Máy chiếu 200 inch giá hơn 10 triệu đồng
Mi Smart Compact Projector hỗ trợ kích thước từ 40 đến 200 inch, tích hợp sẵn Android TV Box, tìm kiếm và ra lệnh bằng giọng nói tiếng Việt.
Mi Smart Compact Projector là mẫu máy chiếu rẻ nhất từ Xiaomi hiện nay. Đây là phiên bản quốc tế của mẫu Mijia Youth Edition Projector mới ra mắt đầu 2020. Sản phẩm có kích thước nhỏ gọn 150 x 150 x 115 mm và nặng chỉ 1,3 kg, tương đương một mẫu loa Bluetooth và nhỏ bằng một nửa so với một mẫu máy chiếu thông thường. Đi kèm là một điều khiển từ xa và một bộ nguồn 19V. Máy có tông màu trắng chủ đạo, đặc trưng của các sản phẩm từ Xiaomi.
Phía trước được phủ một lớp vải và chỉ để lộ đèn chiếu LED chuẩn Full HD với độ sáng 500 ANSI lumens thấp hơn một chút so với đối thủ chính là JMGO G7 là 700 lumens. Tại thị trường nước ngoài, model JMGO đắt hơn khoảng gần 100 USD.
Đèn chiếu của máy hỗ trợ kích thước từ 40 đến 200 inch, được khuyên sử dụng tốt nhất trong khoảng từ 60 đến 120 inch. Ưu điểm của đèn chiếu là tuổi thọ cao 30.000 giờ so với mức trung bình khoảng 20.000 giờ so với các model mini cùng phân khúc giá khoảng 10 triệu đồng. Ngoài đèn chiếu, mặt trước sản phẩm còn có thêm một cảm biến lấy nét tự động Autofocus.
Máy chiếu của Xiaomi chỉ có duy nhất một phím nguồn, không có các phím tinh chỉnh lấy nét (focus) hay tinh chỉnh góc nghiêng. Tất cả phải cần đến điều khiển từ xa và phải mở máy vào trong để chọn. Điều này sẽ gây đôi chút bất lợi khi người xem chủ yếu dùng nguồn phát ngoài thay vì nguồn phát sẵn bên trong máy.
Không giống các máy chiếu mini khác, Mi Smart Compact Projector tích hợp một Android TV Box bên trong với cấu hình khá tốt, gồm chip xử lý Amlogic T962-X, RAM 2 GB và bộ nhớ 16 GB. Máy chạy Android TV 9.0 với khả năng hỗ trợ tìm kiếm, nhập liệu bằng tiếng Việt qua Google Assistant.
Thử nghiệm cài đặt nhanh cho thấy máy nhận nét (focus) rất nhanh, chỉ mất khoảng một đến hai giây. Điểm đáng tiếc là máy có thể chỉnh góc (keystone) dọc mà không thể chỉnh góc ngang. Người dùng vì vậy sẽ phải để máy thẳng góc với màn chiếu để đạt hiệu quả sử dụng tốt nhất.
Mặt sau với thiết kế đơn giản với giắc cắm nguồn, giắc cắm tai nghe, cổng HDMI để sử dụng nguồn phát ngoài và một cổng USB 2.0. Trong khi đó, phiên bản nội địa là Mijia Mini bản 2020 đã dùng cổng USB 3.0.
Ngoài ra, máy chiếu của Xiaomi cũng tích hợp hệ thống loa kép công suất 5W hỗ trợ Dolby Audio và giải mã DTS HD. Trải nghiệm thực tế cho thấy âm lượng loa lớn, trong nhưng tiếng bass hơi yếu.
Điều khiển từ xa có thiết kế hoàn toàn khác so với bản nội địa (chỉ có một màu trắng). Thiết bị kết nối với máy chiếu qua Bluetooth, sử dụng hai pin tiểu và có tích hợp nút điều khiển bằng giọng nói khá giống mẫu Android TV Box S của Xiaomi.
Mi Smart Compact Projector có thể gắn lên các tripod kích thước tiêu chuẩn nên dễ dàng mang theo các chuyến du lịch, sử dụng thuận tại tiện gia đình mà không cần bố trí giá đỡ cố định. Để đạt kích thước 80 inch, máy chiếu cần để cách màn chiếu 2 mét, 2,5 mét với kích thước 100 inch và 3 mét với kích thước 120 inch (tối đa theo khuyến cáo từ nhà sản xuất). Thử nghiệm đặt xa máy chiếu gần 4 mét, máy có thể đạt kích thước 200 inch nhưng hình ảnh bị mờ và độ sáng kém hơn đáng kể.
Trải nghiệm thực tế Mi Smart Compact Projector cho hình ảnh sắc nét, đủ với nhu cầu gia đình hoặc nhóm bạn đi du lịch với độ phân giải Full HD. Máy có thể chiếu trực tiếp lên tường màu trắng phẳng là đủ cho trải nghiệm xem tốt. Tuy nhiên, do độ sáng không quá cao, môi trường phải thật tối hoặc cần mua thêm màn chiếu để giảm độ tản sáng cũng như hạn chế bớt ảnh hưởng. Chỉ cần một ánh sáng từ đèn downlight công suất 5W phía sau máy chiếu cũng có thể khiến hình ảnh khó xem hơn đáng kể, đặc biệt là các bộ phim với nhiều cảnh tối.
