Mất tiền vì để lộ thông tin thẻ tín dụng: Lỗi thuộc về ai?
Trong vài năm qua, Việt Nam đã trở thành vùng trũng của vấn đề bảo mật thẻ tín dụng. Vậy nên, trong nhiều trường hợp bị mất tiền do lộ thông tin, khách hàng và Ngân hàng đều đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Tại một cuộc tọa đàm diễn ra vào ngày 14/6 tại TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc ngân hàng Nhà nước (chi nhánh TP.HCM) chia sẻ, nguyên nhân quan trọng khiến hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng ở Việt Nam còn thấp là bởi người tiêu dùng không có nhiều niềm tin với các Ngân hàng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Ngân hàng số (ngân hàng Bưu Điện Liên Việt – LienVietPostBank) đánh giá, số lượng rất lớn các thẻ từ đang lưu hành trên thị trường chính là lỗ hổng bảo mật và an ninh thông tin, khiến rủi ro của người tiêu dùng Việt nằm trong nhóm cao nhất Đông Nam Á.
“Một nguyên nhân khác khiến sự bảo mật của các tài khoản tín dụng thấp là do ý thức người tiêu dùng chưa cao. Về nguyên tắc, người tiêu dùng không được đưa thẻ cho các nhân viên ở các cửa hàng tự ý quét thẻ mà phải chính mình thực hiện để đảm bảo an toàn. Đây là lỗi mà rất nhiều người mắc phải”, ông Bình nhận xét.
Mức độ bảo mật thẻ ngân hàng của Việt Nam còn kém là nguyên nhân dễ xảy ra mất tiền trong tài khoản.
Để khắc phục tình trạng bảo mật kém, như việc người tiêu dùng mất tiền trong tài khoản không rõ nguyên nhân, ngân hàng Nhà nước đã ban hành 2 giải pháp. Thứ nhất, thúc giục các ngân hàng nhanh chóng chuyển đổi lượng thẻ từ đang lưu hành trên thị trường sang thẻ chip và phải hoàn thành 100% vào năm 2021.
Thứ hai, nếu khách hàng bị mất tiền trong tài khoản, đơn vị ngân hàng phải nhanh chóng đi xác định nguyên nhân và trong thời gian 5 ngày, phải hoàn tiền cho khách hàng nếu lỗi không thuộc về họ.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc công ty Luật BASICO, trong chuyện người Việt dễ dãi khi xài thẻ tín dụng, một phần lỗi thuộc về ngân hàng. “Đáng lẽ, trong quá trình làm thẻ cho người tiêu dùng, nhân viên ngân hàng phải giải thích rõ ràng, khách hàng nên làm gì và không nên làm gì với thông tin cũng như thẻ tín dụng của mình. Ngân hàng cũng phải có trách nhiệm yêu cầu các cửa hàng sử dụng máy POS không được tự ý lấy thẻ của khách để quét mà phải để khách tự tay thực hiện thao tác thanh toán. Nếu không, người tiêu dùng có quyền phản ánh lên hệ thống ngân hàng”, luật sư Hải bày tỏ.
Luật sư Trần Minh Hải đánh giá, các quy định giải quyết sự cố mất tiền vì lỗi bảo mật vẫn chưa giải quyết hết những phức tạp thực thế.
Video đang HOT
Đồng thời, luật sư Trần Minh Hải cũng đề cập: “Khi thực hiện một hợp đồng mở tài khoản và làm thẻ tín dụng, tất cả những thông tin về mã pin, họ tên, ngày tháng hết hạn… đều được ngân hàng trao cho người tiêu dùng và quy định là người tiêu dùng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi thông tin bị lộ. Thế nên, ngân hàng rất dễ kết luận rằng, khách hàng đã lơ là để lộ thông tin thẻ khi xảy ra sự cố và người tiêu dùng rất khó chứng minh rằng ngân hàng nói thế là đúng hay sai”.
Vì thế, chuyên gia pháp lý nhận định, giải pháp của ngân hàng Nhà nước chỉ là hướng dẫn chung, còn tình hình thực tế xảy ra luôn hết sức phức tạp, rất hiếm người tiêu dùng được hoàn lại tiền trong vòng 5 ngày. Do đó, luật sư Hải đề xuất, cần có một tổ chức độc lập để bảo vệ người tiêu dùng trong những vụ tranh chấp với ngân hàng.
