phần mũi bên trái, dùng ghim giữ cố định.
Sau đó bạn làm cho chiếc giày bên trái, dùng ghim giữ cố định cả 2 chiếc giày. Lưu ý khi làm chiếc giày bên trái, bạn đặt ngược phần mũi lên phần đế giày so với chiếc bên phải.
Bước 3:
Đến phần khâu giày, bắt đầu từ điểm đánh dấu X ở gót giày.
Bạn bắt đầu khâu, mũi khâu thứ hai cách mũi khâu thứ nhất 0,3cm, lấy kim và luồn kim vào vòng sợi chỉ vừa khâu, giữ sợi chỉ ở trên; cách khâu giống như khi bạn khâu thùa khuyết làm khuy áo. Tiếp tục thực hiện cho mũi khâu kế tiếp.
Sử dụng cách khâu thùa khuyết may xung quanh chiếc giày.
Bước 4:
Khi khâu đến mũi cuối cùng ở phần gót giày, bạn cột 2 sợi chỉ với nhau.
Dùng kim khâu cố định và chắc chắn ở phần nối.
Cắt bỏ phần chỉ thừa là bạn có một chiếc giày bạn gần hoàn thiện.
Bước 5:
Khâu chữ X cho đoạn dây thun vào bên má trong của chiếc giày.
Luồn chun xuống dưới, khâu chữ X cho phần má ngoài của chiếc giày để giày có độ co giãn khi bé xỏ chân vào.
Làm tương tự cho chiếc giày còn lại là đôi giày đã sẵn sàng cho bé đi rồi!
Những ngày cuối năm, không khí trở lạnh hơn, để giữ ấm cho đôi chân của bé không gì bằng những đôi giày mẹ đã khâu bằng cả tình yêu thương dành cho bé. Với cách khâu dễ dàng, các mẹ có thể tận dụng những mảnh vải len, dạ vụn để khâu cho bé vài đôi giày sắc màu cho bé đi thay đổi trong mùa đông này!
Chúc các mẹ thành công và may được những đôi giày thật đẹp cho bé nhé!
Theo PNO
Làm mới áo phông cho bé chỉ với 5 bước đơn giản Với đôi giày Ballet được đính thêm, chiếc áo trông đẹp và sinh động hơn hẳn! Bạn cần những nguyên vật liệu như sau: Chiếc áo trơn màu của bé Vải vụn: vải hoa hoặc chấm bi (màu sắc nổi bật) Mếch hai mặt, dây ruy băng Kéo, bút vẽ Máy khâu, bàn là Bước 1: Đầu tiên bạn cắt vải chấm bi...