Do sử dụng Android TV tiêu chuẩn, giao diện máy rất dễ sử dụng. Các phần mềm như Netflix, Youtube có đầy đủ chứng chỉ, cài đặt dễ dàng (phiên bản nội địa cũng chạy Android với giá rẻ hơn nhưng không thể cài các phần mềm yêu cầu chứng chỉ bản quyền).
Mi Smart Compact Projector có giá bán tại Việt Nam vào khoảng hơn 10 triệu đồng – mức hợp lý cho trải nghiệm màn hình lớn tới 120 inch và tính di động cao, tích hợp sẵn Android TV Box.
Chụp ảnh chân dung online thời Covid-19
Một nhiếp ảnh gia Mỹ nảy ý tưởng chụp ảnh khách hàng qua máy chiếu để duy trì đam mê và kiếm thu nhập khi studio đóng cửa vì Covid-19.
"Rất tuyệt, tôi nghĩ chúng ta có bức ảnh đẹp nhất rồi", Jeremy Cowart nói. Anh vội vã tiễn khách rồi chuyển ảnh vào máy tính để chỉnh sửa và đóng khung. Đó là buổi chụp cuối cùng của Cowart tại studio ở Tennessee, trước khi chính quyền ban hành lệnh phong tỏa ào cuối tháng 3.
Nhiếp ảnh gia Jeremy Cowart giải thích về hệ thống chụp ảnh qua máy chiếu.
Trong thời gian cách ly, khách hàng không thể đến studio của Cowart và anh cũng không thể tới nhà của khách để chụp ảnh. Để có thể duy trì hoạt động và kiếm tiền, anh thực hiện dự án "Love Transported".
Trước ống kính 24-70 mm khẩu độ f/2.8 lắp trên máy ảnh Canon 5DS, Cowart đặt một khung ảnh trống kiểu cổ điển với mặt lưng bằng gỗ. Người tham gia sẽ ngồi tại nhà và livestream qua CrowdCast, một dịch vụ họp trực tuyến tương tự Zoom.
Hình ảnh livestream được Cowart phóng lên khung ảnh thông qua máy chiếu. Bên cạnh đó là một máy chiếu khác cho phép anh thay đổi tùy ý giữa các phông nền tự thiết kế.
Ngoài ra, anh cũng trang bị hai dàn đèn flash chuyên dụng Profoto D2 hướng vào trước và sau khung ảnh. Cowart thuê một trợ lý điều hành buổi livestream, trong khi anh bận rộn với công việc hậu trường.
Jeremy Cowart trong một buổi chụp ảnh từ xa ở studio tại Tennessee, Mỹ.
"Mục tiêu của tôi là ghi lại những bức chân dung trong giai đoạn đáng nhớ của lịch sử thế giới", Cowart nói. "Trong tương lai, chúng ta sẽ còn nhắc nhiều về thời kỳ đại dịch".
Hạn chế của kỹ thuật này là chất lượng ảnh thấp do ghi lại bởi webcam của tình nguyện viên nhưng nó giúp tác phẩm trở nên ấn tượng. "Chúng có thể là những bức hình mờ, đầy răng cưa nhưng lại mang vẻ đẹp nghệ thuật trừu tượng", anh giải thích.
Sự kết hợp giữa đường nét răng cưa của ảnh phát từ máy chiếu, khung gỗ cổ điển và bộ lọc đa năng Lensbaby Omni lắp trên ống kính camera tạo ảnh chân dung mang phong cách cổ điển. Cowart cho biết anh chỉ chỉnh màu sắc độ tương phản của ảnh RAW, mà không cần thực hiện hiệu ứng phức tạp.
Theo Digital Trends , kỹ thuật chụp ảnh từ xa không chỉ cho phép Cowart tiếp tục niềm đam mê, mà còn giúp anh kiếm thêm thu nhập trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp địa phương phải đóng cửa. Anh có thể chụp cho mọi người khắp thế giới mà không cần rời khỏi studio.
"Phần thú vị nhất đối với tôi là không biết ai là khách hàng tiếp theo. Trong chốc lát, tôi có một bộ sưu tập ảnh chân dung của người thân, bạn bè, một khách từ Dublin và một nhạc sĩ ở Nam Phi", Cowart nói.
Trước đó, một số nhiếp ảnh gia đã có ý tưởng chụp ảnh từ xa qua ống kính tele và FaceTime. Conwart chọn xây dựng bộ sưu tập Love Transported bởi anh có kinh nghiệm sử dụng máy chiếu và coi đó là phong cách riêng. Coward cũng hy vọng có cơ hội chụp ảnh chân dung từ xa cho các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.
"Khi hình ảnh của mỗi người được chiếu lên một mặt phẳng thì chỉ có duy nhất một góc chụp", Cowart chia sẻ. "Tuy nhiên, tôi nghĩ nó rất thú vị. Chụp qua máy chiếu giúp studio của tôi duy trì doanh thu và tôi luôn hoan nghênh các nhiếp ảnh gia khác làm theo".
Việt Anh
Lắp phòng chiếu phim tại nhà tránh dịch Nhu cầu lắp máy chiếu tăng mạnh gần đây, khi rạp chiếu phim đóng cửa và các tín đồ công nghệ mê phim ảnh có nhiều thời gian ở nhà. Trong nhóm những người sử dụng máy chiếu xem phim trên Facebook, chủ đề bàn luận về mua máy chiếu thế nào, thiết lập hệ thống xem phim tại nhà ra sao... tăng...