Theo người đưa tin
Sai lầm cơ bản khiến bạn lộ thông tin cá nhân, mất tiền trong thẻ
Số thẻ tín dụng có thể bị lộ do bản thân người dùng sơ suất, hoặc khả năng bảo mật kém từ những nhà cung cấp dịch vụ mua hàng online.
Thời gian gần đây, các thông tin cá nhân được cho là của khách hàng FPT Shop và Thế Giới Di Động liên tục bị đăng tải lên diễn đàn r***.ms, nơi chuyên chia sẻ những dữ liệu mật được khai thác từ trên mạng. Những thông tin này bao gồm email, số điện thoại, tên và cả số tài khoản ngân hàng.
Điều này dấy lên nhiều lo ngại về vấn nạn đánh cắp dữ liệu cá nhân từ các tin tặc. Thậm chí, nhiều người dùng cũng cho biết bản thân đã bị lừa sạch tiền trong tài khoản khi giao dịch qua Internet. Dưới đây là những chiếc "bẫy thông tin" cơ bản khiến người dùng có thể trở thành nạn nhân của kẻ gian.
Lộ số thẻ vì chủ quan
Nguyên nhân đầu tiên của việc lộ thông tin có thể đến từ những thói quen hàng ngày của người dùng.
Việc sử dụng các loại thẻ ATM hoặc Visa trong quá trình mua sắm, thanh toán các hóa đơn đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa có ý thức bảo mật thông tin trên thẻ trong các giao dịch thường ngày. Họ thường có thói quen đưa thẻ ATM hoặc thẻ tín dụng cho nhân viên thanh toán nhưng không kiểm soát quá trình quẹt thẻ. Việc này có thể dẫn đến nhiều rủi ro không thể lường trước.
Đối với thẻ tín dụng, người dùng nên ghi nhớ ba số bảo mật sau thẻ (số CCV) vào một nơi an toàn. Sau đó, người dùng có thể cạo sạch ba số này để phòng rủi ro khi bị mất thẻ. Hạn chế chia sẻ ảnh chụp thẻ và chia sẻ lên mạng xã hội.
Một bức ảnh bao gồm cả thông tin khách hàng, mã số sản phẩm và chứng minh thư của khách bị chia sẻ trên diễn đàn.
"Trong trường hợp chủ thẻ mất kiểm soát hoặc không biết thẻ được mang đi đâu, các thông tin trên thẻ từ có thể bị sao chép lại để làm thẻ giả. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà nó cũng đang trở thành vấn nạn khắp nơi trên thế giới", ông Rahn Wood, phó Giám đốc Phụ trách khối Khách hàng bán lẻ Eximbank cho biết.
Thêm vào đó, hiện nay khi đi mua sắm, đặc biệt là mua hàng trả góp, người dùng sẽ phải để lại nhiều thông tin cá nhân như số căn cước, số điện thoại, email... cho các nhà bán lẻ. Nếu nhà bán lẻ bảo mật kém, hacker có thể sẽ tấn công những hệ thống này và lấy đi toàn bộ số thông tin nhạy cảm.
Bên cạnh đó, một số cửa hàng cũng yêu cầu người mua để lại thông tin cá nhân như email, họ tên, số điện thoại, ngày sinh... để có thể hưởng các chính sách khuyến mãi. Người dùng nên cân nhắc kỹ và hạn chế cung cấp thông tin dạng này. Hacker khi có dữ liệu này trong tay có thể áp dụng các kỹ thuật xã hội để dò mật khẩu các tài khoản quan trọng khác, tìm thêm các thông tin liên quan và ra tay khi ở thời điểm chín muồi.
Tải các tập tin lạ từ Internet, dùng phần mềm bẻ khóa
Khi tải các tập tin không rõ nguồn gốc từ Internet, người dùng có khả năng bị lây nhiễm mã độc được cài cắm sẵn và rất dễ lây lan sang các thiết bị khác.
Với tập tin được cho là thông tin liên quan đến khách hàng của FPT Shop do một thành viên trên diễn đàn r***.com đăng tải, khi người dùng mở các tập tin này, máy tính của người dùng sẽ bị lây nhiễm mã độc đã được đính kèm trong các tệp tin thực thi. Thông tin này được đại diện Cục ATTT xác nhận.
Ảnh cho thấy hacker đã cài mã độc vào tập tin được cho là dữ liệu thông tin của khách hàng FPT Shop.
Khi đó, thông tin trên máy tính của người dùng có thể bị chiếm đoạt, mã hóa, bị xóa toàn bộ. Tệ hại hơn, máy tính của người dùng có thể bị lợi dụng để tấn công sang máy tính, hệ thống khác.
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người sử dụng máy tính tại Việt Nam có thói quen tải các ứng dụng lậu, phần mềm bẻ khóa trôi nổi trên các diễn dàn. Những phần mềm này nhiều khả năng ẩn chứa mã độc của tin tặc và chúng sẽ đánh cắp dữ liệu hay có thể chiếm luôn quyền kiểm soát máy tính.
Nhập thông tin thẻ vào các web lừa đảo
Đầu tháng 10 vừa qua, hàng loạt người dùng Facebook cho biết đã bị kẻ gian lừa đảo bằng hình thức tạo các trang web giả, sau đó lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng.
Theo đó, kẻ gian sẽ gửi cho nạn nhân những đường link trang web như: https://westernunion-confirm.weebly.com/ hoặc https://nhantienonlinequocte.weebly.com/internetbanking.html và yêu cầu đăng nhập các thông tin để thực hiện giao dịch.
Sau khi truy cập theo đường dẫn trên, nạn nhân được chuyển đến một trang web có giao diện tương tự trang web của công ty Western Union có trụ tại Mỹ. Thực chất, đây đều là những trang giả mạo.
Tại đây, trang web lừa đảo này sẽ yêu cầu nạn nhân điền thông tin tài khoản ngân hàng và mật khẩu để đăng nhập. Tiếp đó, nạn nhân sẽ cần điền đầy đủ thông tin và mã xác nhận OTP của tài khoản ngân hàng đang sử dụng.
Chỉ vài phút sau khi nhập mã OTP, số tiền trong tài khoản của những người này lập tức bị trừ sạch. Thủ đoạn trên không mới, bởi dùng hình thức "phishing" (tạo website giả mạo), nhưng vẫn lừa được những nạn nhân ít kinh nghiệm giao dịch trực tuyến.
Kẻ gian tạo trang web giả để lừa lấy mã OTP tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Trong một email gửi đến Zing.vn cuối 2017, ông Sabbir Ahmed - Giám đốc khối Dịch vụ tài chính cá nhân và Quản lý tài sản của ngân hàng HSBC Việt Nam chia sẻ một số khuyến cáo đến người dùng để bảo vệ thông tin cá nhân.
Nguyên tắc quan trọng nhất là người dùng cần giữ thẻ cẩn thận như giữ tiền trong túi, luôn mang theo thẻ và không bao giờ đưa thẻ cho người khác sử dụng, hoặc chia sẻ thông tin về thẻ như số thẻ, ngày hết hạn, số PIN, số CVV (ba chữ số ở mặt sau thẻ).
Khi mua hàng trực tuyến, chủ thẻ nên kiểm tra xem trang web đó có phải là trang web được bảo mật hay không. Dấu hiệu để nhận biết một trang web được bảo mật chính là biểu tượng ổ khóa cạnh đường dẫn đến trang web trong thanh địa chỉ. Chỉ nên giao dịch với những trang web có uy tín. Một số trang web mua hàng có thêm các tính năng như "Được xác nhận bởi Visa" hay "Mã bảo mật của MasterCard". Đây là biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ cho chủ thẻ.
Đồng thời, các chủ thẻ cũng cần lưu ý đến những tin nhắn điện thoại thông báo giao dịch và kiểm tra kĩ sao kê. Khi thấy nghi ngờ về bất kì giao dịch nào, chủ thẻ cần báo ngay cho ngân hàng càng sớm càng tốt. Nếu chủ thẻ thận trọng và báo cáo kịp thời các giao dịch có dấu hiệu bất thường với ngân hàng càng sớm, ngân hàng sẽ có biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn.
Theo Báo Mới
Chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, tội phạm mạng có giảm? Theo Đại tá Đỗ Anh Tuấn, thẻ từ được ngành ngân hàng ứng dụng rộng rãi trong những năm qua, mang lại những thành quả rất tích cực. Tuy nhiên, tội phạm mạng đã lợi dụng những lỗ hổng, những hạn chế của tấm thẻ từ để thực hiện phạm tội, để lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Đại tá...